Đình Viên Châu thờ phụng 2 vị thành hoàng là Thông Hà và Thuỷ Giang Linh ứng Đại vương, con của công chúa Thụy Hoa và cháu ngoại của Hùng Nghi Vương.
Đình Viên Châu được xây dựng từ Thế kỷ 17, là nơi thờ phụng
Thông Hà và Thuỷ Giang Linh ứng Đại vương. Đình được xếp hạng: Di tích quốc gia
từ năm 1985. Địa chỉ tại làng Viên Châu, xã Cổ Đô, huyện Ba Vì, Thành phố Hà Nội.
Lược sử
Xã Cổ Đô vốn tên là An Đô, sau đổi là An Bang, trước thuộc
huyện Tiên Phong, phủ Quảng Oai, trấn Sơn Tây, nay thuộc huyện Ba Vì, thành phố
Hà Nội. Viên Châu là một ngôi làng của xã này, trong đình có thờ 2 vị thành
hoàng Thông Hà và Thuỷ Giang Linh ứng Đại vương, theo thần phả là con của công
chúa Thụy Hoa và cháu ngoại của vua Hùng thứ 17.
Hàng năm, dân làng tổ chức Lễ tưởng niệm Nhị Vị Đại vương
vào 2 ngày 6/1 và 6/10 âm lịch. Ngày 21-11-1985, Bộ Văn hóa đã công nhận đình
Viên Châu là di tích lịch sử văn hóa quốc gia.
Từ xưa dân Cổ Đô đã có nghề thủ công. Tương truyền, công
chúa Thụy Hoa, con gái của vua Hùng thứ 17 đã từ thành Phong Châu vượt sông Hồng
sang đây dạy dân trồng dâu, nuôi tằm và dệt lụa.
Bà về sau được phong là Mục Phật công chúa và thờ ở am bên cạnh
đình. Lụa Cổ Đô từng là sản vật tiến vua và đi vào câu ca dao lan truyền khắp
nơi:
Lụa này thật lụa Cổ Đô
Chính tông lụa cống các cô ưa dùng.
Không những thế, làng Cổ Đô còn nổi tiếng vì có truyền thống
văn hóa lâu đời:
Cổ Đô trên miếu dưới chùa
Trong làng lắm kẻ nhà Nho có tài.
Thời Lê, từ Cẩm Thủy, trấn Thanh Hoa, đã phiêu dạt tới đây một
gia đình nghèo, chồng chăn vịt, mất sớm; vợ làm nông tang, sinh được một con
trai.
Đó là Nguyễn Sư Mạnh (1458-1544) thi đỗ tiến sĩ khoa Giáp
Thìn niên hiệu Hồng Đức thứ 15 (1484), về sau có nhiều công lao, được vua ban
quốc tính gọi là Lê Lan Hinh, làm quan tới chức thượng thư bộ Lễ, tước Sùng Tín
hầu.
Cổ Đô còn sinh ra Nguyễn Bá Lân (1700—1786), 18 tuổi đỗ giải
nguyên, 2 năm sau đỗ tiến sĩ, làm tới thượng thư ở cả 6 bộ.
Ông là tác giả của bài “Ngã ba Hạc phú” có ảnh hưởng tích cực
đến sự phát triển của văn học chữ Nôm. Tổ tiên ông vốn quê ở xã Hoài Bão, huyện
Tiên Du, phủ Từ Sơn, xứ Kinh Bắc.
Đặc biệt ngày nay trong xã có tới gần hai chục họa sĩ và nghệ
nhân vẽ được đào tạo bài bản. Các tác phẩm tiêu biểu của họ đang trưng bày tại
bảo tàng tranh Cổ Đô.
Kiến trúc
Đình Viên Châu được xây dựng từ thế kỷ 17, kết cấu theo kiểu
chữ “Nhị”. Toà đại đình rộng 3 gian 2 chái, bốn góc mái có đầu đao cong, bờ nóc
và bờ dải trang trí bằng hàng gạch hoa chanh với các đầu rồng, lân bằng đất
nung sống động.
Bốn bộ vì chính của đại đình được làm theo kiểu thượng chồng
rường giá chiêng, hạ kẻ bẩy hiên, phía dưới có 6 hàng chân. Nửa sau gian giữa đại
đình để thông thoáng. Tiếc rằng hệ thống sàn gỗ đã bị hư hỏng nay không còn nữa.
Toàn cảnh đình Viên Châu. Panorama (c) 2016 NCCong
Phía trước toà đại đình là một khoảng hẹp làm giếng trời để
lấy sáng và cách ly với 5 gian nhà tiền tế xây tường hồi bít đốc đơn giản. Các
bộ vì kiểu chồng rường giá chiêng, hạ bẩy dựa trên 4 hàng chân.
Tại khu vực sân tiền tế ta thấy có cổng nghi môn với trụ biểu
mới xây lại, dấu vết của hai dãy tả hữu mạc cũng đã không còn sau những biến động
lịch sử. Trước cổng là con đường làng và hồ sen hình tứ giác ở phía nam.
Bên tả khu đình có một sân gạch rất rộng kéo dài đến tận thềm
của ngôi miếu nhỏ, phía sau đình và miếu là vườn cây ăn quả.
Di sản
Trong ngôi đình hiện còn lưu giữ được 1 bức hoành phi, 2 câu
đối và 5 đạo sắc phong. Trên bộ khung toà đại đình là những mảng chạm khắc, những
bức cốn… có phong cách tạo tác của thời Lê Trung Hưng. Các đề tài chủ yếu gồm có
tứ linh (long, ly, quy, phượng) và các cảnh sinh hoạt của con người như đấu vật,
táng mả hàm rồng… Ngoài ra còn có các khối tượng tròn gắn trên các đầu dư, tạc
hình voi, ngựa…
Trong gian giữa Đại đình hiện nay có một tác phẩm tranh vẽ trên gỗ rất đẹp đấy chính là phần nóc của gian giữa (còn gọi là màn giếng) được làm lại vào khoảng hai thập niên trước. Vì đất Cổ Đô còn là đất của các họa sỹ thành danh nên bức tranh này được chính họa sỹ của vùng vẽ. Bức tranh tuy là mới so với tuổi ngôi đình nhưng phong cách, đề tài, màu sắc rất ăn nhập và tôn thêm cho vẻ đẹp của ngôi đình.
Tại mái trần của gian giữa tòa đại đình còn có tấm màn giếng
là một tác phẩm tranh vẽ trên gỗ rất đẹp được làm lại vào khoảng cuối thế kỷ
20. Ngoài ra, bộ khung gỗ tại nhà tiền tế được trang trí với các đề tài hoa văn
long, ly, hoa lá cách điệu, vân xoắn mây lửa… tạo tác theo phong cách đặc trưng
của nghệ thuật chạm khắc thế kỷ 19.
Bố cục tổng thể của đình kiểu chữ Nhị, gồm một tòa Tiền tế kiểu hai mái đầu hồi bít đốc do thời Nguyễn xây thêm phía trước và một tòa Đại đình theo kiểu mái đao.
Tòa Đại đình có quy mô 5 gian 2 chái thực sự là một công trình kiến trúc tiêu biểu của xứ Đoài, còn lưu giữ được nhiều đường nét giá trị từ thời Lê Trung Hưng.Bốn bộ vì chính Đại đình có kết cấu kiểu thượng chồng rường giá chiêng, hạ kẻ bẩy hiên trên mặt bằng 6 hàng chân.
Trải qua hơn 300 năm lịch sử, với lối kiến trúc mở, ngôi đình chịu không ít ảnh hưởng do thời tiết, mối mọt tác động...
Bên trong tòa đại đình đã cho thấy rất nhiều thành phần kết cấu, mảng chạm khắc bị xuống cấp, mối mọt và có nguy cơ hỏng toàn bộ.
Bộ đầu dư chạm rồng ở đình Viên Châu đều được làm từ thời Lê Trung Hưng khoảng thế kỷ 17, 18. Tất cả đều được chạm khắc tinh xảo rất đẹp nhưng hiện nay hầu như đã bị mục, mọt.
Hình ảnh điêu khắc một con ngựa tuyệt đẹp đến từng chi tiết dây cương, lục lạc, yên... đang bị mọt xông hỏng phần thân sau. Ngay phía trên là thanh xà thượng cũng đang trong tình trạng mục hỏng.
Thời gian, thời tiết đã ăn mòn mảng chạm khắc cổ với đề tài người đi săn thú khá đặc sắc này.
Một mảng chạm khá đặc sắc nữa trong đình là bức hai người cưỡi rồng đang ngồi đối ẩm. Bức chạm còn tốt nhưng đã mất phần cổ tay của hai người. Bức chạm này cho thấy được uyển chuyển mềm mại, từng đường nét của áo vải được thể hiện rất sống động... Khuôn mặt hai vị được tạc rất phương phi, oai vệ tựa như người có chức sắc, quyền uy cao...
Một bức cốn có mảng chạm rồng khá chi tiết nhưng đã bị mài mòn gần hết và rất khó nhận dạng.
Hàng cột của đại đình cũng bị xuống cấp nghiêm trọng
Kết cấu các bộ vì theo kiểu chồng rường giá chiêng, hạ bẩy trên 4 hàng chân. Toàn bộ tòa Tiền tế được trang trí theo mô-tuýt Long, Ly, hoa lá lật cách điệu; vân xoắn mây lửa đặc trưng của nghệ thuật thời Nguyễn thế kỷ XIX.