Cứ đến ngày mùng 8 tháng Giêng âm lịch hằng năm, người dân làng Thị Cấm (phường Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội) lại cùng nhau có mặt tại đình làng để cùng tham gia Hội kéo lửa, thổi cơm thi truyền thống.
Đây là phong tục có từ lâu đời vào mỗi dịp xuân về, để cầu
chúc cho người dân một năm mới no đủ, hạnh phúc và bình an.
Tương truyền, đời Vua Hùng thứ 18, quân nhà Thục sang xâm lược
nước ta. Tướng quân Phan Tây Nhạc được giao thống lĩnh quân binh đi đánh giặc.
Khi dẫn quân qua làng quê Hương Canh (làng Thị Cấm ngày nay), ông ra lệnh tổ chức
nấu cơm thi để tuyển chọn người giỏi công việc hậu cần đi theo phục vụ quân đội.
Chiến thắng giặc ngoại xâm, tướng quân Phan Tây Nhạc ở lại vùng đất này, dạy
nhân dân cấy lúa, dệt vải và sửa sang nghi lễ phong tục.
Sau khi qua đời, ông được nhân dân tôn thờ là Thành Hoàng
làng. Để tưởng nhớ công ơn, người dân làng Thị Cấm mở Hội thổi cơm, thi vào
ngày mùng 8 thang Giêng âm lịch hằng năm.
Đại diện Ban hành lễ làng Thị Cấm cho biết : “Ngày xưa không
có diêm mà kéo giăng ra lửa để nấu cơm. Có 4 đội thi vì ngày xưa làng chia làm
4 giáp. Các đội thi kéo lửa, thi chạy lấy nước thổi cơm và thi nấu cơm. Từng phần
thi có giải thưởng riêng. Mang cơm Lễ Thánh xong thì chấm thi nồi cơm ngon nhất
giải nhất, 1 giải nhì và 2 nồi cơm còn lại đồng giải ba.”
Trước hội thi, các đội thi chuẩn bị sẵn các vật dụng để
chuẩn bị thổi cơm như chày, cối, rơm, nồi... để trổ tài nấu cơm nhanh và thơm dẻo
nhất. Mỗi đội được Ban tổ chức phát 1kg thóc để nấu cơm.
Các nam thanh niên đem thóc vào cối giã. Thao tác phải thật
nhanh và khéo léo để hạt gạo không bị vỡ. Sau đó, gạo được sàng trấu để loại bỏ
sạn và vo sạch. Cùng lúc còn có một thiếu niên thi chạy cự ly khoảng 800 m từ
đình làng ra chỗ lấy nước và quay về đình làng nơi tổ chức hội thi nấu cơm.
Tiếp đó, mỗi đội cử ra 4 nam thanh niên tham gia phần thi
kéo lửa. Để kéo ra lửa, người ta lấy hai thanh giang kẹp vào bùi nhùi, dùng hai
thanh tre ốp một mảnh trên và một mảnh dưới, giữ chắc hai đầu rồi hai người kéo
co cho cật giang cọ sát vào cật tre nhiều lần tạo ma sát.
Khi nào thấy có khói lên thì dừng lại và thổi cho lửa bùng
lên, dùng mồi lửa này để thổi cơm. Khi đó, không gian đình làng Thị Cấm nghi
ngót khói lửa, vang dội tiếng trống, tiếng reo hò cổ vũ của dân làng, du khách.
Khi nồi cơm vừa cạn nước, các đội giấu vào trong đống than rơm
chờ chín. Sau một tuần hương, các thành viên của Ban giám khảo đi tìm 4 nồi cơm
trong rất nhiều đống tro rơm.
Nếu các đội khéo giấu thì thời gian được kéo dài và cơm sẽ
chín đều, nếu giấu vụng, bị giám khảo tìm thấy ngay đầu tiên thì cơm dễ bị sống.
Sau khi tìm đủ 4 nồi cơm, Ban giám khảo xới bốn bát để dâng lên Thành Hoàng
làng. Cơm sau đó được chấm điểm công khai trước người dân và thành viên của các
đội tham dự.
Đại diện Ban di tích lịch sử Đình Thị Cấm, người phụ trách
tuyên truyền về hội thi thổi cơm làng Thị Cấm, cho biết: “Phần thi thổi cơm gồm
giã gạo, vo gạo, nấu cơm, mỗi đội có có 10 người. Thời gian quy định bắt đầu
phát lửa thổi cơm là lúc 11h và kết thúc 12h, tức là trong 1 giờ đồng hồ. Thóc
là của dân làng trồng lúa tại làng để mang về giã gạo tế Thánh.
Năm nay, phần thi thổi cơm không có tranh luận nhiều về giải
thưởng. Dân làng rất hài lòng về cách chấm giải. Hội thi năm nay tốt đẹp, thuận
lợi, thời tiết ủng hộ, cả 4 đội, 4 mồi lửa đều lên cao. Như vậy, năm mới hy vọng
có triển vọng tốt đẹp, dân làng làm ăn tốt, sức khỏe, an khang thịnh vượng.”
Sau khi công bố kết quả hội thi, dân làng chia nhau ít hạt
cơm cúng Thành Hoàng làng để lấy lộc đầu năm. Họ tin rằng người lớn ăn hạt cơm
này thì cả năm sẽ may mắn, trẻ em sẽ hay ăn, chóng lớn.
Lễ hội thổi cơm thi làng Thị Cấm hàng năm thu hút đông đảo
người dân địa phương và du khách gần xa. Quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội đã
có kế hoạch trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận hội thi thổi cơm
làng Thị Cầm là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Trong tiếng trống rộn ràng, bốn đội (tương ứng với bốn giáp của
làng) tham gia thổi cơm thi dưới sự cổ vũ nhiệt tình của người dân và du
khách.
Đúng 11 giờ, phần thi kéo lửa được diễn ra ngay trước cửa chính của
đình. Chỉ sau vài chục giây, ma sát đốt nóng thanh tre tạo ra lửa và bén
vào bó rơm. Các thành viên ra sức thổi vào bó rơm để lửa bén to hơn.
Mồi lửa đầu tiên bén rơm cũng là lúc không khí trong sân đình trở nên
náo nhiệt hơn bao giờ hết.
Mỗi đội được phát 1kg thóc để tham gia hội thi. Các nam thanh niên
đem thóc vào cối giã. Thao tác phải thật nhanh và vô cùng khéo léo để
hạt gạo không bị vỡ.
Sau đó, gạo sẽ được sàng trấu để loại bỏ sạn và vo sạch.
Các thành viên đun sôi nồi nước trước khi cho gạo vào. Một nồi cơm
ngon, chín dẻo và thơm phụ thuộc nhiều vào tay nghề đun nấu, việc điều
chỉnh ngọn lửa sao cho hợp lý.
Không khí cuộc thi diễn ra rất khẩn trương, các đội chỉ có khoảng 30 phút từ lúc kéo lửa đến khi cơm chín.
Không gian đình làng Thị Cấm vang dội tiếng trống, tạo không khí rộn ràng.
Sân đình làng Thị Cấm nghi ngút khói lửa. Những nồi cơm sau khi sôi
thường phải ủ bằng tro rơm khoảng 20 phút cho chín đều. Khi nồi vừa cạn
nước, các đội giấu vào trong đống than rơm chờ chín.
Sau một tuần hương, các thành viên của ban giám khảo sẽ đi tìm nồi
cơm trong rất nhiều đống tro rơm. Nếu các đội khéo giấu thì thời gian
được kéo dài và cơm sẽ chín đều, nếu giấu vụng, bị giám khảo tìm thấy
ngay đầu tiên thì cơm dễ bị sống.
Sau khi tìm đủ bốn nồi cơm, Ban giám khảo sẽ xới bốn bát để dâng lên Thành Hoàng làng.
Cơm sau đó được mang ra gian ngoài của đình làng để chấm điểm công khai trước người dân và thành viên của các các đội tham dự.
Các thành viên Ban giám khảo nhìn
bằng mắt và dùng tay bấm thử vài hạt cơm để chấm điểm. Nồi cơm nào
trắng, dẻo, thơm ngon nhất sẽ giành chiến thắng. Ngay sau khi công bố
đội chiến thắng, thành viên các đội và người dân nhanh tay bốc một nắm
cơm để lấy lộc đầu năm. Người dân ở đây tin rằng người lớn ăn hạt cơm
thì cả năm sẽ may mắn, trẻ em sẽ hay ăn, chóng lớn.
Thủy Nguyên