Nằm ở chân dãy núi Khám Sơn là vùng đất “tứ linh” của huyện Tiên Du, thôn Vân Khám thuộc xã Hiên Vân, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh, là một làng cổ ghi dấu về lai lịch, công trạng của Lý Nam Đế trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc ta.
Đình Vân Khám là trung tâm sinh hoạt văn hóa tâm linh của cộng
đồng, được khởi dựng từ lâu, gắn với bề dày lịch sử, văn hiến của làng xã nơi
đây. Đến thời Lê Trung Hưng đình được xây dựng mở rộng với quy mô to lớn, chạm
khắc trang trí “tứ linh tứ quý” lộng lẫy, tinh xảo nghệ thuật.
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, ngôi đình cổ đó bị giặc
Pháp phá hoại. Ngay sau hòa bình lập lại, dân làng cùng nhau phục dựng lại tòa
Đại đình để lấy nơi thờ Thành Hoàng làng. Năm 2001, dân làng lại trùng tu tôn tạo
để ngôi đình thêm khang trang.
Điều quý giá là đình Vân Khám còn bảo lưu được bản “Thần
tích Thần sắc” cho biết khá rõ về lai lịch công trạng của Thành Hoàng làng và
vua Lý Nam Đế và Thân Mẫu của Vua. Lý Nam Đế người có công đánh giặc Lương ở thế
kỷ VI lập nên Nhà nước Vạn Xuân độc lập tự chủ đầu tiên của dân tộc ta.
Sử liệu và Thần tích về Thành Hoàng làng Vân Khám cho biết về
sự tích của Lý Nam Đế, tóm tắt như sau: Lý Nam Đế thuở nhỏ tên là Lý Bí, mẹ ông
người ở Long Hưng (Thái Bình), nhưng đến làng Vân Khám cư trú học hành và đã
sinh ra ông ở đây.
Ngay từ nhỏ Lý Bí đã thông minh hiếu học và lớn lên trở
thành bậc văn võ toàn tài nổi tiếng thiên hạ. Bấy giờ (năm 542), nước ta bị nhà
Lương xâm lược dưới sự thống trị tàn bạo của tên Thứ sử Tiêu Tư.
Không chịu nổi ách áp bức bóc lột của ngoại xâm, Lý Bí đã khởi
binh lãnh đạo nhân dân tiến đánh vào thành Long Biên là thủ phủ của quân Lương,
Thứ sử Tiêu Tư khiếp sợ phải chạy tháo thân về nước. Trong vòng vài tháng, dưới
sự lãnh đạo của Lý Bí nhân dân ta chiếm được thành Long Biên và hầu hết
các quận huyện, giải phóng đất nước khỏi ách đô hộ của phong kiến phương Bắc.
Đầu năm 544, Lý Bí lên ngôi vua xưng là Lý Nam Đế là vị
Hoàng Đế đầu tiên của nước ta, lấy niên hiệu là Thiên Đức, đặt tên nước là Vạn
Xuân, đóng đô ở thành Long Biên, xây dựng triều chính gồm các ban văn võ, trọng
các tướng tài giỏi, đúc tiền đồng riêng của nước ta, khẳng định quyền độc lập tự
chủ của dân tộc ta.
Nhưng nhà Lương không từ bỏ âm mưu xâm lược nước ta, đầu năm
545 nhà Lương cử Dương Phiêu làm Thứ sử cùng với tên tướng khát máu Trần Bá
Tiên cùng hàng chục vạn quân chia làm hai đường thủy và bộ ồ ạt sang xâm lược
nước ta. Lý Nam Đế đã cho quân chặn đánh giặc quyết liệt ở vùng sông Lục Đầu,
nhưng do quân giặc quá đông không thể cản được. Lý Nam Đế phải cho quân rút về
giữ thành ở cửa sông Tô Lịch, nhưng cũng không thể cản được thế giặc, các lão
tướng lần lượt hy sinh.
Cuối cùng nhà Vua phải rút quân lên vùng hồ Điển Triệt (Lập
Thạch-Vĩnh Phúc). Lợi dụng một đêm mưa to gió lớn, quân Trần Bá Tiên theo dòng
nước dâng tiến vào đánh úp quân ta. Lý Nam Đế phải rút quân vào động Khuất Lão
(Tam Nông-Vĩnh Phúc) rồi nhà vua ốm mất ở đó vào năm 548.
Để ghi nhớ công lao to lớn của Lý Nam Đế vị Hoàng Đế đầu
tiên của nước ta, có công đánh đuổi giặc ngoại xâm phương Bắc, dựng lên nhà nước
độc lập tự chủ đầu tiên của dân tộc ta, nhân dân nhiều nơi lập đền thờ
ông.
Đặc biệt làng Vân Khám, xã Hiên Vân, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc
Ninh, không những thờ phụng Lý Nam Đế, mà còn thờ Thân Mẫu của Vua là Thành
Hoàng làng, với bản “Thần tích”, cùng những tập tục phản ánh về người được thờ
huyền bí, linh thiêng.
Đình Vân Khám được các triều vua về sau ban tặng sắc phong.
Trong Thần tích của đình Vân Khám còn ghi lại nội dung hai đạo sắc phong của
triều vua Cảnh Hưng phong cho người được thờ là Lý Nam Đế và Thân Mẫu của Vua,
nội dung như sau:
Đạo sắc thứ nhất: “Sắc ban cho vị Lý Nam Đế đại vương. Núi
sông đắp bồi khí tốt, trời đất hun đúc tinh anh, phù dân được phúc lớn, ngăn họa
trừ tai, khiến dân sinh sống yên trên cõi thọ đài xuân.
Giúp nước công thần kỳ diệu, góp phúc ban vui, cơ đồ nhà vua
thực vững nhà bàn đá Thái Sơn. Công tương trợ tỏ ngời lẫm liệt, nên xét bao
phong theo điển chương. Vì trẫm nối theo ngôi báu, vào trụ trì trong triều
chính, làm lễ đăng trật, ưng gia phong hai mỹ tự. Ngài xứng đáng được gia phong
là Lý Nam Đế địch triết dương vũ đại vương. Vậy ban sắc!
Ngày 26 tháng 7 niên hiệu Cảnh Hưng 44 (1783)”.
Đạo sắc thứ hai:
“Sắc ban cho vị Đương Cảnh Thành Hoàng Khổng thánh Hoàng hậu
đại vương. Núi sông đắp bồi khí tốt, sông biển chung đức tinh anh. Trên phối với
trời, dưới hợp với đất, tham dự huyền diệu. Uy danh hiển hách, linh ứng dồi
dào, cơ ngầm vận giỏi. Nghĩ đến công thần hiển ứng, nên xét duệ hiệu để bao
phong. Vì trầm tiến phong ngôi báu, vào dự trong triều chính, làm lễ đăng trật,
ưng gia phong hai mỹ tự. Ngài xứng đáng được gia phong là Đương cảnh Thành
Hoàng Khổng thánh Hoàng hậu khang dân phù trợ đại vương. Vậy ban sắc!
Ngày 26 tháng 7 niên hiệu Cảnh Hưng 44 (1783).
Đình Vân Khám, xã Hiên Vân, huyện Tiên Du, với những tài liệu
cổ vật trên trở thành di sản văn hóa quý giá để góp nghiên cứu lịch sử, văn hóa
về triều Tiền Lý trong lịch sử dựng nước và giữ nước của Việt Nam.
Đỗ Thị Thủy (Ban quản lý di tích tỉnh Bắc Ninh)