Dương Tam Kha (chữ Hán: 楊 三哥,? - 980), tức Dương Bình Vương (楊平 王), là vị vua Việt Nam, trị vì từ năm 944 đến năm 950, xen giữa triều đại nhà Ngô trong lịch sử Việt Nam.
Với thân là anh / em vợ của vua Ngô Quyền và là con
trai của Tiết độ sứ Dương Đình Nghệ, ông đã tạo nên một thế lực đủ mạnh để chiếm
ngôi nhà Ngô, tự lập triều đại trong 6 năm, cho đến khi bị Hậu Ngô Vương phế
truất.
Có một chi tiết cần lưu ý, Đại Việt sử ký toàn
thư và Khâm đinh Việt sử thông giám cương mục đều chép “Dương
Tam Kha cướp ngôi”, thì Việt sử lược chỉ chép là: “Chủ Tướng tự lập
làm vương”.
Dù thế nào đi nữa, việc đánh giá lại công lao, sự nghiệp và
vị thế của Bình Vương Dương Tam Kha trên cơ sở những tư liệu mới phát hiện gần
đây là điều cần thiết, không những giúp đáp ứng yêu cầu khách quan, công bằng của
ngành khoa học lịch sử mà còn gạt bỏ những nhận định thiếu công tâm đối với bậc
hiền nhân.
Làm bộ tướng dưới quyền nhị vua
Tiết độ sứ Dương Đình Nghệ là một tướng của Khúc Hạo ở đất
Ái Châu (Thanh Hóa). Năm Tân Mão (931), tướng Dương Đình Nghệ đánh đuổi Lý Khắc
Chính và Lý Tiến, chiếm thành Đại La, tự xưng làm Tiết độ sứ. Lúc này Dương Tam
Kha làm một bộ tướng của cha.
Được 6 năm, Dương Đình Nghệ bị nha tướng là Kiều Công Tiễn
giết hại để đoạt chức Tiết độ sứ. Năm 938 Ngô Quyền, vốn là bộ tướng cũng là
con rể của Dương Đình Nghệ, giết Kiều Công Tiễn. Đức Dương Tam Kha theo anh rể
làm bộ tướng. Theo thần phả, chính đức ông Dương Tam Kha cùng con Ngô Quyền là
tướng Ngô Xương Ngập là người chỉ huy quân tiên phong tiến ra Đại La tiêu diệt
Công Tiễn.
Trước đó Công Tiễn sai người sang Nam Hán xin quân cứu viện,
vua Nam Hán cho con là Vạn vương Hoằng Tháo đem quân sang cứu, tự mình đóng
quân làm thanh viện. Quan Nam Hán chưa tới thì Công Tiễn đã bị giết. Tháng 11
năm 938, quân Hoằng Tháo kéo sang bị Ngô Quyền đánh tan trong trận Bạch Đằng.
Hoằng Tháo bị giết chết. danh tướng Dương Tam Kha tham dự trận này và theo sách
sử ghi lại, ông đã chém đầu Hoằng Thao.
Trong bộ Thiên gia thi vựng tuyển do Kiếu Năng Tĩnh
(1835-?), đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất than khoa Canh Thìn (1880), làm quan
tới chức Đốc học Hà Nội, thăng Quốc Tử giám Tế tửu, tuyển chọn, có nhiều bài
thơ liên quan tới Bình Vương Dương Tam Kha như: Quá Bình Vương cựu trạch từ của
Tiến sĩ Lê Tung, đời Lê Thánh Tông; Đáo Dương chủ Tùng Khê ấp của Tiến sĩ
Đặng Phi Hiển (1567-1650) đời Lê Thần Tông; Quá Dương Công thực phong ấp của
Tiến sĩ Hà Tông Quyền (1798-1839) đời Minh Mệnh; Đáo Bình Vương cựu ấp của
Tiến sĩ Phạm Văn Nghị (1805-1880) triều Nguyễn… Trong số đó, chúng tôi chú ý
hơn cả là bài Quá Bình Vương cựu trạch từ (Qua đền trên nền nhà cũ
Bình Vương) của Tiến sĩ Lê Tung:
Dịch nghĩa:
Qua đền trên nền nhà cũ Bình Vương
Cắm cọc xuống sông, khéo bày mưu lạ
Chém đầu Hoằng Thao nhà Hán sửa hận cho cha
Chia định xóm làng, khẩn thêm ruộng đất,
Nối tiếp người xưa giữ gìn nền tự chủ, tuy việc cũ mà đâu có xa xôi.
Do vậy, trong bài thơ Quá Bình Vương cựu trạch từ nói
trên, sử gia Lê Tung cho rằng Dương Bình Vương (Dương Tam Kha) là người đã “Trảm
Hán Hoằng Thao tuyết phụ cừu”, thì chắc chắn ông có đủ cứ liệu đáng tin cậy để
khẳng định điều ấy.
Sự kiện danh tướng Dương Tam Kha chém đầu tướng giặc Nam Hán
Lưu Hoàng Thao, còn được Thần tích đền Cổ Lễ có đoạn viết: “… Tam Kha công khiển
Dương Thục Phi, Dương Cát Lợi phạt mộc tam thiên châu tháp nhập lưu trung, lịch
cận tam lý trường, đãi thủy tướng, tướng quân khiêu chiến dẫn tặc việt quá xung
trận, thủy thoái Ngô Quyền công suất chư tướng tự giang khẩu lực công. Tam Kha
xuất bản bộ binh dĩ trường tiễn tự lưỡng ngạn loạn phóng, trảm đắc Hoằng Thao,
Hán quân đại bại”.
Nghĩa là: “… Đức ông Tam Kha sai Dương Thục Phi, Dương Cát Lợi
chặt 3.000 cây gỗ đóng xuống lòng sông trên một quãng dài 3 dặm (hơn 1,5km). Đợi
lúc nước lên đem quân khiêu chiến khiến giặc vượt qua bãi cọc, khi nước xuống
Ngô Quyền đem chư tướng từ cửa sông hết sức đánh tập hậu. Ông Tam Kha cho quân
bản bộ dùng mũi tên dài ở hai bờ bắn xả vào quân giặc, chém Hoằng Thao, làm cho
quân Hán đại bại…”.
Ngày nay, tại đền thờ Bình Vương Dương Tam Kha ở thị trấn Cổ
Lễ, còn đôi câu đối:
Khuông phù Ngô Chủ, lập Nam bang, thiên thu hách tạc
Trảm diệt Hoằng Thao, bình Bắc khấu, lịch đại bao phong
Nghĩa là:
Dốc phù Ngô Chủ, dựng nước Nam, nghìn thu hiển hách
Chém giết Hoằng Thao, trừ giặc Bắc, nối đời bao phong.
Chiếm ngôi tạm giữ
Năm 944, Ngô Quyền mất, ủy thác con trưởng là Ngô Xương Ngập
cho ông. Dương Tam Kha giành ngôi của cháu, tự lập mình làm vua, xưng Dương
Bình Vương. Ngô Xương Ngập chạy về nhà một hào trưởng là Phạm Lệnh Công ở làng
Trà Hương - Nam Sách (Hải Dương).
Phạm Lệnh Công che chở cho Ngô Xương Ngập, đã ba lần đưa Ngô
Xương Ngập vào rừng núi Hun Sơn đào mà trú ẩn, vua Dương Tam Kha sai quân đi bắt
Ngô Xương Ngập không được. Nhưng vua Dương Tam Kha lại nhận Ngô Xương Văn, con
thứ hai của Ngô Quyền làm con nuôi.
Trong thời gian cai trị đất nước, ông giữ chính sự tương đối
ổn định, khuyến khích việc khai khẩn đất hoang, nhất là ở các vùng Chương Dương
(Thường Tín, Hà Tây) và Cổ Lễ (Nam Định).
Năm 950, vua Dương Tam Kha sai tướng Ngô Xương Văn đi đánh
Thái Bình (khu vực Sơn Tây, Vĩnh Phúc ngày nay vốn thuộc lãnh địa của các sứ
quân Nguyễn Khoan và Ngô Nhật Khánh).
Ngô Xương Văn dẫn quân quay lại lật đổ Dương Tam Kha. Biết
ơn của Dương Tam Kha, Xương Văn không giết Tam Kha mà chỉ giáng ông xuống làm
Chương Dương sứ.
Biến cố loạn 12 sứ quân
Sử xưa chép loạn 12 sứ quân bắt đầu từ thời kỳ Dương Tam Kha
giành ngôi nhà Ngô, các nơi không chịu thần phục. Như vậy các sử sách cũ đã đồng
tình quan điểm cho rằng sự kiện Dương Tam Kha cướp ngôi chính là nguyên nhân gây
nên loạn 12 sứ quân. Tuy nhiên, sau này các nhà nghiên cứu lịch sử lại có một
cái nhìn khác.
Sau khi giành được độc lập, trong một thời gian dài, giai cấp
phong kiến Việt Nam đã phát triển thế lực kinh tế và chính trị ở các địa
phương, phát triển khuynh hướng cát cứ.
Tuy nhiên, những năm đầu tiên sau khi vua Ngô Quyền hóa, nhà
nước trung ương không phải hoàn toàn tan rã. Mặc dù suy yếu, nó vẫn tồn tại
trong chừng mực nào đó. Chủ Tướng vẫn xưng Vương cho tới năm 950…”.
Trong bối cảnh chính trị, xã hội nửa đầu thế kỷ X, khi thổ
hào ở các địa phương và nhiều cựu thần nhà Ngô nhân tình trạng rối ren của nhà
nước trung ương tập quyền đã liên tiếp nổi dậy cát cứ ở nhiều nơi, đất nước khi
đó rơi vào tình trạng hỗn chiến phong kiến trong và sau đó sử cũ gọi chung là
thời kỳ Thập nhị sứ quân (12 sứ quân) và nó cũng phản ánh thế sự non
yếu của yếu tố thống nhất kinh tế. Do vậy, việc một người có tài năng, có uy
tín là con trai Tiết độ sứ Dương Đình Nghệ như Dương Tam Kha gạt bỏ Ngô Xương
Ngập gánh vác sự nghiệp làm chủ đất nước là một hành động cứng rắn về ý chí độc
lập chủ quyền và tầm nhìn xa.
Vào thời kỳ ấy, “Chế độ tông pháp”, tức là “cha truyền con nối”
thì việc một người có tài năng, có uy tín là con trai Tiết độ sứ Dương Đình Nghệ
như Dương Tam Kha dũng cảm gạt bỏ Ngô Xương Ngập gánh vác sự nghiệp làm chủ đất
nước là một việc làm không đơn giản và cần phải có ý chí mạnh mẽ.
Minh chứng lịch sử: vua Ngô Quyền (trước Bình Vương Dương
Tam Kha) cũng xưng vương vào năm 939 sau khi giết chết Kiều Công Tiễn. Lẽ ra,
theo đúng đạo “Tam cương” thì đức Ngô Quyền phải trao lại ngôi vua cho dòng họ
của Dương Đình Nghệ, vừa là chủ tướng, vừa là nhạc phụ của ông.
Sau này, vào năm 979, Đinh Tiền Hoàng bị Đỗ Thích giết chết,
thì Định Quốc công Nguyễn Bặc, Ngoại giáp Đình Điền cùng Thập đạo tướng quân Lê
Hoàn cùng phù Vệ vương Đinh Toàn 6 tuổi lên ngôi vua. Nhưng trước nguy cơ nhà Tống
chuẩn bị xâm lược nước ta, Lê Hoàn không giữ chữ “ Trung” như thường tình mà “
rời Đinh Toàn ra nhà khác, cấm cố cả họ Đinh, lên thay thống lĩnh”. Hành động
đúng đắn được lịch sử ca ngợi trên đây cũng bị các sứ thần phong kiến lúc đó
phê phán tựa như phê phán đối với Dương Tam Kha trước đó.
Hoàng tử Ngô Xương Ngập và Ngô Xương Văn là những người như
thế nào? Họ tuy là con của vị anh hùng dân tộc Ngô Quyền, nhưng vẫn là những
người thiếu kinh nghiệm chính trị, không có đầy đủ bản lĩnh và thiếu dũng khí.
Chứng cứ là sau khi giành lại quyền binh từ tay Dương Tam
Kha, chỉ trong thời gian ngắn, hai anh em Thiên Sách vương Ngô Xương Ngập và
Nam Tấn vương Ngô Xương Văn đã xảy ra hiềm khích, mâu thuẫn nặng nề.
Thiên Sách vương Ngô Xương Ngập chuyên quyền thâu tóm mọi
quyền hành, đẩy Nam Tấm vương Xương Văn vào thế không được tham gia chính trị
gì nữa. Đến năm 954, Ngô Xương Ngập mất, Xương Văn nắm chính quyền.
Thấy lực lượng của mình yếu ớt, Ngô Xương Văn hèn nhát cúi đầu
xin thần phục nhà Nam Hán. Vua Nam Hán là Lưu Thạnh, phong cho Ngô Xương Văn
làm Tĩnh Hải quân Tiết độ sứ kiêm đô hộ.
Năm 965, trong một cuộc tấn công hai thôn Đường, Nguyễn ở
Thái Bình (miền Quốc Oai- Sơn Tây), Xương Văn bị tên nỏ của quân mai phục bắn
chết. Từ bấy giờ cục diện cát cứ, hỗn chiến phong kiến lại càng kịch liệt và bắt
đầu loạn 12 sứ quân.
Sử gia Nguyễn Văn Sơn cho rằng loạn 12 sứ quân không phải một
ngày mà có. Trong thời họ Khúc, họ Dương và Ngô cầm quyền, các thế lực phong kiến
cát cứ không dám cựa quậy, vì các vị lãnh đạo quốc gia bấy giờ được nhân dân
hoàn toàn cảm phục. Họ Khúc nổi tiếng về đức độ và lòng ái quốc.
Họ Dương, họ Ngô là những anh hùng giải phóng dân tộc. Dân
chúng đâu có chịu vì những kẻ mưu đồ quyền lợi riêng tư để chống lại với các thủ
lĩnh uy danh sáng ngời đó. Nhưng khi Ngô qua đời, Dương Tam Kha phụ lời ủy ký,
mối biến loạn đã có sẵn nay mới có cơ hội để bột phát.
Thực chất của cuộc nội chiến này là sự đấu tranh giành quyền
lực tối cao trên đất Việt của các thủ lĩnh địa phương. Chính quyền quân chủ
trung ương nhà Đường suy tàn rồi biến mất tạo ra một khoảng trống quyền lực ở đất
Việt (An Nam đô hộ phủ), một "khoảng trống trung ương" mà nhiều hào
trưởng thế lực địa phương có tham vọng điền vào chỗ trống ấy.
"Loạn" ấy có mầm mống ngay sau năm 905, hoặc từ
trước đó nữa vì trong số 12 sứ quân mà sử cũ chép có đến 2 ông sứ quân họ Kiều
là cháu nội của Kiều Công Tiễn ở Phong Châu, 2 ông sứ quân họ Ngô thuộc dòng
dõi Ngô Quyền, và ông sứ quân họ Đỗ – Đỗ Cảnh Thạc - mà từ đời Đỗ Viện – Đỗ Tuệ
Độ thế kỷ thứ IV đã là một thế lực lớn ở Đỗ Động Giang (Thanh Oai – Hà Nội).
Cuối đời an dân
Đức vua có công lớn trong việc khai khẩn và tạo lập vùng đất Chương
Dương (Hà Nội) và Cổ Lễ (Nam Định).
Như trên đã nói, sau khi xưng là vương, Dương Tam Kha không
có hành động truy sát họ Ngô, ông đã làm chủ và củng cố đất nước trong thời
gian 6 năm (944-950).
Năm 950, Ngô Xương Văn giành lại ngôi vua từ Dương Tam Kha.
Ngô Xương Văn thấy Dương Tam Kha có công nuôi nấng mình và có lẽ vì những gì mà
đức vua Dương Tam Kha làm rất lớn nên không hạ chỉ giết hại, chỉ giáng làm Chương
Dương công và cho ăn lộc ở ấp Chương Dương.
Nay là xã Chương Dương, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây. Khi bị
đưa về Chương Dương, khi ấy thế lực của Dương Tam Kha vẫn còn rất mạnh và uy
tín của Ông còn rất cao. Nếu khi đó Dương Tam Kha dấy binh, kêu gọi dân chúng đứng
lên chống lại anh em Ngô Xương Ngập thì tình hình đất nước đã khác. Vì vậy,
Dương Tam Kha, với tấm lòng vì dân, vì nước cụ đã về Chương Dương dạy dân trồng
trọt, chăn nuôi. Một lần nữa người ta thấy Dương Tam Kha biết hy sinh quyền lợi
cá nhân mình để cho đất nước yên bình.
Vào giữa thế kỷ X, vùng đất Chương Dương vẫn là một vùng
hoang vắng, dân cư thưa thớt. Vùng đất ấy còn mang tên “Chân Giang”, có nghĩa
là vùng đất nằm kề bên sông, khi nước lên thì ngập lụt, và khi mùa thu đến thì
nước rút, lộ ra bãi bồi màu mỡ để cày cấy, trồng trọt.
Trong một thời gian ngắn, Dương Tam Kha đã dày công cải tạo
vùng đất hoang hóa thành vùng quê khá sầm uất. Nhân dân nơi đây đã lặp đền thờ
suy tôn ông là Thành hoàng làng. Trong đền thờ còn lưu giữ một cuốn thần phả - Chương
Dương thần kỳ ký– và 28 đạo sắc phong của các triều đại phong kiến.
Bột Hải Hoàng đế – Bình Vương Dương Tam Kha tại Đền thờ
Bản Chương Dương thần từ ký có thể được biên soạn
sau đời vua Khải Định (1916-1925), ghi chép về tiểu sử tôn thần và sự gia phong
mỹ hiệu của cả triều đại, kể từ vua Lê Kính Tông (1600-1619) triều Lê Trung
Hưng đến đời vua Khải Định triều Nguyễn (1802-1945).
Vị phúc thần của 4 xã – tức 4 làng (Chương Dương, Kỳ Dương,
Thư Dương, Chương Lộc) của tổng Chương Dương xưa là Bột Hải Hoàng đế, có tên thật
là Dương Tam Kha.
Trong đền Chương Dương còn 3 bức hoành phi có 6 đôi câu đối,
nội dung đều ca tụng công đức của Dương Tam Kha, thí dụ như câu đối dưới đây:
Lục tải xưng vương truyền nội sử
Thiên thu thực ấp hiển dư linh
Dịch nghĩa:
Sáu năm xưng vương ngời sử sách
Nghìn thu thực ấp rạng uy linh.
Nhiều nhà khoa bảng đã về thăm thực ấp Chương Dương của
Dương Tam Kha, trước “dư linh” của ông, họ đã làm thơ bày tỏ niềm khâm phục sự
nghiệp của vị Trương Dương công này.
Trong tập Sơn Nam phong vật chí, Tiến sĩ Hà Trong Quyền
( 1798-1839) có bài Quá Dương công thực phong ấp (Quá thực ấp của
Dương công). Trong đó, qua 2 câu thực của bài, ta thấy tác giả rất khâm phục
tài cao, đức lớn của Dương Tam Kha:
“Nhân” vô trọng vị, xưng điền lão
“Trí” bảo hoàng đồ hoạch địa lô
Tạm dịch:
“Nhân” không tham ngôi lớn, mà chỉ nguyện làm ông già với đồng
ruộng.
“Trí” để giữ gìn cơ nghiệp hoàng gia, nên vạch kế phân định
đất đai.
Rõ ràng, đó là cái nhìn của một nhà Nho minh triết và công
tâm!
Tuy vậy, Dương Tam Kha không ở lại ấp Chương Dương mà đến
năm 953, ông đã đưa người nhà rời về phía Nam, để tiếp tục khai khẩn vùng đất mới.
Dương Tam Kha dừng chân ở Giao Thủy, một vùng đất đai màu mỡ, dân thuần, tục hậu.
Theo Gia phả họ Dương, thì tại đây, ông đổi tên là
Dương Tùng Khê, chiêu tập nhân dân cải tạo các bãi đất hoang hóa, sình lầy, lau
lác um tùm thành những cánh đồng trù phú. Dương Tam Kha còn dạy dân làm thủy lợi,
khơi sông ngòi, đắp đê phòng lụt, nhờ vậy mùa màng liên tiếp bội thu, xóm làng
ngày càng sầm uất, đông vui.
Cùng với việc quan tâm phát triển sản xuất, đức ông còn chú
trọng xây dựng thuần phong mỹ tục tại nơi làng quê mới. Tương truyền, Dương Tam
Kha đã đặt tên làng mới là ấp Tùng Khê, gồm 5 traị: Tùng Khê, Trúc Khê, Lệ Khê,
Lộ Khê và Nga Khê.
Công lao khai khẩn tạo lập vùng đất Cổ Lễ của Bình Vương
Dương Tam Kha đã được các nhà khoa bảng, sĩ phu của các triều đại sau này ghi
nhận và ngợi ca. Trong số đó, có bài Dương Công Tùng Khê ấp của Dương
Đức Kỳ, Tiến sĩ khoa Kỷ Mùi (1499) đời vua Lê Hiến Tông.
Bốn câu đầu của bài này như sau:
Văn đạo Tùng Khê hữu ngũ trang
Khẩn khai sơ khởi tự Bình Vương
Khê phân cư thổ kim do biện
Tùng ký trung gian cổ vị tường…
Dịch nghĩa:
Nghe nói ấp Tùng Khê chi thành năm trang trại
Mở mang ban đầu là do Bình Vương
Khe nước chia theo dân cư, nay vẫn có thể nhận
Tùng trồng chỉ chốn trung tâm khi xưa, không còn thấy nữa…
Gia phả họ Dương cho biết, sau gần 30 năm xây dựng phát
triển kinh tế, mở mang văn hóa, duy trì thuần phong mỹ tục vùng đất Cổ Lễ, năm
Canh Thìn (980), Dương Tam Kha trở lại quê cũ Làng Giàng (Thiệu Dương, Thanh
Hóa). Ông đã mất tại đây vào ngày mùng 10 tháng 8 năm Canh Thìn.
Dương Tam Kha có 3 bà vợ, sinh được 10 con trai và 9 con
gái. Ông để 5 con trai ở lại tiếp tục sự nghiệp phát triển kinh tế nông nghiệp ở
Tùng Khê và đưa 5 người con trở về quê Thanh Hóa. Đứng đầu chi họ Dương tại
Làng Giang là người con trưởng Dương Đại Thiên, còn đứng đầu chi họ Dương ở
Tùng Khi là con trai thứ hai Dương Tiên Du.
Sử gia Lê Văn Hưu viết trong Đại Việt Sử ký Toàn thư:
“ Đuổi con vua để tự lập làm vua, đó là tội lớn đối với nước,
còn như việc nhận con của vua làm con nuôi của mình và ban cho cả thực ấp nữa,
thì đấy chỉ là ơn riêng đối với một nhà. Dương Tam Kha dám đuổi Ngô Xương Ngập
để tranh đoạt ngôi vua, đó là bề tôi phản nghịch, theo nghĩa thì quyết không thể
tha tội chết.
Vậy mà, Hậu Ngô Vương [chỉ Ngô Xương Văn, em của Ngô Xương
Ngập] không trị tội, còn ban ơn riêng để nuôi dưỡng chứ không nỡ gia hình, lại
ban cho cả thực ấp nữa, thế thì há chẳng phải là lầm to rồi hay sao?”
Nhận xét của Lê Văn Hưu chưa hoàn toàn thỏa đáng. Vua Dương
Tam Kha không noi gương Chu Công Đán phò tá Chu Thành vương mà làm việc của
Vương Mãng, dường như là đáng chê trách.
Nhưng việc Ngô Xương Văn không giết ông không chỉ là nhân từ,
cũng không phải là sai lầm. Bởi lẽ sau này khi trở thành Chương Dương công, ông
lại vì dân vì nước, không kéo lên "hậu họa" can qua cho nhà Ngô nữa.
Đó là cái tình cậu cháu trong nhà đã trọn vẹn và có thể nói sứ mệnh đã hoàn
thành.
Qua việc ông nhận Xương Văn làm con (để nhường ngôi) và việc
ông gả con gái cho Đinh Bộ Lĩnh chứng tỏ Dương Tam Kha có tư duy sâu sắc và tầm
nhìn xa.
Đành rằng, có thể tại Xương Văn là cháu ruột ông (do bà
Dương hậu sinh ra - xem thêm bài Ngô Xương Ngập), nhưng xem cách hành xử của
anh em Xương Ngập và Xương Văn lúc ngồi chung ngai vàng thì thấy đạo đức và tài
năng của người anh kém xa người em.
Rất có thể Dương Bình Vương Dương Tam Kha nhận thấy người
cháu lớn không đủ phẩm chất xứng đáng để ngồi ngai vàng nên ông đã giành ngôi
và việc truy bức Xương Ngập để "trừ hậu hoạ" vì ông lường trước việc
Xương Ngập khó lòng để ông sống nếu một mình được thống soái trên ngai vàng.
Việc ông không chọn một người trong họ Dương, dù là họ xa,
làm con mà vẫn lấy Xương Văn làm con càng chứng tỏ Dương Tam Kha vẫn có ý định
trả ngôi về cho họ Ngô chứ không nhất quyết giữ ngôi cho họ Dương. Ngô Xương Xí
sau này còn về quê hương ông để lập căn cứ thời 12 sứ quân.
Nếu ông muốn chiếm ngôi cho họ Dương, nhiều khả năng cả
Xương Văn, Nam Hưng, Càn Hưng, Nhật Khánh đều đã bị thanh trừng. Có lẽ đây là một
lý do khiến các sử gia gộp thời đại ông trị vì nằm trong "Kỷ nhà Ngô"
mà không tách riêng như Đại Việt Sử ký Toàn thư đã làm với nhà Tiền Lý khi tách
3 vua: Tiền Lý Nam Đế, Triệu Việt Vương và Hậu Lý Nam Đế làm 3 "kỷ"
riêng.
Còn đối với trường hợp gả Dương Vân Nga cho Đinh Bộ Lĩnh,
đành rằng ông có thiện cảm với người đã từng chống được anh em họ Ngô (năm 951,
xem bài Đinh Bộ Lĩnh, Đinh Liễn) nhưng trong lúc loạn 12 sứ quân mới bùng phát
và chưa rõ cục diện, ông đã sáng suốt nhìn ra người có thể cứu vãn đại cục và
việc tác động chiêu hàng họ Ngô (Xương Xí) của ông đã góp phần sớm chấm dứt mối
loạn lạc chia năm xẻ bảy ở Việt Nam, có thể làm mồi cho Trung Hoa đang trên đà
thống nhất trở lại dưới tay nhà Tống.
Do có nhiều công lao gìn giữ chủ quyền đất nước, Dương Tam
Kha được lập đền thờ ở nhiều nơi như:
Đền thờ Dương Tam
Kha ở xã Chương Dương, huyện Thường Tín, Hà Nội.
Đền thờ Dương Tam
Kha tại thị trấn Cổ Lễ, Trực Ninh, Nam Định.
Đền thờ Dương Tam
Kha ở đền xóm Kiều Nguyễn, xã Tống Trân, huyện Phù Cừ, Hưng Yên.
Đền thờ Bình vương
Dương Tam Kha tại làng Thành Đạt, xã Thiệu Long, huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa.
Một số tài liệu nói rằng chính Dương Tam Kha có công chém chết
Hoằng Tháo. Trong bài Quá Bình Vương cựu trạch từ (Qua đền trên nền nhà cũ của
Bình Vương) của Lê Tung được Khiếu Năng Tĩnh sưu tập và đưa vào bộ Thiên gia
thi vựng tuyển có câu "Trảm Hán Hoằng Tháo tuyết phụ cừu (chém Hoằng Tháo
người Hán trả thù cho cha)".
Trong Thần tích đền Cổ Lễ có câu "Tam Kha xuất bản bộ
binh dĩ trường tiễn tự lưỡng ngạn loạn phóng, trảm đắc Hoằng Tháo (Tam Kha dẫn
quân dưới trướng, dùng tên dài bắn từ hai bên bờ, chém được Hoằng Tháo)".
Trong đền thờ Dương Tam Kha tại thị trấn Cổ Lễ có đôi câu đối,
trong đó một câu là "Trảm diệt Hoằng Tháo, bình Bắc khấu, lịch đại bao
phong (Chém chết Hoằng Tháo, đánh bại giặc phương Bắc, nối đời bao
phong)". (Theo Nguyễn Minh Tường, (2006), "Về sự nghiệp và vị thế của
Dương Tam Kha trong lịch sử dân tộc ở thế kỷ X", Nghiên cứu Lịch sử, số 9
(365), trang 36-42, Viện Sử học, Hà Nội, tháng 9.