Đình Minh Cầm xưa thuộc trang Minh Cầm, huyện Đông Lân, phủ Đoan Hùng, đạo Sơn Tây (nay là xã Đội Bình, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang), nơi đồng bào dân tộc Cao Lan cư trú từ lâu đời. Trong truyền thuyết, người Cao Lan cho rằng đây là vùng đất tốt, thuận lợi cho việc làm ăn, chăn nuôi, trồng trọt...
Theo truyền thuyết, được chép trong gia phả của gia đình ông
Tiêu Sơn Học, Nghệ nhân Ưu tú, ở xã Đội Bình, thì vùng đất này là nơi hai vị tướng
Cao Sơn và Quý Minh thời Hùng Vương thứ 18, sau khi dẹp xong giặc về đã mở yến
tiệc khao quân tại đây.
Sau khi hai ông qua đời, để tưởng nhớ công lao của hai vị tướng
vua Hùng ban sắc phong là Cao Sơn nhất thống Đại Vương và Quý Minh nhất thống Đại
Vương, đồng thời cho phép người dân trang Minh Cầm lập đền thờ hai ông, gọi là
đền Thượng. Nhưng sau đó, ngôi đền bị bão, chỉ còn lại một tàu lá cọ bay từ đền
xuống địa điểm xây dựng đình ngày nay.
Dân làng cho là đất thiêng, đất thánh linh ứng nên đã lập
ngôi đình tại đây (đình Minh Cầm ngày nay) để thờ hai vị Cao Sơn và Quý Minh.
Ngôi đình có 3 gian, gian trong cùng để các đồ vật cúng, trên gác là gian thờ để
bài vị hai vị tướng. Gian thứ 2, thứ 3 là nơi tiến hành nghi lễ và để kiệu rước.
Vào ngày lễ hội, trước cửa đình được dựng một gian tế bằng lá cây đao đan chéo
gọi là rạp tế.
Phía đông nam đình có ngôi miếu Ông thờ Quan Lãnh Chân, người
Cao Lan, cai quản trang Minh Cầm, là người có công với làng, với nước. Trước cửa
đình có cây đa, là nơi thờ thần Thổ địa.
Xung quanh ngôi đình có 3 giếng nước: Giếng Thánh, giếng
Đình và giếng Làng. Hằng năm, vào đêm giao thừa, người làng đến lấy nước giếng
Thánh về thờ để cầu may mắn, an lành. Ngày mùng 4 tết (lễ mở cửa đình- khai hội),
người dân trong làng đem cờ lễ đến cắm ở giếng Đình, khi nào cờ phất thì lấy nước
về mổ lợn (hoặc trâu) để làm lễ tế.
Sau này, trang Minh Cầm tách thành hai xã là Đội Bình và Đội
Cấn, ngôi đình vẫn giữ nguyên tên gọi cũ- đình Minh Cầm, thuộc thôn Hòa Bình,
xã Đội Bình. Đây là nơi sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của đồng bào Cao Lan ở 4
thôn: Hòa Bình, Đoàn Kết, Dân Chủ, Cây Thị. Hiện nay, hai vị Cao Sơn và Quý
Minh được thờ tại đền Thượng (nay chỉ còn vị trí đặt bát hương) và thờ tại đình
Minh Cầm.
Tại đền, người dân chỉ đến thắp nhang vào ngày rằm. Trong
năm, đồng bào Cao Lan vùng này tổ chức 6 lễ chính tại đình Minh Cầm. Nhưng lễ hội
đình Minh Cầm- lễ hội lớn nhất, tổ chức từ ngày mùng 9 và mùng 10 tháng Giêng
(trước đây lễ hội được tổ chức trong 6 ngày, từ mùng 4 đến mùng 10 tháng
Giêng).
Xuất phát từ quan niệm
về một thế giới siêu nhiên luôn phù hộ, chở che cho con người, nên ngày hội
đình đầu xuân - lễ hội đình Minh Cầm, các vị thần linh đều được dân làng mời về
tụ hội tại đình Minh Cầm. Ngày mùng 4 tháng Giêng, làng làm lễ khai đình, cúng
xin phép thần linh cho mở hội, bàn và phân công công việc tổ chức lễ hội đình.
Công việc chuẩn bị cho lễ hội được điều hành bởi ông trùm
làng (người am hiểu xã hội, văn hóa truyền thống dân tộc Cao Lan, tâm huyết với
công việc của làng, được dân làng tín nhiệm bầu chọn). Đến ngày mùng 9 tháng
Giêng, khi cờ lễ cắm ở giếng Đình tung bay, ấy là tín hiệu cho phép làng được lấy
nước về mổ lợn làm cỗ dâng cúng tại đình Minh Cầm.
Trước đây, lễ vật cúng tế tại đình gồm 3 con trâu đen và 1
con sói. Sau chiến tranh, người dân không có điều kiện tế trâu, nên chỉ mổ lợn
cúng tế. Lợn dùng để tế được nuôi riêng, do người dân trong làng nuôi và đóng
góp theo phiên, mỗi con khoảng 5-7 chục cân.
Lợn tế được đem đến đình từ ngày 9 tháng Giêng. Sáng sớm
ngày 10 tháng Giêng, người ta lấy nước giếng Đình để mổ lợn. Trước khi mổ lợn,
làm lễ cúng thần gia súc (thắp hương và đặt con dao ngang mặt chậu có đựng nước
giếng Đình, rồi đọc lời khấn).
Vị trí mổ lợn là phía đông của đình, hướng mặt trời mọc,
theo đồng bào, đây là hướng khởi đầu của mọi sự việc tốt lành.Thịt lợn được luộc
chín và xếp tất cả các phần của con lợn ra 12 mâm để dâng cúng các vị thần
linh... Làm lễ xong, ông trùm hưởng phần khoanh cổ và hông, những người phụ
giúp nhận từ 3-5 gam thịt thăn, còn lại được chế biến để dân làng cùng ăn ở
đình.
Ngày mùng 9 tháng Giêng, các nghi thức trong lễ hội đình
Minh Cầm được bắt đầu bằng lễ rước nước từ giếng Thánh về đình để dâng cúng và
tượng trưng tắm cho các vị thần. Sau lễ rước nước là lễ rước Cao Sơn, Quý Minh
từ đền Thượng về đình Minh Cầm, đây là nghi lễ quan trọng trong lễ hội đình
Minh Cầm. Đi đầu đoàn rước là người đánh trống, đánh chiêng, tiếp theo là đoàn
rước cờ thần và kiệu rước hai vị, rồi đến chủ nhang và các già làng. Khi đến đền,
chủ nhang thắp hương, khấn xin được mời, rước hại vị Cao Sơn- Quý Minh về đình
Minh Cầm dự lễ hội...
Ngày lễ hội đầu xuân đình Minh Cầm, các vị thần được mời, rước
về đình là: Cao Sơn nhất thống Đại Vương, Quý Minh nhất thống Đại Vương; Tiền đạo
hiển ứng Đại Vương; Tà đương niên tôn công thần; Hữu đương cảnh tôn thần; Sơn
linh tôn thần; Hà bá tôn thần. Buổi chiều mùng 9 và sáng mùng 10, là nghi lễ rước
các vị thần du làng, trên đường đi sẽ dừng lại ở một số gia đình đã được làng
chọn từ trước (là những gia đình hạnh phúc, hòa thuận và được làng cho phép rước
lễ về đình để dâng cúng) để đón các vị thần đến nhà.
Kết thúc lễ rước các vị thần du làng, lễ tế tại đình được tổ
chức trang trọng để tỏ lòng thành kính của dân làng đối với các vị thần linh, với
sự tham gia của Chủ tế, Đông xướng, Tây xướng, Chấp sự lên đèn, Chấp sự dâng
hương, dâng rượu, người đọc văn tế, người bồi bái, người đánh trống, đánh
chiêng. Nghi lễ thực hiện tuần tự qua 3 tuần dâng hương, rượu, đọc chúc văn.
Chúc văn là lời chính tiệc khai xuân, cầu mong các vị thần linh phù hộ cho nhân
dân một năm mới mưa thuận giá hòa, con người mạnh khỏe, mùa màng bội thu.
Mở đầu phần hội là
tung còn, một nghi thức không thể thiếu trong lễ hội đình Minh Cầm hằng năm.
Các quả còn để tung đã được dâng cúng tại đình. Đây không chỉ là một trò chơi
mà còn hàm chứa yếu tố tín ngưỡng, tâm linh. Sau tung còn là các trò chơi dân
gian: đánh đu, kéo co... Những trò chơi dân gian là dịp để các chàng trai, cô
gái đua sức, đua tài, tiếp nối với đêm trước vừa thi tài hát Sình ca. Đây cũng
là dịp để nam thanh nữ tú bày tỏ tình cảm, hẹn ước kết duyên đôi lứa.
Việt Thanh