Đình Võng Ngoại, xã Võng Xuyên, huyện Phúc Thọ, thành phố Hà Nôi, gần bên bờ sông Hồng và gần Sơn Tây và Ba Vì. Đình thờ phụng Sơn thánh Tản Viên và thần Bạch Hạc Tam Giang, tên húy là Đào Trường, thống lĩnh Thủy quân triều đại Hùng Duệ Vương đánh giặc ngoại xâm.
Thánh Bạch Hạc Tam Giang, theo những di tích cùng thờ thánh
còn có các tên Thổ Lệnh Đào Trường, Trưởng Lệnh thống lĩnh Thủy quân thời Hùng
Duệ Vương hay Trung thành Phổ Tế Đại vương. Đức ngài là con thứ Ba trong 5 anh
em Vua Cha Bát Hải tức Quan Đệ Tam ... dòng sông nước Thủy Tinh.
Đình cũng đồng thời thờ Tản Viên Sơn Thánh tên húy là Nguyễn
Tuấn, vị thánh đứng đầu các vị thần tiên Tứ Bất tử còn gọi là Sơn Tinh. Đặc biệt
gần đó là bên Miếu Võng Ngoại có sự tích rõ hơn về năm anh em Thánh Bạch Hạc
Tam Giang. Cụm di tích bị đốt cháy năm 1948, dù nay đã dựng lại khá bề thế và
vì thế mới là di tích thành phố. Năm 1946 trước khi đình bị phá Bác Tôn Đức Thắng
đã về đây họp mặt và đây còn là di tích chống Pháp.
Đình Võng Ngoại được dựng từ thời Lê Trung hưng, bên
trong thờ bài vị của Sơn Thánh Tản Viên và Đức Thánh Bạch Hạc Tam Giang
là thành hoàng làng. Ngôi đình đến nay đã trải qua nhiều lần sửa
chữa, tôn tạo.
Khoảng giữa hồ Võng Ngoại có một toà thuỷ đình khá
lớn và chiếc cầu nho nhỏ cong cong nối vào bờ, cạnh đầu cầu là tấm
bia đề “Đình Võng Ngoại di tích lịch sử - văn hoá 2004”. Bốn cây quéo
cổ thụ vài trăm năm tuổi che mát cổng đình, gần phía gốc cây rìa bên
trái có bia đá ghi nhận là “Cây di sản Việt Nam”.
Phía bên tay phải cổng đình, hơi lui vào trong và
cách đường trục khoảng hai chục bước là cổng của ngôi chùa làng có
quy mô nhỏ, cũng được đại trùng tu vào đầu thế kỷ XXI cùng với ngôi
đình và ngôi miếu ở phía bắc hồ.
Cổng đình Võng Ngoại làm theo kiểu nghi môn với bốn
trụ biểu, đỉnh trụ có gắn hình linh thú, thân trụ có đắp câu đối
chữ Hán. Đình nhìn chênh chếch về phía tây bắc ra hồ nước. Phía bên
tay phải cổng còn có một nhà bia di tích cách mạng - kháng chiến
được dựng năm 2014. Sau cổng là sân đình; hai dãy nhà tả, hữu vu đứng
đối diện qua sân được xây hai tầng với mái gác chồng diêm nhô lên phi
đối xứng như ở ngôi đình Tây Đằng cách nơi này không xa.
Toà đại bái rộng 5 gian 2 chái với cửa bức bàn.
Trên bờ nóc có đắp các hình linh thú, ở giữa là “lưỡng long triều
nguyệt”, 4 góc mái đao uốn cong gắn đầu rồng. Bộ vì dựa trên 4 hàng
cột gỗ lim. Toà hậu cung hai gian kết nối với gian giữa toà đại bái
tạo thành hình “chữ Đinh”.
Trong đình được bài trí trang nghiêm với các bộ hương
án, cửa võng sơn son thiếp vàng và nhiều hoành phi, câu đối. Hiện nay
không còn lưu giữ được nhiều cổ vật, ngoài một số đồ tế khí và 02
cỗ kiệu bát cống chạm rồng.
Đình còn hàng cây quéo cổ thụ được công nhận là cây di sản.
Trước đình là cả dải ao dài nước xanh trong.
Lễ hội đình làng được tổ chức trong 3 ngày liền từ mồng
10 đến 12 tháng Ba âm lịch hàng năm. Trong dịp này có các cuộc tế lễ
trong đình và đám rước kiệu Thánh đi vòng quanh làng. Ngoài ra, nhân
dân cùng khách thập phương còn tham gia hội diễn văn nghệ và các trò
chơi dân gian truyền thống.
Năm 2004, chùa và đình Võng Ngoại đã được UBND tỉnh Hà
Tây công nhận là Di tích lịch sử - văn hoá.