Truyền thuyết kể rằng, vị thần được thờ trong đình làng Võng Thị là một ngư dân rất giỏi nghề sông nước, đã quăng lưới bắt "hổ" cứu vua Lê Thánh Tông.
Làng Võng Thị nằm ở phía Tây Hồ Tây, giữa một vùng đất cổ
thuộc tổng Bưởi nay là phường Bưởi, quận Tây Hồ, Hà Nội. Bao quanh ngôi làng
xưa kia là tiếng chày giã giấy Hồ Khẩu, Yên Thái, Đông Xã, tiếng thoi dệt lụa từ
Nghĩa Đô, Bái Ân, tiếng củi nấu rượu tí tách bên cạnh làng Trích Sài.
Như bao nhiêu thôn mạc khác của kinh thành Thăng Long nói
riêng và Đại Việt nói chung, dân cư Võng Thị quần tụ xung quanh những trung tâm
văn hoá với đình chùa miếu mạo sầm uất.
Ngày nay, Võng Thị vẫn giữ được cho mình rất nhiều nét cổ
xưa, ẩn chứa trong những di tích văn hóa lịch sử. Đường vào làng Võng Thị trước
kia là con đường đất chạy men ra đến đình Võng Thị, được dựng cuối đời vua Lý
Nhân Tông (1072-1128) rồi ra đến Hồ Tây.
Ngôi đình là niềm tự hào của người dân nơi đây. Đình Võng Thị
thờ thần chài lưới. Mặc dù theo văn bia còn lưu, ông là người làng, một đạo sĩ
có danh, đã quăng lưới bắt “hổ” - chính là Thái sư Lê Văn Thịnh trong “Vụ án hồ
Dâm Đàm” vào tháng Ba năm Bính Tý đời Vua Lý Nhân Tông (năm 1096), nhưng xung
quanh truyện kể về đình làng Võng Thị còn có rất nhiều chi tiết ly kỳ và không
xác định rõ thực hư.
Theo truyền thuyếtị thành
hoàng đang được thờ tại đình Võng Thị ngày nay:
“Đối với người Việt, khi người dân định cư ở đâu thì hình
thành làng. Có làng thì có đình, đền, chùa. Đó là truyền thống không thể bỏ được
ở vùng Đồng bằng Bắc Bộ. Ở Hồ Tây cũng thế thôi. Thành Hoàng là người có
công khai hoang lập ấp hoặc mang lại nghề cho làng, hoặc họ rước bài vị thần ở
các nơi về thờ. Đó có thể là vị anh hùng dân tộc, danh nhân, vị thần nào đó mà
họ cảm thấy phù hợp.
Đối với làng Võng Thị thì thờ thần chài lưới. Ở trong đình ,
thần phả cũng không ghi rõ thần chài lưới là ai mà chỉ viết chung chung đó là 1
ông chuyên quăng lưới đánh cá ở hồ Tây, sau này có người viết thêm là thờ Mục
Thận, cũng là người chài lưới ở hồ Tây và gắn liền với sự tích trong một lần
ông quăng lưới ở hồ Tây, ông bắt lên không phải là cá mà là thái sư Lê Văn Thịnh,
hay lúc đó là con hổ.
Vậy Mục Thận với ông chài lưới này là một hay là hai
người? Nếu ông chài lưới này là cận vệ của nhà vua thì làm gì có chài lưới. Vì
thế, Thành Hoàng làng Võng Thị này cũng chưa rõ ràng nhưng người dân cũng không
cần biết. Chỉ cần biết, ông chài lưới này là người có công với làng nên họ thờ”.
Lại có một truyền thuyết kể rằng vị thần được thờ trong đình
làng Võng Thị là một ngư dân rất giỏi nghề sông nước. Tương truyền, một lần mưa
bão mù mịt, thuyền của lão biệt tích bảy ngày. Ở nhà người ta đã lập bàn thờ để
thờ lão. Bỗng nhiên, sang ngày thứ tám, ông trở về với một thuyền chở đầy ắp
người.
Thì ra suốt mấy ngày mưa bão, nhiều thuyền của ngư dân bị
trôi dạt khắp nơi, ông đã tìm khắp hồ để cứu người bị nạn. Vớt được người nào,
ông cũng ôm bỏ vào thuyền mình. Đến lúc không thấy người trên mặt hồ nữa, ông mới
chèo thuyền trở về... Dân làng góp tiền xây miếu thờ sống ông, gọi là Mục Thận.
Từ đó, dân chúng ven hồ Tây nhắc đến tên ông với lòng kính trọng và sự biết ơn.
Kiến trúc trong chùa Võng Thị
Hàng năm, ngày 14/2 âm lịch, là ngày giỗ Mục Thận, cũng trở
thành ngày hội của làng Võng Thị và một số làng lân cận như Trích Sài, Hồ Khẩu.
Dân làng tổ chức rước kiệu từ đền Dục Khánh và đền Vệ Quốc –là nơi thờ hai con
trai của Mục Thận có công dẹp giặc, được phong tướng công về đền Võng Thị.
Ngày này cũng trở thành một ngày hội văn hoá duy trì từ thời
Lý đến nay với nhiều hình thức vui chơi, đặc biệt là đua thuyền cùng nhiều hoạt
động văn hóa khác:
“Năm nào ở đây cũng có hát quan họ, tế nam và nữ dâng hương.
Sau đó hết tế lễ thì thụ lộc, cuộc sống lễ tục dân làng đều theo đầy đủ. Cuộc sống
tiên tiến thì người ta theo nhau mà sống. Hàng năm, ở đây mùng 6 tết, các cụ ra
đây sinh hoạt chúc tết cho khỏe mạnh, các cụ cao tuổi thì làm một trăm mâm cỗ để
thụ lộc. Kể cả những người ở nơi xa vẫn qua sinh hoạt.”
Quần thể đình đền chùa Võng Thị đã lừng lẫy qua năm tháng với
hình khối kiến trúc trang nghiêm, hàng chục bức chạm khắc tinh tế, hàng trăm
tác phẩm tạo hình phản ánh tài năng sáng tạo của ông cha. Trước đây, học sinh
trường Mỹ thuật Đông Dương và nhiều hoạ sĩ, trong đó có hoạ sĩ Nguyễn Đỗ Cung
thường về đây nghiên cứu nghệ thuật kiến trúc và chạm trổ truyền thống.
Trong những năm đánh Mỹ, hầm chỉ huy của thành uỷ Hà Nội được
xây dựng ngay nơi vườn của Đình và chùa Võng Thị. Hầm xây bằng đá hộc, mỗi bề rộng
12m, nửa chìm nửa nổi. Phần chìm thông với một hệ thống địa đạo. Suốt những năm
tháng chiến tranh quyết liệt ấy, Thành uỷ đã từng làm việc tại đây và chỉ huy
quân dân thủ đô lập nên những chiến công lừng lẫy.
Ngoài đánh cá, dân làng Võng Thị còn làm giấy, dệt vải và
buôn bán. Cạnh đình làng hiện nay có bến Cổ Đô, xưa kia là một bến lớn, trên bến
dưới thuyền buôn bán sầm uất. Bến này là “vệ tinh” của chợ Bưởi cách làng không
xa - một chợ lớn ở ngoại ô Kinh đô Thăng Long xưa.
Đình làng quê nói chung và đình lãng Võng Thị nói riêng từ
lâu đã in vào tâm khảm mỗi con người dân nơi đây. Đó cũng là nơi chứng kiến những
sinh hoạt, lề thói và mọi đổi thay trong đời sống xã hội của làng cổ Võng Thị
qua bao thế kỷ. Đình làng trang trọng và thiêng liêng, là nơi che chở, là nơi ở,
là cuộc sống của những người dân trồng dâu dệt vải thuở còn nghèo đói.
Năm 2002, đình Võng Thị xây lại lần thứ 2 với đầy đủ cột biểu
và câu đối, một tam quan với 4 cột trụ to lớn, đúng mẫu cổ xưa. Hàng năm vào
ngày 16 tháng 9 làng làm lễ tại đình. Ngôi đình được sự ủng hộ của nhân dân nên
hiện nay đã khang trang hơn.
Dù bây giờ làng cũ đã thành phố mới, nhưng đình còn đó, chuà
còn đó, lệ làng hương ước cũng còn đó để neo giữ những điều thiêng liêng, cao
quý nhất của làng Võng thị. Một vị cao niên trong làng kể lại:
“Thành Hoàng làng Võng Thị là Đức Mục Thận vì có công cứu
vua Lý. Hai làng Trích Sài và Võng Thị đều thờ Mục Thận. Đình trong
kháng chiến chống Pháp bi đốt chỉ còn giữ lại hậu cung thôi. Sau giải phóng miền
Bắc, năm 1959 thành lập hợp tác xã nghề dệt lĩnh tại đình.
Năm 1992 Liên Xô sụp đổ, hợp tác xã giải tán thì toàn bộ đất
đai lại giả cho đình. Đến năm 1994, mới bắt đầu sửa sang lại hậu cung, sửa xong
thì rước thánh hoàn cung từ chùa lên. Bà con làm kiệu rước thánh từ đình đi
xung quanh làng xong lại về đình. Năm 2008 đình được xếp di tích cấp thành phố.”
Đường vào làng Võng Thị trước là con đường đất chạy men ra đến
đình Võng Thị, đền cổ Sùng Khánh, được dựng cuối đời vua Lý Nhân Tông
(1072-1128) rồi ra đến hồ Tây, nay đã là một phố đẹp, rất đặc biệt của Hà Nội.
Năm 2001, con đường đã được gắn biển phố Võng Thị. Một phố mới
chạy vòng quanh hồ Tây, bờ được kè đá, có những hàng cây xanh, những khu biệt
thự mới xây cùng các tòa nhà cao bảy, tám tầng và hàng trăm phòng nghỉ, an dưỡng
hướng mặt đón gió hồ, ngắm con phố làng đang rộng cánh tay ôm lấy hồ Tây, tạo một
cánh cung phong thủy đẹp như một bức tranh thủy mặc rất độc đáo của Thủ đô.
Bên cạnh sự thay da đổi thịt của một làng ven hồ thành phố,
du khách vẫn tìm được ngay trên phố mới những khoảng không gian tĩnh lặng và một
miền tâm linh cổ kính của Tây Hồ xưa.
(Theo Kênh VOV giao thông, 18/6/2018)