Đình Yên Lạc (làng Gượm) xã Cần Kiệm, Huyện Thạch Thất, Thành phố Hà Nội. được xây dựng vào thời Lê Trung hưng, thờ phụng các vị Trung Công, Hoằng Công, Dũng Công, danh tướng của Tản Viên Sơn thánh và Nguyễn Kính, tướng nhà Mạc.
Từ trung tâm thành phố Hà Nội du khách đi về phía tây theo Đại
lộ Thăng Long, qua thị trấn Quốc Oai rẽ phải vào đường liên tỉnh TL419 đi tiếp
hơn 4 km thì có đường rẽ sang bên trái đi qua chùa Tây Phương để đến thôn Yên Lạc
(cách chỗ đường rẽ khoảng gần 3 km). Thôn thuộc xã Cần Kiệm, huyện Thạch Thất.
Xã Cần Kiệm có diện tích 7,23 km², dân số 9.368 người năm
2021, mật độ dân số đạt 1.295 người/km². Địa giới phía đông giáp 3 xã Chàng
Sơn, Thạch Xá và Bình Phú, phía tây giáp 2 xã Hạ Bằng và Tân Xã, phía bắc giáp
xã Kim Quan, phía nam giáp xã Đồng Trúc và xã Ngọc Liệp (thuộc huyện Quốc Oai).
Sông Tích chảy từ bắc xuống nam, chia xã làm hai phần.
Sân đình Yên Lạc. Photo ©NCCông 2022
Lược sử
Thôn Yên Lạc tên Nôm là làng Gượm. Đình làng Gượm được dựng
vào thời Lê trung hưng. Trong hậu cung lưu bản ngọc phả chép rằng đình thờ 3 vị
tướng của Tản Viên Sơn thánh gồm hai anh em ruột Trung Công, Hoằng Công và em họ
là Dũng Công, vốn quê vùng Thiên Trường, Nam Định, đến ngụ cư ở thôn Yên Lạc.
Ngoài ra còn thờ danh thần nhà Mạc là Nguyễn Kính, người thôn Dị Nậu cùng huyện
Thạch Thất.
Hội làng Yên Lạc được tổ chức vào ngày 12 tháng Giêng âm lịch
hằng năm để tưởng niệm công trạng của bốn vị thành hoàng làng. Trong dịp này
ngoài nghi thức tế lễ truyền thống còn có thi vật và diễn các trò vui dân gian
như múa gậy. Ngày 18 tháng 1 năm 1993 đình Yên Lạc đã được Bộ Văn hóa và Thông
tin xếp hạng là Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia.
Tiền tế đình Yên Lạc
Kiến trúc và di sản
Đình thôn Yên Lạc nằm trên một thế đất khá cao, gọi theo
thuyết phong thuỷ là hình hàm hổ, mặt nhìn hơi chếch về phía nam ra sông Tích
Giang. Khuôn viên um tùm cây cối và nở hậu, hai bên hông có ngõ thông các xóm.
Cổng đình giáp với con đường ven sông. Du khách leo qua 11 bậc lên đến sân
đình, hai bên có tượng đôi voi phục chầu ở trước cổng thứ hai.
Cổng thứ hai làm theo kiểu nghi môn nhị trụ, thân đắp câu đối
chữ Hán. Lại leo tiếp 7 bậc nữa mới lên tới chân thềm tam cấp. Toà đại bái gồm
5 gian 2 dĩ, xây 2 tầng 8 mái với 6 bộ vì được làm theo kiểu “chồng rường con
tiện, kẻ, bẩy”. Hai bên đại bái có dãy nhà tả hữu mạc 3 gian, xây kiểu tường hồi
bít đốc. Phía sau đại bái là toà hậu cung khá dài nằm dọc dưới bóng các cây cổ
thụ.
Hậu cung đình Yên Lạc. Photo ©NCCông 2022
Đình Yên Lạc còn giữ được nhiều đồ thờ như 4 cỗ kiệu, 2
hương án thờ kép và đơn cùng những mảng trang trí trên gỗ trong đình chủ yếu là
chạm khắc đề tài tứ linh, tứ quý và mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn.
Trong hậu cung có khám thờ đặt các bài vị thành hoàng là tạo tác thời Lê.