Đình Yên Nội cổ kính, xã Đồng Quang, huyện Quốc Oai, Hà Nội thờ phụng ba vị Thành Hoàng là thần Nguyễn Tuấn, danh tướng Cao Lỗ và Mỵ Nương công chúa mà theo Thần phả của làng là nhân vật lịch sử thời An Dương Vương, hiện đình còn giữ được 20 sắc phong.
Yên Nội là một làng quê trù phú thuộc xã Đồng Quang, huyện
Quốc Oai, Hà Nội, nằm cạnh quốc lộ nối hai thị xã Sơn Tây và Hà Đông, bên bãi bồi
"Sông Đáy chậm nguồn qua phủ Quốc", cách huyện lỵ Quốc Oai 1.5km. Trước
Cách mạng tháng Tám, làng Yên Nội gọi là xã Yên Nội, huyện Yên Sơn, phủ Quốc
Oai.
Lò vật của làng nổi tiếng từ xưa nhưng khởi nguyên từ bao giờ
nay không còn ai nhớ rõ, chỉ biết nghề vật gắn liền với ngôi đình thờ do dân
hưng công xây dựng to đẹp vào thời Lê, năm Chính Hoà thứ nhất (1680). Hiện nay
trong đình còn lưu giữ một số bức cốn gỗ chạm trổ cầu kỳ, đậm đà sắc thái dân
dã. Ví như bức cốn chạm hình rồng, một trong bốn con vật tứ linh (long, lân,
quy, phượng) làm trung tâm, xung quanh là 19 con giao long và 6 con nghê mình
trơn.
Ở bức cốn này, người nghệ sỹ đời xưa đã mạnh dạn chạm 9 người
ở các tư thế khác nhau. Người cưỡi trên đầu nghê, đầu giao long tai dơi, lại có
người nằm trên móng vuốt rồng, đặc biệt có một phụ nữ đang ngồi cổ giao long
đánh đàn và đôi trai gái cưỡi ở hai đầu rồng còn đang nhoai người ra bá vai
nhau. Ít có bức cốn nào phản ánh thời đại sinh động như thế. Cái thời đại mà uy
quyền của vua chúa chẳng còn thiêng nữa dưới con mắt của người dân.
Đình Yên Nội thờ ba vị thần làm thành hoàng của làng: Thần Tản
Viên - người anh hùng trị thuỷ, người anh hùng khai sáng văn hoá, được người
xưa suy tôn là một trong "tứ bất tử", Mỵ Nương công chúa - con gái
Hùng Vương thứ 18, vợ của thần, và vị thần Cao Lỗ, tướng tài có công sáng chế
ra dàn nỏ liên châu đẩy lùi cuộc xâm lăng của Triệu Đà ở thời An Dương Vương.
Theo thần phả của làng thì nhân thần Nguyễn Tuấn ở đây không
hẳn là Thánh Tản thời Kinh Triều hay Lạc Triều và cũng không ghi là tam vị Tản
Viên Sơn Thánh hoặc một phiên bản dân gian khác về Tản Viên Sơn Thánh.
Hàng năm, làng mở hội tưởng nhớ các vị thần làng vào ngày 12
tháng 2 âm lịch (tương truyền là ngày sinh của thần Tản Viên) ... độc đáo nhất
của hội làng Yên Nội vẫn là trò vật. Hội dù to hay nhỏ nhất thiết phải có xới vật.
Người làng cho rằng, đình của làng có từ bao giờ thì vật của
làng có từ thời ấy. Vật là một hình thức bày tỏ lòng biết ơn của dân làng đối với
các vị thần làng đã phù trợ cho dân khang, vật thịnh.
Như đã thành lệ, năm nào cũng vậy, hễ đến tuần đầu năm mới,
sáng mồng 4 tháng giêng, ông trùm lò vật Yên Nội lại sắm một mâm cỗ, gồm một mặt
lợn, một mâm xôi, một bánh pháo, cau trầu, rượu kéo hàng đô ra đình lễ tam vị
thành hoàng của làng sau đó họp bàn công việc của lò vật cho mùa hội tới. Buổi
chiều các đô vật lễ khai trương ở đình, sau hôm đó mới dự vật ở các xới trong
vùng.
Hội vật đình Yên Nội năm 2019