Đình Vân La, xã Hồng Vân, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội thờ phụng Thánh Chử Đồng Tử và Nhị vị Công chúa (Tiên Dung công chúa và Hồng Vân công chúa) – Một trong 4 truyền thuyết tứ bất tử của dân tộc Việt, bên hữu là thờ Quận Công Đỗ Bá Phẩm, bên tả thờ thổ thần. Trong Đình hiện còn lưu giữ được 36 đạo sắc phong của các triều vua thời Phong kiến.
I. Khái quát lịch sử và kiến trúc của Đình
Theo tương truyền thì Đình Vân La được xây dựng từ đầu thế kỷ
XI, vị trí đình làng trước đây ngự tại khu vực bãi giáp sông Hồng (Nay thuộc sứ
đồng bãi). Sau này do triều đình đắp đê sông Hồng, khu vực ngoài bãi thường
xuyên bị lụt lội, nên nhân dân trong đã di rời Đình vào trong làng và ở vị trí
như hiện nay.
Theo các bậc bô lão trong làng, khi Đình được chuyển vào
trong chỉ được xây dựng đơn giản, thô sơ. Sau này khi được Quận Công Đỗ Bá Phẩm
lấy lợi tức từ hoa màu của mình chia cho làng và cho gỗ thì Đình mới được xây dựng
bề thế như hiện tại. Đình đã nhiều lần được trùng tu, lần gần đây nhất là vào
năm Kỷ Mão (1939). Lần trùng tu này Đình được sửa lại phần nóc và xây mới thêm
gian Thiêu Hương (Nơi dẫn lễ khi có người đến lễ và vào ngày hội) theo kiểu 8
mái. Nhìn toàn thể khuôn viên Đình thì lối kiến trúc được xây dựng Đình theo kiểu
nội công, ngoại quốc (Bên trong là chữ Công, bên ngoài là chữ Quốc).
Đình thờ Thánh Chử Đồng Tử và Nhị vị Công chúa (Tiên Dung
công chúa và Hồng Vân công chúa) – Một trong 4 truyền thuyết tứ bất tử của dân
tộc Việt, bên hữu là thờ Quận Công Đỗ Bá Phẩm, bên tả thờ thổ thần. Trong Đình
hiện còn lưu giữ được 36 đạo sắc phong của các triều vua thời Phong kiến.
II. Không gian kiến trúc tâm linh Đình làng Vân La
Đình làng Vân La nằm trên một thế đất vuông, rộng, tương đối
bằng phẳng. Đình làng được hình thành như một thiết chế tổng hợp, đa chức năng,
vừa có sự linh thiêng của tín ngưỡng, vừa có uy lực thế tục của chính thể quân
chủ, đồng thời lại hòa đồng gần gũi với đời sống dân dã. Ngôi đình đặt ở đâu,
thì tạo ra trung tâm làng ở đó. Vị trí dựng đình được chọn lựa rất kỹ theo thuyết
phong thủy vì ông cha ta cho rằng nó liên quan đến sinh mệnh cả làng. Kiến trúc
đình làng cũng vậy, thể hiện cách ứng xử khéo léo của cha ông ta đối với môi
trường sống, vừa chế ngự, hạn chế sự khắc nghiệt của thiên nhiên, vừa linh hoạt
khôn khéo tận dụng những điều kiện thuận lợi để tồn tại và phát triển.
Nhìn từ ngoài vào ta có thể quan sát toàn bộ khuôn viên của
Đình bao gồm: Cửa mã, đài nghiên tháp bút, nhà Đại bái, khuôn viên, cây xanh,
giếng nước, ao đình,... một quần thể kiến trúc hài hòa từ cách sắp đặt, trang
trí, trạm khắc, khuôn viên, cảnh quan một cách khéo léo tạo nên một không gian
tĩnh lặng, thanh bình, tôn nghiêm. Đình to lớn, bề thế, nhưng không gây cảm
giác trấn áp, kiến trúc không nặng nề, rườm rà nhưng vẫn có vẻ uy nghi, bề thế.
Đài nghiên tháp bút được xây dựng ngay trước cửa mã, lối xuống
ao Đình đó là áng bình phong theo thuyết phong thủy của người Việt; Được thiết
kế theo kiểu đài nghiên tháp bút thể hiện truyền thống hiếu học, tinh thần tôn
sư trọng đạo của người dân làng Vân La từ ngàn xưa.
Cửa Mã được xây dựng theo kiểu Tam quan, có tả môn và hữu
môn (tả môn bên trái là lối vào, hữu môn bên phải là lối ra. Đây chính là 2 cửa
mở để người dân vào hành lễ thông thường. Lối chính giữa chỉ được sử dụng khi
trong làng cử hành những ngày trọng lễ, những sự kiện trọng đại của người dân
trong làng. Hai bên Cửa Mã được trang trí bằng các họa tiết, hoa văn, đặc biệt
được trang trí bằng bộ tứ linh như long, ly, quy, phượng, hạc,...
Qua Cửa Mã là sân Đình được lát bằng gạch bát (nay được sữa
chữa bằng gạch vuông đỏ), đứng ở sân đình ngước mắt nhìn lên ta bắt gặp một
hình ảnh quen thuộc như tất cả cả các ngôi Đình của các làng quê Bắc bộ, Đình
làng Vân La gồm có một mái lớn, cong nhẹ, thanh thoát, các đầu đao uốn cong lên
thành các dải hoa văn. Trên bờ nóc được trang trí bằng các hình tượng nghệ thuật
mây, lửa chầu mặt trời, giữa bờ nóc là hình ảnh lưỡng long chầu nguyệt.
Trung tâm của ngôi Đình là nhà Đại Bái, nhà Đại Bái gồm 5
gian, 2 dĩ. Hai bên nhà Đại Bái thờ các quan của nhà Thánh – 2 vị quan này là
linh nghiệm thần canh gác cho ngôi Đình. Vật liệu của Đình được làm chủ yếu bằng
gỗ. Tỷ lệ gạch, đá chiếm tỷ trọng không nhiều. Đại bái gồm 5 hàng cột, trong đó
có 8 cột cái, các vì kèo, 5 hàng chân cột được nối với nhau bằng mộng, chân cột
được kê bằng các cột đá thuận tiện cho việc di chuyển, hạn chế sự bào mòn của
thời gian và khắc nghiệt của thời tiết.
Các trạm khắc như đầu rồng, vì kèo, cột trang trí, hình thức
điêu khắc trên các bức hoành phi được làm một cách rất tự nhiên không gò bó
theo một logic trật tự nào mà theo sự sáng tạo của người thợ đại diện cho trí
tưởng tượng của người dân. Quan sát ta thấy các bức hoành phi được đặt rất chắc
chắn trên gỗ. Có những bức hoành phi, câu đối cổ đã tồn tại trên 300 năm như bức
Vân Phi Thiên Cư (cỡi mây về trời), bức đài nhi hóa (đối diện Tiền hương án).
Chính giữa đại bái là Tiền hương án, 2 bên có treo hai bức
hoành phi là Thụ Đức Thiên Cổ và Lục Địa Bông Hồ.
Tiếp đến là gian Thiêu Hương được xây mới vào năm Kỷ Mão
(1939), theo kiểu 8 mái là nơi đặt lễ khi cúng lễ vào Đình. Bên trái Thiêu
Hương là bức hoành phi Thiên Thần anh linh (bức hoành phi này mới, có khoảng
trên 100 năm). Trên Thiêu Hương là 2 bức hoành phi, bức lớn là “Thuận hiếu cách
Thiên”, bức nhỏ là “Thiên Thượng Thần Tiên”.
Qua gian Thiêu Hương là Hậu cung gồm 3 gian, gian chính giữa
là 3 ngai thờ thánh Chử Đồng Tử, Tiên Dung công chúa và Hồng Vân công chúa. Ba
ngôi ngai thờ thánh Chử Đồng Tử và Nhị vị công chúa là những ngai cổ có niên đại
cùng với các ngai thờ của Đền Giá Ngự (Xã Tự Nhiên). Bên trái theo lối vào là
ngai thờ Quận Công Đỗ Bá Phẩm, bên phải là ngai thờ bản thổ cùng 36 đạo sắc
phong của các triều vua thời đại phong kiến.
Trước hậu cung là bức hoành phi “Dương hồ như tại – nghĩa là
Thánh thần đang ở đây”. Theo các cụ cao niên trong làng thì, hậu cung là cung cấm,
không ai được phép vào, đặc biệt là phụ nữ thì nghiêm cấm việc ra vào hậu cung.
Ngày lễ, ngày hội thì chỉ có các cụ ông (ông từ) được phép vào hậu cung để thực
hiện việc bao sái. Ai mà vô phép không biết hoặc cố tình đi vào hậu cung thì sẽ
chịu án phạt của nhà thánh.
Quận Công Đỗ Bá Phẩm
Quận công Đỗ Bá Phẩm là người làng Vân La thuộc Tổng Vân, xã
Vân La, huyện Thanh Trì , phủ Thường Tín (nay thuộc thôn Vân La, xã Hồng Vân -
Thường Tín - Hà Nội ) nên nhân dân trong vùng gọi cụ là Quận Vân.
Cụ là người tài đức vẹn toàn. Năm 1710 - 1725 dưới triều vua
Lê Trung Hưng - Chúa Trịnh Cương cụ đã được bổ nhiệm chức quan Tổng trấn Sơn
Nam - một vùng trọng yếu cửa ngõ phía nam kinh thành Thăng Long xưa. Năm 1725 cụ
được triệu về phủ Chúa Trịnh, dưới triều Chúa Trịnh Cương cụ là người thân tín
bậc nhất của Chúa và được Chúa Trịnh Cương giao cho việc trực tiếp dạy dỗ Thế tử
Trịnh Giang.
Trong quá trình dạy dỗ, cụ nhận thấy Trịnh Giang là người
gian ác, dâm loạn, ngang ngược nên cụ cùng một số quan đại thần trong triều đã
dâng sớ trình Chúa Trịnh không tiến cử Trịnh Giang vào ngôi chúa (vì quốc gia đại
sự cụ đã dũng cảm không tiến cử học trò của mình).
Năm 1932 Chúa Trịnh Cương đột ngột qua đời, Trịnh Giang đoạt
ngôi và tiến hành việc hạ chức của một số quan đại thần trong triều, trong đó
có cụ Đỗ Bá Phẩm. Năm 1734 sau khi bị phế chức Tổng trấn Sơn Nam, Trịnh Giang đẩy
cụ về vùng Đông Triều - Quảng Ninh trấn ải vùng biên thùy, hoang sơ, hẻo lánh,
đến ngày 25/6 /1735 cụ qua đời. Hiện nay mộ phần của cụ đang được nhân dân địa
phương và các nhà khảo cổ học tìm kiếm để bổ sung vào dữ liệu kho tàng lịch sử
Quốc gia.
Do có công lớn trong việc đánh đuổi giặc ngoại xâm, giữ yên
bờ cõi và là người trực tiếp dạy dỗ Thế tử, cụ đã được vua Lê Trung Hưng và
Chúa Trịnh Cương ban cho xây lăng tại quê nhà để làm nơi an nghỉ cuối cùng khi
qua đời.
Ngay kế bên là nhà tân lão, đây là gian để thờ các bậc tiền
bối của các dòng họ trong làng. Vào ngày lễ, ngày hội các cụ cao niên đại diện
cho các dòng họ trong làng ngồi tại đây phát lộc cho con dân trong làng và
khách thập phương về lễ thánh.
Không chỉ có vậy, Đình làng Vân La cũng là nơi thành lập chi
bộ Đảng đầu tiên của vùng. Cũng tại mái Đình làng Chính phủ lâm thời của địa
phương (xã Hồng Vân) đã tuyên bố cách mạng tháng 8 thành công.
Giản dị, trang nhã, mộc mạc là thế nhưng không kém phần tinh
tế. Không gian Đình làng là không gian đời của làng. Với những chức năng của
Đình như chúng ta đã biết (Tín ngưỡng, văn hóa, hành chính) thì đâu đó ta còn
nghe thấy, nhìn thấy những hình ảnh rất đời thường của làng qua chiều dài lịch
sử: nước mắt và lọn tóc của ả làng bị phạt vạ, có niềm thâm nghiêm và hư hãnh
khi rước sắc phong, khi làng có người được vua ban cho vinh quy bái tổ (Nguyễn
Ý), có vết lằn của chiếu chèo, chiếu cỗ trên sân gạch. Tiếng to, nhỏ khi ăn
chia, giọng lễ, giọng vặt khi đón bạn hát ngày xuân,... và đến Đình làng người
ta sống thật, sống cởi mở và chân thành với nhau hơn. Là nơi mỗi người con làng
Vân La đi xa lại nhớ, là cõi nhớ trong lòng mỗi người dân đất Việt. Đó chính là
Đình Làng.