Đình Vĩnh Mộ thờ thần hoàng làng là tướng Nguyễn Như Kỳ, nhân vật lịch sử thời Hùng Vương thứ 18, có công cùng Tản Viên Sơn thánh đánh giặc Thục và cũng là người đã có công chiêu dân, khai khẩn lập ra ấp Thanh Hà.
Cụm di tích đình, chùa Vĩnh Mộ được xây dựng phía trong đê tả
sông Hồng, ngay phía ngoài thôn Vĩnh Tề, xã Cao Xá. Vĩnh Mộ là vùng đất cổ có từ
rất lâu đời với tên gọi là kẻ Mạc, đất đai bằng phẳng, phì nhiêu.
Theo “Sơn Vi dư địa chí”, thời Bắc thuộc, Vĩnh Tề thuộc đất
quận Phong Châu, có tên là Bình Mạc sách, cư dân thưa thớt, vài chục người,
xung quanh có trồng nhiều tre xanh bao bọc, trải qua lịch sử mới đổi thành ấp,
hương, làng, xã như ngày nay.
Đình Vĩnh Mộ thờ thần hoàng làng là tướng Nguyễn Như Kỳ,
nhân vật lịch sử thời Hùng Vương thứ 18, có công cùng Tản Viên Sơn thánh đánh
giặc Thục và cũng là người đã có công chiêu dân, khai khẩn lập ra ấp Thanh Hà.
Để tưởng nhớ công lao to lớn của ông, nhân dân đã lập miếu
thờ ông bên bãi sông xứ Thanh Hà, trông về hướng núi Tản. Sau này, vào thời Lê
Mạc, dân trong vùng dựng ngôi đình thờ ông tại trung tâm thôn Vĩnh Tề.
Ngôi đình được xây dựng vào thế kỷ XVIII theo kiểu chữ Công;
đại trùng tu vào thời Nguyễn – năm Bảo Đại tam niên (tức Bảo Đại năm thứ 3 –
năm 1927) thành kiến trúc kiểu chữ Đinh như hiện nay, với toà Đại bái 5 gian và
Hậu cung 3 gian 1 chái, bộ khung gỗ có các bộ vì theo kiểu chồng rường giá
chiêng, gian cuối cùng của Hậu cung tạo thượng cung – khám thờ. Trong di tích
còn lưu giữ được hệ thống cổ vật: Ngai thờ, chiêng đồng và một số cổ vật chất
liệu gỗ, gốm sứ…
Qua thời gian, Đình đã được tu sửa nhiều lần những vẫn bị xuống
cấp nghiêm trọng, thể theo nguyện vọng của nhân dân địa phương, được sự hướng dẫn
của cơ quan chức năng, tháng 10 năm 2018 Đình Làng Vĩnh Mộ được khởi công trùng
tu, tôn tạo xây dựng lại.
Sau 2 năm thi công, ngày 01/11/2020, xã Cao Xá tổ chức khánh
thành Đình làng Vĩnh Mộ. Đình Làng Vĩnh Mộ đã hoàn thiện và đưa vào sử dụng với
tổng kinh phí trên 8,4 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền này đều do nhân dân, các nhà hảo
tâm cùng con em xa quê đóng góp.
Lễ khánh thành Đình Vĩnh Mộ
Làng Vĩnh Mộ có hội vật “đuổi giải” rất độc đáo đầu xuân vào
ngày mồng 7 tháng Giêng. Tập tục này nhằm nhắc lại việc rược đuổi quân giặc ra
khỏi làng xóm của mình. Hội vật với tục “đuổi giải” trải qua các bước: Vật lệ,
vật giải.
Người “đổ giải” phải ôm giải chạy một vòng xung quanh sân
đình, sau đó chạy ra khỏi cổng làng và cấm không được ngoái cổ nhìn lại phía
sau, dân làng reo hò đuổi theo phía sau. Nếu người được giải chưa ra khỏi cổng
làng mà vô ý nhìn lại sẽ bị cả làng xúm vào đánh. Ngoài ra, dân làng Vĩnh Mộ
còn có tục mổ trâu, mổ lợn, rán cá chép, làm chè kho, bún và thi giã bánh giầy…
để làm lễ vật cúng tế. Cỗ hèm có bánh giầy và cá rán, được quan niệm là những
món ăn ưa thích của thành hoàng làng.
Chùa Vĩnh Mộ
Chùa Vĩnh Mộ
(tên chữ là Diên Phúc tự), xây dựng thời Nguyễn, nhìn về hướng Đông – Nam, kiến
trúc kiểu chữ Đinh (J), gồm 2 tòa: Bái đường và Chính điện, được tu bổ, tôn tạo
vào cuối thế kỷ XX. Trong chùa có 10 pho tượng với chất liệu bằng gỗ và thổ.
Nguồn: Kỷ yếu Di tích – Lễ hội văn hóa huyện Lâm Thao
Thánh Địa Việt Nam Học