Đình Phú Xá nằm ở trung tâm thôn Phú Xá, xã Tân Trường (Cẩm Giàng), nơi thờ tự ba vị thành hoàng – tam vị danh tướng trong một gia đình, phù tá Nhị vua Hai Bà Trưng đánh giặc Tô Định.
Đình Phú Xá nằm ở trung tâm thôn Phú Xá, xã Tân Trường
(Cẩm Giàng)
Sự tích ba vị thành hoàng làng
Đình Phú Xá là nơi thờ tự, tôn vinh, tưởng niệm ba vị thành hoàng có mối liên hệ
gắn bó ruột thịt trong một gia đình là Thiện Hành Đại vương, Côn Nương và Ngõ
Lang Công, trong đó Côn Nương là vợ, Ngõ Lang Công là con trai của Thiện Hành Đại
vương.
Sự tích ba vị thành hoàng được ghi chép lại rằng, vào năm Giáp Ngọ (34), thái
thú Tô Định được cử đến Giao Chỉ thay Tích Quang. Đây là một tên quan nổi tiếng
gian tham và tàn bạo.
Chính sách áp bức bóc lột của nhà Đông Hán đối với người dân
Giao Chỉ ngày một tàn tệ. Người dân không những bị cướp ruộng đất, còn phải nộp
các loại thuế muối, thuế sắt, thuế sản vật… dưới hình thức nộp cống.
Các quan lại cấp huyện dòng dõi các Lạc hầu, Lạc tướng bị
thu hẹp về quyền lực chính trị và kinh tế, bị thúc ép, đè nén nên rất bất bình.
Bất chấp sự khác biệt trong phong tục tập quán và truyền thống của người Việt,
Tô Định đã sử dụng luật nhà Hán làm công cụ trấn áp, khủng bố sự phản kháng của
các quan lại địa phương và người dân Giao Chỉ.
Ở châu Tự Long (Tuyên Quang) có gia đình ông Trần Danh Quang cùng vợ là Hà Thị
Quân vốn người nhân đức, khoan dung, độ lượng, sinh hạ được một trang nam tử có
diện mạo khôi ngô tuấn tú, khác hẳn người thường, đặt tên là Thiện. Năm 13 tuổi,
Thiện công võ nghệ tinh thông, đến năm 20 tuổi không may bố mẹ đều qua đời.
Thái thú Tô Định cho Thiện công giữ chức quan Thi Tụng, sai làm Huyện Doãn huyện
Cẩm Giàng, phủ Hồng Châu. Khi đi kinh lý trong huyện, đến làng Phú Xá thấy
phong cảnh đẹp, dân phong thuần hậu, Thiện công bèn lập một dinh thự để ở.
Bấy giờ, làng Phú Xá có gia đình ông Lợi Danh Quỹ, vợ là
Nguyễn Thị Phúc có một người con gái tên là Côn Nương xinh đẹp tuyệt trần, công
dung ngôn hạnh, văn võ song toàn. Thiện công bèn xin kết duyên với Côn Nương.
Ngày qua tháng lại, Côn Nương có thai và bất ngờ đẻ rơi ở cổng
làng một người con trai, nên đặt tên là Ngõ Lang Công. Năm 18 tuổi, Ngõ Lang
Công đã tinh thông văn võ.
Tô Định nghe tin cả nhà Thiện công đều là những người tài giỏi, lo sợ bất trắc
bèn cho người vu khống gia đình ông có ý tạo phản và đem quân đến làng Phú Xá để
bắt. Cả nhà ông tìm nơi trú ẩn, khi đến động Sài Sơn, phủ Quốc Oai, xứ Sơn Tây
thấy Bà Trưng khởi binh đem quân đánh Tô Định, Thiện công bèn đem cả vợ con đến
xin theo phù tá.
Bà Trưng phong cho Thiện công là “Đại Đô nguyên súy”, Côn
Nương là “Lợi Gia tham tán”, Ngõ Lang Công là “Dương hương tướng quân” và lệnh
xuất binh đánh thẳng vào thành Tô Định đại chiến một trận. Tô Định thua chạy.
Khởi nghĩa thắng lợi, Trưng Trắc lên ngôi vua, Thiện công
cùng vợ con xin trở về quê hương bản quán sinh sống, có bao nhiêu bổng lộc đem
chia hết cho nhân dân.
Một hôm, không bệnh mà cả gia đình Thiện công tự nhiên đều mất.
Trưng Vương nghe tin vô cùng thương xót cho quan về tế và phong là “Đại vương,
công chúa”, cho làng Phú Xá thờ tự.
Do có công lao với dân, với nước, trải qua các triều đại phong kiến, các vị
Thành hoàng đều được ban tặng sắc phong. Tuy nhiên, trải qua thời gian và chiến
tranh, hiện nay tại đình Phú Xá chỉ còn lưu giữ được 5 đạo sắc phong cho Thành
hoàng Thiện Hành Đại vương niên đại thời Nguyễn vào năm Tự Đức 11 (1858), Tự Đức
33 (1880), Đồng Khánh 2 (1887), Duy Tân 3 (1909) và Khải Định 9 (1924).
Đậm dấu ấn lịch sử
Theo các cụ cao tuổi tại địa phương, đình xưa xây dựng trên một khu đất cao,
thoáng rộng, mặt tiền quay hướng tây, nhưng từ đó có hiện tượng con trai trong
làng khi lớn lên không chí thú làm ăn, luôn gây gổ đánh nhau dẫn đến đời sống
ngày một khó khăn, cơ cực.
Dân làng họp bàn cho rằng vị trí của ngôi đình không đẹp, hướng
không thuận nên ảnh hưởng đến sự hưng thịnh của làng. Do vậy, vào năm Kỷ Mùi
(1919), làng di chuyển ngôi đình ra vị trí mới và quyết định xoay hướng về phía
đông.
Năm Bảo Đại 8 (1933), ngôi đình bị mưa gió mà hư hại nên bản xã tu sửa lại đình
vũ cho khang trang, mới mẻ hơn. Trong xã có các vị hậu hiền, mỗi người bỏ ra 40
quan tiền, hai mẫu ruộng thành tâm dâng cho bản xã.
Công việc hoàn thành, bản xã cho khắc bia dựng tại đình, ghi
họ tên, số ruộng tại các xứ đồng và ngày mất của các vị để lưu truyền đến muôn
đời sau.
Ngôi đình có kiến trúc kiểu chữ Đinh gồm 5 gian đại bái và 3 gian hậu cung, chất
liệu gỗ tứ thiết chắc khỏe. Tòa đại bái xây đao dĩ, kết cấu khung vì kiểu chồng
rường, giá chiêng, hệ thống cột cái, cột quân kê trên đá quả bồng.
Tại bảy hiên, vì kèo có nhiều bức chạm khắc nghệ thuật theo
đề tài tứ linh, tứ quý. Trước đình là một khoảng sân rộng rãi, đăng đối hai bên
là hai dãy tả, hữu mạc (giải vũ), mỗi dãy 3 gian.
Trong những năm cuối của thời kỳ kháng chiến chống thực Pháp (1952 - 1954), Phú
Xá nói riêng và xã Tân Trường nói chung có phong trào cách mạng rất phát triển
của huyện Cẩm Giàng. Lực lượng vũ trang cùng nhân dân địa phương tham gia rào
làng chiến đấu, canh gác ngày đêm.
Các vật dụng như cối, trục đá, cây... được huy động mang ra
đường để làm vật cản ngăn bước tiến quân của giặc. Để đàn áp và khủng bố tinh
thần kháng chiến của nhân dân, thực dân Pháp bắt dân làng xây dựng bốt dã chiến
trước cửa đình và tổ chức nhiều đợt càn quét, bắn đạn pháo vào làng, làm hai
người chết, nhiều người khác bị thương, gian hồi phía nam tòa đại bái và hai
dãy giải vũ cũng hư hại.
Năm 1978, 5 gian đại bái cũng hạ giải lấy nguyên vật liệu
xây dựng các công trình phúc lợi. Do sự biến động của lịch sử, toàn bộ diện
tích sân đình phía trước, bên trái (phía bắc) và sau hậu cung nay là đất ở của
dân.
Năm 2015, với mong muốn mở rộng diện tích nơi thờ tự và có địa
điểm tổ chức lễ hội, trò chơi dân gian đồng thời vẫn nằm trong không gian văn
hóa của khu đình, được sự nhất trí của cấp có thẩm quyền, nhân dân địa phương lấp
một phần ao đình và trùng tu, tôn tạo lại ngôi đình khang trang như hiện nay.
Đình là nơi phụng thờ gia đình Tam vị danh tướng Thiện Hành Đại vương,
Côn Nương và Ngõ Lang Công, phù tá nhị vua Hai Bà Trưng đánh giặc
Độc đáo lễ thi gà thờ
Để tưởng nhớ công đức của các vị thành hoàng làng, vào ngày mồng 9, 10 tháng
giêng hằng năm, nhân dân Phú Xá lại tổ chức lễ hội truyền thống. Trong lễ hội,
phần lễ được tổ chức trang trọng, phần hội có một số trò chơi dân gian và giao
lưu văn nghệ với thôn Tràng Kỹ, Tân Kỳ và Quý Dương trong xã. Đặc biệt vào ngày
mồng 3 Tết, tại sân đình có tổ chức thi chọi gà, người đến xem, reo hò cổ vũ rất
đông nên quy mô diễn ra không chỉ đơn thuần là một cuộc thi mà còn được coi là
một lễ hội. Đây là nét sinh hoạt văn hóa độc đáo có từ trước Cách mạng Tháng
8.1945 và được duy trì đến ngày nay, có ý nghĩa tinh thần lớn, khuyến khích
phát triển chăn nuôi, đồng thời góp phần tạo không khí vui tươi, gắn kết cộng đồng
vào đầu xuân mới.
Khác với trước Cách mạng Tháng 8.1945, lễ hội chọi gà đình Phú Xá hiện nay chỉ
còn thi “gà công” (gà thờ). Ngay khi hội thi của năm trước kết thúc, Ban tổ chức
họp với trưởng các dòng họ trong thôn để chọn 8 người nuôi gà (thường từ 16 tuổi
trở xuống) và giao tiền (20.000 đồng/người) mua gà giống. Vào ngày 25 tháng chạp,
Ban tổ chức đi kiểm tra và ấn định các gà tham gia. Nếu gà nào không thực hiện
đúng quy định (giống gà trống ta, chuồng trại sạch sẽ, thoáng mát) sẽ bị loại
và phải tìm gà khác thay thế. Khi thi theo hình thức bốc thăm chia cặp, đấu loại
trực tiếp. Kết thúc thi chọi gà, dù thắng hay thua, các chủ gà đều mang về làm
thịt, luộc chín đem ra đình dâng lên các vị thành hoàng, sau mới thụ hưởng và nộp
lại số tiền 25.000 đồng (tương đương với một con gà giống) để Ban tổ chức phát
cho những người chọn nuôi vào năm sau.
Các cụ cao tuổi trong làng cho biết, tục thi chọi gà không biết có từ bao giờ,
chỉ tương truyền rằng, thôn Phú Xá ngày nay được thành lập bắt đầu từ dòng họ Lợi,
sau đó các dòng họ Đỗ Danh, Trần Xuân, Mai Thế, Vũ Khắc tiếp tục về khai hoang,
sinh sống. Nhằm tạo không khí vui tươi đầu xuân mới hằng năm, các dòng họ thống
nhất tổ chức thi chọi gà vào ngày mồng 3 Tết. Đối với người dân Phú Xá hiện
nay, việc được chọn nuôi gà tham gia lễ hội là niềm vinh dự, tự hào không chỉ đối
với người nuôi mà là cả dòng họ. Do đó, cả dòng họ có trách nhiệm từ việc chọn
gà giống đến chăm sóc, huấn luyện bảo đảm theo đúng quy định của Ban
tổ chức đặt ra.
Các hoạt động tín ngưỡng diễn ra tại đình Phú Xá đã đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng
của nhân dân trong thôn, ngoài xã, tạo sự gắn bó, tinh thần tương thân, tương
ái. Từ đó, tiếp tục giữ gìn những giá trị văn hóa truyền thống của cha ông đã
sáng tạo trong quá trình lao động, đấu tranh dựng và giữ nước, góp phần thúc đẩy
kinh tế - xã hội tại địa phương phát triển.
Đặng Thu Thơm - Việt Quỳnh