Đình Việt Trì thờ các Vua Hùng và Công chúa Hoa Dung, tương truyền nơi đây là nơi Lạc Long Quân tiễn Âu Cơ đưa 50 người con lên núi. Chùa Hoa Long là ngôi chùa thờ Phật, ngoài ra còn thờ công chúa Hoa Dung.
Việt Trì là kinh đô của Nhà nước Văn Lang thuở xưa. Theo thống
kê của sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Phú Thọ ngày nay còn lại được 58 di tích
lịch sử, trong đó chùa hoa Long là tiêu biểu mang dấu ấn của Nhà nước khai
nguyên do hùng Hiền Vương tạo dựng.
Đình Việt Trì và Chùa Hoa Long nằm ở khu phố Hòa Bình 2, phường
Bến Gót, thành phố Việt Trì. Đình Việt Trì là một ngôi đình cổ được xây dựng theo
kiểu kiến trúc chữ đinh gồm: Tòa tiền tế 5 gian; tòa đại bái 3 gian, 2 trái; hậu
cung 2 gian... kết cấu kiến trúc mang đậm dấu ấn kiến trúc cổ của một ngôi đình
làng quê Việt.
Đình Việt Trì, thành phố Việt Trì
Đình thờ các Vua Hùng và Công chúa Hoa Dung, tương truyền
nơi đây là nơi Lạc Long Quân tiễn Âu Cơ đưa 50 người con lên núi
Chùa Hoa Long là ngôi chùa thờ Phật, ngoài ra còn thờ công
chúa Hoa Dung. Chùa được xây dựng từ rất sớm và được trùng tu lớn vào đời vua
Lê Hiển Tông, niên hiệu Cảnh Hưng năm Canh Tý (1740). Hoa Long Thiền tự là ngôi
chùa cổ, một danh lam thắng cảnh của cố đô Văn Lang xưa.
Trong sách Đại Nam nhất thống chí, tỉnh Sơn Tây mục chùa
Quán chép: “Chùa Hoa Long ở bến sông thông Việt Trì huyện Bạch Hạc. Không rõ dựng
từ đời nào, bên cạnh chùa có một phiến đá nằm ở bến sông, trên mặt đá có dấu
tích của người to lớn”.
Tương truyền Lạc Long Quân sinh được 100 người con trai đều
tài giỏi nhưng không phân định được thứ vị ai là anh, ai là em, bèn lập đàn cầu
trời cùng với vạn thần linh họp lại để giúp Lạc Long Quân đặt đủ tên. Lễ cầu đảo
vừa xong đã thấy một ông già đầu đội mũ gấm, mình mặc áo bào muôn sắc, chân đi
hài tơ, tay chống gậy trúc.
Trước hết ông già đến bờ sông ngồi lên hòn đá trên mặt nước.
Lạc Long Quân dùng lễ lớn đón tiếp, Tiên ông mới rửa chân ngồi lên hòn đá đề đủ
100 tên theo thứ vị.
Một trăm người con trai ấy khi đã nhận ra là anh em, tất thảy
đều rất vui mừng. công việc xong, tự nhiên có một đám mây xanh bay tới, Tiên
ông bước lên mây ấy mà bay đi. Chỗ Tiên ông dừng chân ở Hòn - gành - tức hòn đã
thuộc thôn Việt Trì, nhân dân xây dựng ngôi chùa gọi là “Hoa Long Thiền Tự”.
Chỗ vua Hùng dừng chân ở Bến Gót nhân dân dựng đền thờ gọi
là Thánh Thuỷ (còn có tên miếu Hà Thần)
Hoa Long Thiền Tự được “Cương Mục” chép năm 1740 với dự kiến
trùng tu lớn của Nhà nước. Như vậy chùa này được xây dựng từ rất sớm, còn miếu
Hà Thần theo Sơn Tây chí, tờ 59a và Sơn Tây tỉnh, tờ 34b được xây dựng năm Minh
Mệnh thứ 9 (1828).
Trong sách Đại Nam nhất thống chí mục Cổ tích có viết: “ở
sau chùa Hoa Long thôn Việt Trì, huyện Bạch Hạc có một gò đất. Tương truyền đây
là một nền thạch cũ”.
Đại Thanh nhất thông chí chép rằng: “Cung Lạc Vương (chữ Lạc
trong sách Thuyết Phu chép là Hùng) ở địa phận châu Tam Đái”. Sách sử ký chép:
“Hùng vương đóng đô ở Phong Châu” và cho rằng: Nay là huyện Bạch Hạc. Cứ như thể
chỗ này ngờ là nền cung điện cũ của Hùng Vương mà tục truyền lầm là thành của
Kinh Dương Vương (trang 212 và 213).
Các sách địa chí cổ đều thừa nhận gò đất “thổ phụ” sau chùa
Hoa Long là dấu tích cũ cung điện của thời Hùng Vương.
Như vậy rõ ràng Việt Trì thôn với “Thổ phụ hậu Hoa Long
Tuje” là nơi ở và làm việc của Hùng Vương, là điểm khởi đầu của Nhà nước Văn
Lang xưa.
Liền kề Hoa Long thiền Tự là đình Việt Trì thờ Thánh Tổ Hùng
Vương, ở giữa là đền thờ Hoa - Dung công chúa. Năm 1944 còn giữ được 6 đaok sắc
phong của vương triều Nguyễn, nay vẫn còn dấu nền móng bằng đá ong.
Sau Hoa Long Thiền Tự có một cái ao khá rộng, mặc dầu nay đã
san lấp nhiều, ao mang tên Hàm Long (ao Hàm Rồng) cùng với Bến Gót, nơi có Hà
Thần miếu ở khu đất có tên Long Thổ Châu (Bãi đất rồng). Xem như thể thấy rõ Việt
Trì thôn đã thực sự trở thành quần thể di tích lịch sử gắn liền thời điểm Hùng
Vương dựng nước mà Hoa Long Thiên Tự là tiêu biểu.
Bến sông nơi có chùa Hoa Long nay thuộc khu vực từ cầu Dầu
lên “cây đo nước”. Hòn đá ấy ở vị trí bên Trên hầm cá Anh Vũ mà Lê Quý Đôn đã viết trong Vân Đài loại ngữ: Thiên phẩm vật.
Theo sưu thầy Đàm Trầm, trụ trì Hoa Long Tự hiện nay, nói rằng: hòn đá ấy vẫn
còn, phù sa đã phủ lên lớp đất dầy. Nơi đây theo thủ tịch Việt Nam chính là “Điểm
hội nhân” đầu tiên của quốc gia Văn Lang trong lịch sử cổ đại Việt Nam. Nơi các
vua Hùng đã có công dựng nước.
Đó là lịch sử có Nhà nước khai nguyên từ Việt Trì mà hiện
nay chúng ta vẫn thừa nhận với thời gian 4000 năm, ứng với giai đoạn Văn hoá
Phùng Nguyên, nền văn minh luyện kim: đồng, sắt, cây lúa nước và chăn nuôi,
nông nghiệp. Ngà nay khoa học, đặc biệt khoa khảo cổ đã chứng minh thời đại
Hùng Vương là có thực trong lịch sử dân tộc Việt Nam mà Việt Trì là kinh đô.
Điểm khởi nguyên ấy được thị thực ở bờ sông thôn Việt Trì, đối
diện Bạch Hạc bên bờ sông Lô. Nơi ấy về sau dựng lên chùa Hoa Long. Vì vậy Hoa
Long Thiền Tự trong tiềm thức của người dân Việt Trì gốc, xác định là nơi có vết
chân đầu tiên Lạc Long Quân đến đất này rồi đến Hùng Vương định đô nên Hoa Long
Thiền Tự là một dấu ấn của lịch sử dân tộc Việt Nam thời dựng nước.
Năm 1886 thực dân Pháp đặt chân lên đất Việt Trì, chúng dồn
dân thôn Việt Trì với vị thế địa thời Hùng Vương dựng nước vào thôn Bạc Nội, Bạc
Ngoại nay là phố Hoà Bình và phố Kiến Thiết xây nhà cho viên quan năm phụ trách
đặc khu Việt Trì. Khu đất “Thờ phụ hậu Hoa Long Tự” xây trại lính, đặt sở Cẩm.
Chùa Hoa Long và đình Việt Trì được dời đi và tái xây dựng
vào năm 1886 ở thôn Bạc Nội (phố Hoà Bình). Cuộc kháng chiến chống thực dân
Pháp năm 1946 -1954, Việt Trì bị tái chiếm, thực dân được xây dựng lại với tỉnh
chất tạm thời.
Chỉ từ khi sư thầy
Đàm Trầm tục danh là Đào Thị Lư về trụ trì, sư thầy thấy rõ ý nghĩa lịch sử của
Hoa Long Tự nên cùng các đệ tử đi lạc quyên khắp nơi, tích góp hơn 20 năm, năm
1994 khởi công tái thiết nhưng không phải theo mẫu vốn có của nó và đến năm
1997 Hoa Long Thiên Tự khánh thành. Chùa toạ lạc trên đồi cao đúng vào cái nền
cũ của năm 1886 với diện tích 2846 m2, riêng nhà Tam Bảo nơi thờ Phật rộng tới
300 m2.
Trong quá trình xây dựng nhà chùa tiếp tục được thiện tín thập
phương giầu long cùng tiên, người thì tiền, người thì bằng hiện vật. Ví như vợ
chồng ông Trần Quang Thiện là công nhân đường sắt ở phố Kiến Thiết phường Bến
Gót năm 1995 cung tiến 2 tượng Hộ Pháp, lúc ấy trị giá 10 triệu đồng. từ miền
Nam thành phố Hồ Chí Minh hoà thượng Thích Thanh Kiểm và phật tử Trần Thị Lê
Khanh ở chùa Vĩnh Nghiêm cung tiến 6 pho tượng phật đóng hòm vận chuyển bằng
máy bay, trị giá gần 50 triệu đồng.
Ngày nay Hoa Long Thiền Tự xây dựng đã hoàn thiện, ngoài
chùa chính còn có nhà Tổ đường, Ni đường, Giảng đường… Bên cạnh chùa xây lầu
Hoa - Dung trên nền cũ (đền thờ công chúa Ngọc Hoa và Tiên Dung) xinh xắn, mỹ
thuật, tượng công chúa tạc đá cẩm thạch.
Chùa Hoa Long xây dựng thật là khang trang bề thế, vững
chãi, dáng cổ kính. Đền chùa Hoa Long lên hết các bậc vào cổng Tam quan cảm thấy
thoáng đãng, thanh tịnh, thâm nghiêm. Trong chùa có 2 bức hoành phi sơn son thếp
vàng và hàng chữ đại tự:
Đại Hùng bảo điện
Từ nhân quảng đại
Đã nêu bật vị thế và tầm cỡ của ngôi chùa.
Hàng chục pho tượng Phật đều toát lên sự linh thiêng ngưỡng
mộ. Mỗi pho tượng là một hình dáng, một tâm hồn chứng minh sự ra đời và tồn tại
của ngôi chùa này, đó là quả chuông đồng và khánh đồng. Quả chuông đồng cao
1,27 m, đường kính là 0,60 m. Trên chuông đồng có hàng chữ Hán to nổi trên cùng
là: “Hoa Long Thiền Tự”. Rõ ràng chùa có tên là “Hoa Long Thiền Tự”.
Trong bài minh nêu rõ sự tích của chùa, các sự trụ trì, các
cá nhân và địa phương công đức. Trong bài minh có nói đến sa môn Thích Trí Đĩnh
tên thể tục là tiểu sĩ Trần Hoàng Các già ngoài 90 tuổi, tạc lấy pho tướng chân
dung của mình đặ ngồi trong khảm, sau đó viên tịch.
Nhân dân xã Lâu Thượng lập đàn thiêu cho nhà sư, sau này xây
cất thành ngôi am gọi là Am Ông Sư và địa danh xứ đồng đó nay vẫn còn gọi là đồng
Am Ông sư. Cuối bài minh ghi rõ: “Tam Đái phủ, Bạch Hạc huyện, Bạch Hạc xã, Việt
Trì thôn Lê triều Cảnh Hưng vạn vạn niên chi thập bát túc thứ, Đinh Sửu tam
nguyệt cốc nhật”.
Nghĩa là quả chuông này đúc và hoàn thành triều Lê Cảnh Hưng
thứ 18 năm Đinh Sửu (1757) ngày tốt lành tháng 3. Cái khánh đồng rộng 1,24 m,
cao 1,02 m được tạo dáng lá đề. Khắc chữ Hán cả 2 mặt. Ghi tên người công đức.
Mặt trước cũng khắc 4 chữ lớn: “Hoa Long Thiền Tự”. Mặt sau ở
cuối ghi “ Kỷ Mùi niên mạch hạ dương phù hồng Khánh”. Nghĩa là tháng 4 năm Kỷ
Mùi (1799) đúc Khánh lớn. Quả chuông và cái Khánh là 2 cổ vật vô cùng quý báu,
là tài sản vô giá của Hoa Long Thiền Tự.
Với những giá trị lịch sử to lớn quần thể di tích Đình Việt
Trì và Chùa Hoa Long đã được UBND Tỉnh công nhận là di tích lịch sử văn hóa năm
2004. Đây là một trong những di tích quan trọng liên quan đến thời đại Hùng
Vương và cũng là một trong những điểm đến hấp dẫn của du khách khi về tham quan
thành phố Việt Trì- Thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam. Ngôi
chùa này được UBND tỉnh Phú Thọ công nhận và cấp bằng di tích lịch sử văn hoá
theo quyết định số 3310/QĐ-CT ngày 28/12/2014.
Nhà Nghiên cứu Lương Nghị