Nhị thần tướng Cao Sơn - Đổng Vĩnh tuyển chọn năm mươi tám người hoàng nam khoẻ mạnh, giỏi và mẫn cán cho xung quân đánh Thục trận cuối cùng. Trận này thuỷ - bộ chiến kết hợp, nhấn chìm toàn bộ tàu thuyền của quân Thục trên các triền sông vùng Kinh Bắc, bắt sống năm trăm tù binh Thục giải về kinh.
Gặp Đức tổ Thánh Dóng
Hơn mười ngày ở trang Lưu Khê, ông tranh thủ vào thăm thú
dân thôn. Một hôm sau khi dùng bữa, ông nằm ngả lưng tại giữa hành cung. Ông bỗng
thấy người lâng lâng lạ thường.
Khi ấy, hiện lên một đại nhân kỳ vĩ vô cùng, thân cao ba
mươi thước hơn, trực lập kình thiên, áo mũ lộng lẫy, đai giáp to rộng lóng lánh
hoàng kim, hai bên thị vệ hai hàng quân uy hùng.
Bàng hoàng cả người, ông phải nhỏm dậy tức khắc đến trước đại
nhân kỳ vĩ mà cất lời vấn: “Quan ngài ở đâu ta tới? Xin cho được biết chức
danh?”. Đại nhân kỳ vĩ cả cười đáp:
“Cùng gốc cùng nguồn cùng họ nhà
Ghé chơi một chút chẳng đâu xa
Vô tâm mải việc không ai trách
Làm tướng xưa nay vốn tinh hoa”.
Nghe vừa dứt thì ông Vĩnh bừng ngộ. Trong mắt ông vẫn còn phản
chiếu những luồng hào quang xán lạn. Từ luồng hào quang ấy, đại nhân kỳ vĩ nhẹ
nhàng bay lên không trung mênh mông, ngài bay cao, cao mãi. Sau chớp mắt, định
thần, ông Vĩnh lệnh truyền cho tướng quân mời các bô lão đến để tham vấn:
“Trang ấp đây có ngôi linh từ thì phải?”.
Các thượng lão nhất nhất thưa rằng: “Thưa ngài, địa phương
chúng con đây, từ cổ vốn có một ngôi kinh đài, dân trang ấp và thập phương hễ cầu
tất ứng, thần minh sáng suốt, hiển ứng phù hộ, che chở yên lành. Xuân thu
nhị kỳ, ngày Sóc ngày Vọng hàng tháng, hết đời này đến đời khác không ngớt đèn
hương thờ phụng thần minh”. “Đó là ngôi đền nào?” - ông Vĩnh liền hỏi.
Một cụ thượng cao cả nhất trang xin đáp: “Thưa ngài, làng
bên cạnh trang chúng con đây là làng Đông Bộ Đầu có ngôi đền thờ Đức Đổng Sóc
Thần Vương là bậc thượng đẳng thần quốc tể - cả nước cùng thờ phụng”.
Nghe các cụ phụ lão cho biết, trong lòng ông Vĩnh sáng lên
niềm hồi tưởng sâu xa. Quả đúng là như vậy, chính vị quan nhân kỳ vĩ hiện ra
trong hào quang chói lọi vừa rồi là bậc tiền nhân trong tiên tổ nhà mình, ngài
hiện về quở trách mình, về nơi đây làm việc mà sơ sót. Ngay tức khắc, ông Vĩnh
nói với các cụ trượng lão biện lễ vật để ông lên đền Đông Bộ Đầu bái yết tạ lỗi
với thiên thần.
Toàn cảnh Đền thờ Đổng Sóc Thiên Vương, tiền nhân 13 đời của
Đổng Vĩnh Đại Vương (Hai ngôi đền này cách nhau chừng 3 km).
Xa giá của Đức ông Đổng Vĩnh vừa đỗ xuống sân đền thì nhân
dân hai trang Lưu Khê và Đông Bộ Đầu đã có mặt tề tựu đông đủ để đón tiếp ông.
Họ được nghe ông Vĩnh chỉ bảo dặn dò: “Nhân dân hai trang đây là anh em giao hảo
đời đời cùng chung nguồn nước, chung một dòng sông, ăn ở hoà thuận thương yêu
giúp đỡ lẫn nhau”.
Họ được tận mắt thấy Đức ông Đổng Vĩnh hành lễ bái yết Đức Thượng Đẳng
Linh Thần Đổng Sóc Thiên Vương. Bái yết, lễ tạ thần Thượng Đẳng rồi ông Vĩnh xa
giá trở lại trang Lưu Khê.
Đức ông đi khắp làng trên xóm dưới, xem xét dân phong thuần
hậu, thăm hỏi từ già chí trẻ, ai cũng để trong lòng ông tình cảm thương quý.
Ông thấy an lòng trên xa giá trở về hành cung.
Các cụ phụ lão và các ông đầu họ trong làng cũng theo về. Mọi
người quây quần nghe đức ngài Đổng Vĩnh ban truyền: Từ nay về sau, dân trang Lưu Khê là học
trò của Đức ông, thực hành những ý chỉ của ông. Đức ông ban tặng cho trang Lưu
Khê bốn chữ quý báu “Hộ Nhi Gia Thần” cùng với năm hốt vàng bạc để tu sửa hành
cung.
Cuối buổi, đức ông xa giá về huyện Thanh Đàm thăm trang Quỳnh
Côi. Lưu lại đây vài ngày, đức ông xem xét kết quả bồi đắp đê điều và tình hình thuỷ
lợi địa phương sau cơn hồng thuỷ.
Trở lại Hành Cung trên đất Hộ nhi Gia thần, Đức ông làm biểu
dâng lên nhà vua báo cáo đã hoàn thành công việc trị thuỷ và hàn gắn đê điều.
Nhà vua hạ chỉ triệu Đức ông Đổng Vĩnh hồi kinh.
Bấy giờ, các thần tử ở mấy chục nơi mà Đức ông nhận
họ làm gia thần, làm đệ tử, làm môn hạ, là tay chân thiết cốt, được đức ông quan
tâm săn sóc như Tiên Du Kinh Bắc, Nam Sách, Thanh Hà, Hạ Hồng, Nam Chân, Lộc
Hà, Hải Dương, Thanh Đàm... tụ hội thành một đoàn hơn một nghìn người tiễn ông
về kinh. Riêng trong Lưu Khê, cả làng lưu luyến bám theo xa giá của ông đông
nghịt...
Tại triều đình, đức ông bái kiến nhà vua. Nhà vua mở đại yến
chúc mừng, ban cho kim bào đai ngọc và gia phong duệ hiệu Đổng Vĩnh Đại Vương
Chưởng Giáo Lục Bộ Toàn Liêu Đại Tướng Quân, tước hiệu Nam hải Quận vương. Đức
ông vâng mệnh nhà vua thi hành nhiệm vụ.
Từ ấy, toàn cõi nước ta biển lặng sông trong, dân
chúng thoả sức làm ăn yên ổn. Đặc biệt, các trang ấp được ông nhận làm Hộ nhi
Gia thần thì năm liền năm đều được mùa bội thu, dân chúng ấm no, xóm làng dặt
dìu lời ca tiếng hát dân gian. Hát rằng:
Thái bình vua, thái bình dân
Đất nước sinh ra Đổng Vĩnh thần
Đồng ruộng tốt tươi không hạn lụt
Trời Nam nhân vật rạng công ơn.
Đình làng Thượng Giáp ngày lễ hội
Cuộc chiến chống Thục Phán lần thứ nhất
Lại nói, cuối thời Hùng thế nước cáo chung, Hùng Duệ Vương
sinh được hai mươi hoàng tử đều thuộc giới Tiên Hương và sáu công chúa, về sau
chỉ còn đươc hai người, chị là Tiên Dung, em là Mỵ Nương, đều là đấng anh hoa
trong giới nữ lưu. Tiên Dung lấy Chử Đồng Tử người trang Đa Hoà phủ Khoái Châu
xứ Sơn Nam. Mỵ Nương sắc nước hương trời, giai nhân tuyệt thế, nàng đẹp thắm
như áng đào kiểm, hồn xuân phong kín nhuỵ đào.
Nhà vua cho dựng lầu cầu hiền kén rể tại thành Việt Trì bên
sông Bạch Hạc và truyền hịch cho khắp thần dân trong nước: Những ai là trang
thanh niên anh hùng tuấn kiệt văn võ toàn tài, sức mạnh địch chúng hãy về kinh
hội thí. Đại hội mở trong ba ngày. Đủ mặt anh hùng tài tử nô nức kéo về chật cả
thành Bạch Hạc.
Ngàn năm có một không hai, dân chúng kinh thành sung sướng
được chứng kiến các bậc anh hào thoả sức trổ tài các môn pháp thuật: Bút trận
như mây bay gió cuốn; võ trận núi lở đất rung; quyền pháp muôn thế vun vút như
chớp như lôi... Song nhà vua vẫn chưa thật ưng lòng với bất kỳ ai.
Đương khi ấy, có một người trông quê kiểng chất phác như một
“lão xá” xin được vào tỉ thí, xưng tên là Tản Viên, quán ở Đổng Lăng Xương xứ
Sơn Tây phủ Gia Hưng, huyện Thanh Xuyên. Nhà vua lệnh cho vào. Vua theo dõi thì
thấy vóc dáng lạ kỳ, chẳng giống ai ở phàm trần, cử động thoắt biến thoắt hiện,
phép màu như thần như thánh như tiên.
Vua nghĩ ngay rằng, ắt đây là bậc đắc pháp, là thiên thánh
giáng trần. Vua chú mục vào cây thần trượng và cuốn sách của Thủy Tề mà Tản
Viên mang theo. Và ngài cho phép đức Tản Viên tự thể hiện bản lĩnh để ngài xem
xét. Tản Viên vâng lệnh.
Vừa đảnh lễ bái lạy nhà vua, không đầy chớp mắt, tức thì trời
đất xán lạn huy hoàng, mây năm sắc vần vụ, gió từng làn mát rười rượi, từng động
tác nhẹ lướt như chim, lúc vút lên không, khi lượn như rồng, thoắt ẩn thoắt hiện.
Nhà vua lấy làm mãn nguyện lắm. Xưa nay, Vua chưa từng thấy
ai có diệu phép như vậy. Thật là không tiền khoáng hậu vậy. Kỳ tài! Kỳ tài! Vua
truyền lệnh chỉ cho hôm sau mở hội trước Điện Rồng, làm lễ cưới cho công chúa Mỵ
Nương và nhường ngôi báu cho Tản Viên.
Nhưng không một ai ngờ tới: Tản Viên không nhận bất cứ một
thứ lộc báu nào của nhà vua ban cho cả. Ông chỉ cầu xin một điều duy nhất: Nguyện
toàn tâm toàn trí giúp nền quốc chính lâu dài.
Lại nói, từ trước đó, Thục Phán đã để ý Hùng Duệ Vương tuy
tuổi già sức yếu mà vẫn chưa kén được người để truyền ngôi. Nhân trúng vào dịp
Tản Viên khước từ ngôi tôn quý, Thục Phán tập trung hơn ba vạn hùng binh, đổ
quân từ biên giới vào đánh nước ta.
Có thư mật báo từ biên ải về, Hùng Duệ Vương bèn lập tức cho
triệu gấp Tản Viên vào triều để hỏi kế đánh dẹp. Trước bệ rồng, Tản Viên tâu rằng:
“Thần nguyện cam chịu mọi gian lao cực khổ để bảo vệ Thánh giá. Xin nhà vua hãy
chọn ngay tướng tài để cầm quân dẹp Thục cho kịp thời, kẻo để chậm trễ sẽ làm
nao núng lòng dân”.
Nghe vậy, Hùng Duệ Vương quyết định triệu tập quần thần văn
võ bá quan, đồng thời cho mời cả hai người em của Tản Viên là Cao Sơn và Quý
Minh và không thể thiếu Đổng Vĩnh, các đức ngài là thần tướng trời Nam đánh Thục.
Đức ngài Đổng Vĩnh đến sau, đi cùng còn có năm mươi viên tướng
anh hùng đảm lược. Sau khi nghe Tản Viên trình bày kế đánh Thục, tất cả triều
đình thống nhất. Nhà vua ban phong Tản Viên Sơn Thánh Thượng Đẳng Tối Linh Thần,
Cao Sơn Đại Vương Tả Khiên Thần, Quý Minh Đại Vương Hữu Khiên Thần, Đổng Vĩnh
làm Thống chế Thuỷ đạo Tướng quân. Các tướng được nhà vua xuống chỉ giao nhiệm
vụ xong, tất cả bái tạ nhà vua, cầm quân theo kế sách đã định.
Đức ngài Tản Viên Sơn thánh cùng các thần Nhạc phủ cất quân
thẳng tiến đánh các miền Bảo Quang, Hưng Hoá, Tụ Long, Bảo Lạc... cả thảy 16
châu thượng đạo. Đại Thống chế Thuỷ đạo Tướng quân Đổng Vĩnh nắm đường thuỷ
cùng phối hợp với Tả Khiên Thần Cao Sơn và Hữu Khiên Thần Quý Minh tiến đánh hạ
đạo.
Đại Thống chế chỉ huy 500 chiếc long chu (thuyền rồng), chia
thành các mũi tiến công, một mũi tiến về cửa bể Thần Phù – phủ Chân Định - Hải
Dương, một mũi hướng Lục Đầu giang và Bạch Đằng giang, một mũi đi Ái Châu –
Hoan Châu và một mũi lên Lạng Giang – Cao Bằng. Đại quân tiến phát, lục quân và
thuỷ quân song hành, thượng đạo và hạ đạo cùng đánh.
Khi Tản Viên Sơn thánh đánh hạ quân Thục ở Mai Châu, Mộc
Châu diệt tan chính đồn của tướng Thục, thì Hữu Khiên Thần Quý Minh đã từ Kinh
Bắc thông một lèo sang Lạng Sơn rồi tiến lên Cao Bằng diệt tả đồn của tướng Thục.
Cùng lúc đức ngài Đổng Vĩnh và đức ngài Cao Sơn đang vượt
Sơn Nam vào Nam Châu, Ái Châu, Hoan Châu và Bố Chánh Châu, các cửa Thần Phù và
Lục Đầu giang đã thông, diệt tan trung đồn và hạ đồn của quân Thục.
Hai đức ông hợp thành một đạo thủy bộ, cùng quyết chiến quyết
thắng, sát cánh vào sinh ra tử, sống chết có nhau, đồng cam cộng khổ như anh em
cùng một mẹ sinh. Hai ngài đi đến đâu, tướng binh Thục tan tác đến đó.
Sau đó, hai thần tướng cùng sát cánh bên nhau trên đường thắng
lợi tiến về xứ Sơn Nam. Ông Vĩnh muốn mời ông Cao Sơn ghé qua thăm phủ Thường
Tín, huyện Thượng Phúc, rẽ vào trang Lưu Khê, vì nơi ấy dân trang từng được ông
coi như con cái và học trò yêu quý của mình.
Hôm ấy vào ngày mùng 10 tháng Chạp, dân trang được tin nô nức
kéo ra đón mừng hai ông. Ngài Đổng Vĩnh lệnh truyền cho dân trang nhanh chóng dựng
một ngôi hành cung dành cho ông Cao Sơn giá ngự.
Đất Thượng Giáp – Lưu Khê trước đó đã có một ngôi hành cung
của dức ngài Đổng Vĩnh. Nay dân trang vâng mệnh thiết lập thêm một ngôi hành
cung mới dành riêng cho thần tướng Cao Sơn.
Gọn gàng trong ba ngày thì hành cung mới dựng xong tươm tất.
Ông Đổng Vĩnh cho quân mua trâu bò giết thịt để khao dân làng và quân sĩ. Tiệc
khao diễn ra trong ba ngày.
Sau đó, nhị thần tướng tuyển chọn năm mươi tám người hoàng
nam khoẻ mạnh, giỏi giang, mẫn cán cho xung quân đi đánh Thục trận cuối cùng.
Trận này đánh thuỷ - bộ chiến kết hợp, nhấn chìm toàn bộ tàu thuyền của quân Thục
trên các triền sông vùng Kinh Bắc, bắt sống năm trăm tù binh Thục giải về kinh.
Hai thần tướng làm biểu dâng lên tấu trình vua Hùng, trình báo
hoàn toàn dẹp tan quân Thục. Nhà vua hạ chiếu triệu hai đức ông và các danh tướng
công thần vào kinh thành Bạch Hạc dự đại yến mừng khải hoàn. Từ ấy muôn dân trở
lại với cuộc sống bình yên vô sự.
Tiến sĩ Hán học Cung Khắc Lược – Tiến sĩ khoa học Lương Văn
Kế