Đình Y Na thờ những danh tướng có công đánh giặc Ân vào thời Hùng Huy Vương. Các ngài là: Tam Giới Hộ Quốc, Hắc Quang Quý Minh, Phổ Tráng Uy Đức, Ninh Thần Già Lam, Thượng Khoa Trí Dũng.
Đình Y Na vốn được xây dựng với quy mô lớn vào thời Lê Trung
Hưng (TK XVIII), dấu ấn còn để lại ở hệ thống nền móng và một phần kiến trúc gỗ
cổ là các mảng chạm khắc trang trí. Khi ấy, đình Y Na gồm 2 toà, đình Thượng,
đình Hạ, với các gian lớn.
Các toà đều được chạm bằng bộ khung gỗ lim, mái ngói đao
cong, chạm khắc trang trí "tứ linh, tứ quý" lộng lẫy. Bên cạnh đình
là đền Hạ thờ "Thánh Mẫu" sinh ra năm vị Thành hoàng làng.
Nhưng trải lịch sử, đình Y Na trong kháng chiến chống Pháp
đã bị phá hủy gần hết tòa Đình Thượng, ngay sau hoà bình, nhân dân Y Na đã cùng
nhau quyên góp để trùng tu ngôi đình.
Những năm gần đây lại trùng tu, tôn tạo để ngôi đình có quy
mô to lớn, bề thế như hiện nay. Đình Y Na được UBND tỉnh xếp hạng là di tích lịch
sử văn hoá - Quyết định số 3534/QĐ-UBND, ngày 20/03/2007.
Đình Y Na hiện được tọa lạc trên diện tích đất 4657m2, đã được
cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đât. Đình nằm ở vị trí phía Tây của khu Y Na,
phía Đông giáp trục đường Âu Cơ, các phía còn lại giáp khu dân cư. Khuôn viên
đình rộng lớn được bao bọc bởi hệ thống tường bao, bên trong sân có nhiều cây cổ
thụ tạo nên sự thâm nghiêm, cổ kính.
Hiện nay, đình Y Na có kiến trúc kiểu "tiền chữ nhất, hậu
chữ đinh". Toà Tiền tế 5 gian, bộ khung gỗ lim, vì kiểu "chồng rường",
với 4 hàng cột ngang và 4 hàng cột dọc, tường xây bít đốc 2 đầu hồi; cửa mở ở 3
gian giữa với hệ thống cửa thượng song hạ bản.
Toà Tiền tế là kiến trúc của thời Nguyễn còn giữ lại được
vào đợt trùng tu năm 1933 và còn gìn giữ cho đến ngày nay. Toà Đại đình hình chữ
đinh, gồm Đại bái 3 gian 2 chái, Hậu cung 2 gian, kết cấu vì nóc theo kiểu “giá
chiêng”, liên kết bởi 6 hàng cột ngang và 4 hàng cột dọc.
Đình còn giữ lại bức cửa võng, chạm khắc "tứ linh, tứ
quý" là điêu khắc của thời Nguyễn.. Hậu cung có bộ vì kiểu “giá chiêng” với
3 hàng cột dọc và 2 hàng cột ngang. Nhìn tổng thể đình Y Na có dáng vẻ to lớn, nhưng
lại mềm mại duyên dáng bởi những lớp mái ngói đao cong.
Đình Y Na thờ những danh tướng có công đánh giặc Ân vào thời
Hùng Huy Vương. Các ngài là: Tam Giới Hộ Quốc, Hắc Quang Quý Minh, Phổ Tráng Uy
Đức, Ninh Thần Già Lam, Thượng Khoa Trí Dũng.
Các ngài có công đã đem quân cùng với Phù Đổng Thiên Vương
đánh tan giặc Ân xâm lược. Đất nước bình yên, vua phong thưởng cho 5 ngài được
ăn lộc ở huyện Quế Dương, danh trại đúng ở trang Y Na. Sau khi các ngài mất vào
ngày 15 tháng 3. Nhà vua sắc chỉ cho trang Y Na lập đền thờ các ngài làm thần
mãi mãi.
Đình Y Na còn lưu giữ được tòa Tiền tế cùng một số mảng chạm
khắc và bức cửa võng tòa Đại đình từ thời Nguyễn có giá trị về kiến trúc nghệ
thuật. Các đồ thờ tự, sắc phong là những sản phẩm tiêu biểu cho những quan điểm
và phong cách kỹ - mỹ thuật của những thời kỳ khác nhau trong lịch sử.
Cụm di tích lịch sử Đình, chùa Y Na, Đường Âu Cơ, Kinh Bắc, Bắc Ninh
4. Chùa Y Na (Phúc Thọ tự)
Chùa Y Na vốn được khởi dựng từ lâu đời và đã trải qua nhiều
lần trùng tu tôn tạo. Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, chùa bị dỡ
bỏ, việc thờ tự Phật được đưa về vị trí đất đền của làng. Năm 2002 ngôi chùa được
xây dựng khang trang bề thế như dáng vẻ hiện nay trên nền đất cũ của đền nay đã
trở thành đất chùa.
Chùa Y Na hiện tọa lạc trên diện tích đất 3242,8m2, đất đã
có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Phía Tây của chùa giáp trục đường Âu Cơ,
phía Nam giáp trục đường Hồ Ngọc Lân, hai phía Đông và phía Bắc còn lại giáp
khu dân cư.
Cổng chùa và tòa Tam bảo quay theo hướng Nam nhìn ra đường Hồ
Ngọc Lân. Toàn bộ khuôn viên chùa được xây tường bao bảo vệ, các công trình kiến
trúc khang trang tố hảo.
Tòa Tam bảo chùa Y Na hiện có kiến trúc kiểu chữ Đinh với
thiết kết chồng diêm 2 tầng 8 mái ngói đao cong. Tòa Tam bảo gồm Tiền đường 5
gian, Thượng điện 3 gian. Bộ khung làm bằng bê tông liên kết bởi 6 hàng cột
ngang 4 hàng cột dọc, phần hoành rui bằng gỗ.
Bộ vì nóc kiểu “con chồng giá chiêng”, bộ vì nách kiểu “chồng
rường”. Trên các bộ phận hầu như để trơn, ít trang trí đắp vẽ. Hệ thống cửa được
mở ở 3 gian giữa theo kiểu “thượng song hạ bản”.
Bên cạnh công trình chính là tòa Tam bảo, trong khuôn viên của
chùa còn có nhà Tổ, nhà mẫu và nhà ở của sư trụ trì đều được xây dựng theo dáng
vẻ truyền thống, hài hòa với kiến trúc của công trình chính.
Giống như tất cả các ngôi chùa khác, chùa Y Na được dựng lên
từ lâu đời để thờ Phật, thờ Mẫu, thờ các vị tổ sư là trung tâm sinh hoạt tôn
giáo đạo Phật của nhân dân địa phương.