Đình thôn Yên Thái, xã Đông Yên, huyện Quốc Oai, Thành phố Hà Nội. Đình làng Tháp Dương, xã Trung Kênh, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh, thờ Thành hoàng làng Đặng Oánh 鄧 瑩. Di tích được xếp hạng cấp tỉnh năm 2005.
Viện Nghiên cứu Hán Nôm hiện còn bản Thần tích Thành hoàng
làng Đặng Oánh, soạn năm 1572, sao y bản chính vào các năm 1740, 1915, kí hiệu
AE a10/26.
Ngài Đặng Công Oanh sinh ngày 24 tháng 6 năm 231 TCN ở xã An
Thái, tổng Cần Xá, huyện Yên Sơn, tỉnh Sơn Tây, ngày nay là thôn Yên Thái, xã
Đông Yên, huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây.
Ngài là con ông Đặng Oai (Uy) và bà Nguyễn Thị Thắng (người
cùng bản quận). Hai ông bà đều là con nhà trâm anh, thi lễ. Ông làm nghề dạy học,
lại tinh y thuật, vui làm điều thiện, cứu giúp dân nghèo. Cả hai cụ ăn ở rất đầy
đặn, nhưng tuổi đã cao nhưng vẫn muộn mằn đường con cái. Sau đó vào một đêm cụ
bà nằm mộng thấy vì sao băng rơi vào bụng, từ đấy bà mang thai.
Ngày 24 tháng 5 năm 231 TCN, bà sinh được một người con trai,
mặt mũi khôi ngô, đặt tên là Oanh. Mới 3 tuổi đã biết nói, nghe lời là nói được,
nghe tiếng biết điều lễ nghĩa. Năm lên 7 tuổi Ngài đến làng Thanh Tương, thành
Luy Lâu, phủ Thuận An, đạo Bắc Ninh (xưa gọi là quận Vũ Ninh) theo học Sỹ Nhiếp
tiên sinh. Khi gặp Sỹ Nhiếp tiên sinh Ngài vui mừng ứng khẩu:
Thẳng đến Luy Lâu tìm dấu Tiên
Sau đến Hoà Phong học kinh Phật.
Ngài ở đó đến 15 tuổi thì lầu thông kinh sử, kẻ sỹ bấy giờ
phần nhiều thán phục, đều khen là thần đồng. Năm ngài 17 tuổi thì bố mẹ đều mất.
Khi đã yên phần chôn cất, hương khói thờ cúng theo lễ nghi, Ngài một lòng để
tâm vào việc dạy dỗ sỹ dân, lúc rỗi rãi thì dạo chơi ngắm phong cảnh sông núi.
Một hôm, Ngài đến vùng An Lộng (An Thái) làng Cấn Xã, huyện
Ninh Sơn, phủ Quốc Oai, đạo Sơn Tây, nhận thấy dân nơi đây chất phác, ít học,
ít hiểu biết lễ nghĩa nhưng dân chúng no đủ, Ngài cho đây là đất được mạch sông
núi uốn quanh, rồng hổ ôm ấp, núi không cao mà thanh nhã, nước không sâu mà
trong xanh, mạch suối chạy dài; vì vậy Ngài cùng với nhân dân dựng nhà học đường,
dạy người, dạy chữ, nhân dân rất mến mộ tài đức của Ngài.
Vào tù trưởng ở cả 7
quận Cửu Chân, Châu Nhai, Thiệm Nhĩ, Thương Ngô, Quảng Tín, Phiên Ngung, Mê
Linh đều nổi lên làm loạn, xao động dân chúng. Nhà vua nghe tin bèn hỏi đình thần
xem ai có thể trù định được việc đó?
Khi ấy có đình thần tâu rằng: “Uy đức của Bệ hạ lan khắp bờ
cõi, lại được trời phù hộ, giáng xuống nhiều bậc anh tài như Oanh công học vấn
uyên bác, thiên văn địa lý tinh thông, trí tuệ hơn người, giỏi giang võ nghệ, nổi
tiếng một vùng”. Nhà vua nghe xong cho vời đến, trao cho quan tước rồi sai đi
đánh giặc dẹp loạn.
Vâng lệnh, ngay ngày hôm đó Ngài tuyển chọn gia thần, sĩ tử
được hơn 400 người rồi ban hịch đi các quận, sau đó số người đầu quân lên đến
hàng vạn người, lập tức kéo quân đến quận Cửu Chân mật phục, vây hãm, kêu gọi lấy
tín nghĩa dụ địch, lấy phúc hoạ bầy tỏ.
Quân địch nghe ra cảm ngộ, bỏ giáp quy hàng, thế là cả 7 quận đều dẹp yên.
Ngài dẫn quân chiến thắng trở về bái yết triều đình, nhà Vua
mừng rỡ mở tiệc chiêu đãi, gia phong tướng sĩ theo các thứ bậc khác nhau, ban
cho Ngài thực ấp ở Quốc Oai 50 mẫu ruộng và vàng. Ngài bái tạ trở về nhậm sở và
ngẫu hứng có thơ rằng:
Tự cố đế vương muôn triệu dân
Nên công ắt phải vững tinh thần.
Truyện này chẳng xét chân hay ảo.
Hồi tưởng nên non Phật ấy chân.
Đến ngày trong nước vô sự, thiên hạ thái bình, Ngài trở về
nhà họ Đường ở An Thái dạy học và khuyên bảo nhân dân an cư lạc nghiệp. Mọi người
đều bái tạ và xin: Khi Ngài trở về trời sẽ lấy nhà họ Đường làm nơi thờ cúng.
Ngài bằng lòng và cho dân làng 10 hối vàng ròng để sau này sửa sang.
Khi tuổi đã bát tuần (tuổi 80), một hôm Ngài trở về Châu phủ,
ngồi trong phủ đường bỗng nổi lên vầng hào quang đỏ rực, vầng mây vàng từ trời
cao hạ xuống phủ đường chẳng khác nào những dải lụa nâng Ngài bay lên trong cơn
gió giông đưa tới đỉnh núi Sài Sơn (chùa Thầy) thì không thấy nữa. Ngài đã bay
về trời, đó là ngày 4 tháng giêng.
Biết tin, nhà Vua gia phong Thượng Đẳng Thần – Oanh công oai
linh quốc thắng Đại vương và Nhất Vị Đại vương. Ban cho dân trại An Thái lập miếu
thờ phụng.
Từ ngày ấy, miếu thờ Ngài được lễ rước, lễ tế trọng thể hàng
năm vào ngày sinh và ngày hoá. Miếu thờ rất linh ứng, dân làng cầu mưa được
mưa, cầu mùa màng bội thu là bội thu.Tương truyền về sự linh ứng của Ngài trong
nhân dân ngày càng lan tỏa, nhiều người biết đến.
Một lần, Vua Lê Đại Hành đích thân làm tướng dẫn gần một vạn
tướng sĩ ra trận, kéo đến huyện Ninh Sơn gặp đường núi, trời lại tối liền cho
quân nghỉ đêm tại đó, gần miếu thờ tại trại An Thái. Biết tin miếu thờ nơi đây
linh ứng, vua Lê Đại Hành đích thân làm chủ lễ cầu khẩn thần linh phù hộ, đánh
thắng giặc Tống, trở về bái tạ và ban sắc phong.
Ngay hôm sau nhà Vua đem quân xuất chiến, quân Tống đại bại,
các tướng Khâm Tộ, Triệu Phụng Huân đều bị chết tại ải Chi Lăng, các tướng
Quách Quân Biện, Tôn Toàn Hưng, Lưu Trừng, Giả Thực, Vương Soạn....tên thì bị
thương, tên thì chạy thoát về nước. Trận Bạch Đằng giang năm 981 Lê Đại Hành đã
giết chết tướng giặc nhà Tống Hầu – Nhân Bảo.
Cuộc kháng chiến chống quân Tống của quân dân nhà nước Đại Cồ
Việt toàn thắng.
Vua ban sắc phong thần linh miếu An Thái: “Oanh Công Tế Thế
- Hộ quốc – Dương vũ - Dục Thánh - Bảo Cảnh - Hiền Từ - Thông Minh - Duệ Trí –
Hùng Lược – Dũng Quyết – Anh Uy – Linh Cảm - Diệu Thống – Hùng Kiệt Đại Vương”
Đến đời vua Trần Thái Tông, giặc Nguyên Mông xâm lược kinh
thành bị vây hãm, khi ra trận Trần Quốc Tuấn đích thân đến miếu An Thái cầu thần
linh vương phù hộ và đã đánh thắng giặc, bắt được Ô Mã Nhi. Vua Thái Tông ban sắc
là: “Nhất vị linh ứng – Anh Triết - Hiển Hựu - Trợ Thuận Đại Vương”.
Đến thời Lê Thái Tổ khởi nghĩa cũng đến miếu xin thần hộ mệnh,
lập tức đánh thắng giặc Minh, giết chết Liễu Thăng. Vua phong mĩ tự là: “Nhất vị
Đại Vương - Phổ tể - Cương nghị - Anh Linh” và ban sắc, vàng bạc để dân trại An
Thái trùng tu miếu thờ.
Tương truyền, ngày nay Đặng Công Oánh Đại vương được sắc
phong Thành Hoàng ở làng Tháp Dương – Trung Kênh - Bắc Ninh. Nơi đây còn 13 sắc
phong của các triều Vua.
Đầu năm 2006, miếu thờ An Thái - Đình làng Yên Thái ngày nay
đã nhận được bằng di tích lịch sử của Nhà nước ta trao tặng.
Đình làng đã có tới 9 sắc phong của các đời vua . Đặc biệt đời
vua Lê Thái Tổ (Lê LợI, 1428-1434) sau
khi chiến thắng quân Minh, đã cho người về lễ tạ, phong mỹ tự và nhà vua ra chỉ
dụ cho xây lại đến thờ thành Đình làng Yên Thái ngày nay, sắc phong Ngài là
Thành Hoàng làng cho dân thờ tự và tế lễ theo đúng nghi thức Đình làng.
Sau nhiều trăm năm biến động của lịch sử, đình làng đã được
dân thôn bảo vệ và tu tạo nhưng vẫn không tránh khỏi sự xuống cấp và mất mát
theo thời gian. Những di tích, di chỉ
còn lại ở trong dình hiện nay còn rất ít, nổi bật nhât là dòng chữ viết trên
Báng Đình (câu đầu) chỉ rõ ngày tháng dựng đình, tiếc thay lại chỉ nói vào năm
Tân Hợi .
Những bức cốn, những đồ dùng
ở trong đình đã mất đi hầu hết, chỉ còn lại hai bức cốn ở gian giữa và
những nét đục chạm , điêu khắc trân các đầu kẻ, câu đầu… thể hiện là những họa
tiết của văn hóa, kiến trúc đời Lê.
Căn cứ vào Ngọc Phả của
đình do Sử gia Nguyễn Bính soạn thảo năm 1572 lý lịch đình lang được ghi lại
trong chính sử thì Đình làng đương nhiên có trước năm 1572.
Theo chỉ dụ của vua Lê Thái Tổ (húy Lê Lợi) khi ngài lên
ngôi, Đình phải được xây dựng ngay khi ngài còn trị vì. Theo chi tiết năm Tân Hợi
ghi trên báng đình, khi vua Lê Thái Tổ (Lê Lợi) trị vì 1428-1434 có năm 1431 là năm Tân Hợi, nên năm
Tân Hợi ghi trên báng đình rất có thể là năm này .
Những họa tiết các hoa văn, lối kiến trúc ngôi đình còn lại
được sở Văn Hóa Hà Sơn Bình, Sở Văn Hóa Hà Nội xác định, Đình làng Yên Thái là
một công trình kiến trúc đời Lê, các họa tiết và kết cấu công trình đều mang dấu
ấn văn hóa kiến trúc đời Lê.
Những căn cứ này có thể giúp xác định, ngôi đình này đã được
dựng vào năm 1431 tức là đã gần 600 năm.
Đình đã được sửa chữa, trùng tu nhiều lần, nhưng vẫn giữ lại
được những nét điển hình của một công trình kiến trúc đời Lê.
Ngôi đình đứng đó như một chứng nhân lịch sử cho sự tồn tại
và phát triển một vùng miền quanh làng Yên Thái, là nơi gắn bó về mặt tâm linh
bao nhiêu thế hệ người dân, đặc biệt đã
là địa điểm để các cán bộ Việt minh tổ chức mít tinh, phát lời kêu gọi Tổng khởi
nghĩa 1945 và trong kháng chiến chống Pháp đã là nơi che dấu cán bộ kháng chiến
suốt 9
năm ròng.
Trong chiến tranh chống Mỹ, ngôi đình đã là kho quân nhu,
thiết bị kỹ thuật và vũ khí của quân đội nhân dân Việt Nam.Đình làng cũng đã là
nơi tiễn đưa lớp lớp những người con của thôn , xã lên đường đi đánh giặc.
Đình làng Yên Thái đã được công nhận là di tích lịch sử văn
hóa cấp tỉnh thành phố , là nơi gửi gắm tâm
hồn , sự tín ngưỡng và lòng tự hào của hàng ngàn người dân quê, gắn bó với
người dân như bầu trời, mặt đất khí thở trong lành . Tuy nhiên ngôi đình lịch sử
này đang chờ được cấp kinh phí sửa chữa mà hàng chục năm nay chỉ nhờ vào sự
đóng góp của nhân dân để bảo dưỡng nhỏ, vẫn xập xệ đứng đó chờ được cấp kinh
phí của nhà nước để trùng tu.
Cùng với ngôi đình, trong cụm di tích lịch sử văn hóa này
còn có Giếng đinh và Ao làng tạo nên cảnh
quan tâm linh rất đẹp đẽ của cụm di tích. Cái Giếng Đình làng tôi có nguồn nước
ngon ít nơi có được. Mát lạnh, đậm ngọt về mùa hè, ấm nóng về mùa Đông, quanh
năm lúc nào cũng đầy nước.
Những năm hạn hán nhất, khắp nơi đồng khô hồ kiệt, các giếng
trong vùng cạn hết thì giếng đình thành nơi duy nhất cung cấp nước sạch cho dân
làng, hàng ngày luôn có bốn năm cái máy bơm
đều đều hút nước , hút cạn buổi chiều, qua một đêm sáng mai lại có nước
đầy.
Nhiều năm, các cơ quan Môi trường và Vệ sinh dịch tễ về đây
xét nghiệm, nguồn nước Giếng đình luôn đứng
đầu bảng về sự tinh khiết. Những người bộ đội năm xưa, trước khi vào chiến trường
thường đóng quân ở quê tôi để luyện tập, khi vào Nam, ra Băc, họ thường kể chuyện với nhau như
những kỷ niệm sâu sắc về nước chè Yên Thái với nước ngọt Giếng đình đến nỗi câu
thành ngữ “ Chè Yên Thái, con gái Đông la “ được lan truyền khắp nước .
Cái Giếng Đình các đời tiền kiếp đã ví như mắt Ngọc làng,
nơi gửi gâm kỷ niệm về tình bạn, tình yêu đôi lứa của các thế hệ tuổi trẻ bên cạnh
Giếng Đình.
Cái Ao Làng quê tôi được đào lên tự bao giờ cũng chẳng ai biết,
chỉ biết một điều rằng nó đã có đó gắn liền với đời sống và văn hóa quê tôi từ bao đời . Ngày xưa sinh hoạt của con người còn dựa vào tự nhiên
thì cái ao làng là nơi gặp gỡ của những người đi làm về rửa cày, rửa cuốc, nơi
tắm giặt của những người dân.
Bờ ao là nơi hóng mát dưới những gốc cây vừng trăm tuổi tỏa
bóng, mùa nước nổi là nơi cho mọi người thỏa sức lội bơi. Hương hoa sen lan tỏa
trong những đêm trăng quanh ao làng đã theo chân những người trẻ tuổi đi xa, thấm vào thơ ca, vào những
dòng tình tự trong thư từ, trong thơ trong nhạc . Ao làng cũng là nơi tổ chức
trò chơi dân gian như bắt vịt, leo cầu trong những ngày lễ tết .
Một khu di tích với cảnh quan xinh đẹp như thế gắn bó với cuộc
sống của từng người dân quê tôi, êm đềm , tĩnh lặng, nhưng trong sâu thẳm từng
tâm hồn nó thân thuộc như mấu thịt đâu có cần nhiều lời bàn cãi . Ấy vậy mà cảnh
quan ấy, kho báu tâm linh, tâm hồn ấy đang bị đe dọa phá vỡ bởi một kế hoạch
không được xét đến giá trị lịch sử của di tích.
Có một dự án mở con đường DH09 từ thôn Đông Hạ qua làng, hướng
đến Đại lộ Thăng Long về Hà Nội, đó thật sự là một tin tốt lành. Có thêm đường ấy
làng tôi thêm nhiều thuận lợi, thêm cả văn minh. Nhưng có một điều người lên
quy hoach dự án đến chủ dự án, công ty thi công đã không tính kỹ khi cho con đường
chạy qua khu di tích tâm linh này, chạy qua sân đình, chạy qua một phần ao và cắt
một phần sân giếng.
Người ta chỉ tính đến một khía cạnh, một yếu tố là lợi ích
kinh tế với chi phí sẽ ít đi, lợi nhuận
sẽ nhiều hơn, khi con đường xuyên qua đình làng chứ chưa nghĩ cho xã hội, cho người dân.
Rõ ràng là vị trí của con đường khi qua làng Yên Thái có rất
nhiều phương án lựa chọn để có thể tránh xuyên qua khu di tích, nhưng tại sao
người ta không bàn bạc với chính quyền và người dân địa phương để chọn một
phương án tối ưu? Hướng con đường xuyên qua khu di tích liệu đã là phương án có
lợi về kinh tế như họ nghĩ hay không chưa thể kết luận vì không có phương án đối
chứng , nhưng không có lợi về lòng dân thì đã hiện hữu ngay từ khi phong thanh
dân biết.
Mọi người dân làng đều lo lắng, không đồng tình, nhưng người
dân chỉ biết phàn nàn. Đến nay khi chủ dự án đã cắm mốc thì người dân không còn
nghi ngờ gì nữa và hiệu ứng phản đối đã râm ran, người ta bắt đầu kêu gọi chính
quyền sở tải phải lên tiếng, các tổ chức hội đoàn thể đã lao xao, nhưng hình như nước vẫn cứ trôi,
bèo ko chặn được, người ta nói công trình đã được duyệt rồi không thay đổi được
!
Người dân Yên Thái đang râm ran bàn cách phản đối, sẽ kéo
dân ra không cho phép thi công, đang làm đơn lên xã, lên huyện kiến nghị…. Đó
là những dự báo xấu cho Xã hội. Người dân đang đề xuất rất nhiều phương án hợp
lý để tháo gỡ cho chủ đầu tư, tránh phá dỡ khu di tích lịch sử. Mong rằng huyện
ủy, UBND Quốc Oại và các chủ dự án công trình nên có các đối thoại bàn bạc với
dân làng Yên Thái để chọn một phưiơng án tối ưu
cho cả nhân dân, công trình và trên hết là quốc gia.
Dù lựa chọn thế nào
thì Đình Làng Yên Thái không thể bị xâm phạm vì bất cứ lợi ích của ai. Mong rằng
các nhà lãnh đạo biết nghĩ về những điều này : Lịch sử không thể làm lại và
lòng tin cũng không thể lấy lại, đừng để lịch sử và lòng tin mất đi khi chúng
ta còn cơ hội sửa chữa.
Vũ Huệ
Nguồn: Đền Miếu Việt, Kiến Thức