Đình Vĩnh Quang thuộc thôn Đoàn Kết, xã Yên Thạch, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc, thờ phụng Tam vị thành hoàng làng là Đệ Nhất, Đệ Nhị, Đệ Tam Thạch Sơn đại vương huý là Nguyễn Nham, Nguyễn Tuấn và Nguyễn Tiễu là thầy dạy học cho các hoàng tử trong cung triều đại Lý Thái Tổ.
1. Sự kiện, nhân vật lịch sử
Tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm còn lưu giữ một bản Xã chí của
làng Lập Thạch nay thuộc xã Yên Thạch, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc mang ký hiệu
AJ.1/7 do Lý trưởng làng Lập Thạch kê khai năm 1938.
Trong đó có ghi: Làng Lập Thạch có 4 cái đình: Đại Trung
đình (đình Cả), Văn Lâm đình (đình Văn), Miêu Nha đình (đình Ngà), Vĩnh Quang
đình và một ngôi chùa Long Hoa tự (chùa Bạch). Phần nói về Đình Vĩnh Quang có
ghi: Đình Vĩnh Quang thờ Thành hoàng Tam vị Thạch Sơn tôn thần được tóm tắt như
sau:
Xét lại điển tích: Trời Nam mở vận hội này. Các bậc Thánh tổ
dựng nên cơ đồ, cha truyền con nối đã được hơn ngàn năm, đều lấy Hùng Vương làm
hiệu. Trải đến triều đình nhà Đinh Lê đều hưng thịnh.
Đến Lý triều, vua Lý Thái tổ định lập đô La Thành, quốc gia
vô sự.
Thời Thạch Sơn công, có người làng Bác Trạch, dòng họ Nguyễn,
cha mẹ tuổi đã ngoài bốn mươi chưa sinh con, đi cầu tự. Nhưng công việc rất
gian nan. Không tiếc công của, chẳng sợ gian lao vất vả, đi mọi nơi, đâu có đền
chùa là đến cầu.
Nghe thấy vùng Sài Sơn có núi đá, lại có bàn đá, phong cảnh
đẹp bèn tìm đến đặt lễ cầu tự. Lễ xong, khoảng nửa đêm, bà mẹ mộng thấy đi đến
một nơi có toà điện lộng lẫy, nguy nga,
vào bên trong thấy bày biện nhiều đồ tế khí, có một người đội mũ vàng, mặc áo
long bào, uy nghi lẫm liệt, ngồi trên bệ cao, truyền gọi người mẹ vào gặp và bảo
rằng: “Vợ chồng các ngươi phải ra công làm việc âm đức, chắc chắn sẽ có con
trai tuấn tú, thông minh, làm rạng rỡ gia đình và thiên hạ, không lo muộn”.
Khi tỉnh giấc, biết đó là thần báo mộng, cảm thấy động lòng
và từ đó bà đã có thai.
Đến kỳ sinh nở, bà đẻ ra một bọc có hai con trai. Hôm đó là
ngày 20 tháng Bảy.
Sau 3 năm lại sinh được một con trai, vào ngày 15 tháng
Chín.
Ông bà rất vui, lập đàn bái trời đất, thần phật, đặt tên cho
các con là:
Con thứ nhất là: Nguyễn
Nham
Con thứ hai là:
Nguyễn Tuấn
Con thứ ba là:
Nguyễn Tiễu
Khi lớn lên, ba anh em học hành rất giỏi, thiên hạ hiếm có
người học được như thế. Thi cử đều đỗ hạng cao nhất. Có tài, có trí, có lý.
Triều Lý Thái tổ mở khoa thi để chọn người đỗ đầu “Tứ hải Trạng
nguyên”. Người có đủ trí tuệ, tài năng mới được vào thi. Cả ba anh em đều xin
thi và đều đỗ đạt. Anh em trở về nhà chờ kết quả. Nhà vua ban chiếu: Cả ba vị
được phong chức đại phu và được triệu vào triều dạy học các con vua là: Dực
Thánh và Vũ Đức.
Lòng tràn ngập niềm vui như cá gặp nước. Công việc đang tốt
đẹp, được nhờ ơn vua, được vua ưu ái và được hưởng bổng lộc của vua trong 3
năm. Vua Lý Thái tổ mất (1028), Thái tử Phật Tích lên ngôi, hiệu là Thái Tông.
Hai con vua bất đồng, bày mưu để tranh ngôi. Ba ông lấy
trách nhiệm thầy dạy ra sức can ngăn không được.
Quan đại thần ở Ái Châu là Lê Phụng Hiểu (982 - 1059) tới thẳng
triều chém đầu hai công tử, trách ba thầy dạy, quy là mắc tội lớn phải chịu
trách nhiệm.
Ba vị nghĩ rằng phúc hoạ đều do trời nhìn nhận. Triều đình cấm
cửa ba vị và cho rằng: Để xảy ra xương máu tương tàn là tội ác xưa nay hiếm có.
Ba vị bàn nhau rằng: Cơ sự này không đi thì cũng không ổn.
Anh em đến bái tạ trước vua, xin nộp lại mũ áo, ấn tín, gửi
lại trả nhà vua, xin được về quê. Nhà vua tiếc tài trí của ba anh em, không quy
tội nữa, nhưng anh em vẫn xin về quê.
Từ giã ra về, anh em tự nhủ: mình không có tư lợi nên không
phạm lỗi. Từ đó ngày tháng du nhàn lấy thơ văn làm niềm vui, khi tản bộ, ngắm
phong cảnh núi non hưởng lâm lộc hoặc tìm cách giải trí theo sông suối.
Đi khắp mọi nơi, đến trang Lập Thạch thấy nơi này có cảnh nước
non đẹp đẽ, có thể ẩn dật thanh nhàn, bèn ở lại đây lấy việc dạy học làm nghề
nghiệp bình an chờ thời. Ba vị đều thấy vui vẻ vì nơi đây sẵn có sơn thuỷ hợp cảnh,
việc dạy học không cần thu nhập nhưng chẳng bị tranh đua yêu ghét.
Tướng nước Chiêm là Sạ Cam (Sạ Đẩu - Sạ Đâu - Jaya
Sinhavarman II) thấy trong nước ta đang có nạn, nhân đấy gây hấn biên thuỳ, quấy
nhiễu nhân dân.
Triều thần Lê Phụng Hiểu tâu với triều đình cho đi tìm để
triệu ba anh em về triều giúp nhà vua dẹp giặc Chiêm (1043 - 1044). Anh em đều
nghĩ rằng: từ thuở nhỏ lấy văn chương làm sự nghiệp, làm sao nối được nghiệp của
tổ tông, bản tính do trời định. Sự sinh sống đều do tiền định. Việc diệt giặc
là việc không rõ thực hư ra sao. Chúng ta hàng ngày chỉ biết dạy các công tử mà
các công tử lại không biết làm điều có nghĩa. Huống chi ta lại ham sống chịu nhục.
Như vậy còn mặt mũi nào mà trông thấy các công tử ở dưới địa phần.
Ba vị liền lên núi, trên nói có khối đá dựng, có một giếng
đá, thiết lập một đàn thắp hương kính báo thượng đế, tụng kinh cầu Phật thầm
mong Trời Phật chứng minh “sinh tiền
nghiệp chướng, hậu thế danh phương” vì chưa đền đáp được công ơn cha mẹ, chưa
trả được công dạy bảo của thầy dạy. Xin Trời Phật: sau khi chết có linh hiển
hoá thành tượng đá được hưởng phúc thần không bao giờ mất.
Khấn xong mỗi anh em cầm một quả dừa lễ bề trên, gieo quả dừa
xuống giếng đá. Hai vị đồng tâm tin vào lời nói, còn một vị lên núi đá cao rồi
thác ở đó.
Nhân dân đi tìm di tích thấy khối đá lớn, dây leo … (có đàn
hương)... đặt tên là núi Đền. Được hơn một tháng trên khối đá đều có ba hình
người bằng đá trên núi, măng trúc mọc thành rừng.
Nhân dân thấy làm kỳ lạ bèn lập một lều tranh, gặp khi mưa
nhiều cầu tạnh, hạn nhiều cầu mưa đều thấy linh ứng. Sau đặt tên là điện Nghè,
đặt ra lệ, có đủ long kiệu, tổ chức rước kiệu từ đây về các nơi thờ cúng. Vị thứ
ba do ngày trước đỗ đầu bảng nên rước vào trước, hai vị tuy là anh nhưng đỗ thấp
hơn nên rước vào sau.
Tiếng đồn tới triều đình, Lý (Lý Thái Tông) khen là trung
thành nên cho lập miếu phụng thờ, gia phong là “Thượng đẳng phúc thần”, lấy việc
khi các ngài mới thác nhân dân thấy hình tượng đá liền sắc phong “Thạch Sơn đại
vương”, tứ thời cúng tế.
Đến triều Trần đều có sắc lệnh coi việc phụng thờ các ngài
là tối linh. Trần Dụ tông gặp lúc hạn hán kéo dài liền được giáng sinh thủy
giúp đỡ mưa gió thuận hòa.
Các triều đại phong kiến về sau đều ban sắc phong là Thạch
Sơn Tam vị tôn thần. Nhân dân nhiều nơi, trong đó có làng Lập Thạch xưa đã lập
đình, đền, miếu để thờ cúng.
2. Quá trình xây dựng tu bổ tôn tạo di tích
Hiện tại các tư liệu để xác định chính xác niên đại khởi dựng
của ddình Vĩnh Quang không còn. Tuy nhiên, có một số mốc thời gian có thể đưa
ra những đoán định ban đầu về lịch sử lâu đời của ngôi ddình Vĩnh Quang gồm:
Tại đình Vĩnh Quang có lưu được một bia đá hai mặt đã được
Viện Nghiên cứu Hán Nôm lưu trữ mang ký hiệu N0.15652-15653, ghi chép lại việc
bán quyền hát cửa đình Vĩnh Quang có niên đại “Vĩnh Thịnh nhị niên thập nhị
nguyệt thập lục nhật Tuất thời tạo lập bi văn đại cát” (tức dựng bia vào giờ Tuất
ngày 16 tháng 12 niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ hai – 1706, Triều Lê).
Hiện tại đình Vĩnh Quang lưu giữ được 5 đạo sắc phong gồm 3
đạo sắc Tự Đức 33 (25/8/1924), Duy Tân 3 (24/9/1909), Khải Định 9 (25/8/1924) sắc
cho xã Lập Thạch, huyện Lập Thạch tòng tiền phụng sự; một đạo sắc Khải Định 9
(25/8/1924) sắc cho xã Thiều Xuân, huyện Lập Thạch tòng tiền phụng sự; một đạo
sắc Khải Định 9 (25/8/1924) sắc cho đình Vĩnh Quang, xã Lập Thạch, huyện Lập Thạch
tòng tiền phụng sự.
Như vậy có thể thấy tại đình Vĩnh Quang đang lưu giữ: một đạo
sắc của đình Vĩnh Quang (xã Yên Thạch, huyện Sông Lô), một đạo sắc của đình Thiều
Xuân (xã Đồng Thịnh, huyện Sông Lô), 3 đạo sắc của xã Lập Thạch, huyện Lập Thạch
(trước đây tại làng Lập Thạch có 04 ngôi đình, nhưng do thời gian và chiến
tranh phá hủy, hiện chỉ còn lại đình Vĩnh Quang). Khi các ngôi đình bị phá hủy,
nhân dân đã mang các đạo sắc và đồ thờ về gửi tại đình Vĩnh Quang.
Đình Vĩnh Quang hiện nay vẫn giữ lại được gần như nguyên bản
kiến trúc gốc của thời Nguyễn, có tu sửa nhưng không đáng kể.
Như vậy, căn cứ vào tất cả các tư liệu còn được lưu trữ, ta
có thể khẳng định đình Vĩnh Quang có từ lâu đời, đình được xây dựng trước năm
1706, Triều Lê niên hiệu Vĩnh Thịnh 2. Trải gần 200 năm, đến năm 1880, đình được
trùng tu và giữ nguyên hiện trạng đến ngày nay.
3. Sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng:
Theo tài liệu Thần tích - Thần sắc làng Lập Thạch, tổng Yên
Xá, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Yên, ở mục ghi về những ngày lễ tế lễ của làng Lập
Thạch và lời kể của người dân địa phương thì hàng năm ở đình Vĩnh Quang có các
tiệc chính sau:
- Ngày 13, 14, 15 tháng Giêng: Tiệc Lập miếu gia ban (kỷ niệm
dịp được triều đình phong tặng): khai xuân, khai sắc, cầu đinh.
- Ngày 19, 20 tháng 7: Tiệc Thánh sinh (tiệc sinh của Thánh
Nguyễn Nham, Nguyễn Tuấn).
- Ngày 14, 15 tháng 9: Tiệc Thánh sinh (tiệc sinh của Thánh
Nguyễn Tiễu).
- Ngày mùng 6, mùng 7 tháng 11: Ca tụng thần công.
- Ngày 19, 20 tháng 12: Thánh hóa (tiệc hóa của ba thánh)
Trong các dịp lễ có tổ chức đánh cờ vây, chọi gà, đấu vật,
hát xướng.
Ngoài ra, còn có các việc tế lễ theo thời tiết (cúng xôi
gà):
- Ngày mùng 5 tháng Năm âm lịch: Tiệc Đoan ngọ.
- Ngày 20 tháng Năm âm lịch: Tiệc Hạ điền.
- Ngày mùng 2 tháng Tám âm lịch: Tiệc Thượng điền.
Trong đó ngày 13, 14, 15 tháng Giêng là lễ hội chính của
thôn (chính tiệc là ngày 14). Trước đây trong kỳ tiệc có tổ chức rước (3 năm rước
một lần, nước từ miếu Nghè ở núi Đền (núi Điện Sơn) là nơi các ngài hóa về
đình. Khi rước về về đình kiệu rước lần lượt: đầu tiên là Thánh Nguyễn Tiễu,
sau đó đến Thánh Nguyễn Nham và Nguyễn Tuấn.
Theo lý giải của nhân dân, mặc dù là em út nhưng trong kì
thi trạng nguyên ngài Nguyễn Tiễu đỗ cao nhất nên được rước vào đầu tiên. Đến
khoảng năm 1955, miếu bị phá nên không tổ chức rước nữa. Hiện nay, vào kỳ tiệc
chính, tại đình Vĩnh Quang tổ chức tế lễ lễ.
Lễ vật gồm thủ lợn, xôi gà, hoa quả, bánh kẹo... Theo các cụ
trong ban quản lý đình, từ năm 1992, kỳ tiệc ngày 14 tháng Giêng được đổi sang
ngày mùng 4 tháng Giêng do nhu cầu của Nhân dân trong thôn. Trong kỳ tiệc có
các trò chơi như cờ tướng, chọi gà...
Trước đây, tại đình Vĩnh Quang, mỗi khi hạn hán hoặc mưa nhiều,
thiên nhiên khắc nghiệt lại tổ chức tục cầu đảo cướp dừa. Theo các cụ cao niên
trong làng kể lại, khi bị hạn hán, quan sức về làng phải cầu đảo (cầu mưa) và
có tục cướp dừa.
Nguyên do là tương truyền ba vị thánh trước khi hóa đã ném 3
quả dừa xuống giếng, các ngài phán rằng: nếu 3 quả dừa chìm thì các ngài sẽ
gieo mình xuống giếng, và 3 quả dừa khi ném xuống thì đều chìm.
Vào ngày lễ, các cụ cao niên sẽ đặt 3 quả dừa lên cúng sau
khi làm xong nghi lễ thì ném dừa (tục cướp dừa diễn ra như cướp phết). Làng nào
cướp được dừa thì chiến thắng và giành được nhiều may mắn trong năm. Hiện nay tục
cầu đảo cướp dừa không còn được tổ chức nữa.
4. Khảo tả di tích
Đình Vĩnh Quang hiện nay được bảo tồn khá nguyên vẹn kiến
trúc cổ thời Nguyễn có mặt bằng kiến trúc hình chữ “nhị” gồm 3 gian đại bái, 2
gian hậu cung. Tất cả đều làm bằng gỗ, chồng rường, ngói lợp. Trong đó, 3 gian
đại bái dài 8,3m, rộng 4,18m diện tích sử dụng 34,7m2. Liên kết các bộ vì đại
bái theo kiểu thức quá giang gối cột, các cấu kiện kiến trúc như: cột, câu đầu,
kẻ, hoành, rui bằng gỗ, mái lợp ngói mũi. 02 gian hậu cung rộng 4,7m sâu 5,4m,
diện tích sử dụng 25m2.
Liên kết các bộ vì hậu cung theo kiểu thức quá giang gối cộ,
các cấu kiện kiến trúc như: cột, câu đầu, kẻ, hoành, rui bằng gỗ, mái lợp ngói
mũi hài. Hai gian trong cùng hậu cung được nâng cao hơn mặt nền 1,5m để làm
khám thờ đặt Long ngai, tượng Thánh và các đồ tế khí.
Đình Vĩnh Quang là nơi sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân
thôn Đoàn Kết với ước vọng cuộc sống luôn được bình an, đủ đầy dưới sự bảo vệ
chở che của thần Thành hoàng làng.
5. Giá trị lịch sử, văn hóa của di tích
Đình Vĩnh Quang hiện bảo lưu được hệ thống cổ vật, di vật có
giá trị cao về mặt lịch sử, mỹ thuật. Đây là một nguồn tư liệu quý để nghiên cứu
về lịch sử, văn hóa của di tích đình Vĩnh Quang.
Ngày nay, bên cạnh các chức năng thờ cúng Tam vị thần Thành
hoàng làng thì Đình Vĩnh Quang thôn Đoàn Kết còn là nơi sinh hoạt văn hóa cộng
đồng của người dân địa phương, nơi giáo dục truyền thống đạo lý “uống nước nhớ
nguồn”, tôn vinh những đóng góp, công lao của lớp lớp người thôn Đoàn Kết trong
sự nghiệp xây dựng quê hương đất nước ngày một phồn vinh, thịnh vượng. Đồng thời
nơi đây còn lưu giữ những di sản văn hóa phi vật thể truyền thống của nhân dân
địa phương từ nhiều đời nay.
Đình Vĩnh Quang đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc xét cấp
Bằng công nhận Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh theo Quyết định số
147/QĐ-UBND, ngày 21 tháng 01 năm 2020.