Ách đô hộ tàn bạo của phương Bắc và ý chí quyết dành độc lập đã thúc đẩy những cuộc khời nghĩa quyết liệt chống lại hệ thống thống trị của ngoại bang sau sự đầu hàng của Lý Phật Tử. Hai lãnh tụ và là danh tướng nổi tiếng nhất thế kỉ VII chính là Lý Tự Tiên và Đinh Kiến.
Đầu năm Nhâm Tuất (602), lấy cớ Lý Phật Tử không chịu vào chầu,
triều đình nhà Tuỳ đã sai các tướng Lưu Phương và Kinh Đức Lượng (200) đem khoảng
10 vạn quân (201) đi đánh vạn xuân. Lý Phật Tử đã đầu hàng tướng Lưu Phương và
lập tức bị Lưu Phương bắt về Trung Quốc. Ách đô hộ của nhà Tuỳ được thiết lập tại
Vạn Xuân trong 16 năm (602-618).
Tháng 5 năm 617, một quyền thần của triều đình nhà Tuỳ là Lý
Uyên (202) đã bất ngờ khởi binh chống lại nhà Tuỳ và đúng một năm sau (tháng 5
năm 618) thì chính Lý Uyên đã lật đổ được nhà Tuỳ và lập ra một triều đại mới của
lịch sử chế độ phong kiến Trung Quốc là nhà Đường (618-907) (203).
Ngay sau khi lật đổ nhà Tuỳ, nhà Đường đã thay nhà Tuỳ đô hộ
nước ta. Năm 622 (tức là chỉ mới 4 năm sau khi lật đổ được nhà Tuỳ), Đường Cao
Tổ (204) đã cho lập ra Giao Châu Đô Hộ Phủ (cơ quan cai trị lấy quân sự làm chỗ
dựa chủ yếu nhất).
Đến năm 679, Đường Cao Tông (649-683) đã cho đổi Giao Châu
Đô Hộ Phủ thành An Nam Đô Hộ Phủ (205), và, gắn liền với quá trình thay đổi nói
trên chính là quá trình không ngừng tăng cường ách áp bức bóc lột của phong kiến
nhà Đường.
Bấy giờ, lợi dụng việc triều đình không thể nào kiểm soát hết
dân tình ở tất cả những nơi xa xôi cách trở nên bọn quan lại đô hộ đã ra sức
tìm cách vơ vét tài sản của nhân dân ta.
Trong thế kỉ VII, Khâu Hoà và Lưu Diên Hựu là hai đại diện
tiêu biểu cho lực lượng tham quan ô lại này. Vốn đã uất hận vì cảnh nước mất
nhà tan lại phải chịu thêm nạn bị bọn quan quân đô hộ tước đoạt trắng trợn, dân
khắp cõi đương thời ai ai cũng đều căm tức.
Mâu thuẫn xã hội ngày càng trở nên gay gắt và đó chính là
nguyên nhân sâu xa dẫn tới những cuộc vùng lên tấn công không khoan nhượng vào
toàn bộ cơ đồ thống trị của bọn ngoại bang. Hai lãnh tụ cũng là hai danh tướng
nổi tiếng nhất thế kỉ VII chính là Tướng Lý Tự Tiên và thuộc tướng Đinh Kiến.
Thư tịch cổ đầu tiên của ta có chép đến hai nhân vật Tướng
Lý Tự Tiên và Tướng Đinh Kiếnlà ĐẠI VIỆT SỬ LƯỢC. Sau
đó, các bộ chính
sử quan trọng khác như ĐẠI VIỆT SỬ KÍ TOÀN THƯ và KHÂM ĐỊNH VIỆT SỬ
THÔNG GIÁM CƯƠNG MỤC cũng đều có chép về hai danh tướng lịch sử này.
Tuy nhiên, điều đáng tiếc là tất cả những thư tịch cổ nói
trên đều không hề cho biết năm sinh, năm mất cũng như quê quán của Tướng Lý Tự
Tiên và Đinh Kiến. Tuy nhiên, nếu góp nhặt những ghi chép tản mạn của các thư tịch
cổ (của ta và của cả Trung Quốc) chúng ta cũng có thể sơ bộ phác hoạ được vài
nét về sự nghiệp của Tướng Lý Tự Tiên và Tướng Đinh Kiếnnhư sau :
Bấy giờ, nhà Đường quy định rằng dân di lão mỗi người chỉ phải
đóng một nửa suất tô nhưng Lưu Diên Hựu bất phải đóng đủ một suất chứ không hề
được miễn giảm. Tất nhiên, nửa suất tô mà dân di lão phải đóng thêm sẽ được nhập
vào kho tài sản riêng của Lưu Diên Hựu.
Hành vi tham lam bạo ngược này của Lưu Diên Hựu khiến cho
nhân dân đương thời rất căm phẫn. Nhân lòng oán giận của nhân dân, Tướng Lý Tự
Tiên đã ráo riết chuẩn bị cho một cuộc khởi nghĩa lớn, nhưng rất tiếc là cơ mưu
bị bại lộ.
Lập tức, Lưu Diên Hựu sai quân đến bắt và giết chết Tướng Lý
Tự Tiên với hi vọng là sẽ bóp nát hoàn toàn cuộc khởi nghĩa ngay trong thời kì
trứng nước. Nhưng Lưu Diên Hưu đã nhầm.
Tướng Lý Tự Tiên tuy không còn, song, Tướng Đinh Kiếnđã kế tục
xuất sắc sự nghiệp lớn còn dở dang của ông, kêu gọi nhân dân đồng lòng vùng
lên, tấn công ồ ạt và bất ngờ vào phủ thành của Lưu Diên Hựu. Sử cũ viết rằng :
“Dư đảng (của Tướng Lý Tự Tiên) là bọn Tướng Đinh Kiến nhóm họp quân sĩ bao vây
phủ thành”.
Lưu Diên Hựu là kẻ có tài và điều đó đã được chính sử của
Trung Quốc công khai thừa nhận. Trong kế hoạch đối phó với Tướng Đinh Kiến thì
Lưu Diên Hựu hoàn toàn ở thế thượng phong, có dư điều kiện thuận lợi và vũ khí
trang bị lợi hại nhất để có thể bóp nát
toàn bộ lực lượng đấu tranh của nhân dân đương thời do Tướng Đinh Kiến lãnh
đạo, nhưng, Lưu Diên Hựu không thể nào làm được điều đó.
Một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự thúc thủ của
Lưu Diên Hựu là bởi Lưu Diên Hựu tuy rất giỏi, song, Tướng Đinh Kiến cũng rất sáng
tạo trong dụng binh. Tướng Đinh Kiến đã táo bạo tổ chức tấn công đúng vào hai
chỗ yếu nhất của Lưu Diên Hựu.
Một là giặc đang lúc chủ quan, vì mới giết được Tướng Lý Tự
Tiên nên Lưu Diên Hựu đã yên trí đóng quân trong phủ thành tại Giao Chỉ việc
phòng bị không được cẩn trọng. Hai là bản thân Lưu Diên Hựu lúc bấy giờ cũng
đang bị đồng liêu ganh ghét, họ chỉ mong Lưu Diên Hựu gặp đại nạn cho bõ ghét.
Toàn bộ lực lượng của Lưu Diên Hựu bị chia cắt làm hai, quân
trong phủ thành bị bao vây và hoàn toàn bị cô lập còn quân ở ngoài phủ thành
thì không thể liên lạc dược với chủ tướng, năng lực chiến đấu của giặc suy giảm
nghiêm trọng.
"Vì quân quá ít, xét thấy không thể chống cự nổi, (Lưu
Diên Hựu) bèn đóng chặt cửa thành để vừa cố thủ vừa xin quân cứu viện”. Bấy giờ
ở Quảng Châu, quan trấn giữ của nhà Dường ở đây là Phùng Tử Du tuy đã nhận được
lời cầu cứu của Lưu Diên Hựu nhưng không đem quân đi cứu.
Phùng Tử Du có hai lí do để không đi cứu. Một là vì không ưa
gì Lưu Diên Hựu nên thấy Lưu Diên Hựu gặp nạn thì mừng thầm, kể như may mắn có
cơ hội “mượn tay kẻ thù tiêu diệt đối thủ”. Hai là Phùng Tử Du cứ để mặc cho
Lưu Diên Hựu và Tướng Đinh Kiến đánh nhau, bên nào thắng hay không bên nào thắng
thì rốt cuộc cũng đều có lợi cho Phùng Tử Du bởi vì đến lúc đó, Phùng Tử Du chỉ
cần đem một đạo quân nhỏ đến để “dẹp loạn” cũng có thể dễ dàng thành công và
như thế sẽ có cơ may được triều đình biết đến. Tuy nhiên, toan tính của Phùng Tử
Du chỉ đúng được một nửa mà thôi.
Thúc thủ trong phủ thành, cả tinh thần lẫn thể xác của Lưu
Diên Hựu đều bị suy kiệt, khả năng chống đỡ ngày một yếu dần, để rồi cuối cùng,
Lưu Diên Hưu đã bị lực lượng nghĩa binh Tướng Đinh Kiếngiết chết.
Toàn bộ chính quyền của An Nam Đô Hộ Phủ tan rã. Và trong chỗ
không ngờ, kế hoạch “mượn tay kẻ thù tiêu diệt đối thủ”, của Phùng Tử Du đã
hoàn tất. Sau thắng lợi này, Tướng Đinh Kiến vào tiếp quản phủ thành và nhanh
chóng xây dựng một cơ quan quyền lực mới do ông đứng đầu.
Tuy nhiên, ý đồ của Phùng Tử Du về việc đem quân đi dẹp loạn
khi cả hai phe đối nghịch đều đã mệt mỏi và tổn thất nặng nề thì không thể thực
hiện được vì triều đình nhà Đường đã xuống lệnh cho Tư Mã Quế Châu là Tào Huyền
Tĩnh đi đàn áp Đinh Kiến.
Bấy giờ, chính quyền của Tướng Đinh Kiến còn quá non trẻ, lực
lượng nghĩa quân tuy có tinh thần chiến đấu rất cao nhưng khả năng và kinh nghiệm
trận mạc thì còn quá ít nên Tào Huyền Tĩnh đã triệt để lợi dụng tình hình này để
liên tục tổ chức những cuộc tấn công lớn.
Dù dã anh dũng chống đỡ một cách ngoan cường nhưng nghĩa
quân Tướng Đinh Kiến vẫn không sao có thể đẩy lùi được Tào Huyền Tĩnh. Tướng
Đinh Kiến bị kẻ thù sát hại và cuộc khởi nghĩa do ông cầm đầu đến đó cũng bị dập
tắt, ách đô hộ của nhà Đường lại tái lập trên đất nước ta.
Tướng Đinh Kiến là hiện thân của ý chí quật cường và khí
phách hiên ngang, của quyết tâm giành lại độc lập và chủ quyền cho non sông đất
nước. Ông thực sự xứng đáng được xếp vào hàng những tên tuổi lớn của truyền thống
quật khởi, đặc biệt là truyền thống quật khởi thể hiện trong thời Bắc thuộc.
Theo sách “Danh tướng Việt Nam”, Tập 4 của Tác giả Nguyễn Khắc Thuần - Nhà xuất bản Giáo dục - 6 / 2005