Hoàng hậu nhà Đinh theo ghi chép trong chính sử gồm 5 Hoàng hậu được Vua Đinh Tiên Hoàng lập lên sau khi ông dẹp xong loạn 12 sứ quân, mở ra nhà nước Đại Cồ Việt và lên ngôi Hoàng đế ở kinh đô Hoa Lư.
Thời kỳ Đinh Đế Toàn trị vì do Vua còn nhỏ tuổi nên chưa kịp
có vợ để tấn phong Hoàng hậu. Ngày nay, các Hoàng hậu của Vua Đinh Tiên Hoàng vẫn
được dân chúng lập đền thờ phụng ở nhiều nơi thuộc miền Bắc Việt Nam như các tỉnh
Ninh Bình, Hà Nội, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Thanh Hóa.
Tổng quan
Cuốn Đại Việt thông sử do Lê Quý Đôn biên soạn có đoạn viết:
"Quốc thống ta nếu vẫn cứ theo như ngày xưa, phong tục cũ chưa thay đổi
thì có vua Đinh Tiên Hoàng lập 5 hoàng hậu; vua Lê Đại Hành lập 5 Hoàng hậu,
vua Lê Long Đĩnh lập 4 hoàng hậu, vua Lý Thái Tổ lập 6 hoàng hậu, lại lập thêm
3 hoàng hậu nữa; vua Lý Thái Tông lập 7 hoàng hậu". Như vậy các vị vua của
nhà nước Đại Cồ Việt do Đinh Tiên Hoàng sáng lập đều có nhiều hoàng hậu.
Trong lịch sử Việt Nam, những người được chọn làm Hoàng hậu
thường là con nhà danh gia vọng tộc hoặc tuyệt sắc giai nhân. Đinh Tiên Hoàng
đã bỏ qua thông lệ ấy khi quyết định chọn một góa phụ là bà Ngô phu nhân làm
Hoàng hậu.
Trong 12 sứ quân, trừ Ngô Xương Xí đã chạy vào tận Bình Kiều,
dòng dõi nhà Ngô còn một người là Ngô Nhật Khánh (cháu họ Ngô Quyền) vẫn bám trụ
ở quê hương Đường Lâm. Ngô Nhật Khánh là sứ quân có tham vọng, đã xưng là An
Vương với ý đồ kế thừa nhà Ngô rất rõ ràng.
Để thu phục Nhật Khánh, Đinh Tiên Hoàng đã gả con gái cho Nhật
Khánh, rồi lại cưới em gái Nhật Khánh cho Đinh Liễn. Bản thân Đinh Tiên Hoàng
cũng bất chấp thể diện để thành hôn với Ngô Phu Nhân, mẹ Ngô Nhật Khánh và
phong bà làm Hoàng hậu.
Các bà hoàng hậu khác thường được mô tả trong dân gian là con
nhà các vị Tướng có uy tín đương thời: Dương Vân Nga là con hào trưởng Dương Thế
Hiển, bạn thân của thân phụ Đinh Công Trứ; Đinh Thị Tỉnh là con nhà quan Tri phủ
Cổ Lan Đinh Công Đoan dưới thời Ngô Quyền; Dương Thị Nguyệt là con hào trưởng
Dương Đỉnh, chỉ có Nguyễn Thị Sen thực sự là người con gái thôn quê có nhan sắc
và khéo léo đảm đang sau này được hậu thế tôn vinh là bà tổ nghề may, dã sử
không thấy nhắc đến cha mẹ của bà.
Theo chính sử
Năm Mậu Thìn 968, (vua) Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế, tự
xưng là Đại Thắng Minh Hoàng đế, đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt, đóng đô ở Hoa
Lư. Đinh Tiên Hoàng cho xây cung điện, chế triều nghi, định phẩm hàm quan văn,
quan võ.
Vua lập 5 hoàng hậu là Đan Gia, Trinh Minh, Kiều Quốc, Cồ Quốc
và Ca Ông. Tên của bà thứ nhất là Đan Gia, Đan: cao khiết, nhã trí – Gia: đức
cao vọng trọng, mỹ dự thiên hạ. Dịch nghĩa Đan là thanh cao trong sạch, tốt đẹp
ý vị – Gia là đức cao vọng trọng, tiếng khen sắc đẹp vang khắp thiên hạ”.
Bà thứ hai là Trinh Minh 貞明. Trinh Minh là chữ trong kinh
dịch, Hệ từ, hạ, chương 1:“ Nhật nguyệt chi đạo, trinh minh giả dã”, nghĩa là
“đạo của mặt trời mặt trăng vẫn thường hằng, sáng tỏ”.
Trinh Minh đã trở thành một từ tổ cố định và đã được Hồ
Nguyên Trừng, tác giả của Nam Ông mộng lục, dùng trong nhan đề một câu chuyện của
sách này là “Phụ đức trinh minh” 婦德貞明.
Câu chuyện kể về bà nguyên phi của vua Trần Duệ Tông. Vua đi
đánh giặc rồi chết trận; bà lánh đời đi tu rồi chết và được phong là Gia Từ
hoàng hậu. Đức hạnh của bà xứng đáng với nhan đề “Phụ đức trinh minh”.
Mặc dù chính sử chép tên hiệu 5 bà hoàng hậu nhà Đinh nhưng
không ghi rõ tên gọi chính thức của từng người. Ngay cả Hoàng hậu Dương Vân
Nga, khi Đinh Toàn được lập làm Vua cũng chỉ ghi là Dương Thị và khi bà trở
thành Hoàng hậu của Lê Hoàn chính sử ghi rõ: "Lập Hoàng thái hậu nhà Đinh
là Dương thị làm Đại Thắng Minh Hoàng Hậu. Hậu là vợ của Tiên Hoàng, mẹ đẻ của
Vệ Vương Toàn." và các sử gia rất nặng lời với Lê Hoàn trong việc này.
Qua việc gọi Dương Vân Nga là Đại Thắng Minh hoàng hậu đó có
thể thấy được vai trò của bà trong hoàng cung nhà Đinh trong số 5 Hoàng hậu do
Vua Đinh lập.
(vua) Đinh Bộ Lĩnh có ba người con trai: Đinh Liễn, Đinh
Toàn và Ðinh Hạng Lang. Đinh Liễn hay Đinh Khuông Liễn là con trai cả của vua
Đinh và là người con trai duy nhất sinh ra, trưởng thành trước khi vua Đinh lên
ngôi. (vua) Đinh Bộ Lĩnh khi lên ngôi lập 5 hoàng hậu nhưng sử không ghi rõ
Đinh Liễn là con bà hoàng hậu nào.
Chỉ chắc chắn rằng ông không phải là con bà Dương hậu, người
sinh ra Đinh Toàn và cũng không phải là con của bà hoàng hậu là mẹ của Ngô Nhật
Khánh. Sử sách cho biết ông có một người em gái là công chúa Phất Kim được Vua
đinh gả cho sứ quân Ngô Nhật Khánh.
Như vậy, bà mẹ của Đinh Liễn và Phất Kim đã là vợ của (vua)
Đinh Bộ Lĩnh từ khi ông khoảng 16 tuổi (căn cứ năm sinh Đinh Liễn là 940) nhưng
từ năm 968 khi ông lên ngôi Hoàng đế ở tuổi 44 thì chưa thấy ghi chép nào về
bà. Có thể khi đó bà đã mất nên không được tấn phong Hoàng hậu. Đó cũng có thể
là lý do mà Đinh Liễn con bà không được Vua Đinh lập làm Thái tử.
Theo dã sử
Theo tài liệu dã sử lưu truyền trong dân gian và thần tích,
thần phả các di tích thì Đinh Tiên Hoàng có 5 bà hoàng hậu với tiểu sử và hành
trạng rất rõ ràng. Họ đều là những nhân vật lịch sử được hậu thế tôn vinh:
Hoàng hậu Hoàng Thị Thi
Chùa Bà Ngô do Bà Ngô Phu nhân, vợ Vua Đinh lập
Bà Ngô phu nhân hay Hoàng Thị Thi là tên gọi của một Hoàng hậu
nhà Đinh được hậu thế ghi nhận và tôn vinh ở chùa Bà Ngô, trong quần thể di
tích Cố đô Hoa Lư.[1][2] Bà là vị Hoàng hậu quyền lực trong hậu cung nhà Đinh
thời gian đầu vì bà sinh đã sinh ra thái tử Đinh Hạng Lang, hai người con riêng
của Bà với vị phu quân họ Ngô đều được gả cho hai con của Vua Đinh với người vợ
cả đã mất.
Theo chính sử, sau khi (vua) Đinh Bộ Lĩnh dẹp xong loạn 12 sứ
quân, đã lấy mẹ sứ quân Ngô Nhật Khánh và sách lập làm hoàng hậu, đồng thời Vua
gả con gái là công chúa Phất Kim cho Nhật Khánh và lấy em gái Nhật Khánh gả cho
con trưởng là Nam Việt vương Đinh Liễn.
Ngô Nhật Khánh trở thành phò mã nhà Đinh. Mẹ Ngô Nhật Khánh,
dù ở gần tuổi 40 khi trở thành Hoàng hậu của Vua Đinh Tiên Hoàng đã sinh ra
Đinh Hạng Lang, con trai đầu tiên của (vua) Đinh Bộ Lĩnh sau khi lên ngôi Hoàng
đế, khoảng trước năm 974 (vì Vệ vương Đinh Toàn sinh năm 974 và là em Hạng
Lang).
Đinh Tiên Hoàng có thể vì bà, và vì để lấy lòng Nhật Khánh nữa,
đã lập Hạng Lang làm thái tử. Nhật Khánh chứa chấp ý đồ không thể nói hết khi
giục mẹ nài nỉ vua lập em làm thái tử. Ông ta định sau này sẽ làm phụ tá cho cậu
em ruột còn thơ ấu để nắm quyền bính.
Nhưng Nam Việt vương Đinh Liễn vốn là người đã trưởng thành
và có nhiều công lao trong việc đánh dẹp, ngoại giao của nước Đại Cồ Việt đã giết
Hạng Lang đầu năm 979. Tuy nhiên, vì yêu con và không thể tiếp tục gây đổ máu,
Tiên Hoàng đã không trừng phạt Đinh Liễn bằng cái chết.
Việc Tiên Hoàng không trừng phạt Đinh Liễn bằng án tử hình
khiến Nhật Khánh vô cùng tức giận và đây chính là động cơ chủ yếu thúc giục
Khánh bỏ sang Chiêm Thành. Một hôm ông mang vợ là công chúa Đinh Phất Kim chạy
vào nam, tới cửa biển Nam Giới [3] thì ông rút dao rạch mặt vợ và mắng rằng:
"Cha mày lừa dối ức hiếp mẹ con ta, lẽ nào ta vì mày mà
quên tội ác của cha mày hay sao? Cho mày trở về, ta đi đằng khác tìm kẻ có thể
cứu ta".
Rồi ông bỏ trốn sang Chiêm Thành. Trước kia, vua Đinh hứa
đưa em Khánh (Hạng Lang) lên ngôi, nhưng khi em Khánh bị hại thì kẻ thủ phạm lại
không bị trừng phạt đích đáng theo ý muốn của Khánh, bởi thế Khánh mới tìm đến
Chiêm Thành để cầu viện báo thù.
Nghe tin Tiên Hoàng hóa, Nhật Khánh bèn xui vua Champa là Ba
Mĩ Thuế mang quân để đánh Đại Cồ Việt. Vua Champa nhân cơ hội xâm chiếm đất
đai, bèn tự cầm quân đem hơn nghìn binh thuyền ra đánh Hoa Lư, theo hai cửa biển
Đại Ác và Tiểu Khang.
Khi vào cửa Đại Ác (cửa Thần Phù), qua một đêm, gặp gió bão
nổi lên, thuyền đều lật đắm, chìm gần hết. Nhật Khánh cùng bọn người Chiêm đều
chết đuối, chỉ có thuyền của vua Chiêm thoát nạn. Ba Mĩ Thuế thu vét tàn quân
trở về.
Bà là người chịu số phận bi thảm khi thái tử Hạng Lang bị giết,
rồi Vua Đinh cùng con rể bà là Đinh Liễn của bà bị sát hại, con riêng Ngô Nhật
Khánh của bà bị bão dìm chết trận, con dâu công chúa Phất Kim tự vẫn. Khi Đinh
Toàn lên ngôi thì quyền lực về tay Đại Thắng Minh Hoàng hậu Dương Vân Nga, bà
đã rời bỏ Hoàng cung về ngôi chùa phía Bắc kinh đô Hoa Lư tu hành, làm việc thiện.
Ngôi chùa đó được gọi là chùa Bà Ngô.[4][5] (nay nằm ở thôn Hoàng Long, xã Trường
Yên, Hoa Lư, Ninh Bình).
Hoàng hậu Đinh Thị Tỉnh
Đền thờ Đinh Triều Thánh Mẫu ở Đông Hưng, Thái Bình
Trinh Thục Hoàng hậu hay Trinh Minh Hoàng hậu là Đệ nhị cung
phi trong Hoàng cung nhà Đinh. Bà là người có nhan sắc, tài nghệ văn chương và
tinh thông võ nghệ. Theo ngọc phả, thần tích trong đền Thánh Mẫu, xã Đông Sơn,
Đông Hưng, Thái Bình: Cha của Hoàng hậu là ông Đinh Công Đoan ở phủ Thiệu Thiên
(Thanh Hóa), là người văn võ toàn tài, đi theo Ngô Vương Quyền lập được nhiều
công lao và được cử về làm tri phủ Cổ Lan (Đông Hưng, Thái Bình).
Trước đó ông đã có vợ và sinh được 4 người con trai, khi
sinh nở được 100 ngày, vợ ông bị bệnh mà chết. Bà Đỗ Thị Lan Hoa là vợ kế của
ông Đinh Công Đoan đã sinh ra con gái Đinh Thị Tỉnh.[6]
Tương truyền một đêm Phu nhân nằm mộng thấy nhặt được cái
gương vàng thì có thai, sau đó sinh một người con gái, long nhan mắt phượng, mặt
như bích phấn. Lên 5 tuổi đã biết âm luật nhạc, văn tự chưa giáo hóa đã biết
quy mô, quan phủ cho đi học 5-6 năm thì văn chương đã xuyến triệt, võ bị tinh
thông, cưỡi ngựa bắn tên thế gian khó ai địch nổi.
Sau khi (vua) Đinh Bộ Lĩnh về với sứ quân Trần Lãm, đã sai
người mang thư chiêu dụ 5 anh em họ Đinh ở Phù Lưu (gồm Đinh Dưỡng Xã, Đinh
Cung Linh, Đinh Đại Mộc, Đinh Bắc Phương và em gái Tỉnh Nương). Anh em họ Đinh
đã đi theo (vua) Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn các sứ quân của Ngô Xương Xí, Nguyễn
Siêu… Vua Đinh Tiên Hoàng thấy Tỉnh Nương nhan sắc tuyệt trần bèn lấy làm vợ, lập
làm Đệ Nhị Cung Phi, giao cho nàng quản coi nội cung…[7]
Hoàng hậu Đinh Thị Tỉnh cũng là người sinh ra công chúa Phù
Dung, sau theo chồng là Phò mã Trương Quán Sơn có công đánh giặc Chiêm Thành dưới
thời Tiền Lê, được phong thực ấp và cai quản vùng Sơn Tây, Hà Nội này nay.
Hoàng hậu Tỉnh Nương được tôn vinh là Đinh Triều Thánh Mẫu
và cùng với Đinh Triều Quốc Mẫu Đàm Thị, thân mẫu Vua Đinh được thờ trên vùng đất
Thái Bình. Trong sắc phong ở đền thờ hoàng hậu triều Đinh có ghi: "Trinh
Thục hoàng hậu" và "Đệ nhị cung phi".
Trong số 5 bà hoàng hậu triều Đinh, hoàng hậu thứ 2 có tên
là Trinh Minh Hoàng hậu. Rất có khả năng tên của 2 vị này là 1 người (Trinh
Minh – Trinh Thục). Tương tự như Trường hợp của Bà tổ nghề may Nguyễn Thị Sen
thần tích ghi chép là Tứ phi Hoàng hậu, đối chiếu với tên gọi 5 Hoàng hậu tương
đương với tên gọi Cồ Quốc.
Hoàng hậu Dương Thị Nguyệt
Tượng Hoàng hậu Dương Nguyệt Nương ở di tích Nghè Xuân Phả
Theo nội dung được ghi ở quyển Thần phả, Ngọc phả của thôn Đặng
Xá, xã Văn Xá, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam, được bộ Lễ triều Lê ban hành vào
năm 1572 thì khi Trần Lãm mất, (vua) Đinh Bộ Lĩnh đem tướng sĩ về Hoa Lư chiêu
mộ hào kiệt đi dẹp loạn 12 sứ quân.
Ngài đã được vị hào trưởng Dương Đỉnh (người gốc Trường Yên
Hạ) và vợ tên là Đặng Thị Kính (vốn người Đặng Xá, Kim Bảng), là cặp vợ chồng
có của cải và uy tín ở địa phương giúp đỡ. Vị hào trưởng đã gả con gái tên là
Dương Thị Nguyệt cho (vua) Đinh Bộ Lĩnh. Hai vợ chồng đã sinh ra con gái đầu đặt
tên là Đinh Thị Ngọc.
Từ đó, (vua) Đinh Bộ Lĩnh đã về Đặng Xá lập đồn trại và truyền
hịch Cần Vương dẹp giặc và đã có trên 600 người ứng mộ cùng với 180 tráng đinh
Đặng Xá, Đồng Lạc, Khê Vĩ. (vua) Đinh Bộ Lĩnh đánh đâu được đấy, được tôn là Vạn
Thắng Vương.
Sau khi bình được 12 sứ quân, thống nhất đất nước, Đinh Tiên
Hoàng Đế đã đón Dương Thị Nguyệt Nương về kinh đô Hoa Lư lập làm Hoàng hậu. Những
ghi chép ở Nghè Xuân Phả (Thọ Xuân) cho biết Bà Hoàng hậu quê Hà Nam cũng chính
là người đã truyền dạy trò Xuân Phả hiện là di sản văn hóa quốc gia còn lưu giữ
đến ngày nay ở Thanh Hóa.
Khi Đinh Tiên Hoàng mất, Hoàng hậu Nguyệt Nương cùng công chúa
Ngọc Nương đã trở về quê hương Đặng Xá sinh sống đến cuối cuộc đời. Sau này khi
Lê Hoàn lên ngôi Hoàng đế, đã tôn phong Đinh Tiên Hoàng và Hoàng hậu, hạ sắc chỉ
cho xã Đại Hoàng lập miếu thờ và truyền chỉ cho thiên hạ cứ nơi nào vua Đinh
Tiên Hoàng đã lập đồn trại… thì đều được rước sắc về lập đền thờ cúng.
Dân Đặng Xá đã tới kinh thành rước sắc về lập miếu để thờ và
được gọi là miếu Trung. Hiện nay ở thôn Đặng Xá, xã Văn Xá di tích miếu Trung nằm
gần chùa Khánh Hưng thờ Vua Đinh Tiên Hoàng cùng hoàng hậu Nguyệt Nương và miếu
Bà thờ công chúa Ngọc Nương.
Nghè Xuân Phả
Tại di tích Nghè Xuân Phả ở xã Xuân Trường, huyện Thọ Xuân,
tỉnh Thanh Hóa Hoàng hậu Nguyệt Nương cũng được người Việt đúc tượng thờ cùng Đại
Hải Long Vương với vai trò là người truyền dạy trò Xuân Phả cho dân làng.
Hoàng hậu Nguyễn Thị Sen
Nguyễn Thị Sen là tứ phi Hoàng hậu của vua Đinh Tiên Hoàng
trong lịch sử Việt Nam, Bà được coi là bà tổ nghề may. Bà quê quán ở làng Trạch
Xá, xã Hòa Lâm huyện Ứng Hòa, Hà Nội.[8] Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Vua Đinh
Tiên Hoàng (924 -979) lập 5 hoàng hậu là Đan Gia, Trinh Minh, Kiều Quốc, Cồ Quốc
và Ca Ông, theo đó tứ phi Hoàng hậu Cồ Quốc chính là Thánh tổ nghề may Nguyễn
Thị Sen.
Theo thần tích đền thờ tổ nghề ở Trạch Xá, Bà tổ của nghề may
là Nguyễn Thị Sen, một người con gái xinh đẹp, đảm đang của làng Trạch Xá. Tục
truyền rằng, Nguyễn Thị Sen được phong là tứ phi Hoàng hậu của Vua Đinh Tiên
Hoàng, kết duyên cùng đức Vua khi ông về đây chiêu mộ hào kiệt.
Vị quân vương giữa rừng hoang gặp người thôn nữ nhan sắc tuyệt
trần đã mời nàng về chốn Hoàng cung và truyền khắp nhân gian dâng vải lụa đến
cho nàng.
Về Kinh đô Hoa Lư, Nguyễn Thị Sen được phong là Hoàng hậu. Với
sự khéo léo và sáng tạo, bà đã giúp các cung nữ phát triển, sáng tạo được nghề
may trong cung vua.
Sau khi Vua Đinh Tiên Hoàng mất, quyền lực hậu cung chuyển
giao về tay Dương Vân Nga và Lê Hoàn,[9] bà đã từ giã hoàng cung cùng với con
gái là công chúa Liên Hoa trở về quê hương truyền dạy nghề may cho nhân dân
trong làng. Khi mất bà được lập đền thờ và tôn làm bà tổ nghề áo dài truyền thống.
Đền thờ thánh tổ nghề may hiện đã được tu tạo trở thành điểm đến của huyện Ứng
Hòa.
Hoàng hậu Dương Vân Nga
Dương Vân Nga là hoàng hậu của 2 vua Đinh Tiên Hoàng và Lê Đại
Hành trong lịch sử Việt Nam. Bà đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc
chuyển giao quyền lực từ nhà Đinh sang nhà Tiền Lê.
Người con trai của bà với Đinh Tiên Hoàng tên Đinh Toàn, là
vua cuối của nhà Đinh còn người con gái của bà với Lê Đại Hành là Lê Thị Phất
Ngân trở thành hoàng hậu của Lý Thái Tổ, mẹ vua Lý Thái Tông sau này. Hai lần
bà được các Vua phong Ca Ông Hoàng hậu, Đại Thắng Minh Hoàng hậu và nhà Lý
phong bà là Bảo Quang Hoàng thái hậu.
Tượng thờ Đại Thắng Minh Hoàng Hậu Dương Vân Nga - Hoàng hậu Nhị triều ở Hoa Lư
Vì là một người đàn bà quyền lực của nhiều triều đại, sử
sách thường gọi bà với cái tên trang trọng là Dương hậu hay Dương thái hậu. Hiện
nay, trong các đền thờ, tên đường và các tác phẩm văn học nghệ thuật, người Việt
gọi bà là Thái hậu Dương Vân Nga.
Theo giai thoại dân gian, Dương Vân Nga là con gái của ông
Dương Thế Hiển, quê ở vùng Nho Quan, Ninh Bình. Cái tên Vân Nga là ghép từ Vân
Long và Nga My là tên thôn quê cha mẹ bà[10][11] Từ khi Vua Đinh và Thái tử
Đinh Hạng Lang (con trai của Hoàng hậu Đan Gia) bị sát hại, Dương Vân Nga mới
thực sự làm chủ Hậu cung với tư cách là mẹ của Vua mới Đinh Toàn.
Đinh Toàn khi đó mới 6 tuổi, Thập đạo tướng quân Lê Hoàn là
nhiếp chính. Các đại thần Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Phạm Hạp thấy quyền lực rơi
vào tay Lê Hoàn, lại nghi Dương Vân Nga cùng Lê Hoàn tư thông nên cử binh đến
đánh.
Lê Hoàn dẹp tan, Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Phạm Hạp đều bị giết.
Phò mã nhà Đinh là Ngô Nhật Khánh bỏ trốn vào nam, cùng vua Chăm Pa với hơn
nghìn chiến thuyền định đến đánh kinh đô Hoa Lư nhưng bị bão dìm chết.
Năm 980, quân Tống chuẩn bị sang đánh, Dương Vân Nga cùng
triều thân tôn Lê Hoàn lên làm vua, tức vua Lê Đại Hành. Lê Hoàn sau khi chiến
thắng quân Tống lập nên nhà Tiền Lê. Dương Vân Nga trở thành một trong năm
Hoàng hậu của Lê Đại Hành [12]
Bà mất năm 1000, cùng năm với con trưởng của Lê Hoàn là Lê
Long Thâu. Người con gái của bà với Lê Hoàn là Lê Thị Phất Ngân sau trở thành
Hoàng hậu của Lý Thái Tổ và là người sinh ra vua Lý Thái Tông. Thời Lý, Bà được
hậu thế suy tôn là Bảo Quang Hoàng Thái Hậu.
Thái hậu nhà Đinh
Nhà Đinh có 2 Vua nên có 2 Thái hậu là Đàm Thị mẹ Vua Đinh
Tiên Hoàng và Dương Vân Nga mẹ Vua Đinh Toàn. Thái Hoàng Thái hậu Đàm Thị có
tên dã sử là Đàm Thị Thiềm hiện được thờ ở nhiều nơi như là khu di tích thung
Lá - động Hoa Lư, Lăng Phát tích nhà Đinh hay đền Vua Đinh Tiên Hoàng (Ninh
Bình); Khu di tích đình Bườn ở Nam Định và miếu Lộc Thọ ở Thái Bình.
Đại Việt sử ký toàn thư có viết: "Vua [Đinh Tiên Hoàng]
họ Đinh, tên húy là Bộ Lĩnh, người ở động Hoa Lư, châu Đại Hoàng (nay là huyện
Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình) là con trai Đinh Công Trứ, Thứ sử Hoan Châu. Dẹp yên
các sứ quân, tự lập làm đế... Vua còn nhỏ mồ côi cha, mẹ là họ Đàm".[13]
Đinh Triều Quốc Mẫu Đàm Thị là người xã Gia Thủy (huyện Nho
Quan, Ninh Bình), Bà là vợ quan thứ sử Đinh Công Trứ. Khi chồng mất bà đem con
trai (vua) Đinh Bộ Lĩnh trở về quê hương và nương nhờ người em chồng là Đinh
Thúc Dự.
Thần tích Ngọc phả của miếu Lộc Thọ, xã Độc Lập, Hưng Hà,
Thái Bình chép rằng: Miếu thờ: “Quốc mẫu Thiềm Nương Hoàng Thái hậu”. Khi (vua)
Đinh Bộ Lĩnh dấy cờ khởi nghĩa ở Hoa Lư, thấy đã đủ mạnh, ông rời Hoa Lư đi dẹp
loạn các xứ quân, khi đi có đem theo thân mẫu Đàm thị cùng đi.
Theo thần phả thì bà Đàm Thị Thiềm vốn cũng có tài cung kiếm
võ nghệ. Sau khi về với sứ quân Trần Lãm ở Kỳ Bố Hải Khẩu, (vua) Đinh Bộ Lĩnh
đã cùng các tướng Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Lưu Cơ, Sát Công, Phạm Thành về đóng đồn
ở Doanh đầu (trang Thụy Thú – Lộc Thọ) nhằm ngăn chặn sứ quân của Phạm Bạch Hổ,
đang chiếm giữ đất Đằng Châu (nay ở Hưng Yên).
Sau này khi thế lực đã mạnh ông để thân mẫu ở lại Trang Thuỵ
Thú, tự mình dẫn quân đánh dẹp các sứ quân. Khi sắp xưng vương ông cho người về
Trang Thụy Thú đón mẹ, nhưng do ốm nặng bà không về Hoa Lư được và mất tại
Trang Thuỵ Thú. Vua Đinh Tiên Hoàng đã lệnh cho táng mẹ ở doanh đồn (Thuỵ Thú).
Trên mặt huyệt dùng đá lấp lên sau dân làng xây miếu ở trên mặt mộ để thờ.
Vua lệnh miễn giảm tô thuế cho dân Thuỵ Thú và từ đó thôn
Thuỵ Thú được triều đình coi như một làng thuộc dân con quê cũ của mẹ vua.
Trong miếu thờ Thái hậu còn ghi: “Thánh hậu Đinh Miếu” và có nhiều câu đối ca
ngợi công đức của bà.
Di tích đình Bườn, miếu Trúc và mộ các nhân vật lịch sử liên
quan thuộc xã Mỹ Thắng (Mỹ Lộc, Nam Định) là Di tích lịch sử quốc gia. Đình Bườn
và những di tích có liên quan như: lăng mộ Đàm Hoàng Thái hậu, lăng mộ Tướng
quân Cao Mộc, miếu Trúc thờ Tướng quân Phùng Gia được xây dựng trên khu vực đồn
binh An Biện (Bườn) xưa của (vua) Đinh Bộ Lĩnh.
Đây là một trong những căn cứ quan trọng trong việc tích trữ
lương thực, chiêu mộ binh sĩ, giúp (vua) Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân, thống
nhất đất nước. Về giá trị lịch sử, cùng với các đạo sắc phong thần, tại đình Bườn
và các di tích có liên quan còn có nhiều câu đối ca ngợi công đức và sự thờ tự
đối với Đàm Hoàng Thái hậu, Tướng quân Cao Mộc và Tướng quân Phùng Gia. Hằng
năm, tại di tích, nhân dân địa phương ba lần mở hội vào các ngày kỵ của Đàm
Hoàng Thái hậu.[14]
Tại di tích chùa Bái Đính (Ninh Bình), hồ Đàm Thị là một
danh thắng nằm sát chân núi phía bắc của dãy núi Tràng An gắn với giai thoại
Thái hậu Đàm Thị đã từng mò cua, bắt tép ở đây để nuôi con, giữa hồ là di tích
đền Quốc trưởng công chúa thờ chị gái Vua Đinh Tiên Hoàng.
Tham khảo
1. Theo sách Truyền Thuyết Hoa Lư (trang 47) thì bà mẹ Ngô
Nhật Khánh họ Hoàng, chồng là Ngô Công mất sớm, là tướng của Nam Tấn Vương Ngô
Xương Văn. Theo lời khuyên của Khuông Việt đại sư Ngô Chân Lưu, ông lấy bà này
vì có liên quan đến việc “quốc gia đại sự”
2. Thần tích chùa Bà Ngô và một số ý kiến như trong tác phẩm
"Dương Vân Nga - Non cao vực thẳm ghi nhận tên bà Ngô phu nhân là Hoàng Thị
3. Tức là cửa Sót, nằm ở huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh ngày
nay
4. Bí ẩn chuyện lập hoàng hậu lạ đời của Đinh Tiên Hoàng
5. “chùa Bà Ngô”. Bản gốc lưu trữ ngày 13 tháng 9 năm 2014.
Truy cập ngày 29 tháng 6 năm 2015.
6. Mộ phần của Hoàng hậu vua Đinh
7. Mộ vợ vua Đinh Tiên Hoàng ở... Thái Bình
8. Hoàng phi vua Đinh là bà tổ nghề may
9. Bà tổ của nghề may - Nguyễn Thị Sen
10. Thái Hậu Dương Vân Nga (952-1000)[liên kết hỏng]. Cổng
thông tin điện tử tỉnh Ninh Bình. [Ngày 15 tháng 8 năm 2013].
11. Còn theo nội dung của Ngọc phả, Thần Phả, về sự tích Thần
Phật thờ ở đình chùa đền miếu thôn Đặng Xá, xã Văn Xá, huyện Kim Bảng Hà Nam,
Vua Đinh còn người vợ khác là Dương Nguyệt Nương lại là con của Dương Đỉnh, người
Trường Yên, kinh đô Hoa Lư, tuy nhiên bà này không có con trai nên không thể là
Dương Vân Nga.
12. Cùng với Phụng Càn Chí Lý Hoàng Hậu, Thuận Thánh Minh Đạo
Hoàng Hậu, Trịnh Quắc Hoàng Hậu, Phạm Hoàng Hậu
13. Đi tìm mộ thân mẫu Vua Đinh Tiên Hoàng
14. Giá trị lịch sử - văn hóa của Di tích lịch sử quốc gia
đình Bườn