Đình Chẽ, thị trấn An Châu là nơi thờ tự nhị thánh Cao Sơn Đại vương, Quý Minh Đại vương danh tướng thời Hùng Vương thứ 18 và Thành hoàng làng có công đánh đuổi giặc ngoại xâm, bảo vệ đất nước. Chùa Chẽ thờ Phật.
Ngày 19-2 (tức ngày 15 tháng Giêng), đông đảo nhân dân và
du khách thập phương trong và ngoài huyện về dự lễ khai hội đình - chùa Chẽ, thị
trấn An Châu (Sơn Động)
Lãnh đạo UBND thị trấn An Châu đánh trống khai hội.
Đình - chùa Chẽ, thị trấn An Châu là nơi thờ tự Thành hoàng
làng và 2 vị tướng quân là Cao Sơn và Quý Minh - hai vị tướng trong triều đại
Vua Hùng có công đánh đuổi giặc ngoại xâm, bảo vệ đất nước.
Năm 2003, đình - chùa Chẽ, thị trấn An Châu được công nhận
là khu di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Từ đó đến nay, nơi đây trở thành nơi
sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân trong và ngoài huyện.
Quang cảnh lễ khai hội.
Khi tiếng trống khai hội được vang lên, lãnh đạo chính quyền
địa phương, đông đảo nhân dân đã tiến hành ghi lễ dâng hương cầu nguyện cho quốc
thái dân an, một năm mưa thuận gió hoà, cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Lễ hội tryền
thống được tổ chức các hoạt động phong phú như: Hội chọi chim, bóng truyền hơi,
biểu diễn văn nghệ.
Đình Chẽ còn gọi là đình Ba Chẽ, được dựng trên một gò đất
cao, được thiết kế theo kiểu chữ đinh thờ hai vị Thành hoàng là Đức thánh Cao
Sơn và Quý Minh đại vương. Ngoài ra, dân làng còn phối thờ Vi tướng công người
đã có công hộ quốc giúp dân.
Vào ngày mùng 10 tháng 4 âm lịch hàng năm người dân trong
làng lại cùng nhau mở hội bơi chải để tưởng nhớ đến các vị Thành hoàng đã bảo
trợ cho dân. Buổi sáng hương lão và nhân dân trong làng lễ rước mâm hoa quả và
lễ vật từ chùa về đình.
Đi đầu đoàn rước là ban hành lễ rồi đến nhân dân trong làng
và khách thập phương về đình dự hội. Về đến đình làng, nhân dân và bô lão làm lễ
dâng hương tưởng nhớ đến các vị thành hoàng, người đã có công che trở cho dân.
Tại Nghè chải dân làng làm lễ thượng thuyền, thuyền mã được
làm bằng khung tre nứa, trang trí bằng giấy màu ngũ sắc, thuyền được đặt trên
hai bó nứa. Lễ vật để cúng Thuỷ thần và Hà mã được đặt trong thuyền gồm có xôi,
gà, rượu cùng với hương đăng và hoa quả.
Lễ thượng thuyền là một trong những nghi thức gắn liền với tục
thờ thuỷ thần để cầu mong sự che chở của thần cho thuyền bơi được thuận buồm
xuôi gió, nhân khang vật thịnh và mùa màng tốt tươi. Buổi chiều là hội thi bơi
chải. Theo tục cũ, trước khi bơi chải, các chân chèo lên đình làm lễ, sau đó mới
bơi tranh giải ở dưới sông An Châu.
Lễ hội bơi chải có 6 đội đại diện cho 6 thôn tham gia tranh
tài. Sáu đội đua được chia làm ba cặp, bơi ba lượt, mỗi lượt hai đội chọn ra ba
đội nhất để vào bơi chung kết. Đường đua năm nay có chiều dài gần một km, xuất
phát từ bến Giang bơi xuôi theo dòng An Châu xuống phao ở cửa Ngòi, rồi lại
quay về đích ở bến Giang.
Trong khi bơi các đội không được cài mái, kéo, chèn, vượt
làm cản trở đường đua của đội bạn. Thuyền bơi được đóng theo một mẫu thống nhất
dài từ 8 đến 9 m. Mỗi chải có 9 người, trong đó có 8 tay dầm, một tay lái. Các
tay bơi chải trong lễ hội năm nay là những thanh niên trai tráng có sức khoẻ tốt,
được chọn trong những gia đình phúc hậu.
Một nét đặc trưng riêng của lễ hội bơi chải làng Chẽ là thuyền
đạt giải nhất không phụ thuộc vào thuyền về đích nhanh hay chậm mà phụ thuộc
vào giá trị thẻ tre có ghi giải thưởng mà các đội rút được. Thẻ tre giải nhất
có ghi: Nhân khang vật thịnh vi nhất, giải nhì là: Phong điều, vũ lộ vi nhị, và
giải ba là: Phong đăng hoà cốc vi tam.
Lễ hội bơi chải làng Chẽ không chỉ thu hút du khách thập
phương bằng phần lễ trang trọng, linh thiêng và tục đua chải đặc sắc mà còn cả
phần hội với nhiều trò chơi dân gian phong phú, đa dạng phù hợp với nhiều lứa
tuổi tham gia như leo cầu kiều, đập niêu đất, chọi gà, đẩy gậy, đấu vật và hát
quan họ.
Lễ hội bơi chải làng Chẽ, thị trấn An Châu là một trong những
lễ hội dân gian truyền thống được diễn ra hàng năm, với những nét đặc trưng
riêng của nghi lễ nông nghiệp và tục thờ cúng thuỷ thần kết hợp với tín ngưỡng
thờ cúng thành hoàng đã tạo nên bản sắc riêng cho cư dân vùng miền núi Sơn Động
- Bắc Giang.
Nông Dũng