Đình Văn Cú xã An Đồng, huyện An Dương thờ phụng hai vị trung thần là Thái thú Đồng Châu Đỗ Huy và Thứ sử Hoan Châu Đỗ Quang trên quê hương. Hai vị đã hy sinh khi cố gắng bảo vệ nhà Đinh sau khi vua Đinh Tiên Hoàng bị ám sát.
Đình Văn Cú ở xã An Đồng, huyện An Dương hiện không còn giữ
được dáng vẻ nguy nga, thâm nghiêm như những gì tiền nhân đã dày công xây dựng,
truyền lại cho hậu thế. Tương truyền, đình Văn Cú được xây dựng ngay trên nền
gia thất cũ mà hai vị thành hoàng là Đỗ Quang và Đỗ Huy sinh ra và lớn lên…
Bản thần tích xã Văn Cú, tổng Văn Cú, huyện An Dương, tỉnh
Kiến An về 2 vị đại vương trung thần triều Đinh do Quản giám bách thần Tri điện
Hùng Lĩnh Thiếu Khanh Nguyễn Hiền phụng sao vào niên hiệu Vĩnh Hựu thứ 2, đời
vua Lê Ý Tông cung cấp: đình Văn Cú thờ 2 nhân vật lịch sử là Đỗ Huy và Đỗ
Quang có nguồn gốc từ thời Đinh - Lê.
Thư tịch cổ và truyền ngôn địa phương kể rằng: “Xưa kia, vào
thời loạn 12 sứ quân, ở huyện Đường Lâm, đạo Sơn Tây có gia đình họ Đỗ, tên Vĩ,
thuộc dòng dõi Đỗ Công Hàn, giỏi Nho học, tinh thông nghề thuốc, ít ai sánh kịp.
Ông Vĩ lúc ấy đã nổi tiếng là bậc anh hào huyện Đường Lâm. Sứ
quân Ngô Nhật Khánh cát cứ ở vùng này nghe danh muốn dụ dỗ Đỗ Vĩ nhằm hãm hại
ông. Do vậy, Đỗ Vĩ đã đem gia quyến chạy đi nơi khác lánh nạn.
Một hôm ông đến trại Văn Cú, huyện An Dương, phủ Kinh Môn, xứ
Hải Dương. Thấy nơi đây có một thế đất đẹp, phía sau có núi làm chỗ dựa, bên phải
có tay long, bên trái có tay hổ chầu về, thực là nơi cát địa.
Ông bèn xin phép dân trang được chọn khu đất này làm nhà ở,
sau đó lấy một goá phụ họ Trần, tên là Trần Thị Thân làm vợ. Hai ông bà dựng
quán bán nước tại ngã 3 đường liên thôn, cạnh quán có cây thị già toả bóng râm
mát, nên chẳng bao lâu quán của ông bà trở thành nơi nghỉ chân, trò chuyện của
dân thôn và khách bộ hành.
Ngày qua tháng lại, đến năm Ất Mão thì ông bà sinh hạ được 2
người con trai và đặt tên cho người con cả là Quang, con thứ là Huy. Khi đã
khôn lớn trưởng thành, do có kết giao với người anh họ là Cao Tuấn, Đỗ Quang đã
đi theo giúp vua Đinh Tiên Hoàng dẹp loạn 12 sứ quân, lập được nhiều công lớn
và được vua phong đến chức Giám điều quân định.
Lúc bấy giờ, sứ nhà Tống tự phụ cậy có gà chọi hay, nhiều lần
lên tiếng thách vua Đinh đấu gà chọi. Hắn doạ rằng nếu thua liền 3 ván sẽ cất
quân sang đánh. Vua hoảng sợ, bèn xuống chiếu cầu người có gà chọi hay giúp
vua. Đỗ Quang bèn tiến cử với vua người em ruột là Đỗ Huy, người say mê chơi gà
chọi có tiếng. Vua mừng lắm, bèn hẹn lịch đấu gà.
Gà của sứ Tống dù đấu hay nhưng đã nhiều phen thua chạy làm
sứ Tống phải thán phục. Từ đó, tiếng tăm về gà chọi ở Văn Cú lan truyền khắp
nơi. Vui mừng phấn khởi vì chiến thắng trong cuộc đấu gà, nhà vua đã ban chức
cho Đỗ Huy làm Thái thú Đồng Châu và thăng chức cho Đỗ Quang làm Thứ sử Hoan
Châu. Hai anh em bèn từ biệt nhà vua đi nhậm chức.
Ở các nơi trị nhậm, hai ông đã thi hành nhiều chính sách tiến
bộ, làm nhiều việc nhân đức, coi dân như con của triều đình lên trong châu được
bình yên, chốn lỵ sở không ngớt tiếng đàn dịch tiêu dao, nhân dân ái mộ ca tụng
công đức, yêu thích như cha mẹ. Đến tháng 10 năm Kỷ Mão (984), quan Thập đạo tướng
quân Lê Hoàn cùng với Thái hậu Dương Vân Nga buông rèm nhiếp chính.
Vốn là trọng thần của triều vua trước, hai ông cùng với các
trung thần khác như Nguyễn Bặc, Đinh Điền... dấy binh chống lại. Do binh cùng lực
kiệt, hai ông Đỗ Quang và Đỗ Huy cùng số binh sỹ còn lại xuống thuyền rút lui về
trang Văn Cú bày trận ở Đống Đa, Đống Trúc để chống cự.
Ba ngày sau, hai ông tử trận. Dân làng thương cảm, bèn an
táng Đỗ Quang ở Đống Đa, Đỗ Huy ở Đống Trúc. Sau lập đình để tôn thờ như những
vị trung thần ngay tại ngôi nhà mà hai ông đã sinh ra. Đây được coi là nghĩa cử
hiếm thấy của dân làng Văn Cú, huyện An Dương. Bởi lẽ, các ông Đỗ Quang và Đỗ
Huy vì lòng trung nghĩa dám liều thân cùng Định quốc công Nguyễn Bặc và Ngoại
giáp Đinh Điền bảo vệ ấu chúa Đinh Toàn hòng bảo tồn ngôi báu của triều Đinh,
triều đại mà các ông góp công tạo dựng nên.
Các ông đã trở thành kẻ thù của Lê Đại Hành - người sáng lập
ra nhà Tiền Lê sau này với võ công hiển hách phá Tống, bình Chiêm, mở mang bờ
cõi cho đất Việt. Theo lý giải của các bậc cố lão địa phương thì vị thành hoàng
Đỗ Quang và Đỗ Huy chống lại Thập đạo tướng quân Lê Hoàn chứ không phải chống lại
vua Lê Đại Hành.
Đương thời, gia đình anh em Đỗ Quang, Đỗ Huy là một trong những
công thần khai quốc, sáng lập nên vương triều Đinh (xét tư cách này thì Lê Hoàn
cũng như vậy), khi anh em ông khởi binh chống lại Lê Hoàn, nhiều sử gia thời
phong kiến đó không ngần ngại xếp họ vào giặc nổi loạn.
Tuy nhiên, theo lý của người làng Văn Cú thì đạo tam cương
là đạo thường của muôn đời, không thể một ngày rối loạn. Đại Hành khi nhiếp
chính, dù Vệ Vương (Đinh Toàn) còn nhỏ cũng vẫn là vua, mà lại xưng phó vương
là một điều bất lợi, làm tôi không được rắp tâm làm loạn, rắp tâm làm loạn tất
phải giết, phép của Kinh Xuân Thu, ai ai cũng phải thi hành...
Nội dung bản thần tích còn nêu một vài sự kiện như vào triều
Nhà Trần, đời vua Anh Tông, niên hiệu Hưng Long (1293 - 1314), trong khi dẫn
binh đi dẹp loạn Chiêm Thành, hai ông đã âm phù, giúp vương triều Trần đánh thắng
giặc ở vùng biển Nam Triệu nên đã được vua Trần ban sắc gia tặng cho thần tước
đại vương, lại ban mỹ tự cho vị thứ nhất hai chữ Hiển Ứng, vị thứ hai là Anh
Huy.
Đến thời Lê, niên hiệu Hồng Đức năm đầu (1470) lại gia phong
Đỗ Quang là Đống Đa Hiển ứng, Chiêu cảm Đại vương. Đỗ Huy là Đống Trúc Anh Huy,
Trung liệt Đại Vương, phê chuẩn cho trang Văn Cú, huyện An Dương phụng thờ.
Đình hiện có kiến trúc đơn giản, tọa lạc trong khuôn viên rộng
rãi và riêng biệt, phía trước là hồ nước, nơi tụ thủy, tích phúc cho thế đất
không bao giờ cạn nước. Bù lại sự khiếm khuyết của hệ thống kiến trúc gỗ, trong
di tích đình Văn Cú còn bảo lưu khá nhiều di vật.
Toàn bộ hệ thống cửa võng bao
gồm 5 lớp trang trí tại gian trung tâm tiền đường và 3 gian hậu cung hiện lên
trong di tích như một cung điện rực rỡ vàng son. Nét chạm khắc cầu kỳ tinh xảo,
tượng trưng tiêu biểu cho nghệ thuật dân tộc. Ngoài ra, tại đây cũng còn nhiều
di vật có giá trị khác như khám luyện, long đình, nhang án, đại tự, câu đối…
làm phong phú thêm kho tàng di sản văn hoá dân tộc.
Dù thế nào đi chăng nữa, anh em Đỗ Quang, Đỗ Huy - những con
người trung nghĩa, những vị thuỷ tổ của một trong những dòng họ lớn vào loại lớn
nhất, lâu đời nhất của huyện An Dương, của thành phố Hải Phòng: họ Đỗ - cũng xứng
đáng được coi là những nhân vật lịch sử của Đất Cảng cần được giới sử học, văn
hoá dân gian quan tâm hơn nữa.
Theo Trần Phương (An
Ninh Hải Phòng)