Đình Yên Trạch tọa lạc tại thôn Yên Trạch, xã Trường Yên,
huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Vùng đất địa linh này gắn liền với sự nghiệp của
các nhân vật lịch sử thuộc ba triều đại nhà Đinh, Tiền Lê và khởi đầu nhà Lý.
Xưa kia nơi đây còn là kinh đô đầu tiên của nhà nước phong
kiến trung ương tập quyền của Việt Nam - kinh đô Hoa Lư. Hiện nay, ở phía tây nam
đình Yên Trạch vết tích hệ thống tường Thành Đông của kinh đô xưa còn lại khá
rõ.
Đình Yên Trạch là nơi thờ cúng, tưởng niệm người anh hùng của
dân tộc là vua Đinh Tiên Hoàng và vua Lê Đại Hành. Đinh Tiên Hoàng là vị hoàng
đế đầu tiên sáng lập ra nhà nước phong kiến tập quyền ở nước ta năm 968. Lê Đại
Hành kế nghiệp ngôi báu nhà Đinh, có công đánh Tống bình Chiêm, giúp đất nước
được thái bình thịnh trị.
Đình là một trong những di tích nằm trong khu vực Cố đô Hoa
Lư. Ở di tích chứa đựng nhiều nội dung lịch sử với bề dày thời gian, đặc biệt với
những nhân vật lịch sử với công lao to lớn đối với nhân dân và đất nước. Năm 1976 – 1977, khi đào đất đổ nền sân
kho và trại chăn nuôi của hợp tác xã ở gần đình, nhân dân đã gặp những lớp gạch
ngói, mảnh gốm ken dày, cùng với dấu vết chân tường xây bằng loại gạch hình chữ
nhật, cạnh có hoa văn ô trám. Phía tây
nam của đình Yên Trạch, cách 500m là hệ thống tường Thành Đông (tường thành thứ
hai) nối từ núi Thanh Lâu sang núi Cột Cờ, vết tích còn lại khá rõ, mặc dù nó
đã bị sát lở nhiều.
Đình Yên Trạch được xây dựng theo khuôn mẫu của đền thờ vua
Đinh – vua Lê, kiến trúc kiểu nội công ngoại quốc (có tường bao xây bằng gạch
đá). Toàn bộ mái của di tích được lợp bằng ngói nam, các đầu đao của mái tòa tiền
bái được trang trí theo kiểu trụ non, xung quanh phần mái dưới và mái trên đều
có phủ diềm bằng gỗ, chạm hoa văn. Hệ thống cột bằng gỗ lim, tòa tiền bái có 16
cột, đường kính cột cái là 30cm. Các con chồng, xà nách, bức mê đều được chạm nổi
chữ triện, hoa văn lá lật. Đình còn lưu giữ được nhiều hiệ vật quý, có giá trị
như: long ngai, bát hương, hoành phi, chiêng đồng…
Hiện nay, đình Yên Trạch vẫn là nơi sinh hoạt văn hóa tâm
linh của nhân dân trong thôn và du khách thập phương, là nơi diễn ra những hoạt
động lễ hội mang đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc. Với những giá trị đó, đình Yên
Trạch đã được Bộ Văn hóa – thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp
hạng là Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia năm 2001.