Đình Võ Liệt, xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An là một trong những ngôi đình làng lớn của huyện Thanh Chương nói riêng và của tỉnh Nghệ An nói chung. Đình thờ phụng thành hoàng làng và là Văn miếu của sĩ tử huyện Thanh Chương.
Đình Võ Liệt là một trong những Đình làng lớn nhất còn lại
trên đất Thanh Chương, nằm trên cánh đồng Rè, thuộc thôn Khai Tiến, xã Võ Liệt.
Đình cách thành phố Vinh khoảng 50 km
theo hướng Tây Bắc. Từ Vinh, các phương tiện có thể đến di tích này bằng đường
thủy trên sông Lam, đường bộ theo quốc lộ
46 hoặc đường Hồ Chí Minh.
Đình Võ Liệt trước đây có tên là Quán Hàng Tổng, do Hội Văn
của tổng Võ Liệt lập ra để thờ Khổng Tử và những người tiên hiền đậu đạt ở địa
phương. Đình được xây dựng vào năm 1859 và đến năm 1860 thì hoàn thành.
Đình do ông Hoàng Chính Trực chủ trì thiết kế, xây dựng sau
khi ông đậu cử nhân năm 1858. Trước khi xây dựng Đình, ông tú tài Hoàng Chính
Trực đã nghiên cứu, thăm thú, tuần du để tìm hiểu kiến trúc các Văn Chỉ ở Thăng
Long, Thanh Hóa. Sau đó, ông về quê bàn với các nhà Nho trong Hội Văn của Tổng
làm Đình Võ Liệt.
Võ Liệt vốn là tên làng - một làng cổ trù mật bên hữu ngạn
sông Lam, tên chữ là Lam Thủy hay còn gọi là Lam Giang, Thanh Long và trải dài
ven hữu ngạn sông Rộ, tên chữ là Võ Giang.
Theo các nhà nghiên cứu lịch sử địa phương, địa danh Võ Liệt
(vùng đất võ) xuất hiện vào khoảng cuối thế kỷ XIV đầu thế kỷ XV. Bấy giờ làng
Võ Liệt là hậu cứ cung ứng lương thảo cho Bình Định vương Lê Lợi.
Thanh Chương huyện chí của Tri huyện Nguyễn Điển cho biết xã
Võ Liệt thuộc tổng Võ Liệt, một trong 5 tổng của huyện Thanh Chương xưa. Trước
khi trở thành Văn Miếu của tổng, đình Võ Liệt là nơi thờ phụng Thành Hoàng và
là điểm họp làng.
Đình là nơi tế lễ và hội họp của Hội văn Thanh Chương vào
tháng 8 âm lịch hàng năm; là nơi đi lại của các
sĩ phu yêu nước như Phan Bội Châu, đặng Nguyên Cẩn, Nguyễn Sinh Sắc, Hồ Sĩ Tạo. Đình còn là
nơi các sĩ tử tập trung ôn luyện văn bài
trong vài, ba tháng trước khi lên đường ứng thí.
Thành hoàng và các vị nhân thần được thờ ở đình Võ Liệt có
10 vị chính thần, trong đó 3 vị đã được các triều vua sắc phong tặng thần hiệu.
Thần chủ của đình là Đô Thiên Đại đế Long vương Thượng đẳng tối linh tôn thần
và vị nhân thần Phan Đà, danh tướng giỏi của vua Lê Lợi (Lê Thái Tổ). Thần chủ
vốn đã có nơi thờ phụng chính là đền Bạch Mã, được gọi là Đô Thiên Đại đế Bạch
Mã thượng đẳng phúc thần”. Về sau, các triều đại phong kiến gia phong “Thượng -
thượng - thượng đẳng tối linh phúc thần”.
Thế kỷ XIX, xứ Nghệ vươn lên đứng đầu cả nước về thành tựu
khoa bảng. Nho học được đề cao và đây cũng là thế kỷ bùng nổ xu hướng đình ở xứ
Nghệ, chuyển thành Văn Miếu thờ Khổng Tử.
Đình Võ Liệt đã xuất hiện vào khoảng niên hiệu Cảnh Hưng
(1740-1786) thời Lê Trung Hưng. Ảnh: Nguyễn Diệu
Đình Võ Liệt được khởi công xây dựng vào năm 1859, hoàn
thành vào năm 1860. Chủ trì thiết kế là nhà Nho Hoàng Chính Trực. Gia phả họ
Hoàng ghi: “Ông Hoàng Chính Trực, hiệu là Cổ Duy, sinh năm Canh Dần, niên hiệu
Minh Mệnh thứ 11 (1830), đậu Cử nhân khoa Tân Dậu, năm Tự Đức 14 năm 1861. Cha
ông làm quan ở huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Từ nhỏ và lúc đi học ông được cha
dẫn ra Thăng Long tham quan nhiều danh lam thắng cảnh, trong đó có Văn Miếu Quốc
Tử Giám.
Từ đó, ông có ý tưởng xây một công trình như Văn Miếu Quốc Tử
Giám ở quê hương để đề cao Nho học. Hội Văn tổng Võ Liệt chấp thuận ý định của
ông và giao ông thiết kế, đốc công… Văn Miếu trùng diêm ở Võ Liệt theo quy thức
kiến trúc thời Lý Thánh Tông ở Thăng Long”. Từ đây, ông tổ đạo Nho được đưa vào
thờ phụng cùng với các vị thần khác của làng.
Đình làng trở thành nơi tế lễ và hội họp của Hội Văn tổng Võ
Liệt vào tháng 8 âm lịch. Từ đó, đình còn có tên gọi Văn quán, quán Hàng Tổng
và đình Võ Liệt trở thành Văn Miếu của huyện.
Qua nhiều biến cố lịch sử, hiện di vật thờ cúng của đình
không còn gì, nhưng tương truyền, xưa kia đây là Văn Miếu của tổng, từ năm 1907
trở thành Văn Miếu của huyện nên đã từng có nhiều hiện vật quý như: 2 cờ đại, 6
cờ vuông, mâm cỗ bồng, bàn thờ Khổng Tử, trống, khánh đá, chiêng đồng do Tiến
sĩ Phan Sĩ Thục (1822-1891) năm 1872 đi sứ sang nhà Thanh về cung tiến.
Di tích lịch sử cách
mạng
Đình Võ Liệt không chỉ là di tích lịch sử văn hóa mà còn là
di tích lịch sử cách mạng. Nơi đây đã ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử tiêu biểu
trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh (1930-1931).
Phát huy truyền thống yêu nước có từ lâu đời, khi phong trào
Xô Viết Nghệ - Tĩnh nổ ra, nhân dân Thanh Chương đã vùng lên đấu tranh mạnh mẽ.
Sáng ngày 1/6/1930, nhân dân đã tay gậy, tay thước tập trung tại đình Võ Liệt,
rồi kéo lên huyện đường đưa yêu sách.
Trước khí thế đấu tranh mạnh mẽ của quần chúng, tri huyện
Phan Thanh Kỷ phải chấp nhận bản yêu sách của quần chúng với lời hứa sẽ đệ
trình lên quan trên xem xét, giải quyết.
Ngày 1/9/1930, dưới sự lãnh đạo của Huyện ủy Thanh Chương, 2
vạn nhân dân trong 5 tổng đã vượt sông Lam sang vây phá huyện đường, khiến tri
huyện, nha lại hoảng sợ phải bỏ chạy lên đồn Thanh Quả. Trước sự tan rã của bộ
máy hương hào ở địa phương, chi bộ Đảng đã họp ở đình Võ Liệt quyết định thành
lập tổ chức Nông hội đỏ, đại diện cho quyền lợi của người lao động và công khai
giải quyết mọi công việc như một chính quyền cách mạng. Đình Võ Liệt trở thành
trụ sở làm việc của chính quyền Xô Viết.
Nơi đây đã ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử tiêu biểu trong
phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh (1930-1931). Ảnh: Nguyễn Diệu
Cũng trong thời kỳ này, các hoạt động cách mạng như diễn
thuyết, tổ chức học chữ quốc ngữ, học Quốc tế ca, treo cờ Đảng và hàng loạt
sinh hoạt văn hóa văn nghệ cách mạng khác được tổ chức thường xuyên tại đình.
Đây cũng là địa điểm có nhiều nhà nho hay chữ ở các nơi khác
được nhân dân mời về dạy học cho con em, trong đó có thân sinh Chủ tịch Hồ Chí
Minh là cụ Nguyễn Sinh Sắc và các cụ Tôn Lộ Xuyên, cụ Phan Bội Châu, cụ Cử Độ,
cụ Cử Vành.
Tiếng trống Xô Viết năm 1930-1931 được gióng lên từ đình Võ
Liệt, lá cờ đỏ búa liềm của Đảng phấp phới bay trên nóc đình là những hình ảnh
hào hùng một thời oanh liệt của vùng quê nghèo khó nhưng giàu lòng yêu nước,
theo tiếng gọi của Đảng đã đứng lên làm cách mạng chống thực dân – phong kiến.
Trong những năm 1940-1947, Đình Võ Liệt là địa điểm diễn ra
những cuộc họp quan trọng như thành lập, khôi phục lại chi bộ Đảng Võ Liệt (năm
1940), tiến hành Đại hội đại biểu khu uỷ IV dưới sự chủ trì của các đồng chí
Nguyễn Chí Thanh, Hồ Tùng Mậu, thiếu tướng Nguyễn Sơn và đại hội Liên khu IV cũ
(năm 1947). Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nhiều cán bộ lão thành cách mạng cũng
đã từng về thăm ngôi đình này.
Đình Võ Liệt là một di tích kiến trúc văn hóa độc đáo của
đình làng Việt Nam.
Theo tác giả luận án Tiến sĩ “Đình Võ Liệt trong bối cảnh
đình Nghệ An”, Đình Võ Liệt có cấu trúc tổng quan khá đặc biệt
Nghi môn của đình là hai
trụ biểu, tả hữu là hai cổng phụ bốn mái. Qua Nghi môn là sân đình, bia vinh
danh khoa bảng dựng ở 2 đầu sân đình. Từ Nghi môn vào, hàng bia bên trái tính
theo thứ tự 1,2,3 hàng dọc từ trong ra. Nghệ thuật chạm khắc đá đẹp giản dị, chỉ
có rồng mây và hoa sen cách điệu. Bia số 1 ghi họ tên, học vị, năm thi đậu, quê
quán, chức vụ của 5 vị đại khoa bao gồm 2
tiến sĩ, 3 phó bảng; bia số 2 ghi họ tên, học vị, năm thi đậu của 27 vị hương cống
(tương đương như giám sinh, nho sinh trúng thức) triều Lê; bia số 3 ghi họ tên,
năm thi đậu của 35 vị cử nhân triều Nguyễn. Ba tấm bia ở hàng bên phải là danh
sách 374 vị sinh đồ thời Lê và tú tài thời Nguyễn.
Nhóm bia khắc 445 tên người đỗ đạt, trong đó có 377 tú tài,
63 cử nhân, 2 tiến sỹ và 3 phó bảng. Các vị tú tài tiêu biểu là Trần Văn Thăng,
Nguyễn Cảnh, Đỗ Đức Cao, Nguyễn Đình Thực…(thời Lê), cử nhân Vũ Duy Tân, Tống
Huy Viên, Phan Sỹ Nhiếp, Hoàng Nho Nhã, Hồ Sỹ Tạo…(thời Nguyễn).
Bia khắc 445 người đỗ đạt, trong đó có 377 tú tài, 63 cử
nhân, 2 tiến sỹ và 3 phó bảng. Ảnh: Nguyễn Diệu
Qua sân đình là 4 dãy nhà liên thông và 54 cột cái nối nhau
thẳng hàng ngang, dọc và khép kín bằng ván lim trong khung đố. Dãy nhà phía trước
năm gian chính hai gian phụ cao 5 mét nối liền với hai dãy nhà tả hữu, mỗi nhà
ba gian, bốn cột cao 4,3m, khoảng giữa là sân trời, nối tiếp tòa nhà chồng diêm
phía sau năm gian chính, hai gian phụ cao 7m.
Mái đình lợp toàn ngói vảy âm - dương. Ảnh: Nguyễn Diệu
Hậu cung có 2 tầng chồng diêm, hai tầng 8 mái. Hậu Cung là
cung cấm, đặt khám thờ, bài vị thờ phụng các vị Thành hoàng, Khổng Tử và các vị
tiên hiền địa phương. Theo thiết kế truyền thống, đình làng Bắc Bộ chỉ có 1
gian thờ nhỏ thì Hậu cung đình Võ Liệt có tới 5 gian, 2 chái với 6 bộ vì kèo nối
nhau theo hệ thống xà ngang và kẻ dọc nóc mái, toàn bộ bộ khung của đình được
kê trên chân đá tảng.
Tổng thể đình chính có kết cấu kiến trúc hình vuông hay còn
gọi là kết cấu chữ khẩu với 54 cột lim và 4 cột xây bằng gạch vững chắc Ảnh:
Nguyễn Diệu
Đình Võ Liệt có kiến trúc hình vuông hay còn gọi là kết cấu
chữ khẩu độc đáo với 54 cột lim và 4 cột trụ xây gạch vững chắc tạo thành những
nếp nhà khép kín không đốc (trừ tầng lầu dãy sau), Các gian bên trong thông
nhau, giữa là một sân trời nhỏ.
Trong đình không bầy các bức tượng Phật, tượng thánh thần đồng
thời cũng không được trang trí chạm khắc họa tiết hoa văn cầu kỳ. Mái đình lợp
toàn ngói vảy âm - dương. Phía sau đình có dãy nhà 5 gian dùng làm nơi tổ chức
uống rượu, bình thơ văn cho Hội văn Thanh Chương
Trên nóc đình đắp trang trí Lưỡng long quán nhật. Các đầu
đao ở đình uốn cong mềm mại đắp hình rồng cách điệu. Trong các kết cấu vì kèo,
chạm rồng theo kỹ thuật bong kênh, thể hiện với các chi tiết sắc nét, sống động
trên các đầu cột chịu lực đỡ quá giang. Các mảng chạm khắc trang trí trong đình
mang đậm dấu ấn thời Nguyễn.
Đình Võ Liệt là một trong những ngôi đình có kiến trúc độc đã
trở thành biểu tượng cho lòng tự hào về truyền thống Khoa bảng của của quê
hương Thanh Chương. Không chỉ là di tích lịch sử Văn hóa, nghệ thuật kiến trúc
mà còn là di tích lịch sử Cách mạng của người dân Thanh Chương nói riêng và Nghệ
An nói chung.
Với những giá trị văn
hóa, nghệ thuật kiến trúc và lịch sử to lớn, Đình Võ Liệt được Bộ Văn hóa Thông
tin xếp hạng di tích Lịch sử Văn hóa quốc
gia theo quyết định số 1288/ QĐ-VH, ngày 16 tháng 11 năm 1988.
Tư liệu ảnh: Nguyễn Diệu
Nguồn: Văn hóa và Phát triển