Lý Khuê là hào trưởng, gặp thời loạn tự lập ấp và cai quản vùng Siêu Loại (giáp ranh Bắc Ninh - Hưng Yên), phía nam sông Đuống ngày nay. Năm 968 ông bị tướng Lưu Cơ của Đinh Bộ Lĩnh ở Hoa Lư đánh dẹp trong cuộc chiến lập nước Đại Cồ Việt.
Lý Khuê (chữ Hán: 李奎; ? - 968) hiệu Lý Lãng công (李郞公) là
một thủ lĩnh thời loạn 12 sứ quân trong lịch sử Việt Nam thế kỷ 10. Ông vốn là
một hào trưởng, nhân thời loạn lập ấp và cai quản vùng Siêu Loại (giáp ranh Bắc
Ninh - Hưng Yên), phía nam sông Đuống ngày nay. Năm 968 ông bị tướng Lưu Cơ của
Đinh Bộ Lĩnh ở Hoa Lư đánh dẹp, chấm dứt tình trạng cát cứ để lập ra nhà nước Đại
Cồ Việt trong lịch sử.
Sứ quân vùng Siêu Loại
Theo thần tích các đình Yên Bình, đình Dương Đanh ở xã Dương
Xá, Gia Lâm, Hà Nội thì Lý Khuê vốn là người làng Đại Trạch thuộc Tổng Đình Tổ
(nay thuộc xã Đình Tổ, Thuận Thành, Bắc Ninh). Lý Khuê là một bậc Hào trưởng,
văn võ kiêm toàn, đức độ, được nhân dân trong vùng mến mộ, tin tưởng.
Sau khi Nam Tấn Vương Ngô Xương Văn giành lại ngôi nhà Ngô,
các nơi không chịu thuần phục, các thủ lĩnh nổi lên cát cứ một vùng và đem quân
đánh chiếm lẫn nhau, sử gọi là loạn 12 sứ quân. Năm 965, Ngô Xương Văn đi đánh
thôn Đường và thôn Nguyễn bị phục binh loạn nỏ bắn chết.
Trong giai đoạn này, Lý Khuê đóng quân ở Siêu Loại (Thuận
Thành), chiếm giữ vùng đất phía Nam sông Đuống của tỉnh Bắc Ninh (gồm các huyện
Thuận Thành, Lương Tài, Gia Bình hiện nay).
Căn cứ vào thần tích và di vật còn ở Siêu Loại, Lý Khuê từng
cho sửa lại thành Luy Lâu làm đại bản doanh. Nhưng thực chất chỉ là cái bẫy cho
đối phương.
Sự thật, ông đã bí mật cho đại quân kéo về ấp Cồi, nay thuộc
làng Thư Đôi, xã Nguyệt Đức, huyện Thuận Thành xây dựng căn cứ chính. Tại đây,
Lý Khuê đã cho xây dựng ấp thành căn cứ quân sự: Đào ao toàn bộ xung quanh ấp,
đắp lũy cao, rồi trồng tre gai thật dầy. Cả ấp chỉ để hai cổng ra vào. Riêng cổng
ở Ngõ Dưới hướng lên phía bắc, ông cho xây dựng rất kiên cố. Bên ngoài cổng cho
đắp một cái bãi hình mũi mác chĩa ra đường cái, gọi là Bãi Mác.
Cạnh đấy, ông còn cho xây một đồn canh có hình thù rất kỳ dị
và độc đáo: Đồn nửa chìm nửa nổi, phần nổi có hình như một cái bụng người nên gọi
là Đồn Bụng. Riêng Đồn Bụng sau này đã bị quân Minh tàn phá nên đổi tên gọi là
Vườn Bụng ở giữa ngõ Ngoài và ngõ Giữa. Còn bên trong cho đắp những gò đống để
khi bí thế thì rút quân vào đấy. Chỗ này gọi là Tầm Bùi.
Ông còn cho đào một cái ao khá lớn, xung quanh cũng trồng
tre gai dày đặc, dưới ao cũng thả rau muống, rau ngổ cho lên cao tốt. Ở giữa ao
cho đắp một cái gò khá rộng để họp bộ chỉ huy. Chỗ này gọi là Vườn Phủ.
Những ghi chép cho thấy, địa bàn hoạt động của sứ quân Lý
Khuê nằm ở bờ nam sông Đuống thuộc tỉnh Bắc Ninh và một phần nhỏ ở Gia Lâm, Hà
Nội ngày nay. Ông không xâm chiếm lãnh địa của các sứ quân khác mà hành động
theo kế "Tọa sơn quan hổ đấu", tức là ngồi trên núi xem hổ đánh nhau
chứ chưa thực sự nổi dậy, tranh hùng và mở rộng lãnh thổ.
Theo thần tích ở một số xã thuộc Thuận Thành, Bắc Ninh thì
Lý Khuê đánh nhau với lực lượng của Đinh Bộ Lĩnh bị thua và mất ở làng Dương Xá
(nay thuộc xã Dương Xá, Gia Lâm, Hà Nội).
Thần tích đền thờ Lưu Cơ ở làng Đại Từ, xã Đại Đồng, tỉnh
Hưng Yên cho biết nơi đây cũng thuộc đất Siêu Loại cũ và là địa điểm tướng Lưu
Cơ của Đinh Tiên Hoàng đóng quân để đánh dẹp sứ quân Lý Khuê.
Nơi thờ phụng
Sứ quân Lý Khuê được thờ ở đình Yên Bình, thôn Yên Bình và
đình Dương Đanh thôn Dương Đanh là hai thôn liền nhau thuộc xã Dương Xá, Gia
Lâm, Hà Nội.
Theo thần tích, Lãng
Khuê công (Lý Lãng Công) là một trong 12 sứ quân chia cắt đất nước cuối thế kỷ
X. Sứ quân này chiếm cứ vùng Siêu Loại, bị Đinh Bộ Lĩnh đánh tan và tử trận tại
Dương Đanh ngày 30 tháng 4 năm Mậu Thìn (968) nên được dân thôn thờ.
Tại đình Yên Bình, Lý Khuê đã được sắc phong là Ngô Thông
Thượng Đẳng phúc thần. Dân làng Yên Bình đã tôn Lý Lãng Công làm thành hoàng
làng sau khi ông mất và thờ ở đình làng.
Bên cạnh đình, cách một cái ao rộng là đền thờ Đức Thánh Bà
Phu Nhân của Lý Lãng Công tạo thành một tổng thể hài hoà trong quần thể kiến
trúc đình - đền – chùa Yên Bình. Lai lịch của Đức Thánh Bà cũng không có tài liệu
nào nhắc đến, chỉ biết bà là người ở thôn Yên Bình, nổi tiếng tài sắc hiền thục.
Dân làng Yên Bình lập đền thờ Bà, nhưng cũng chính là thờ Mẫu – những thần linh
của cư dân nông nghiệp cầu cho mưa thuận gió hòa.
Trong bối cảnh đất nước rơi vào tình trạng vô chủ, việc sứ
quân Lý Khuê cùng các vị hào trưởng khác có thế lực quân sự mạnh, thiết lập
chính quyền, duy trì trật tự tại địa phương để nhân dân có thể sống yên bình
trong vùng đất của họ là thực tế cần thiết và thuận lòng dân, dù việc này không
có tính toàn cục và chỉ diễn ra trong một thời đoạn ngắn, điều đó lý giải vì
sao các sứ quân vẫn được nhân dân trong vùng chiếm đóng lập đền thờ.
Đình Yên Bình – nơi thờ phụng sứ quân Lý Khuê
Đình Yên Bình thuộc thôn Yên Bình, xã Dương Xá, đình còn có
tên gọi gắn với địa danh của làng là đình An Bình. Nhân dân địa phương còn hay
gọi là đình Bằng. Đình Yên Bình đã được Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội xếp hạng
di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật vào ngày 28 tháng 5 năm 2003.
Hiện nay, không có nguồn tư liệu văn bản nào ghi lại niên
đại xây dựng di tích. Di vật có niên đại sớm nhất hiện còn lưu tại đình là đạo
sắc phong cho thần có niên đại Quang Trung năm thứ năm (1792) và một hương án
mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XVIII. Từ cơ sở tư liệu trên, có thể xác
định chắc chắn rằng đình Yên Bình có niên đại khởi dựng muộn nhất vào thời
Lê Trung Hưng (Thế kỷ XVII- XVIII).
Đình Yên Bình toạ lạc trên một mảnh đất cao rộng, thoáng mát
trong khu vực cư trú của làng. Tới thăm nơi đây, dù chỉ một lần, du khách sẽ nhớ
mãi một ngôi đình cổ ẩn mình sau tán cây gạo cổ thụ và soi mình bên dòng nước
trong xanh. Các công trình kiến trúc được xây dựng trên một trục chính dọc
từ ngoài vào trong gồm nghi môn, đại đình, ống muống và hậu cung. Đây là một tổng
thể thống nhất, nối liền nhau, kiểu kiến trúc xây gạch kết hợp với bộ mái làm bằng
gỗ, kiểu tàu đao chéo gác. Những bộ phận rời rạc đã được người thợ xưa liên kết
lại một cách tài tình bằng các loại mộng khác nhau tạo nên một tổng thể hoàn chỉnh
và thống nhất. Bên trong bộ khung nhà được làm theo các lối kết cấu kiến trúc
truyền thống và trên đó là môtip trang trí quen thuộc của một kiến trúc tôn
giáo.
Nghi môn của đình kiểu hai tầng tám mái. Tầng dưới dạng “ngũ
môn” có các cửa hình vòm kích thước dài rộng khác nhau. Tầng trên xây theo kiểu
“Vọng lâu” dạng tam quan với ba cửa. Đôi chỗ ở tầng trên và các ô cửa được xếp
bằng gạch gốm mầu tạo ánh sáng và để trang trí.
Qua nghi môn là đến sân gạch khá rộng dẫn vào đại đình. Đại
đình là một nếp nhà năm gian làm theo kiểu tường hồi bít đốc tay ngai, mái lợp
ngói ta. Hai đầu hồi đắp đầu kìm hình rồng hướng vào nhau. Phía trước gian giữa
đại đình mở cửa bức bàn. Cả sáu cánh cửa đều được trang trí hình tứ quý. Bộ
khung nhà đại đình làm bằng gỗ với sáu bộ vì chịu lực đỡ mái. Các vì đều sử dụng
kiểu giá chiêng chồng rường bốn hàng chân với vì nóc có kết cấu kiểu giá chiêng
chồng rường con nhị. Kết cấu này gồm ba thanh rường dài ngắn khác nhau, kê trên
nhau qua những đấu vuông nhỏ, thót đáy. Hệ thống kẻ trong vì ăn mộng qua các cột
cái, cột quân. Đặt trên các thanh kẻ chắc khỏe là hệ thống hoành phân theo kiểu
“thượng tứ hạ tứ” – lối rải hoành phổ biến của kiến trúc thời Nguyễn.
Nối với nhà đại đình là trung đình được chia làm ba gian dọc
với bộ khung nhà làm bằng gỗ. Đỡ mái là bốn bộ vì được làm theo hai dạng thức
khác nhau. Vì trước được làm theo dạng vì cốn mê hai hàng chân, vì nóc chạm nổi
một mặt hổ phù điêu lớn, hai bên vì nách chạm nổi hình phượng đang xoè cánh và
các văn thực vật, rùa, sóng thuỷ ba, vì sau làm theo kiểu chồng rường hai chân,
khoảng cách giữa các vì được bưng bằng ván trên trang trí văn thực vật. Mỗi đấu
kê được chạm nổi hình văn thực vật trông như bông hoa đang nở.
Hậu cung là một nếp nhà kiểu bốn mái, xây trên mặt bằng gần
vuông. Nhà lợp mái ta, bờ dải đắp hình đầu kìm nhìn vào nóc mái. Bộ khung nhà bằng
gỗ với hai bộ vì làm theo kiểu chồng rường con nhị. Vì kia có kết cấu kiểu vì
kèo với hai kẻ dài gác chéo nhau theo chiều dốc mặt mái, ăn mộng với nhau ở đỉnh
vì, đỡ thượng lương chạy xuống đầu cột cái, cột trốn đứng chân trên quá giang
vươn lên đội vào chỗ đầu hai kẻ gác mộng tạo nên bộ vì đơn giản, vững chắc.
Song song với ống muống là hai nếp nhà dải vũ, mỗi nếp ba
gian, xây gạch và bốn bộ vì đỡ mái kiểu vì kèo. Bên cạnh đình, cách một cái ao
rộng là đền thờ Đức Thánh Bà Phu Nhân của Lý Lãng Công – thành hoàng làng Yên
Bình, tạo thành một tổng thể hài hoà của khu di tích. Tương truyền nhân dân
trong thôn vẫn gọi là đền thờ Mẫu. Bà là vợ của Lý Khuê (Lý Lãng Công) một
trong 12 sứ quân đã cát cứ vùng Siêu Loại – Thuận Thành – Hà Bắc. Đây là một di
tích nhỏ nằm trong quần thể kiến trúc đình – đền – chùa Yên Bình. Lai lịch của
Đức Thánh Bà cũng không có tài liệu nào nhắc đến, chỉ biết bà là người ở thôn
Yên Bình, nổi tiếng tài sắc hiền thục. Dân làng Yên Bình lập đền thờ Bà, nhưng
cũng chính là thờ Mẫu – những thần linh của cư dân nông nghiệp cầu cho mưa thuận
gió hòa.
Trang trí trên cấu trúc đình Yên Bình tập trung chủ yếu tại
thân rường, đấu kê, vì nách, vì nóc và các hiện vật như hương án, kiệu bát cống,
long ngai. Đó là những mảng chạm khắc được làm bằng kỹ thuật chạm nổi, chạm
bong kênh rất chau chuốt với các đề tài trang trí truyền thống như tứ linh, tứ
quý, rồng, phượng, long mã, hổ phù đều là những linh vật của vũ trụ đặc trưng
cho tầng trên cho thánh nhân cõng trên lưng sự vận hành, chuyển đổi của vũ trụ,
tạo vật. Đây cũng chính là ý nghĩa của các mảng trang trí, là ước vọng của con
người luôn cầu sự no ấm, đầy đủ và may mắn.
Trải qua thời gian dài tồn tại, đình Yên Bình còn bảo lưu được
nhiều di vật quý mang giá trị nghệ thuật và giá trị lịch sử. Trong nhiều di vật
còn lại của di tích trước hết phải kể đến bộ sắc phong của các triều đại phong
kiến phong cho vị thành hoàng. Niên hiệu cụ thể của 7 đạo sắc phong thần này
như sau:
– Quang Trung ngũ niên thất nguyệt nhị thập bát nhật (1792)
– Cảnh Thịnh tứ niên ngũ nguyệt nhị thập thất nhật (1794)
– Bảo Hưng nhất niên ngũ nguyệt thập thất nhật (1801)
– Tự Đức lục niên ngũ nguyệt thập lục nhật (1854)
– Đồng Khánh nhị niên thất nguyệt (1887)
– Duy Tân tam niên bát nguyệt thập nhất nhật (1909)
– Khải Định cửu niên thất nguyệt nhị thập ngũ nhật (1924)
Tiếp đến là một cỗ long ngai đặt trong ống muống, có tay
ngai hình rồng chạm nổi rồng phượng, hổ phù. Một kỷ tam sơn bằng gỗ được chạm
thủng, chạm lộng, nhiều họa tiết đẹp như hoa thị, hoa chanh, hổ phù, rồng chầu
mặt nguyệt. Một kiệu bát cống được tạo tác công phu tỷ mỷ với những đường nét
trang trí tài hoa, tạo nên những hình ảnh rồng phượng, hổ phù, phật thủ sinh động
tự nhiên. Hai hương án, một được đặt ở trong ống muống, một đặt ở ngoài đại
đình.
Đặc biệt đình Yên Bình vẫn còn giữ bốn bức hoành phi bằng gỗ
ghi chữ Hán sơn son thếp vàng lộng lẫy, có nội dung như sau:
“Thai sơn hổ thị” – (niên đại 1923)
“Thánh cung vạn tuế”
“Phúc cư dân” – (niên đại 1916)
“Cung linh từ”
Ngoài ra còn các đồ thờ tự quý giá như: ba lọ cổ, đôi hạc thờ,
ngựa thờ, ba đỉnh đồng, giá kiếm….tất cả đều được tạo tác vào thời Nguyễn.
Đình Yên Bình là nơi thờ phụng thành hoàng làng là thần Lý
Khuê, tự là Lý Giang- một trong 12 sứ quân thời loạn Thập nhị sứ quân cát cứ ở
Siêu Loại (tức Dương Xá- Gia Lâm).
Sách “Đại việt sử ký toàn thư” của Ngô Sỹ Liên viết
về ông như sau: “ở ngôi chỉ được 6 năm, Ngô Quyền mất năm 944, truyền ngôi cho
con trưởng là Dương Ngập- em vợ là Dương Tam Kha là phụ chính. Dương Tam Kha thừa
cơ cướp lấy ngôi của cháu, tự xưng là Bình Vương. Dương Ngập phải trốn về vùng
Nam Sách, tìm đến nương nhờ người tôi trung của cha là Phạm Lệnh Công tại Trà
Hương.
Trong hoàn cảnh thấy Dương Tam Kha cướp ngôi nhà Ngô, triều
đình bê bối, nhiều cựu thần của nhà Ngô và các hào trưởng địa phương đã tiếp
nhau nổi lên cát cứ, chiếm giữ đất đai, gây thành cuộc loạn Thập Nhị sứ quân.
Lý Khuê lúc bấy giờ tự xưng là Lý Lãng Công cũng nổi lên chiếm
giữ vùng Siêu Loại – phủ Thuận Thành, Bắc Ninh. Ông vốn là một bậc hào trưởng
văn võ song toàn, có đức độ được nhân dân mến mộ, tin tưởng.
Vì chán ghét cảnh vua tôi chèn ép, rối ren, vốn trung thành
với nhà Ngô nên để phản đối sự cướp ngôi của Dương Tam Kha, Lý Lãng Công triệu
tập quân binh nổi lên cát cứ vùng đất Siêu Loại, ông trở thành 1 trong 12 sứ
quân lúc bấy giờ. Sau đó Lý Lãng Công bị Đinh Tiên Hoàng thu phục.
Nạn “Thập nhị sứ quân” chấm dứt khi Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi”.
Ngài đã được sắc phong là Ngô Thông Thượng Đẳng phúc thần. Dân làng Yên Bình đã
tôn Lý Lãng Công làm thành hoàng làng sau khi ông mất và thờ ở đình làng. Từ bấy
đến giờ nhân dân nơi đây hưởng sự anh linh che chở của ngài.
Lễ hội hàng năm của đình Yên Bình được tổ chức trong ba
ngày, từ ngày mùng 9 đến ngày 11 tháng 2 âm lịch. Cuộc tế lễ diễn ra cầu mong hạnh
phúc và phồn thực, cầu mong sự anh linh che chở của thành hoàng bao giờ cũng có
cỗ rước thần. Thần được rước vọng xuống mộ. Sau phần tế lễ, phần hội được diễn
ra sôi nổi với nhiều trò chơi dân gian như đu quay, vật, chọi gà, bắt vịt, đua
thuyền dưới ao, hát quan họ…