Đình Đá thuộc thôn Nam Hà, xã Tân Thịnh, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định, thờ phụng thờ ba anh em họ Vũ, danh tướng triều đại Hùng Vương thứ 18, tướng Vũ Uy Công được tôn là Thành hoàng làng và bài vị thờ hai anh của ngài là Vũ Chính Ngọ và Vũ Gia Sửu.
Kỳ vĩ ngôi đình Đá
Nhiều nhà nghiên cứu lịch sử khi chạm chân đến đây đã phải
ngỡ ngàng trước một ngôi đình làng bề thế lẫn công phu đến vậy.
Đình Đá là một công trình kiến trúc lớn tọa lạc trên khu đất
cao, với diện tích trên 2 mẫu, ở giữa cánh đồng xa khu dân cư. Xung quanh đình
có nhiều cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Qua nhiều lần tu sửa tôn tạo, nay đình
còn 4 tòa chính và một dãy giải vũ.
Ngôi đình làm bằng đá cổ kính ở Nam Định.
Theo cụ chủ đình, tòa bái đường được tôn tạo cách đây gần 70
năm, hoàn toàn bằng đá, mà vẫn giữ được kiến trúc của đình cổ. Ở phần lan can
bái đường có chạm ba con rồng uy nghi theo tư thế chầu chầu tự.
Tất cả phần cột bái đường được đặt trên trụ quả bồng. Tám cột
đá ấy là 8 bức phù điêu chạm nổi những con rồng đang thế bay lên giữa những đám
mây mềm mại.
Mỗi gian của bái đường đều có bộ cửa võng bằng đá nguyên khối.
Mỗi bộ cửa võng liền khối ấy không những tạo sự liên kết giữa các cột, mà còn
là những bức phù điêu chạm khắc công phu với các hình tượng mặt hổ phù.
Hàng triện tàu lá giắt hòa nhập cùng với các đề tài: rồng
bay lên, rồng cuốn nước, rồng cuốn mây. Phía trên cửa võng trang trí phong phú
bằng những cánh sen, bầu rượu, túi thơ, phượng hàm thư và các hoa lá rất sinh động.
Bên trong bái đường là hai tòa đệ nhị và đệ tam. Tòa đệ tam
gồm 5 gian, được tu sửa năm 1877. Tòa đệ nhị 5 gian được trùng tu vào đời vua
Thành Thái năm thứ 4 (1892).
Hiện nay, tại tòa đệ nhị vẫn giữ được nhiều dáng vẻ kiến
trúc cổ truyền, nổi bật là bộ cánh cửa gỗ lim được chạm nổi họa tiết lưỡng long
chầu ở hai cánh cửa giữa và long chầu ở hai cánh bên cạnh.
Theo các chuyên gia, rồng ở đình Đá được chạm nổi với thân
hình mập mạp, bờm và móng sắc cùng đuôi mềm mại hài hòa với hoa lá và mây tản,
mang phong cách thời Hậu Lê (thế kỷ 17 - 18).
Liền với chính tẩm còn có thiêu hương làm theo kiểu 3 tầng với
bộ mái cong, đao guột. Các tầng được trang trí công phu với họa tiết đắp nổi
theo các đề tài ngũ phúc, lưỡng long hý cầu.
Rồng đá trên mái đầu hồi.
Mộng sinh tuấn kiệt
Theo các cao niên thôn Nam Hà, đình Đá là di tích thờ ba anh
em họ Vũ là những vị tướng thời Hùng Vương, trong đó người em út là Vũ Uy được
tôn làm thành hoàng làng. Ngoài ra còn có bài vị thờ hai người anh của ngài là
Chính Ngọ và Gia Sửu.
Các tài liệu Hán Nôm cũng như cuốn “Kim Âu ngọc phả” được viết
năm Hồng Phúc thứ nhất (1572), hiện còn lưu giữ tại đây, viết rằng vùng đất Kim
Âu xưa kia, nay là các thôn Nam Hà, Võ Lao Thượng, Võ Lao Hạ.
Vào thời Hùng Vương thứ 18 ở vùng Ái Châu có ông Vũ Công tiếp
nối nghề làm thuốc và dạy học của tổ tiên nhưng gia cảnh nghèo nàn, khiến ông
lo nghĩ và quyết tâm đi tìm vùng đất mới để sinh cơ lập nghiệp.
Từ Ái Châu ra đi một ngày đường đã thấm mệt, ông vào nghỉ lại
ở một ngôi chùa cổ bên đường. Đêm ấy nằm mơ có người mách bảo ông dừng lại ở
vùng đất lành tốt đẹp.
Phù điêu trên cánh cửa gỗ lim.
Sáng dậy ông tiếp tục lên đường đi tới vùng đất như giấc mơ
đêm trước, đó chính là vùng đất Kim Âu. Được nhân dân chào đón, ông vui mừng ở
lại dựng nhà và mở trường dạy học.
Thời gian sau, Vũ Công được làng vun đắp lấy người con gái họ
Hoàng tên gọi là Loan. Ít lâu sau bà Loan sinh ra một bọc hai người con trai.
Người anh đặt tên là Gia Sửu vì khi bà có mang nằm mơ thấy trâu xanh, còn người
em đặt tên là Chính Ngọ bởi mơ thấy ngựa nhảy vào sân.
Năm sau bà Loan qua đời, Vũ Công lại kết duyên với bà Trần
Thị Thịnh để lấy người nuôi dạy hai con. Vài năm sau bà Thịnh sinh ra cho ông một
bé trai, trên trán cậu bé có chữ và sau lưng có hàng vây cá. Vũ Công liền đặt
tên cho con là Vũ Uy.
Lớn lên Vũ Uy cùng hai anh là Sửu và Ngọ theo thầy học đạo,
ba ông đều thông minh, am hiểu thiên văn địa lý, giỏi võ nghệ. Khi cha mẹ mất,
ba ông vào kinh ứng mộ được Hùng Duệ Vương quý mến, phong Sửu là Đô hộ trấn Sơn
Nam; Ngọ là Đương đô đại tướng quân, cai quản Tả vệ quân; Uy là Vũ Uy đại tướng
quân, cai quản Hữu vệ quân, đốc lĩnh thủy tào chư sự.
Khi Thục Phán tiến đánh Duệ Vương, triều đình giao cho ba
anh em tiến đánh quân Thục. Khi ba ông tiến quân về qua Kim Âu, dân làng ra đón
và tình nguyện đi theo. Ba ông đã chọn đinh tráng trong ba họ Hoàng, Trần, Lưu
cả thảy 66 người, cùng lên đường.
Chiến thắng trở về, ba anh em đều được hậu thưởng. Về sau,
Hùng Duệ Vương nhường ngôi cho Thục Phán. Ba anh em buồn phiền, không thuần phục
chủ mới, quay về làng cũ Kim Âu phân đất làm ba thôn: Vũ Lao Hạ, Vũ Lao Thượng
và thôn Nam.
Trải qua thời gian, ng
ôi đình vẫn được bảo tồn nguyên vẹn.
Huyền tích hóa “Tam Công”
Một lần về quê cũ Ái Châu, làm lễ cáo yết gia tiên, xong việc
lại tới Châu Hoan thăm phong cảnh. Khi tới núi Kim Nhan, Sửu Công và Ngọ Công đều
hóa, lúc ấy là ngày rằm tháng Chạp. Thấy vậy Uy Công cùng mọi người thu thập mũ
áo của Sửu Công, Ngọ Công đem về đất Kim Âu chôn cất.
Các cụ trong làng đều khẳng định, hiện nay ở gần đình Đá còn
khu đất gọi là “Khả Lạc lăng” với truyền thuyết nơi chôn mũ áo của Sửu Công, Ngọ
Công.
Một thời gian sau vào ngày 3/3, ông Vũ Công qua đời. Dân Kim
Âu lập đền thờ ở thôn Nam Hà phối thờ cùng hai người anh của ông. Ngoài ngọc phả,
sắc phong, đình Đá thôn Nam Hà còn giữ gìn được nhiều câu đối, đại tự ca ngợi
công lao giúp nước, giúp dân của ba anh em họ Vũ.
Toàn cảnh ngôi đình cổ làm bằng đá.
Danh nho triều Lê là Nguyễn Cung có bài “Cảm hoài” nói về mảnh
đất Kim Âu và công lao to lớn của ba anh em Vũ Uy Công, rằng: “Quyết trừ giặc
Thục công danh vẹn/Thề giúp vua Hùng kế sách hay”.