Đình Hương Canh thuộc cụm đình Tam Canh, thị trấn Hương Canh, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc, thờ phụng lục vị Thành hoàng triều đại Ngô Quyền. Cả 3 ngôi đình đều có đặc điểm chung là được xây dựng với nghệ thuật chạm khắc đỉnh cao thời Hậu Lê.
Ba ngôi đình Hương Canh, Ngọc Canh và Tiên Canh cùng thờ phụng
6 vị thành hoàng triều đại vua Ngô Quyền, gồm: Vua Ngô Xương Ngập, Thái tử triều
Ngô Vương Quyền, trị vì từ năm 951- 954, sắc phong Thiên Sách Hoàng đế thờ ban
Chính vị; vua Ngô Xương Văn, hoàng tử, trị vì từ năm 950-965, sắc phong Quốc
Vương Thiên tử, thờ ban Tả vị; danh tướng Đổ Cảnh Thạc (912- 967), danh tướng
vua Ngô Quyền, sau trở thành thủ lĩnh thời 12 sứ quân), sắc phong là Đông Nhạc
Đại thần, thờ ban Hữu vị; cùng 3 thần nữ khác là Linh Quang Thái Hậu, vợ của
Thiên Sách Hoàng đế); Khả Lã Nương Nương, hoàng hậu của Quốc Vương Thiên tử và
Thị Tùng Phu Nhân, phu nhân của Đông Nhạc Đại thần.
Hương Canh vốn gốc là tên một xã của huyện An Lãng, trấn Sơn
Tây đời Hậu Lê, được lấy làm tên tổng thời Nguyễn và tên của thị trấn ngày nay.
Theo người dân địa phương, Hương Canh cũng là tên chung của ba làng Hương Canh,
Ngọc Canh, Tiên Canh, còn gọi là Tam Canh.
Theo nghĩa chữ Hán, Hương là mùi thơm, Canh (hay Cánh) là
lúa tám thơm (lúa gié cánh); Hương Canh nghĩa là Mùi thơm hương lúa tám thơm
(lúa gié cánh). Hương Canh còn có tên nôm là Kẻ Cánh.
Hương Canh ngày nay là thị trấn huyện lỵ của huyện Bình
Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc. Vị trí cụm đình Tam Canh, gắn với 9 cổng làng tại thị trấn
Hương Canh, Bình Xuyên, Vĩnh Phúc
Đình Hương Canh, đình Ngọc Canh và đình Tiên Canh là ba ngôi
đình nổi tiếng xứ Đoài phía Tây Bắc kinh thành Thăng Long, gồm phần lớn địa bàn
các tỉnh Vĩnh Phúc, phía Bắc tỉnh Phú Thọ, một phần tỉnh Tuyên Quang và Tây Bắc
thành phố Hà Nội ngày nay.
Đình Hương Canh
Đình Hương Canh bố cục hướng Tây. Đình được xây dựng vào khoảng
cuối thế kỷ 17, đầu thế kỷ 18 thời Hậu Lê.
Có nhiều truyền thuyết về thời gian xây dựng đình Hương
Canh, trong đó có thuyết rằng: Thời nhà Mạc (1527- 1593), một vị hoàng gia nhà
Hậu Lê chạy loạn, tị nạn tại làng Hương Canh. Sau khi hồi cung, ngài đã ban đặc
ân cho làng được xây dựng ngôi đình mới khang trang từ ngôi đình cũ.
Đình Hương Canh trải qua nhiều lần trùng tu, vào năm 1888;
năm 1925-1928 được nâng cao lên tới 1,5m chống lụt và sửa tòa Tiền đường thành
Phương đình; năm 2007- 2010 được cải tạo và phục dựng lại tòa Hậu cung đã bị dỡ
bỏ vào năm 1964, xây mới Nghi môn.
Đình Hương Canh có mặt bằng tương tự như đình Ngọc Canh,
đình Tiên Canh, bao gồm các hạng mục công trình: Nghi môn, Sân đình và Đại
đình.
Tổng mặt kiến trúc Đình Hương Canh
Nghi môn đình
Nghi môn đình Hương Canh có hình thức rất phổ biến của các
ngôi đình, đền vùng đồng bằng Bắc Bộ có 4 trụ biểu tạo thành tam quan. Trụ biểu
xây gạch vữa. Hai trụ biểu tại giữa cao, đỉnh trụ trang trí tứ phượng. Hai trụ
biểu hai bên thấp, đỉnh trụ trang trí nghê chầu.
Cả 4 trụ biểu có thân trụ phía trên trang trí các ô lồng
đèn, giữa là câu đối, đế thắt dạng cổ bồng. Cổng chính là hai trụ biểu cao. Hai
cổng phụ nằm giữa trụ biểu cao và trụ biểu thấp với 2 tầng mái, 8 mái. Giữa cổng
phụ và trụ biểu là bức tường đắp ngựa và voi chầu. Nghi môn đình gắn liền với
tường bao quanh đình.
Nghi môn đình Hương Canh, Bình Xuyên, Vĩnh Phúc
Sân đình
Sân phía trước đình Hương Canh rộng, được lát bằng gạch đỏ.
Sân không bố trí một trục đường (thường cao hơn mặt sân) nối từ Nghi môn tới Tiền
đường).
Đại đình
Đại đình nằm trên bệ cao 6 bậc so với mặt sân, gồm 3 tòa đặt
song song với nhau: Tiền đường, Trung đường và Hậu đường, được nối với nhau bằng
một tòa đặt dọc, còn gọi là Ống muống.
Mặt trước Tiền đường và Trung đường, đình Hương Canh
Đắp nề nghê trên nóc đình Hương Canh
Tiền đường có 3 gian; mái được xây dựng theo kiểu chồng diêm
2 tầng 8 mái. Một phần kết cấu chịu lực và mái của Tiền đường hợp khối với tòa
Trung đường. Tòa Tiền là sảnh của tòa Trung đường, 3 mặt thoáng.
Tòa Trung đường có quy mô lớn nhất trong đình, gồm 5 gian, 2
chái, dài 26m, rộng 13,5m, 4 mái. Kết cấu đỡ mái gồm 6 hàng cột với 48 cột. Cột
cái chu vi 2,40m, cao 6m; cột con chu vi 1,80m, cao 4m. Các bờ nóc, đầu đao được
trang trí công phu; mái lợp ngói mũi hài.
Trung đường là nơi hội họp của cộng đồng dân cư trong làng
và đặt các ban thờ hướng vào Hậu đường. Cách tổ chức ban thờ tại Trung đường
tương tự như của các ngôi đình không có Hậu cung, Hậu đường đặt trên một tầng lửng
với thang nhỏ leo lên. Tòa Trung đường hiện không có sàn gỗ như các ngôi đình
truyền thống khác.
Tòa Hậu đường gồm 3 gian, 2 chái; mái được dựng theo kiểu chồng
diêm 2 tầng 8 mái. Kết cấu đỡ mái gồm 4 hàng cột với 24 cột. Bên trong Hậu đường
là các ban thờ đặt bài vị của Lục vị thành hoàng làng. Hai gian bên của tòa Hậu
đường còn có các ban thờ khác. Bên tả thờ những bậc tiên hiền của làng gọi là
ban “Tiên Hiền Quan. Bên hữu thờ các nghĩa sĩ của làng đã hy sinh trong hai lần
chống giặc Thằng Què (Nguyễn Danh Phương) năm 1750 và quân Cờ Đen Lưu Vĩnh Phúc
năm 1884. Ban thờ bên hữu được gọi là “Ban Trung Hồn Quan”.
Nghệ thuật chạm khắc đỉnh cao
Đình Hương Canh có rất nhiều bức chạm khắc kiểu chạm lộng được
ghép thành các mảng lớn trong đình, tương tự như trong những ngôi đình nổi tiếng
vùng Đồng bằng Bắc Bộ. Các bức chạm được thể hiện trên những thành phần kiến
trúc gỗ như đầu dư, xà, bẩy, rường và trên hệ thống cửa võng.
Nghệ thuật chạm khắc gỗ ở đình Hương Canh được cho là kết hợp
nét tự do của điêu khắc đời Hậu Lê với tính ước lệ và quy chuẩn ở đời Nguyễn.
Mặc dù là nơi thờ tự và là công trình văn hóa lịch sử, nhưng
các nghệ nhân đã biến đình Hương Canh thành một bảo tàng nghệ thuật với bằng kỹ
thuật chạm khắc tinh tế, sáng tạo và điêu luyện.
Tất cả các đầu dư, họng cột, những phần dư của bộ khung đồ sộ,
các nghệ nhân đều biến thành những tác phẩm nghệ thuật: Những con kìm được chạm
lộng sâu hàng gang tay, những nét mác cong đều vút lên hùng dũng, những đầu
hoành, đòn tay là chú voi mập mạp đang cùng nhau khiêng đội mái đình. Đặc biệt
là các bức cốn, các bức chạm trên ván gió thật sự là tuyệt tác nghệ thuật chạm
khắc.
9 bức chạm lộng tạo thành 6 mảng trang trí lớn khiến cho nội
thất đình Hương Canh thêm uy nghiêm, thành kính nhưng cũng rất dân gian. Tiêu
biểu nhất là các bức chạm ổ rông, người
cưỡi rồng, mộ táng hàm rồng, bát tiên, đấu võ, đấu vật, bơi chải, bầu rượu túi
thơ, đi săn về. Các bức chạm lông cũng ghi lại hình ảnh thu nhỏ của ngày hội
làng, phản ánh một phần cuộc sống của người dân thời đó.
Các bức chạm phân thành từng lớp với nội dung khác nhau, hoặc
đan xen lẫn nhau lấy hình tượng rồng làm chủ đạo. Nội dung của các bức chạm
miêu tả đậm nét về cõi tiên, một phần trong mơ ước và hy vọng của người dân, cõi
trần thế, khung cảnh tự nhiên và sinh hoạt đời thường. Những bức chạm khắc cho
thấy sự hòa đồng và chuyển tiếp cõi trần, cõi tiên, con người và tự nhiên như bức
“Tiên cưỡi rồng”
Các bức chạm khắc làm nổi bật lên cuộc sống tâm linh của
muôn loài như Tứ linh: Long, ly, quy, phụng hay những sủng vật gần gũi với con
người như chim, cá, trong đó, rồng là linh vật được chạm khắc nhiều với hình tượng
như: “Đầu rồng”, “Ổ rồng”.
Một phần trong các bức chạm khắc là những cảnh sinh hoạt thường
nhật, lễ hội như “Bơi chải”, “Đi săn”, “Đánh vật”, “Múa rồng”.
Căn cứ vào tài liệu đình Hương Canh đã có 26 đạo sắc phong từ
thời Hậu Lê tới cuối đời Nguyễn nhưng do những biến cố lịch sử nên tất cả những
sắc phong nay đã không còn và không có bản sao ở các thư viện lưu trữ quốc gia.
Ngoài ra, đình Hương Canh còn lưu giữ được nhiều di vật cổ
có giá trị như: sắc phong (từ thời Hậu Lê đến cuối thời Nguyễn), đại tự, án
thư, lư hương, hoành phi, sắc phong, kiệu thờ, cửa võng.
Bên trong Tiền đường, phía trước Trung đường, đình Hương Canh
Cửa ra vào Trung đường, đình Hương Canh
Ban thờ bên trong Trung đường, đình Hương Canh
Các mẳng chạm khắc rồng trên kết cấu mái, đình Hương Canh
Bức chạm "Ổ rồng"
Bức chạm "Rồng và Tiên"
Bức chạm "Người và hổ"
Bức chạm "Chèo thuyền" phía trên và "Rồng và Tiên" phía dưới
Bức chạm "Đấu vật"
Bức chạm "Đi săn"
Hàng năm, vào ngày 14, 15 tháng Hai âm lịch, người dân địa
phương tổ chức hàng lễ hội cúng tế tôn vinh các vị thành hoàng của làng.
Di tích kiến trúc nghệ thuật cụm đình Hương Canh, thị trấn
Hương Canh, huyện Bình Xuyên được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt theo
Quyết định số 1649/QĐ-TTg, ngày 29/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ.
Đặng Tú, Bộ môn KTCN,
ĐHXD
Nguồn: Bộ môn Kỹ thuật Công nghệ, Đại học Xây dựng