Đức thánh Đổng Vĩnh là vị thần trị thuỷ có công lớn với nước với dân dưới triều vua Hùng Duệ Vương (Hùng Vương thứ 18, đời vua Hùng cuối cùng) trong lịch sử nước Việt cổ.
Giadinh.net - LTS: Gần đây, Báo GĐ&XH Cuối tuần đã có một
số bài viết giới thiệu về những phát hiện khá thú vị về nguồn gốc của Thánh
Dóng của các nhà nghiên cứu Cung Khắc Lược và Lương Văn Kế.
Được sự đồng ý của hai nhà nghiên cứu và thể theo đề nghị của
một số bạn đọc, từ số báo này chúng tôi đăng tải toàn văn bản dịch thần phả
đình làng Thượng Giáp (xã Thống Nhất, Thường Tín, Hà Nội) về Đức Thánh Đổng Vĩnh
- hậu duệ đời thứ 13 của Thánh Dóng. (Toàn văn ngọc phả Đổng Vĩnh đại vương,
Công thần bộ, Thuỷ Triều Hùng Duệ Vương, Họ Việt Thường Thượng đẳng thần, Bộ thứ
Sáu, Chi Quý Bộ Lễ Quốc triều Bản Chính Quốc tế).
Nhà nghiên cứu - TS. Cung Khắc Lược làm lễ dâng bản dịch
Thần phả trước ban thờ có tấm hoành ghi rõ: Nam Hải quận vương và Vận cổ phúc
thần (phía sau).
Thần tích về hậu duệ của Đức Thánh Dóng
Tiếp theo việc phát hiện di tích và huyền thoại về Thánh
Dóng ở đền Bộ Đầu, huyện Thướng Tín, Hà Nội mà chúng tôi đã công bố trên Báo
Nhân Dân cuối tuần năm 1998, gần đây hai thầy trò chúng tôi do duyên nợ với quê
hương lại đã có dịp tìm hiểu ngôi đình làng Thượng Giáp, cùng thuộc xã Thống Nhất,
(xưa là trang Lưu Khê, tổng Chương Dương hay tổng Tín An) thuộc huyện Thường
Tín, Hà Nội, cùng ven đê sông Hồng, cách đền Bộ Đầu thờ Phù Đổng Thiên Vương
khoảng 1 km về phía Hà Nội.
Đình làng Thượng Giáp, xã Thống Nhất
Ngôi đình làng vừa tu bổ xong bằng tiền công đức của nhân
dân, trông khang trang đẹp đẽ, vẫn giữ được những nét nghệ thuật cổ kính từ
cách nay cả trăm năm. Ngôi đình toạ lạc trên một gò nổi cao như mu con rùa ở chỗ
con đê Cơ Xá lượn vòng như một cái tay ngai, nhìn xuống khu đầm mênh mông nước
với những hàng nhãn cổ thụ sum suê.
Trong hậu cung của đình còn lưu giữ được 3 bản thần phả cổ
viết bằng chữ Hán cổ trên giấy bản, trong đó một bản đã hỏng hầu như hoàn toàn:
màu giấy đã hoá đen như tro, rách nát không còn đọc rõ chữ nữa, chữ lại bé li
ti; bản thứ hai đỡ đen hơn nhưng ố vàng, cũng khó đọc ra chữ; bản thứ ba có khổ
giấy rộng hơn và còn đọc được chữ (tuy vẫn mất một số chữ).
Chúng tôi cố đối chiếu những trang còn đọc được ở 3 bản với
nhau thì thấy chúng có nội dung y hệt . Do đó có thể nghĩ rằng trong ba bản đó
có một bản gốc, hai bản còn lại là những bản sao lại của các thế kỷ sau đó để
tránh thất truyền vì hư hại qua năm tháng.
Sau gần 6 tháng vật lộn với các ký tự trên văn bản còn đọc
được, thầy trò chúng tôi đã phiên dịch tương đối hoàn chỉnh toàn bộ bản thần phả
ra tiếng Việt.
Nội dung bản thần phả kể về Đức thánh Đổng Vĩnh, hậu duệ đời
thứ 13 của Đức Thánh Dóng bất tử và được thờ làm thành hoàng làng Thượng Giáp
hay trang Lưu Khê theo tên gọi cổ.
Đức thánh Đổng Vĩnh là vị thần trị thuỷ có công lớn với nước
với dân dưới triều vua Hùng Duệ Vương (Hùng Vương thứ 18, đời vua Hùng cuối
cùng) trong lịch sử nước Việt cổ.
Ý nghĩa to lớn của bản thần phả mới phát hiện này thể hiện
trên mấy khía cạnh:
(1) Thánh Dóng không phải chỉ là thiên tướng (tướng nhà trời)
hiện giáng một lần duy nhất để đánh giặc cứu nước, mà Ngài còn có hậu duệ lưu lại
trên dương gian. Vậy Ngài là thiên thần hay nhân thần?
(2) Công lao của dòng tộc Thánh Dóng không chỉ là đánh giặc
ngoại xâm, mà còn có công lớn trị thuỷ, mà cụ thể là trị thuỷ Sông Hồng.
(3) Nội dung Thần phả đã tích hợp trong đó bốn vị thánh vốn
được người đời coi là “tứ bất tử” (Thánh Dóng, Thánh Tản Viên, Tiên Dung, Chử Đồng
Tử (không có ghi về chúa Liễu Hạnh).
Điều kỳ diệu là cả bốn vị thánh này đều sinh ra cùng thời, gắn
bó với nhau trong một đại gia đình Triều Hùng Vương thứ 18 trong sự nghiệp cứu
nước và giữ nước. (4) Nội dung thần phả đem lại cho chúng ta rất nhiều tri thức
dân tộc học, địa lý học, danh xưng học, dân gian học, thông qua các mô tả và
phân tích tâm lý hết sức “đời”, hết sức “người”.
Cũng phải kể đến nghệ thuật miêu tả chiến trận (cuộc chiến
giữa tướng lĩnh của Hùng Duệ Vương và Thục Phán) vô cùng sinh động mà chúng ta
chưa hề bắt gặp ở đâu trong kho huyền thoại của Việt Nam. Người ta có cảm giác
đang được xem một bộ phim hoành tráng về chiến trận không kém gì trận chiến
thành Troya trong thần thoại Hy Lạp.
Có thể nói rằng huyền thoại và di tích mới này về Thánh Dóng
và hậu duệ của Ngài đã làm hoàn chỉnh thêm tầm vóc cao sâu của tâm thức dân tộc:
anh hùng, hiếu nghĩa, yêu nước, thương dân, trọng nghĩa khinh tài, khoan dung,
chân thành thuỷ chung (giữa Cao Sơn và Đổng Vĩnh) và quí trọng môi sinh.
Huyền thoại về thánh Đổng Vĩnh xứng đáng là bản anh hùng ca
về đạo nghĩa dân tộc. Nay xin trân trọng giới thiệu cùng toàn thể các nhà
nghiên cứu và độc giả nội dung chính của huyền thoại.
TS. Cung Khắc Lược làm việc cùng nhân dân địa phương.
Sau đây, chúng tôi lần lượt giới thiệu toàn văn bản dịch thần
phả.
Phần I: Đầu thai
Thuở xưa, Hùng Vương là Thánh Tổ trời Nam. Vua Tổ đầu khai
sáng xây dựng nước Việt Nam, cơ thời gọi Việt Thường họ Hùng mười tám đời truyền
nối mở nước đều là các vị khải khánh đế vương sáng suốt đã gây dựng nên cơ đồ đất
nước núi sông muôn dặm gấm vóc, kiến tạo thành đô cung điện nguy nga vững chắc,
muôn vật dồi dào nuôi dưỡng muôn người.
Cả nước gồm mười lăm bộ rộng lớn. Vận nước mở mang từ ấy.
Vua Tổ đặt quốc hiệu Văn Lang, lập quốc đô tại Nghĩa Lĩnh, truyền mãi muôn ngàn
năm. Nơi ấy vua Nam Việt ngự trị, Thánh điện Hùng sơn trường lưu bất diệt; về
sau con cháu chắt đều là giống nòi tông phái từ ấy mà phát triển, đều luôn hướng
về đất Tổ trời Nam; các bậc công thần cứu nước gìn dân đều được có nơi phụng sự
trường tồn cùng với giang sơn bất hủ.
Thuở ấy vào thời vua Hùng Duệ Vương, ở xứ Kinh Bắc, phủ Từ
Sơn, huyện Tiên Du, trang Phù Đổng có nhà cự tộc họ Đổng. Ông tên huý Mẫn, bà vợ
là Trần Thị Ơn người xứ (mất chữ) phủ Nam (mất chữ), châu Thanh Hà, trang (mất
1 chữ) Giang Châu.
Vốn nhà danh giá, giàu sang mà hào hiệp. Vợ chồng hiền hoà,
luôn làm điều nhân nghĩa để tích thiện. Hiềm một nỗi tuổi đã cao mà vẫn chưa thấy
sinh hương nở quế. Khổ tâm hơn nữa lại bị người ta lấy đó để đặt chuyện ác độc
xấu xa.
Ác nhất là cái nhà họ Hoàng trong hương lý, không hiểu sao cứ
rắp bụng đơm đặt đủ điều nói xấu làm nhục họ Đổng, hết nói xấu sau lưng lại nói
xấu trước mặt như muốn triệt hạ họ Đổng cho thoả thâm thù, oán hận từ bao giờ
tích chứa lại.
Bỉ ổi, trắng trợn, ra sức, cố ý. Hễ thấy mặt ở đâu là nói xấu
liền. Độc địa hơn cả lại cứ nhè vào cái nỗi muộn con của vợ chồng họ Đổng khiến
họ càng đau khổ xót xa trong tâm can dai dẳng.
Càng ngày càng đáo để thậm tệ, đợi đến khi trong làng xã có
cuộc hội họp đông đủ dân làng già trẻ nam nữ, cậy thế mình là họ thế gia cự tộc
đương thịnh thời, lắm tráng đinh lại giàu có hơn người, bấy giờ mới nhân thể
người quyền trưởng hương lý đang điểm danh đến gia đình nhà Đổng Mẫn, thì ngay
tức tốc cướp lời, chen luôn vào mà nói này nói nọ, khinh mạn, ngạo ngược đầy đắc
ý và tự mãn.
Ông lặng ngồi ngậm đắng nuốt đau, chỉ thầm giữ vững cái tiếng
thơm của họ nhà mình từ tiền cổ đã vun bồi, vả lại vợ chồng ông đang ở trong
cái cảnh tha thiết đường sinh nở để có con nối dõi truyền thống hiếu trung của
Ông Đổng – Thánh Dóng.
Cứ chịu đựng mãi cái ngữ nhà họ Hoàng luôn luôn bất nghĩa
như vậy thì cực khổ vô chừng. Cực chẳng đừng, ông Đổng Mẫn chỉ còn nước, lìa bỏ
hương quán, chấm dứt gia tình, phó thác thân tộc, vợ chồng khăn gói biệt cầu một
nơi đất khác mà sinh sống. Nghĩ vậy, ông bà bèn tìm đến xứ Hải Dương, phủ Hạ Hồng,
đất Châu Vĩnh Lại – Vĩnh Am.
Vợ chồng tự lập lấy một chốn gia cư. Nơi đây có con sông nhỏ
thông ra cửa biển. Hai bờ tả hữu ngạn đều có dân cư sinh sống. Ở đây mới được
vài năm, cũng chỉ mua đi bán lại mớ tôm mẻ cá, mắm muối, tương cà, rau dưa vậy
mà cũng dễ chịu.
Chỉ còn mỗi một điều, mộng lân chỉ hùng tường (chỉ việc thụ
thai) thì tịnh chưa thấy mà thôi! Mặc dù tâm tư của ông Đổng Mẫn lúc nào cũng
canh cánh ước mơ được có nó.
Cho nên ông cứ thường than thở với bà rằng: “Các cụ tổ tiên
nhà tôi truyền bảo mà tôi được biết, đời nào cũng vậy, các cụ ăn ở cư xử với
nhau ở nội trong gia đình thì hoà hợp, ở bên ngoài làng xã thì quý trọng khiêm
nhường, vì thế mà Hoàng thiên mới trợ thuận cho được sinh Thần - Đổng Sóc Xung
Thiên Thần Vương - cứu nước giúp dân.
Từ đó họ Đổng nhà tôi mới được làng nước gọi là họ hào kiệt
thế gia, trong họ nhà nào cũng thịnh vượng và đa đinh cả. Nhiều đời nay rồi vẫn
được như vậy. Mà sao tôi với bà ăn ở với nhau cũng đã nhiều năm, tuổi tôi với
tuổi bà cũng đều già cả rồi mà Ông Trời cứ bắt tội bất hiếu mãi thế này ư?”.
Bà nghe ông than thở mà không đãi đằng một lời nào với ông.
Nung nấu trong tâm bà vào buồng đi nghỉ. Nghỉ cũng chẳng được, bà lại dậy làm
việc nọ việc kia. Ngày này sang ngày khác, bà âm thầm lặng lẽ làm ăn buôn bán tần
tảo không gian dối lường thưng bớt đấu.
Hễ hai bên hàng phố tả hữu ngạn Vĩnh Lại – Vĩnh Am cần làm
việc công lợi nào, dù là đường sá, cầu, quán, đền chùa... bà đều cùng ông ra
tâm hằng sản công đức.
Một đêm nọ bà mộng thấy thần hiện lên bảo rằng: “Hoàng Thiên
trước đây đã giáng phúc ban cho họ Đổng sinh Thần Bảo quốc trừ Ân. Từ đó đến
nay đến chồng nhà ngươi là đã trải mười hai đời, như vậy há chẳng phải là lâu
dài sao?
Ngày nay, vợ chồng nhà ngươi vẫn biết tu nhân tích thiện, ăn
hiền ở lành, cư xử với người đời không tranh cạnh, vững lòng son sắt kiên định
bền bỉ, Thiên Đình dẫu muốn định giảm phúc của nhà ngươi thêm cho người khác
cũng không nỡ! Đến sinh sống ở nơi này, gây dựng cơ nghiệp từ đầu mà vẫn không
quên dốc tâm dốc của làm những việc có nhân có nghĩa, chẳng hề bỏn xẻn, tiếc xót
tiền tài.
Vợ chồng nhà ngươi đau đáu thiết tha cầu có con, tâm thành ấy
cảm cách thấu tới Thiên Đình. Vì thế, Thiên Quân sai Long Hầu giáng xuống làm
con của vợ chồng ngươi, Nay bảo cho vợ chồng ngươi biết. Thiên Quân có cho vợ
chồng nhà ngươi tấm Long Chương này hãy nhận lấy!” Tiếng nói của Thần vừa dứt,
thì ông Đổng bỗng bàng hoàng bừng tỉnh.
Ông tức thời thốt lời: “Vâng, con xin nhận Long Chương”. Ông
mở tấm Long Chương ấy và đọc luôn cho bà cùng nghe: “Tu tâm tác phúc đạt Thiên
Quân/Đổng Thị phu thê đốc chí nhân/Ưng phó Thần Long vi nhữ tử/Khuông phù dương
quốc bảo ư dân”. Tạm dịch: “Tu tâm làm phúc thấu Thiên Quân/ Họ Đổng vợ chồng ở
có nhân/ Nay giáng Thần Long làm con quý/Cứu dân giúp nước dẹp tai nàn”.
Quả đúng như mộng triệu, bà mừng lắm. Từ ấy, bà có thai. Từ
trong buồng nằm bỗng nhiên có một áng mây đẹp xuất hiện như cái tán che biết
bay theo từng bước đi lại di chuyển của bà để che cho đầu bà, tạo nên một vùng
không khí trong lành thơm dịu rất đỗi mát mẻ.
Ai thấy đều cho là kỳ diệu. Bà mang thai mười bảy tháng. Năm
ấy vào đúng Tháng Tám Ngày 13, trời đất đang quang đãng bỗng đột ngột tối tăm,
gió lớn nổi lên, mưa to dữ dội. Vậy mà trong buồng nằm của bà ngào ngạt mùi
thơm phưng phức rồi lan toả khắp nhà, đồng thời là một vầng sáng huy hoàng làm
rạng rỡ cả không gian ngôi nhà.
Khi ấy, vừa khéo cái thời khắc khai hoa mãn nguyệt, bà sinh
hạ một nam tử thể diện khôi kỳ, tay chân lẫm liệt, nhan rồng mắt phượng, mày
lân, hàm yến. Vừa mới sinh mà đã có râu trắng, đầu có hai cái giác, mỗi giác
dài tới rốn, vóc dáng cao lớn đường đường khác hẳn với muôn vạn người thường.
Giữa lưng của ông có một hàng giáp đỏ, trên đó hiện lên hai
mươi tám vì tinh tú. Bụng ông tròn, lớn, có sao Bắc Đẩu chiếu. Tay dài quá đầu
gối. Chân mọc bảy sợi lông, mỗi sợi dài năm thốn. Hai bên cạnh sườn có mây ngũ
sắc điểm tô. Vừa tròn một trăm ngày, nhân việc tu tạo cây cầu ở sông Vĩnh Giang
mới lấy chữ Vĩnh để đặt tên cho ông.
Chữ “Dóng” trong “Thánh Dóng” mà các tác giả dùng ở đây nhằm
sửa lại sai sót cả về mặt phiên âm và ý nghĩa trong chữ “Gióng” mà dân gian vẫn
dùng. “Dóng” ở đây nằm trong chữ “dóng tre”, loại cây liên quan trực tiếp đến
truyền thuyết trong dân gian và cũng là giống với âm “Đổng” của âm Hán Việt.
(Còn tiếp)
Cung Khắc Lược - Lương Văn Kế
* Đầu đề do chúng tôi tự đặt (chú thích của hai tác giả Cung Khắc Lược –Lương Văn Kế)
Phong Thiện