Đình Yên Lão Thị, thôn Yên Lão Thị, xã Tiến Thịnh, huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội, thờ phụng 5 vị thành hoàng là Phạm Trung, Phạm Túc, Phạm Hoà là 3 đại tướng của An Dương Vương có công phò giúp đánh giặc Triệu Đà và Trần Lan, Trần Ngọc là 2 lương y tài đức nổi tiếng ở thế kỷ VI.
Theo truyện kể của người địa phương, đình Yên Lão Thị có
từ lâu đời nhưng không rõ xây vào khi nào. Quy mô trước kia vốn đồ sộ
nhưng đã bị phá huỷ trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Năm 1971
đình cũ bị dỡ để lấy vật liệu xây dựng hội trường của hợp tác xã
nông nghiệp. Đến năm 1998 nhân dân đã khôi phục lại di tích với kết cấu
hình chữ Đinh.
Đình Yên Lão Thị hiện nay mang phong cách kiến trúc
thời Nguyễn sau các đợt trùng tu từ thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XXI.
Đình nằm ở phía đông bắc của đường đê Tả sông Hồng, bên cạnh nghĩa
trang liệt sĩ xã Tiến Thịnh và ngôi chùa làng có tên chữ là Hương
Lâm Tự.
Đình thờ phụng 5 vị thành hoàng gồm: Phạm Trung, Phạm
Túc, Phạm Hoà là 3 viên tướng của An Dương vương có công đánh giặc
Triệu Đà, và Trần Lan, Trần Ngọc là 2 lương y tài đức nổi tiếng ở
thế kỷ VI.
Kiến trúc
Đình Yên Lão Thị quay hướng tây nam nhìn qua đê ra sông
Hồng, lưng dựa vào ao. Cổng đình xây kiểu nghi môn tứ trụ. Toà đại
bái 5 gian 2 chái cửa bức bàn. Mái lợp ngói ri, các bộ vì kèo dựa
trên hàng cột tròn. Toà thiêu hương 2 gian kết nối đại bái với toà
thượng điện 3 gian thành hình “chữ Công”. Trong thượng điện có bài
trí long ngai bài vị của các thành hoàng.
Bài trí thờ tự của đình được tập trung ở khu vực Hậu cung.
Phía trước Hậu cung đặt một án gian, hai đầu treo hai câu đối và hai bức hoành
phi.
Trong đình hiện bảo lưu được một số cổ vật bằng gỗ
như: 4 cỗ kiệu bát cống, 4 bộ long ngai bài vị, 3 bức hoành phi, 2 đôi
câu đối, 2 bộ chấp kích.... Đồ gốm sứ gồm có 4 nậm rượu và 2 bát
gốm thời Nguyễn, 2 đĩa, 2 bát gốm thời Thanh và 2 choé đựng nước cỡ
lớn. Ngoài ra còn có một bộ tam sự bằng đồng gồm 1 đỉnh trầm và 2
cây nến.
Đặc biệt lưu giữ được 1 quyển văn tế, 1 quyển ngọc
phả, 3 đạo sắc phong được các triều đình ban cho vào những năm 1849, 1857,
1887 và 4 bản năm 1940.
Ngôi đình Yên Lão Thị đã được UBND tỉnh Vĩnh Phúc xếp hạng
Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh vào năm 2001, khá lâu trước khi làng này
theo huyện Mê Linh sáp nhập về thành phố Hà Nội.