Đình Yên Việt huyện Gia Bình thờ phụng hai vị Thành hoàng là Doãn Công danh tướng của Nhị vua Hai Bà Trưng và Trạng nguyên”-Thái sư Lê Văn Thịnh triều Lý.
Thôn Yên Việt thuộc xã Đông Cứu, huyện Gia Bình, vốn là một
làng cổ có bề dày lịch sử, văn hiến và được phản ánh ở quần thể di tích cổ kính
thâm nghiêm, trong đó nổi bật là ngôi đình làng, công trình kiến trúc nghệ thuật
của hai thời Lê-Nguyễn còn bảo lưu khá nguyên vẹn đến ngày nay.
Yên Việt vốn là một
làng cổ có tên là “Gủ Vọt”, nằm dưới chân núi Yên Việt và là một trong những
làng “Gủ” nằm quanh núi Thiên Thai. Núi Yên Việt là một ngọn núi thuộc dãy núi
Thiên Thai có tên cổ là “Đông Cứu Sơn”. Về dãy núi Thiên Thai, sách “Đại Nam nhất
thống chí” viết như sau: “Núi Thiên Thai ở cách phía Tây bắc huyện Gia Bình 5 dặm,
có một chóp đứng cao chót vót đất đá lẫn lộn, tục truyền núi này có một thứ sa
nhân đỏ như châu sa, ở bên có những núi khác, chân núi sát dòng sông, trên núi
có chùa được xưng là cảnh thắng.
Núi này có tên nữa gọi là Đông Cứu Sơn, có tên nữa là Đông
Cao Sơn…”. Đình Yên Việt còn Bảo lưu được nhiều cổ vật quý như: thần phả, sắc
phong, văn tế, bia đá, đồ thờ tự. Căn cứ vào Thần phả sắc phong của đình Yên Việt
thì người được thờ là một danh tướng của Hai Bà Trưng có công đánh giặc Đông
Hán và “Trạng nguyên”-Thái sư Lê Văn Thịnh có nhiều công lao với vương triều
Lý.
Hòm sắc trước ngai thờ đình Yên Việt đã mất hết 11 đạo sắc phong.
- Ảnh: huunguyenddk
Song giá trị nổi bật của đình Yên Việt được thể hiện ở vẻ đẹp
kiến trúc điêu khắc nghệ thuật. Đình Yên Việt được xây dựng với quy mô lớn, chạm
khắc tinh xảo nghệ thuật vào thời Lê Trung Hưng. Đến thời Nguyễn, triều vua Tự
Đức năm thứ 2 (1849) tiếp tục được trùng tu tôn tạo và giữ nguyên vẻ đẹp kiến
trúc điêu khắc của hai thời Lê-Nguyễn đến nay.
Đó là tòa Đại đình to lớn, hướng Đông Nam, kiến trúc kiểu chữ
Đinh gồm: Tiền tế 5 gian (3 gian 2 chái) 4 mái đao cong. Hậu cung 2 gian. Bộ
khung gỗ lim to khỏe. Trên tất cả các bộ phận kiến trúc của Tiền tế đều được chạm
khắc trang trí tinh xảo, nghệ thuật.
2 trong số 11 sắc phong tại đình Yên Việt (chụp từ hồ sơ lưu
tại di tích). - Ảnh: huunguyenddk
Trên câu đầu của tòa Tiền tế vẫn còn nguyên dòng chữ Hán năm
trùng tu tôn tạo vào thời Nguyễn: “Tự Đức nhị niên” (1849). Tất cả các bộ phận
kiến trúc như con rường, cốn bảy, đầu dư đều được chạm khắc trang trí các đề
tài “Rồng ổ”, “Rồng tiên” và hoa lá cách điệu tinh xảo nghệ thuật.
Các đầu dư đều được chạm lộng đầu rồng ngậm ngọc với nét chạm
chau chuốt, nghệ thuật. Đặc biệt trên tất cả các bức cốn gian giữa và gian bên
đều được chạm nổi kênh bong các đề tài “Rồng tiên”, “Rồng ổ” điêu luyện, nghệ
thuật: những con rồng mẹ, rồng con từng đàn từng lớp quấn quýt bên nhau, rồng mẹ
đều có bờm tóc nét mác bay ngược lên thể hiện rõ phong cách nghệ thuật của thời
Lê Trung Hưng; điểm xuyết trên những đầu rồng mẹ là những cảnh tiên cưỡi rồng,
tiên múa, tiên đánh trống, tiên thổi sáo, tiên đàn nhị… đã tạo nên một thế giới
“Rồng” và “Tiên” linh thiêng, huyền bí cho ngôi đình. Bức cửa võng gian giữa chạm
nổi “Tứ linh, tứ quý” tinh xảo nghệ thuật, sơn son thiếp vàng lộng lẫy, cũng
góp phần tăng thêm vẻ lộng lẫy linh thiêng cho ngôi đình.
Toàn bộ ngôi đình được lợp ngói, đỉnh nóc để phẳng, 2 đầu
kìm hai bên, bốn góc đao là 4 đầu rồng bay lên chầu vào đình. Cửu đình mở ở 3
gian phía trước Tiền tế, hướng Đông Nam với hệ thống cửa bức bàn. Phía trước
đình là một sân gạch rộng, xung quanh là vườn tược của đình. Và bao quanh đình
là khu dân cư đông đúc trù mật.
Một góc chạm lộng
tinh xảo ở đình Yên Việt - Ảnh: huunguyenddk
Giá trị của đình Yên Việt còn được thể hiện ở lễ hội truyền
thống. Theo tục xưa của làng Yên Việt, hàng năm cứ đến ngày 11 tháng 3 (âm lịch)
đình làng lại được mở hội. Ngay từ trong năm, làng đã họp bàn phân việc cho hai
ông Quan Đám và các giáp (giáp Đông, Tây). Vào hội, ngày 11, đình được mở cửa để
bao sái đồ thờ tự và phong cờ quạt.
Cũng ngay ngày 11 làng tổ chức rước kiệu Thần lên đình Cả của
thôn Bảo Tháp tế lễ ở đó 1 ngày, sau rước trở lại, tục gọi là “Giao hảo”. Truyền
rằng trong “ngũ đình nội” thì hai thôn Bảo Tháp và Yên Việt vốn là một làng,
sau tách ra thành hai, Bảo Tháp là anh, Yên Việt là em, vì vậy mà có tục rước
Thần giao hảo giữa hai làng.
Ngày 12, làng tổ chức tế lễ Thần. Trong những ngày lễ hội,
sau phần lễ là phần hội với nhiều tục trò dân gian vui chơi giải trí như: chèo,
tuồng, đu vật, đu cây, thi vật, đập niêu… Ngày 14, làng tổ chức tế giã đám kết
thúc hội. Ngày nay, hội đình được chuyển vào mùng 7 tháng Giêng và mọi tục lệ
truyền thống mang tính thuần phong mỹ tục vẫn được giữ nguyên.
Đình Yên Việt - Ảnh: huunguyenddk
Đình Yên Việt còn thuộc hội “Thập đình”. Tục truyền, hội Thập
đình là hội đình của 10 làng thời Thái sư-Trạng nguyên Lê Văn Thịnh, nằm quanh
núi Thiên Thai và ven bờ sông Đuống. Những làng thuộc về hội thập đình là: Bảo
Tháp, Yên Việt, Hương Vinh, Đông Cao, Hiệp Sơn, Tri Nhị, Địch Trung, Vân Xá, Huề
Đông, Cứu Sơn.
Những làng trên lại được phân thành “ngũ đình nội” và “ngũ đình
ngoại”. Ngũ đình nội là những đình thờ cả hai vị Thành hoàng là Doãn Công và Lê
Văn Thịnh (Doãn Công là danh tướng của Hai Bà Trưng) gồm các làng: Bảo Tháp,
Yên Việt, Hương Vinh, Đông Cao, Hiệp Sơn. Còn ngũ đình ngoại là những làng chỉ
thờ một trong hai vị Thành hoàng làng gồm: Tri Nhị, Địch Trung, Vân Xá, Huề
Đông, Cứu Sơn. Hội thập đình được mở vào mồng 6 tháng 2 (âm lịch) vào các năm
Thân, Tý, Thìn, nổi tiếng trong dân gian.
Đình Yên Việt đã hội tụ nhiều giá trị, song nổi bật về giá
trị kiến trúc điêu khắc của hai thời Lê-Nguyễn. Ngôi đình với các lớp mái ngói
đao cong uốn lượn duyên dáng, bộ khung gỗ được chạm khắc trang trí tinh xảo,
nghệ thuật. Đình Yên Việt là một trong công trình kiến trúc nghệ thuật đặc sắc
góp phần làm nên văn hiến xứ Kinh Bắc-Bắc Ninh.
Đình Cứu Sơn. - Ảnh: huunguyenddk