Đình Văn Giáp có từ thời Lê, thuộc xã Văn Bình, Thường Tín, thành phố Hà Nội. Đình thờ phụng Minh Lang đại vương và danh tướng Lê Phụng Hiểu thời Lý, được xếp hạng di tích lịch sử nghệ thuật quốc gia năm 1993.
Văn Giáp là một trong 3 thôn (Văn Giáp, Văn Hội, Bình Vọng)
thuộc xã Văn Bình, huyện Thường Tín, trước 1945 thuộc tổng Hà Hồi, tỉnh Hà
Đông.
Huyện Thường Tín là nơi có những di chỉ khảo cổ học của thời
kỳ đá mới và văn hóa Đông Sơn. Dân xã Thắng Lợi từng tìm được 21 rìu đá trong một
ngôi mộ ven sông Kim Ngưu. Cách đó 3 km họ đào được nhiều "mộ thuyền"
chứa các đồ tùy táng bằng đồng như mũ, lá chắn, giáo, tên... Thường Tín cũng có
những địa danh đi vào lịch sử như Chương Dương Độ (nơi nhà Trần tiến hành trận
đánh năm 1285, dẫn đến đập tan cuộc xâm lược lần thứ hai của quân Nguyên) và Hà
Hồi (nơi mở màn chiến thắng quân Thanh của vua Quang Trung trên đường giải
phóng Thăng Long năm 1793).
Xã Văn Bình có diện tích 5,23 km², dân số 10.733 người; phía
bắc giáp xã Nhị Khê và Duyên Thái, phía đông giáp xã Liên Phương, phía tây giáp
xã Hòa Bình và thị trấn Thường Tín, phía nam giáp xã Hà Hồi. Ngoài nghề nông,
nhiều hộ dân còn làm nghề vàng mã. Từ cuối thế kỷ XV đến TK XIX, nơi đây từng
sinh ra 10 vị đỗ tiến sĩ Nho học.
Đình làng Văn Giáp có từ rất lâu đời nhưng không ai rõ đích
xác được xây vào năm nào. Cụ thủ từ cho biết đình thờ hai vị thành hoàng là
Minh Lang đại vương và danh tướng Lê Phụng Hiểu 黎 奉 曉 (982? - 1059?).
Theo bản thần phả chép ngày 15 tháng giêng năm Dương Hòa
2 (1637), vị thành hoàng thứ nhất sinh vào "thời Lý Thái Tổ, họ là
Minh tên là Lang, người Hồng Châu, tòng chinh đi đánh Chiêm Thành có công lao
to lớn nên được phong là Ma Sử Bố Chánh Sứ, về chính trị có nhiều tài năng,
hàng phục được người Man, về sau linh ứng rõ ràng, được phong là Bảo quốc".
Vị thành hoàng thứ hai Lê Phụng Hiểu sinh ngày 8 tháng 1
âm lịch. Ngài quê ở hương Băng Sơn, tổng Dương Sơn, huyện Cổ Đằng, nay thuộc
xã Hoằng Sơn, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Thuở hàn vi không được đi học,
trở thành một đô vật có tiếng (đô Bưng). Lớn lên làm đại tướng, phục vụ ba vị
vua đầu tiên của nhà Lý (Thái Tổ, Thái Tông, Thánh Tông). Trong loạn Tam vương
năm 1028 ngài chém chết Võ Vương và phò thái tử Lý Phật Mã lên ngôi. Sau lại
có công đuổi Chiêm Thành (1044).
Di tích đình Văn Giáp tọa lạc trong một khuôn viên vuông vắn
khá rộng và địa giới chỉ cách mặt quốc lộ QL1A vài chục bước. Du khách theo ngõ
lớn đi vào làng sẽ thấy bên phải là cổng đình mới xây lại theo kiểu đơn giản.
Có lẽ trước kia nghi môn với các trụ biểu cũ đã bị phá khi mở rộng đường cái.
Sau cổng là sân gạch, bên phải có cây si cổ thụ và ao đình,
bên trái là tòa tiền tế rộng 5 gian, cửa gỗ bức bàn. Ngôi đình vừa trải qua một
đợt đại trùng tu vào đầu thế kỷ XXI, kiến trúc phỏng theo phong cách nghệ thuật
cuối thời Nguyễn. Công trình chính được xây trên nền rất cao, thềm rồng gồm 9 bậc,
mặt nhìn về hướng tây.
Mái đình cong nhẹ, trên có đắp tượng các linh vật với kích
thước nhỏ. Bên trong cao ráo và trang trí khá đẹp, đáng tiếc các mảng chạm gỗ bị
tô sơn màu hơi lòe loẹt. Hậu cung sâu 4 gian, đồ tự khí cổ không còn nhiều. Năm
1993 đình Văn Giáp đã được xếp hạng là Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia.
Hàng năm nhân dịp Phật đản, người dân hai làng Văn Giáp, Văn
Hội cùng tổ chức lễ hội trong 3 ngày 7, 8, 9 tháng tư Âm lịch. Địa điểm gồm
đình làng Văn Giáp, chùa Pháp Vân và chùa Văn Hội.
Trong dịp này, đông đảo các bô lão và nhân dân tham
gia các nghi thức như: lễ rước nước sông Hồng ở Bến Đam, lễ mộc dục, lễ khai
quang, lễ thỉnh Phật, lễ rước kiệu (chỉ có ở năm chẵn) với hai Ban tế nam, nữ
dâng tuần tế Thánh, tụng kinh và tiến lễ từ Văn Hội sang Văn Giáp rồi ngược lại.
Những cuộc thi đua vui chơi thì tùy theo từng năm mà có chương trình riêng.
Ngay cùng trong xã
Văn Bình còn có những điểm du lịch khác như chùa Pháp Vân (Thường Tín), đình
Bình Vọng và chùa Văn Hội.
Nguồn: https://www.360.hncity.org/