Đình Văn Trì được xây năm 1704. Nơi thờ phụng thần núi Đồng Cổ thời Hùng Vương. Đình được xếp hạng Di tích quốc gia năm 1992. Địa chỉ tại thôn Văn Trì, phường Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm, Thành phố Hà Nội.
Văn Trì là ngôi làng nằm kề phía sau hai thôn Ngọa Long và
Nguyên Xá ở mạn bắc con đường lớn từ Cầu Diễn đi Nhổn. Đây là một vùng đất lâu
đời của cư dân Việt, đã được các nhà khảo cổ học khảo sát và phát hiện nhiều di
vật niên đại gần 4000 năm.
Trên khu đất cao ráo giữa làng Văn Trì có một cụm di tích
xây liền nhau, bao gồm đền, chùa và đình. Nghi môn hiện nay mang số 93 ngõ 25
Phú Minh, ngoài ra còn cổng phụ mở phía bên tả.
Vị thành hoàng của làng Văn Trì là thần núi Trống Đồng, đồng
thời được thờ ở miếu Đồng Cổ của thôn Nguyên Xá cách đó chỉ vài trăm bước. Cũng
tại Hà Nội còn có ngôi đền cùng tên ở làng Bưởi (Yên Thái), đã đi vào lịch sử với
“Hội thề Đồng Cổ” được lập ra từ năm 1028.
Ngôi đền gốc thì ở làng Đan Nê, Thanh Hóa, tương truyền là
nơi thần báo mộng giúp thái tử Lý Phật Mã biết trước để dẹp “loạn Tam vương”..
Đình Văn Trì. Panorama NCCong ©2016
Đình Văn Trì được thành lập năm Chính Hoà thứ 15 (1704),
theo như nội dung tấm bia đặt tại đình dưới đời vua Lê Hy Tông. Trong đình vẫn
còn đầy đủ bài vị ghi rõ tên hiệu “Dương Cảnh thành hoàng, Đồng Cổ sơn Chu Minh
thượng đẳng thần”.
Nghiên cứu kỹ nghi lễ thờ thần ở đây mới thấy rõ hơn và lý
giải được mục tiêu của hội minh thệ có từ thời Lý là để gắn kết nhân dân trong
công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước
Kiến trúc
Đình Văn Trì đã được trùng tu nhiếu lần, dáng vẻ hiện nay
mang phong cách kiến trúc thời Nguyễn. Mặt đình quay về hướng tây nhìn qua bình
phong đắp cuốn thư và một giếng tròn to ra khu đầm nước đã bị lấp. Dọc bên hông
lại có hai ao sen hình chữ nhật và bên tả hậu cung là một phương đình nhỏ với 4
mái che 3 tấm bia đá. Sân sau đình có các cây nhãn cổ thụ và bức tường cao ngăn
với khuôn viên của chùa Bồ Đề Tự.
Tòa tiền tế rộng 3 gian 2 chái, bộ khung và mái đã xuống cấp
phải chống bằng nhiều cột, gian giữa bày một tượng ngựa hồng. Nhà đại bái rộng
5 gian 2 chái, cửa bức bàn sơn son thếp vàng lộng lẫy, được kết nối với hậu
cung theo hình “chữ Đinh”, nền tôn cao hơn nền tiền tế. Trước chính điện là cặp
tượng phỗng gỗ mặc áo đỏ, hai bên có bày lộ bộ để ngăn với các ban thờ phụ.
Di sản
Đình Văn Trì hiện lưu giữ được nhiều cổ vật quý báu. Ngoài tấm
bia dựng năm Chính Hòa, ngọc phả và 11 đạo sắc phong thần hoàng từ thời Lê đến
thời Nguyễn, còn có một số hiện vật và tác phẩm điêu khắc được tạo tác từ thế kỷ
17 đến 19. Các mảng chạm khắc gỗ trong đình rất tinh tế và đa dạng, thể hiện ước
vọng của dân lành với những đề tài thiên nhiên như hoa lá, tứ quý, tứ linh trên
các đồ thờ tự, câu đối, đại tự, kiệu bát cống...
Ngày 22-4-1992, đình Văn Trì đã được Bộ Văn hóa và Thông tin
xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa quốc gia.