Đình làng Núm, xã Dĩnh Trì (Thành phố Bắc Giang) là nơi thờ Đức Thánh Cao Sơn, Quý Minh Đại Vương, những vị tướng của Hùng Duệ Vương, đã có nhiều công lao đánh giặc Thục (thế kỷ III- trước công nguyên), đem lại thái bình cho đất nước. Đình được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh năm 2015.
Đình làng Núm trong di tích.
Đình tọa lạc trên một khu đất rộng rãi, thoáng đãng, ngoảnh
nhìn hướng Đông Nam. Mặc dù đã qua nhiều lần trùng tu tôn tạo, song vẫn bảo lưu
được những giá trị của một ngôi đình cổ có từ lâu đời.
Viết về việc tu sửa di tích, trong nội dung bia đá " Hậu
Thần bi ký" tạo dựng vào ngày tốt năm vua Thành Thái thứ 15 (1903) hiện đặt
trong tòa tiền đường ghi rõ: Thường nghe: Khi nhận của người khác cái này thì
phải báo đáp lại cái khác, đó là lẽ thường tình trong cái đức của con người và
là phong tục tốt đẹp trong lễ nghĩa vậy. Nay thôn ta tu sửa đình đền, bảo tồn
di tích, công trình to lớn, chi phí tốn kém.
Giữa lúc đó, bản xã có ông Giáp Đức Ngọc, vợ hiệu Diệu Quế,
gia đình khá giả, khoan hòa độ lượng, đức hạnh trinh thục, từ bi rộng lớn, lại
là bậc hào kiệt trong giới nữ. Ông bà đã cung tiến 70 nguyên tiền và 1 mẫu 1
sào ruộng (do thiếu 5 sào nên toàn dân thuận tình quy ra tiền mỗi sào 3 nguyên,
tổng cộng là 15 nguyên tiền).
Bản thôn nhận số tiền và số ruộng đó chi phí việc công, đồng
thời ghi nhớ công đức của ông bà, lập đơn ký kết thuận tình tôn bầu ông bà làm
Hậu... Bản tộc tạo dựng bia đá để lưu truyền cho đời sau...
Bia đá trong di tích.
Đình làng Núm hiện nay có bình đồ kiến trúc theo lối chữ
đinh gồm tiền đình và hậu cung. Tòa tiền đình tường xây bằng gạch, bên ngoài
phía trước và hai hồi phủ vữa xi măng, phía sau bắt mạch, để mộc, bên trong
quét vôi trắng. Mái lợp ngói mũi. Bờ nóc xây gạch chỉ, bắt mạch, để mộc.
Đình làng Núm là trung tâm sinh hoạt văn hoá, tín ngưỡng của
nhân dân địa phương. Hằng năm, vào ngày mồng 7 tháng Giêng, người dân trong
thôn mở hội để tưởng nhớ công trạng của Đức Thánh Cao Sơn, Quý Minh Đại Vương.
Ngoài những nghi lễ rước, tế Thành Hoàng long trọng, bà con còn tổ chức các trò
chơi dân gian đặc sắc như kéo co, vật, chọi gà...
Bờ dải xây gạch, phủ vữa, phía trước xây giật cấp kiểu tam
sơn. Kết cấu chịu lực bên trong tòa tiền đình được tạo bởi 5 gian, 6 vì, 2 vì
gian giữa có 4 hàng cột, 4 vì còn lại có 5 hàng cột. Hai vì mái gian giữa được
gắn kết theo kiểu thức con chồng, đấu kê, trốn trụ, tiền kẻ, hậu bẩy. Bốn vì
mái gian bên được gắn kết theo kiểu thức thượng con chồng, đấu kê, trụ giá
chiêng, hạ kẻ chàng.
Các cấu kiện kiến trúc đều được làm bằng gỗ lim chắc khỏe,
chạm khắc tinh tế. Đặc biệt trên các đầu bẩy, con chồng, đấu kê... được chạm nổi
chạm lộng về đề tài rồng, hoa lá cách điệu mang đậm phong cách nghệ thuật thời
Nguyễn (thế kỷ XIX-XX).
Hậu cung tường xây gạch, phía ngoài bắt mạch, để mộc, phía
trong quét vôi trắng. Mái lợp ngói mũi. Bờ nóc xây gạch, phủ vữa. Bờ dải được
xây theo kiểu tam sơn bằng gạch, phủ vữa.
Kết cấu chịu lực bên trong hậu cung được tạo bởi 1 gian, 2
vì, mỗi vì 2 hàng chân cột. 2 vì mái hậu cung được gắn kết theo kiểu thức thượng
con chồng, đấu kê, hạ vì nách dạng: Con chồng, đấu kê và cốn mê. Các cấu kiện
kiến trúc đều được làm bằng gỗ lim, trên cốn vì nách hậu cung chạm nổi hình hoa
văn kỷ hà.
Cùng tư liệu Hán Nôm, đình làng Núm còn lưu giữ được nhiều
di vật, cổ vật có giá trị nghiên cứu khoa học như: Bia Hậu Thần bi ký được dựng
vào thời vua Gia Long thứ 4 (1805); bia Hậu Thần bi ký được dựng năm vua Thành
Thái thứ 15 (1903); 1 bia Hậu Thần bi ký được dựng vào thời vua Bảo Đại thứ 8
(1933); sắc phong phục chế niên hiệu Thiệu Trị thứ 6 (1846); hệ thống chân tảng
(20 chiếc) và nhiều di vật, cổ vật khác.
Đăng Dương