Đình Xuân Trạch, xã Xuân Canh, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội có từ thế kỷ XVIII, thờ phụng thành hoàng Xạ thần Quốc Lang, hoàng tử thứ 5 của vua Hùng thứ 17. Đền thờ mẹ Xạ thần là người làng, tên Trương Trinh Ngoạn.
Thôn Xuân Trạch thuộc xã Xuân Canh. Xã này năm 2004 có
diện tích đất tự nhiên 6,12 km2, dân số 10.063 người. Phía đông bắc giáp xã Cổ
Loa, phía đông nam giáp xã Đông Hội, phía tây giáp xã Tàm Xá, phía tây nam giáp
sông Đuống. Đất xã màu mỡ chuyên trồng màu, xưa kia cung cấp lá dâu cho cả
các làng nuôi tằm ở xung quanh. Lại có con đường cái quan từ bờ bắc sông Hồng
đi lên Thái Nguyên, nay là quốc lộ QL3, tạo cho xã thế thông thương cả hai
mặt thủy bộ.
Xuân Canh có Nguyễn Minh Thông đỗ Tiến sĩ khoa Tân Sửu
(1481) đời vua Lê Thánh Tông, làm quan đến Thừa chính sứ. Năm 1733 lại có
Trương Nguyễn Điều (1685-?) đỗ Sĩ vọng rồi Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân
khoa Quý Sửu đời Lê Thuần Tông, làm đến Đề hình Giám sát Ngự sử; sau gia đình rời
đến thôn Hàn Lạc, nay thuộc xã Phú Thị, huyện Gia Lâm.
Thời Nguyễn, Xuân Canh là một xã của huyện Đông Ngàn, phủ
Từ Sơn, trấn Kinh Bắc (năm 1831 đổi thành tỉnh Bắc Ninh) và có ba người đỗ Cử
nhân: Vũ Huy Lân (1864), Nguyễn Huy Điền (1870), Nguyễn Chính (1886).
Cổng ̣đình Xuân Trạch.
Năm 1876 thành lập huyện Đông Anh, tổng Xuân Canh chỉ còn lại
4 xã: Xuân Canh, Xuân Trạch, Lực Canh, Mạch Tràng. Năm 1901, huyện Đông Anh thuộc
tỉnh Phù Lỗ (năm 1904 đổi thành tỉnh Phúc Yên).
Trong kháng chiến chống Pháp, Xuân Canh nhập với các làng Lực
Canh, Xuân Trạch, Vạn Lộc thành xã Vạn Thắng thuộc huyện Đông Anh, tỉnh Phúc
Yên (năm 1950 hợp nhất với tỉnh Vĩnh Yên thành Vĩnh Phúc). Tháng 5-1961,
xã Vạn Thắng cùng các xã khác của huyện Đông Anh được chuyển từ tỉnh Vĩnh Phúc
về TP Hà Nội. Năm 1965, xã Vạn Thắng đổi lại thành Xuân Canh.
Lược sử
Trước 1945, xã Xuân Canh có dưới 1000 người, mỗi thôn
xây một ngôi đình riêng. Thôn Văn Bình thờ Triệu Đà. Thôn Xuân Đình thờ ngài
Cửa Ngọ (không rõ lai lịch). Thôn Vân Hoạch thờ Hoàng Lãng Khanh, tướng của
vua Hùng Tuấn Vương. Đình Xuân Canh là đình thôn Thượng Lão, thờ thần núi Cao
Sơn và Linh Lang đại vương. Thôn Xuân Trạch thờ Xạ thần Quốc Lang là con
thứ 5 của vua Hùng thứ 17 tức Hùng Nghị Vương và em của vua Hùng thứ
18 tức Hùng Duệ Vương.
Đình, đền Xuân Trạch.
Theo thần tích, mẹ của Xạ thần là người làng Xuân
Trạch, tên Trương Trinh Ngoạn, bà được thờ trong ngôi đền ở phía sau
đình. Hùng Nghị Vương lập bà làm phi, hiệu Ngoạn Phi Vân. Bà sinh con
trai đặt tên là Minh Lang. Lớn lên chàng võ giỏi và có tài bắn cung,
vua cha đặt cho tên mới là Xạ thần Quốc Lang. Khi ngài lên 18 tuổi, lúc
đó ở trang Xuân Trạch do có nhiều khí độc, nhiều người kêu cứu với triều đình.
Vua Hùng Nghị Vương cho Minh Vương Xạ Thần về Xuân Trạch lập
đàn tràng, thân hành làm lễ cứu dân khỏi dịch bệnh. Qua cơn hiểm họa Xuân Trạch
nhanh chóng mở mang trù phú đông vui. Thấy ân tình của Xạ Thần với bản trang,
vua liền phong ấp cho ngài ở Xuân Trạch. Về sau Hùng Nghị Vương mất truyền ngôi
cho Hùng Duệ Vương. Lúc đó Thục Chúa lăm le xâm phạm, Xạ Thần Minh Vương cùng Tản
Viên Sơn Thánh cự chiến với quân Thục. Chiến thắng ông về trang mở tiệc rồi trở
lại kinh đô ... Đến 10 tháng 8 bỗng nhiên trời đất tối sầm rồi ông hóa. Được
vua Hùng và các triều đại sau này sắc phong là thành hoàng làng Xuân Trạch
Thần tích nhiều tình tiết hay như cho thấy ông là người bắn
giỏi như khá nhiều vị thời Hùng Vương trước cả khi nỏ liên châu của Cao Lỗ. Và
ông không rõ là đạo sĩ hay pháp sư để có thể lập đàn tràng chống dịch bệnh cổ
xưa tận thời Hùng Vương 17.
Đình Xuân Trạch
Đình ra đời vào khoảng thế kỷ XVIII, cuối thời Lê trung
hưng. Cổng đình xây kiểu nghi môn, 2 trụ biểu đắp câu đối chữ Hán và
trang trí hoa văn, cửa chính có 2 mái, 2 cửa bên bị thấp do sân được
tôn cao. Đình nhìn hơi chếch về phía tây nam qua sân và cổng ra một ao
nước hình vuông. Hai dãy nhà tả, hữu mạc có kiến trúc đơn giản, kết cấu theo
lối chồng rường, bào trơn, kẻ soi.
Đại đình gồm 3 gian 2 dĩ, tường hồi bít đốc tay ngai, các
mái đình đều lợp ngói ri. Gian giữa bày lộ bộ, chính điện thờ Xạ
thần, sau hương án là cây cung của ngài. Bốn gian bên đặt bia đá khắc
thần tích, kiệu bát cống, chuông trống và đôi ngựa gỗ. Bộ vì làm theo
kiểu “thượng giá chiêng, hạ kẻ chuyền”, dựa trên 6 hàng chân. Trang trí và
các mảng chạm khắc tinh xảo mang phong cách nghệ thuật từ thế kỷ XVIII
đến XIX. Hậu cung sâu 4 gian, kết nối với đại đình theo hình “chữ
Đinh”, sau hương án là khám thờ thần Cao Sơn với long ngai, bài vị, mũ
áo và hòm sắc.
Đền Xuân Trạch
Đền nhỏ và được xây muộn hơn đình, bên trong thờ mẹ
của Xạ thần, nay bố trí như đền thờ Mẫu. Đền quay về phía đông bắc
nhìn qua sân ra một ao nhỏ. Toà tiền tế gồm 5 gian hẹp, mặt trước
mang phong cách nghệ thuật đầu thế kỷ XX với 3 cửa hình vòm và các bức
phù điêu nhỏ. Toà hậu cung sâu 2 gian, kết nối với gian giữa toà tiền
tế theo hình “chữ Đinh”, các mái đều lợp ngói ri. Trong đền còn các
di vật như long ngai, hương án, bát bửu và biển lệnh.
Mặt bên đình, đền Xuân Trạch.
Năm 1996, đình và
đền Xuân Trạch đã được Bộ Văn hóa – Thông tin xếp hạng di tích lịch sử, kiến
trúc nghệ thuật quốc gia.