Đình Viên Đình, xã Đông Lỗ, huyện Ứng Hòa, thành phố Hà Nội thờ phụng thành hoàng làng là đức Minh Linh Đại Vương có công giúp vua Lê dẹp giặc, xây dựng đất nước. Đình đang trong trạng thái xuống cấp trầm trọng.
Thôn Kẹo (thôn Viên Đình ngày nay) thuộc xã Đông Lỗ, huyện Ứng
Hòa, Hà Nội là miền đất cổ còn bảo lưu được cụm di tích đình chùa và đã được
nhà nước xếp hạng.
Bên phải ngôi chùa Viên Đình nổi tiếng linh thiêng gắn liền
với sự tích “Thần Mộc hộ quốc” và có rất nhiều xá lợi Phật là ngôi đình làng của
thôn Kẹo – đình Viên Đình, có niên đại khoảng 300 năm. Đình thờ thành hoàng
làng là đức Minh Linh Đại Vương có công giúp vua Lê dẹp giặc, xây dựng đất nước.
Hàng năm lễ hội đình được tổ chức vào ngày 12 tháng Tám âm lịch.
Bộ khung kết cấu gỗ của ngôi đình với hệ kết cấu bốn hàng
chân. Cột cái có đường kính lớn khoảng 580 đến 600 mm. Hệ cột quân có đường
kính khoảng 480 đến 500 mm.
Đề tài chạm khắc trên các cấu kiện gỗ của đình được các nghệ
nhân xưa đục chạm chủ yếu là đề tài dân gian như tiên cưỡi rồng, rồng, nghê,
hoa văn đao mác thời Lê từ thế kỷ XVII, XVIII.
Đến thế kỷ XIX đình được thêm vào một vài mảng chạm rồng, cốn
chạm tứ linh, hoa lá... đặc trưng phong cách chạm khắc thời Nguyễn. Tuy nhiên
các mạng chạm vẫn tuân thủ kỹ thuật chạm nổi, chạm lộng, kênh bong rất tinh xảo,
công phu, đường nét uốn lượn mềm mại, mộc mạc nổi khối... hài hòa ăn nhập với tổng
thể chạm khắc chung của ngôi đình...
Bộ khung kết cấu gỗ của đình vói nhiều đề tài chạm khắc
Ban thờ tự trước hậu cung.
Ngôi đình cổ này hiện đã không còn được như xưa:
Một bộ vì nóc đang có dấu hiệu xuống cấp; Thanh câu đầu nối
hai đầu cột cái đã bị mục xung quanh.
Một vài cây cột của đình đã bị tiêu tâm và có dấu hiệu xuống
cấp; Một thanh kẻ khắc chữ cổ đang bị mục.
Có lẽ tiền nhân muốn thể hiện nhiều ước vọng hạnh phúc nên
những bức điêu khắc tiên cưỡi rồng được chạm rất tỉ mỉ, đường nét tinh tế bay bổng
đẹp đặc sắc hơn hẳn so với những đình quanh vùng này. Nhưng đến nay những nét đẹp
dân gian có giá trị nhân văn này đang bị hư hỏng nghiêm trọng. Những bức điêu
khắc tiên này qua thời gian đã bị rơi rụng khỏi bộ khung kết cấu của đình và hiện
nay đang được dùng dây thép để gắn lên.
Một mảng điêu khắc tiên cưỡi rồng, rồng rất hiếm thấy, tuy
nhiên cũng đã bị hư hỏng nhiều. Đáng tiếc là ba bức tiên dang tay cưỡi rồng ở đây đều bị mất
cả hai tay.
Một bức chạm nghê và rồng bị mất nhiều chi tiết.
Những đề tài dân gian khác như bức chạm hình người cưỡi voi
bị mất nhiều chi tiết.
Xót xa ngôi đình cổ 300 năm ở Hà Nội đang dần bị lãng quên.
Trần Trung Hiếu -
Thanh Huyền/
Nguồn: VOV.VN