Đình Văn Xá, xã Quốc Tuấn, huyện An Dương, thành phố Hải Phòng thờ phụng tam vị thần làm thành hoàng của làng, đó là Quý Minh, vị tướng thời Hùng vương và hai chị em Mai Thị Cầu, Mai Kỳ Sơn, con vua Mai Hắc Đế, thế kỷ VIII.
Quốc Tuấn là tên một đơn vị hành chính cấp xã thuộc huyện An
Dương, thành phố Hải Phòng. Sách Địa chí Hải Phòng (1990), mục danh sách số lượng
và sự thay đổi các tổng xã thôn của huyện An Dương và An Hải dưới triều Nguyễn
(1802-1945), xã Quốc Tuấn ngày nay thuộc tổng Điều Yêu, gồm có 10 xã: Đào Yêu,
Đào Yêu Thượng, Đào Yêu Hạ, Đào Yêu Đông, Đào Yêu Trung, Nhu Điều, Tri Yếu, Hi
Tái, Xích Thổ.
Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp (1946-1954),
xã Quốc Tuấn được thành lập gồm 4 thôn: Nhu Kiều, Kiều Thượng, Kiều Hạ và Văn
Xá. Xã có vị trí địa lý: Phía Bắc giáp xã Đặng Cương, Lê Lợi; phía Đông giáp xã
Hồng Thái; phía Tây và Tây Nam có sông Lạch Tray bao bọc.
Theo thư tịch cổ, vào thời Bắc thuộc, khu vực xã Quốc Tuấn
ngày nay đã có dân cư sinh sống và ổn định làng xã vào khoảng thế kỷ thứ VII,
VIII với các làng đầu tiên là Nhu Điều và Kiều Thượng, được hình thành từ ven
sông Lạch Tray, sinh sống bằng nghề đánh bắt cá và trồng lúa nước.
Thực tế được phản ánh qua sự kiện lịch sử là dân cư ở đây
tham gia vào cuộc khởi nghĩa Mai Thúc Loan kéo dài 10 năm từ 713 đến năm 724,
góp phần duy trì và kế tục sự nghiệp cứu nước của vị vua hoạ Mai trong thời
gian cuối với hai nhân thần anh hùng của lịch sử là Mai Thị Cầu và Mai Thị Sơn.
Phát huy truyền thống
vốn có từ lâu đời, ở các thời kỳ lịch sử tiếp theo, cộng đồng dân cư Quốc Tuấn tiếp tục sự nghiệp xây dựng quê
hương làm nên trang sử hào hùng chống giặc ngoại xâm sau này. Đặc biệt là trong
2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ dưới sự lãnh đạo của Đảng
Cộng sản Việt Nam.
Trong suốt chiều dài lịch sử đấu tranh dựng làng, giữ nước,
những người dân trong xã Quốc Tuấn đã xây đắp nên những truyền thống quý báu,
trong đó có truyền thống văn hoá mang đậm nét bản sắc văn hoá dân tộc. Điều nay
được thể hiện ở những di tích cổ, đó là những đình, chùa, đền, miếu được xây dựng
và gìn giữ trong các thôn của xã.
Đình Văn Xá được xây dựng từ lâu đời, muộn nhất là vào thời
Nguyễn (đầu thế kỷ XX). Theo truyền ngôn, với 36 xuất đinh được huy động thì đến
năm 1906 đời vua Nguyễn Duy Tân thứ 9 năm Kỷ Dậu, đình Văn Xá chính thức được cất
nóc và trở thành ngôi nhà chung trong mọi hoạt động của làng và tồn tại đến
ngày nay, là chỗ dựa về đời sống tinh thần của mỗi người dân địa phương.
Đình Văn Xá thờ ba vị thần làm thành hoàng của làng, đó là
Quý Minh, vị tướng thời Hùng vương và hai chị em Mai Thị Cầu, Mai Kỳ Sơn, con
vua Mai Hắc Đế, thế hỷ VIII. Hiện nay trong đình còn lưu câu đối ghi lại việc
thờ tự các vị:
Quý Minh nguyên soái đại danh thuỳ vũ trụ
Bạch Đế, Kiều Nương nghĩa cử trúc thanh cao
Quý Minh là vị thần có nguồn gốc từ thời vua Hùng dựng nước
và được rất nhiều địa phương ở đồng bằng Bắc bộ tôn thờ nơi đình, miếu.
Mai Thị Cầu, Mai Kỳ Sơn là hai chị em, con của vua Mai Thúc
Loan, người châu Hoan. Vào năm 713 đức ông đã dấy cờ khởi nghĩa, quyết tâm đánh
đổ chính quyền đô hộ nhà Đường, giành lại độc lập dân tộc. Sau khi xây dựng lực
lượng và ra quân đánh giặc, cuộc khởi nghĩa đã thu được thắng lợi, Mai Thúc
Loan lên ngôi vua (sử cũ tôn vinh là Mai Hắc Đế).
Năm 722, tức 10 năm sau cuộc khởi nghĩa, nhà Đường đem một đạo
quân lớn do viên tướng Dương Tư Húc chỉ huy sang đánh chiếm nước ta, cuộc khởi
nghĩa của Mai Thúc Loan thất bại. Số tướng lĩnh còn lại đã tôn Mai Kỳ Sơn lên nối
ngôi cha (sử cũ thường gọi là Bạch Đầu Đế), tiếp tục duy trì cuộc khởi nghĩa chống
lại ách đô hộ của nhà Đường. Lực lượng của Mai Kỳ Sơn còn chiếm giữ được 2 vùng
Đông và Nam của phủ Tống Bình (Hà Nội ngày nay) được vài năm.
Đến cuối năm 727, sau hơn 2 tháng giao chiến, nhà Đường mới
phá vỡ được căn cứ cố thủ của Mai Kỳ Sơn và Mai Thị Cầu ở Nhu Điều và Điều Yêu
(Quốc Tuấn ngày nay), Mai Kỳ Sơn do trúng tên giặc đã hy sinh, công chúa Mai Thị
Cầu tuẫn tiết để không bị rơi vào tay giặc. Ngày nay, ở trên bờ một lạch thoát
triều cũ đổ ra sông Lạch Tray của xã Quốc Tuấn còn hai ngôi miếu nhỏ (dân gọi
là miếu Một và miếu Hai), tương truyền là nơi an táng hai vị.
Tư liệu thần tích về Mai Thị Cầu và Mai Kỳ Sơn cho biết, vua
Mai Thúc Loan có người bạn thân là Phạm Ngọc Giao, người làng Kiều Yêu Thượng.
Do có thâm giao lên con gái của Mai Thúc Loan là Mai Thị Cầu đã kết hôn với con
trai Phạm Ngọc Quỳnh.
Còn Mai Kỳ Sơn thì lấy Hoàng Thị Đang, người làng Nhu Kiều
cùng thuộc xã Quốc Tuấn ngày nay. Đây chính là căn nguyên lịch sử khiến cho cuộc
khởi nghĩa Mai Thúc Loan hồi thế kỷ VIII có liên quan đến vùng đất Quốc Tuấn
ngày nay. Vì vậy, sau khi cả hai chị em hy sinh vì nước, dân làng đã lập đình,
miếu để phụng thờ và suy tôn làm thành hoàng làng.
Hiện nay, tại đình Văn Xá còn lưu giữ được nhiều sắc phong của
các vua nhà Nguyễn ban cho địa phương được phụng thờ hai ngài.
Đình Văn Xá được xây dựng theo hướng Tây Nam, trước mặt là
sông Lạch Tray uốn khúc, bên kia là ngọn núi Phướn thuộc xã Trường Sơn, huyện
An Lão, thành phố Hải Phòng. Đình xây tường hồi bằng gạch vồ lớn, mạch vữa trát
nổi chuốt hình vỏ măng trông cổ kính, trầm mặc. Bộ mái đình được lợp hoàn toàn
bằng loại ngói ta hai lớp, hai đầu đao cong đắp mô típ rồng chầu phượng mớn, bờ
nóc đắp biểu tượng lưỡng long chầu nguyệt. Đầu bờ nóc đắp đôi kìm ngậm bờ nóc.
Đình có bố cục mặt bằng hình chữ Đinh truyền thống với hai
toà công trình là tiền đường và hậu cung.
Toà tiền đường có kết cấu khung chịu lực từ các bộ vì tạo
thành 3 gian 2 chái. Liên kết kiến trúc là các vì nóc, vì nách. Vì nóc được thiết
kế kiểu thuận chồng rường. Trên các cấu kiện của vì nóc được trang trí dầy đặc,
tỉ mỉ các hoạ tiết hoa văn như: Hoa lá cách điệu, mây cụm, biểu tượng hổ phù;
vì nách có kết cấu kiểu chồng rường, hoa văn trang trí rồng mây, long mã, quy
sen, cá chép hoá rồng, cua, nghê dạng nghê gảy đàn.
Toà hậu cung có 3 gian. Kiến trúc có phần đơn gian hơn toà
tiền đường nhưng cũng được chạm khắc các đề tài đậm chất nghệ thuật truyền thống.
Vì nóc mái có kết cấu kiểu chồng rường. Trên các con rường chạm nông đề tài rồng
đàn, rồng ổ. Tất cả đã góp phần làm cho toà công trình thêm phần linh thiêng,
sinh động.
Điêu khắc nghệ thuật
Trải thời gian lịch sử, đình Văn Xá còn bảo tồn được nhiều
di vật, cổ vật có giá trị lịch sử, văn hoá, tín ngưỡng như:
- Tượng ba vị thành hoàng làng: Tượng Quý Minh được tạc từ
khi dựng đình và được tạc ngự trên cỗ ỷ ngai, tay ngai hình đầu rồng. Tượng có
kích thước cao khoảng 60cm, mình mặc triều phục được sơn thiếp vàng; Tượng Mai
Kỳ Sơn được đặt ở khám bên phải; Tượng Mai Thị Cầu được đặt ở khám bên trái.
- Kiệu bát cống: Đặt tại gian giữa hậu cung. Kích thước khá
lớn và được sơn thiếp vàng. Niên đại Nguyễn (thế kỷ XX).
- Hai bức cuốn thư: Trên cuốn thư khắc bài thơ chữ Hán khoảng
40 chữ. Niên đại Nguyễn (đầu thế kỷ XX).
- Bia đá “Hậu đình Văn Xá”: Bia có chiều cao 1,5m, rộng
0,70m. Nội dung ghi tến các vị có công đóng góp tiền của để dựng đình và ghi rõ
các quy định về hậu lệ của làng. Bia được tạo tác niên hiệu Duy Tân thứ 5
(1911).
- Đình còn giữ được 06 đạo sắc phong:
+ Sắc niên hiệu Tự Đức thứ 3 (1850):
Sắc cho Quý Minh tôn thần, nguyên được tặng Trung lượng linh
diệu địch cát thượng đẳng thần. Thần giúp nước, che chở nhân dân, sự linh ứng tỏ
rõ, trải các tiết đều được ban cấp sắc phong, chuẩn cho thờ phụng. Nay, Trẫm nối
thừa mệnh lớn, tưởng nhớ công lao to lớn của thần mà gia tặng Trung lượng linh
diệu địch cát Tuấn tĩnh thượng đẳng thần. Chuẩn cho 5 xã Nhu Điều, Điều Yêu Thượng,
Đào Yêu, Điều Yêu Hạ, Tri Yếu phụng thờ như cũ. Thần hãy che cho muôn dân của
Trẫm. Hãy tuân sắc!
Ngày 15 tháng 11 niên hiệu Tự Đức thứ 3 (1850)
- Sắc niên hiệu Duy Tân thứ 5 (1911):
Sắc cho thôn Văn Xá, xã Kiều Yêu Thượng, huyện An Dương, tỉnh
Kiến An đã từng phụng thờ thần Quý Minh. Thần giúp nước, che chở nhân dân, sự
linh ứng tỏ rõ. Từ trước đã được ban cấp sắc phong. Nay, Trẫm nối thừa nghiệp
thiên đế, tưởng nhớ công lao to lớn của thần mà phong là Hiển ứng anh thông,
linh tề linh diệu, địch cát tuấn tĩnh, dực bảo trung hưng thượng đẳng thần. Chuẩn
cho phụng thờ như cũ, thần hãy giúp đỡ che chở dân của Trẫm. Hãy tuân sắc!
Ngày 8 tháng 6 nhuận niên hiệu Duy Tân thứ 5 (1911)
- Sắc niên hiệu Khải Định thứ 2 (1917):
Sắc cho thôn Văn Xá, xã Kiều Yêu Thượng, huyện An Dương, tỉnh
Kiến An đã từng thờ vị Bạch Đế tôn thần. Thần giúp nước, che chở nhân dân, sự
linh ứng tỏ rõ. Trải các tiết đều được tặng sắc thờ tự. Nay, Trẫm nối thừa mệnh
lớn, phong tiếp là Dực bảo trung hưng, chuẩn cho thờ cúng để báo đáp công ơn của
thần. Hãy tuân sắc!
Ngày 18 tháng 3 niên hiệu Khải Định thứ 2 (1917)
- Sắc niên hiệu Khải Định thứ 9 (1924):
Sắc cho thôn Văn Xá, xã Kiều Thượng, huyện An Dương, tỉnh Kiến
An từ trước đã phụng thờ vị thần nguyên được tặng Hiển ứng anh thông, linh tề
linh diệu, địch cát khác tĩnh, dực bảo trung hưng Quý Minh đại vương thượng đẳng
thần. Thần giúp nước, che chở nhân dân, sự linh ứng tỏ rõ, trải các tiết đều được
ban cấp sắc phong, chuẩn cho thờ phụng. Nay, nhân lễ mừng thọ Trẫm tròn 40 tuổi,
bèn ban chiếu báu, mở rộng ân huệ, làm lễ nâng bậc, chuẩn định cho thờ cúng như
cũ để ghi nhớ ngày quốc khánh và duy trì việc thờ tự. Hãy tuân săc!
Ngày 24 tháng 7 niên hiệu Khải Định thứ 9 (1924)
- Sắc niên hiệu Khải Định thứ 9 (1924):
Sắc cho thôn Văn Xá, xã Kiều Thượng, huyện An Dương, tỉnh Kiến
An từ trước đã thờ phụng vị thần nguyên được tặng Dực bảo trung hưng Bạch Đế
tôn thần. Thần giúp nước, che chở nhân dân, sự linh ứng tỏ rõ, trải các tiết đều
được ban cấp sắc phong, chuẩn cho thờ tự. Nay, nhân lễ mừng thọ Trẫm tròn 40 tuổi,
bèn ban chiếu báu, mở rộng ân huệ, làm lễ nâng bậc. Thần xứng đáng được tặng
thêm là Tuý mục thượng đẳng thần. Chuẩn cho thờ tự để ghi nhớ ngày quốc khánh
và duy trì việc thờ cúng. Hãy tuân sắc!
Ngày 24 tháng 7 niên hiệu Khải Định thứ 9 (1924)
- Sắc niên hiệu Khải Định thứ 9 (1924):
Sắc cho thôn Văn Xá, xã Kiều Thượng, huyện An Dương, tỉnh Kiến
An trước nay đã thờ vị Nam Hải thống nguyên soái linh ứng tôn thần. Thần giúp
nước, che chở nhân dân, sự linh ứng tỏ rõ. Nay, nhân lễ mừng thọ Trẫm tròn 40
tuổi, bèn ban chiếu báu, mở rộng ân huệ, làm lễ nâng bậc, phong tiếp là Trác vĩ
dực bảo trung hưng thượng đẳng thần. Chuẩn cho thờ tự để ghi nhớ ngày quốc
khánh và duy trì việc thờ cúng. Hãy tuân sắc!
Ngày 24 tháng 7 niên hiệu Khải Định thứ 9 (1924).
Ngai thờ các vị Thành hoàng làng.
Về sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng: Hàng năm, nhân dân địa
phương tổ chức lễ hội truyền thống đình Văn Xá trong hai ngày, từ ngày 14 đến
15 tháng 2 âm lịch. Trong lễ hội có tổ chức rước thánh từ đình đến các miếu và
ngược lại. Sau đó thực hiện các nghi thức nhập tịch, tế tạ. Công việc này chủ yếu
thực hiện ở đình làng.
Bên cạnh các nghi thức, nghi lễ thành kính, trang nghiêm thì
trong không gian đình Văn Xá, cộng đồng còn tổ chức các trò chơi dân gian truyền
thống như: Chọi gà, cờ người, cầu thùm, đập niêu.
Kể từ khi được xây dựng và trùng tu đến nay, đình Văn xã
luôn là một công trình tâm linh tín ngưỡng quan trọng và không thể thiếu trong
đời sống tinh thần của người dân địa phương. Ngôi đình không chỉ là chốn linh
thiêng phụng thờ các vị thành hoàng làng mà còn là nơi hội tụ giá trị nhiều mặt
về lịch sử, văn hoá, giáo dục, những phong tục tập quán tốt đẹp của địa phương.
Hội tụ những giá trị tiêu biểu đó, đình Văn Xá đã được Ủy
ban nhân dân thành phố Hải Phòng xếp hạng Di tích lịch sử văn hoá, Quyết định số
178/QĐ-UBND ngày 28 tháng 01 năm 2005.
Nguyễn Thị Sen