Đình Vường thuộc thôn Hậu, xã Liên Chung, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang, đình có tên chữ là Thịnh Vượng, xuất phát từ tên làng Vường, thờ phụng nhị vị Thành hoàng làng là Cao Sơn Đại vương, Quý Minh Đại vương thời Hùng vương thứ 18.
Tân Yên có 3 ngôi đình cổ và đẹp nhất, đó là: Đình Cao Thượng,
Đình Nội Hạ và đình Vường. Trong đó Đình Vường thôn Hậu, xã Liên Chung được biết
đến là ngôi đình cổ có kiến trúc hoàn hảo, nguyên mẫu kể từ khi khởi dựng.
Đình Vường, thôn Hậu, tên chữ là đình Thịnh Vượng đã hơn 300
năm tuổi vẫn còn nguyên sơ, kể cả sàn đình, cầu thang đá lên xuống. Toàn bộ di
tích lịch sử được xây dựng hoàn hảo gồm Tam quan, sân vườn, Tòa đại đình, nhà tả
vu, hữu vu.
Tòa đại đình đặt trên đỉnh đồi thấp, xây dựng theo kiểu chữ
công gồm bao gồm Tiền tế, gian ống muông, Hậu cung. Tòa Tiền tế 3 gian 2 trai,
kết cấu vì kèo kiểu chồng rương giá chiêng. Gian ông muống rộng, có ba vì kèo kết
nối Tòa Tiền tế với Toà hậu cung 3 gian
thành một tổng thể thống nhất.
Trong toà đại đình hệ thống bệ, ván sàn còn nguyên vẹn. Toà Tiền
tế và Hậu cung được ngăn cách bằng bộ cửa cấm đóng kín chỉ mở khi làm lễ. Điểm
đặc biệt nhất của đình Vường, vượt trội các ngôi đình khác là toàn bộ khung gỗ,
từ vì kèo, cột cái, cột quân còn nguyên vẹn và chắc chắn theo phong cách kiến
trúc từ thời Hậu Lê và thời Nguyễn.
Trên các vì kèo của toà tiền tế, các nghệ nhân tài hoa Bắc
Giang xưa đã trang trí bằng các mảng chạm khắc mang phong cách đặc trưng thời
Lê Trung Hưng độc đáo. Các bức phù điêu tinh tế, sống động được chạm trên cửa
võng, đầu dư, cốn chồng, kẻ, bẩy theo những chủ đề đầy linh hoạt và sáng tạo
như “ngũ mã đồng quân” “long, phượng, mây,” “đào, trúc, mai”...
Điểm độc đáo của các bức phù điêu này là sự không đầy đủ bộ như
các chủ đề tứ linh, tứ quý như các di tích tín ngưỡng khác. Trong đình Vường,
tính cách phóng khoáng dân gian được thể hiện đậm nét trong các mảng chạm khắc,
tạo cảm giác rất đời thường trong cõi Tiên – Trần.
Trong một số mảng chạm khắc long - phượng được tạc thêm các
chú tễu cởi trần tay vuốt râu rồng; hoặc hình chim phượng biến thành một cặp
nam - nữ đầu người mình chim. Trên khám thờ bưng gỗ bầy long ngai, bài vị và đồ
tế khí, thờ tự tương tự như các ngôi đình khác, hai gian bên Tiền đường là đôi
ngựa hồng ngựa bạch và đôi hạc thờ rất lớn đặt trên nền đá xanh trong gian giữa,
được thiết kế kiểu lòng thuyền.
Mái đình lợp bằng ngói mũi cổ dày dặn, sóng đều rất đẹp đẽ.
Hệ thống bờ dải nóc, bờ chảy đến đầu đao được đặt gạch trang trí hoa chanh, khiến
mái đình có dáng vẻ như một phần của Thiên cung.
Bốn góc mái uốn đầu đao và hai đầu nóc được đặt các đao sành
gốm uốn cong cánh diều. Trên bờ nóc, bờ chảy hoa chanh gắn nghê, kìm, sấu bên rồng
hài hoà, ngộ nghĩnh. Những con giống bằng gốm này đều được chế tác từ thời Lê
Trùng Hưng mà ít ngôi đình hiện nay còn có.
Ảnh: Phạm Danh Tien @ Vietlandmark.com
Đình Vường thờ phụng Đức thánh Cao Sơn Đại vương, Quý Minh Đại
vương, hàng năm lễ hội đình được tổ chức ngày 16, 17, 18 tháng Giêng và trung
tuần tháng 8 Âm lịch.
Lễ hội bao gồm phần lễ, dân làng tổ chức các nghi lễ tế tự
tôn vinh công đức Thánh Cao Sơn Đại vương, Quý Minh Đại vương và bày tỏ lòng biết
ơn những bậc tiền nhân đã có công lập làng. Phần hội là những hoạt động thể
thao và trình diễn văn nghệ dân gian như hát ví, hát ống.
Sở dĩ ngôi đình được giữ gần như vẹn nguyên mẫu ban đầu, như
chưa bị sự tu sửa làm biến đổi vì người dân thôn Hậu luôn nâng niu, trân trọng
gìn giữ ngôi đình như “kho báu” thiêng liêng của làng, xóm.
Đình Vường cũng lưu giữ nhiều sự kiện lịch sử của địa
phương. Trong kháng chiến chống Pháp, đình là điểm liên lạc, hội họp của dân
quân du kích quanh vùng Yên Thế hạ, kết nối với căn cứ du kích trên núi Dành.
Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, trong 10 năm, Đình
Vường là nơi lưu giữ kho phim dự trữ quốc gia. Với những giá trị lịch sử này
người dân địa phương, thế hệ này truyền thế hệ khác cùng nỗ lực gìn giữ ngôi
đình như ngôi nhà của mình.
Mặc dù vậy, đình Vưòng đã mất đi cổng tam quan và tường bao,
khiến cảnh quan của Đình Vường suy giảm đáng kể về giá trị nghệ thuật và sự
thâm nghiêm, linh ứng. Một sô cấu kiện của đình ải cũ đã xuống cấp. Thực tế này
đòi hỏi các cơ quan chức năng cần nhanh chóng có những biện pháp cần thiết để bảo
tồn và lưu giữ tài sản vô giá này.
Nguồn: Cổng thông tin điện tử huyện Tân Yên