Chương Mỹ là nơi có nhiều địa bàn thờ các danh tướng, những người đã có công phụ tá vua Đinh Tiên Hoàng dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất đất nước như Uy Sơn đại vương và Ngọ Tân đại vương, tướng Đặng Đống Thính và em trai Đặng Chiêu Pháp, danh tướng Hồ Thông.
Huyện Chương Mỹ ngày nay là một trong 30 quận, huyện, thị xã
của Thủ đô Hà Nội, là huyện ngoại thành nằm ở phía Tây nam, cách trung tâm Thủ
đô 20 km; phía Bắc giáp huyện Quốc Oai; phía Đông giáp quận Hà Đông, huyện Thanh Oai; phía Nam giáp
huyện Ứng Hòa, Mỹ Đức; phía Tây giáp với huyện Lương Sơn (tỉnh Hoà Bình).
Tổng diện tích tự nhiên của huyện là 237,38 km2, là huyện có
diện tích lớn thứ 3 của thành phố. Dân số 339.469 người. Trong đó, người dân tộc
Kinh chiếm đại đa số, có 01 thôn dân tộc Mường (Đồng Ké, xã Trần Phú); ngoài ra còn có một số dân tộc
thiểu số khác ở rải rác tại các xã, thị trấn.
Về địa danh hành chính, đất Chương Mỹ thời đầu dựng nước thuộc
quận Giao Chỉ. Thời Lý Trần trở đi thuộc Châu Quốc Oai sau là lộ Quốc Oai và lộ
Ứng Thiên. Năm 1397 Hồ Quý Ly cho đổi trấn Quốc Oai làm trấn Quảng Oai. Trong đó
có một phần đất Chương Mỹ. từ thời Lê thế kỷ XV, sau cải cách hành chính của Lê
Thánh Tông, cả nước có 13 đạo thừa tuyên, trong đó có đạo Sơn Tây và Sơn Nam,
có đất của huyện Chương Mỹ. Thực tế phần đất chính của huyện Chương Mỹ là huyện
Chương Đức, Phủ Ứng Thiên, đạo Sơn Nam.
Năm Đồng Khánh thứ 3 (1888) mùa hạ, tháng tư, triều đình
Nguyễn chia đạo Mỹ Đức làm 2 vùng: vùng người Mường nhập vào tỉnh Phương Lâm
(Hòa Bình), còn vùng người kinh thì chia thành 2 huyện: huyện Yên Đức (Mỹ Đức)
và Chương Mỹ.
Huyện Chương Mỹ lấy đây là mốc lịch sử hình thành huyện và lấy
ngày1/4 là ngày thành lập huyện. Năm 2018, Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân huyện
long trọng tổ chức kỷ niệm tròn 130 năm ngày thành lập huyện (1/4/1888 -
1/4/2018).
Trải qua nhiều lần tách, nhập, hợp nhất tỉnh, Chương Mỹ lần
lượt là huyện của các tỉnh Hà Đông, Hà
Sơn Bình, Hà Tây và chính thức trở thành 1 trong 30 quận, huyện, thị xã của
Thành phố Hà Nội từ ngày 01/8/2008 theo Nghị quyết số 15/2008/NQ-QH12 của Quốc
hội khóa XII.
Trong chiều dài lịch sử của dân tộc, Chương Mỹ là mảnh đất
giàu truyền thống đấu tranh dựng nước và giữ nước, với nhiều danh tướng, danh
nhân gắn với những chiến công hiển hách đã được lưu truyền sử sách như: nữ tướng
Vĩnh Hoa, Lang Nương, Vĩnh Nương, Lý thị Ngọc Ba trong cuộc khởi nghĩa Hai Bà
Trưng; Nữ tướng Dương Thị Phương Lan trong cuộc đánh đuổi quân Nam Hán của Ngô
Quyền;
Chương Mỹ cũng là nơi thờ phụng nhiều danh tướng, những người
đã có công phụ tá vua Đinh Tiên Hoàng dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất đất nước.
Đó là các địa phương như:
Đình Phượng Bản, Phụng Châu Chương Mỹ
Đình Phương Bản ở Phụng Châu, Chương Mỹ Hà Nội Thờ 2 vị tướng
nhà Đinh là Uy Sơn đại vương và Ngọ Tân đại vương. Hai ông là người làng Phương
Bản từng chiêu mộ binh sĩ theo giúp vua Đinh Tiên Hoàng dẹp loạn 12 sứ quân.
Đình Tiến Ân ở Thủy Xuân Tiên, Chương Mỹ, Hà Nội. Đình Tiến
Ân thờ tướng Đặng Đống Thính và em trai Đặng Chiêu Pháp có công phò tá vua Đinh
Tiên Hoàng đánh dẹp 12 sứ quân, đặc biệt là trận đánh sứ quân Đỗ Cảnh Thạc ở đồn
Bảo Đà.
Đình Yên Nhân ở Hòa Chính, Chương Mỹ Hà Nội Thờ Hồ Thông là
người văn võ toàn tài, thông minh, trí tuệ được phong làm chỉ huy phó sứ thời
vua Đinh Tiên Hoàng.
Căn cứ vào thần phả và các tư liệu Hán Nôm còn lưu giữ được ở
Đình Yên Nhân thì đình thờ 4 vị là: Dương Phương Lan, vợ Ngô Quyền; Đỗ Lang
Vương là vị quan triều nhà Ngô; Mai Gia Minh, tướng của Ngô Quyền hy sinh ở ở Lục
Đầu giang và Hồ Thông, người có công dẹp loạn 12 sứ quân thời nhà Đinh.
Danh tướng Hồ Thông là người văn võ toàn tài, thông minh,
trí tuệ được phong làm chỉ huy phó sứ thời vua Đinh Tiên Hoàng. Ông sinh ngày 6
tháng 8 năm âm lịch. Cha là Hồ Minh, mẹ là Nguyễn Thị Thái quê quán ở xã Đồng Lạc
huyện Chương Mỹ. Sinh thời ông là người văn võ toàn tài, thông minh, trí tuệ được
phong làm chỉ huy phó sứ thời vua Đinh Tiên Hoàng: Ông có công lao rất lớn
trong việc đánh dẹp 12 sứ quân, ông mất ngày 2 tháng 12 âm lịch được tặng phong
là: “Quảng Hóa hà hải linh thông thiện thánh đại vương”.
Danh nhân - Nhà sử học Ngô Sỹ Liên – tác giả Đại Việt sử ký toàn
thư; danh nhân Lê Ngô Cát với "Đại Nam quốc sử diễn ca"; Thám hoa Đặng
Ma La – Người khai khoa của huyện khi mới 14 tuổi;
Đô đốc Đông lĩnh hầu Đặng Tiến Đông – danh tướng tài ba, và
chiến thắng Tốt Động – Chúc Động của Nghĩa quân Lam Sơn được khắc họa trong
Bình Ngô Đại Cáo.
“Ninh Kiều máu chảy thành sông, hôi tanh muôn dặm
Tốt Động thây phơi đầy nội, thối để nghìn thu”
Trên địa bàn huyện có 374 di tích được đưa vào danh mục quản
lý, trong đó 170 di tích đã được xếp hạng (cấp Quốc gia: 32 di tích; cấp tỉnh,
thành phố: 138 di tích); 01 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, 11 di tích được
gắn biển lưu niệm sự kiện cách mạng kháng chiến.
Di tích Quốc gia: chùa Trăm Gian, chùa Trầm là một trong những
di tích mang nhiều dấu ấn lịch sử quan trọng.
Chùa Trăm Gian thuộc xã Tiên Phương; Chùa có tên chữ là
"Quảng Nghiêm tự" được xây dựng từ đời Lý Cao Tông, (1185). Đến thời
nhà Trần, chùa là nơi tu học của hoà thượng Bình An, tên thật là Nguyễn Nữ,
(thường gọi là Nhữ, tự là Bình An, hiệu Đức Minh) quê ở Bối Khê.
Theo các nhà nghiên cứu thì Chùa Trăm gian ở trên một quả đồi
cao chừng 50 m, thuộc dãy núi Tiên Lũ - còn gọi là núi Mã. Chùa là một quần thể
kiến trúc độc đáo gồm 100 gian.
Hiện chùa còn lưu giữ trên 100 pho tượng, hầu hết bằng gỗ, một
số ít bằng đất nung trong đó đặc biệt quý là tượng Tuyết Sơn, tượng Quan Âm Bồ
Tát và tượng Đô đốc Đặng Tiến Đông - một tướng lĩnh nhà Tây Sơn. Ngoài ra, chùa
còn thờ Đức Thánh Bối được đặt trong khám gỗ.
Pho tượng này được rút cốt bằng mây đan ngoài bọc vải sơn,
tương truyền là tượng bỏ hài cốt của ông. Chùa đã được công nhận là Di tích Lịch
sử cấp quốc gia.
Chùa Trăm Gian cổ kính
Hội chùa Trăm Gian từ mùng 4 - 6 tháng giêng hằng năm có rước
kiệu thánh, thi cỗ chay và trình rối cạn; ngoài ra còn các trò vui như đánh cờ
người, đấu vật, múa rối nước, đốt pháo hoa…Đây còn là lễ hội truyền thống của
cư dân nông nghiệp lúa nước, nhằm giáo dục tinh thần yêu nước và đoàn kết, rèn
luyện tinh thần thượng võ và thi tài khéo léo. Những truyền thống tốt đẹp ấy vẫn
được gìn giữ và truyền lại cho những thế hệ mai sau.
Chùa Trầm là một quần thể gồm mấy ngôi chùa tọa lạc trên núi
Trầm (hay còn gọi là Tử Trầm Sơn), thuộc địa phận xã Phụng Châu. Địa thế chùa rất
đẹp với các núi nhỏ chung quanh như núi Ninh Sơn, Đồng Lư, Tiên Lữ.
Du khách đến thăm quan Danh lam thắng cảnh sẽ được tham quan
núi Trầm và ba ngôi chùa: chùa Trầm, chùa Hang và chùa Vô Vi. Ba ngôi chùa đã đạt
đến sự hài hòa cao độ giữa núi và chùa, tạo cảm giác thư thái, an bình.
Trong kháng chiến chống Pháp, hang Trầm là nơi Hồ Chủ tịch từng
sống và làm việc trong những ngày đầu kháng chiến. Đây cũng là địa điểm đầu
tiên Đài tiếng nói Việt nam chuyển về sau khi rời Hà Nội để tiếp tục làm việc
(từ ngày 20-12-1946 đến ngày 4-3-1947. Chính từ đây Đài tiếng nói Việt nam đã
phát đi Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến vào ngày 20-12-1946.
Chùa Trầm: Ngôi chùa chính xây dựa vào vách núi. Chùa nhỏ
nhưng sân rộng lại có nhiều cây cổ thụ nên tạo không gian trang nghiêm, thanh tịnh.
Xưa kia toàn bộ khu núi Trầm là nơi vua Lê, chúa Trịnh đặt hành cung.
Hội làng Trầm được tổ chức vào 2/2 âm lịch. Vào dịp lễ hội
chùa Trầm, du khách về dự lên tới hàng nghìn người. Trong những ngày cuối tuần
cũng có hàng trăm người đến vãn cảnh thăm chùa. Núi Trầm, Chùa Trầm là một điểm
quan trọng trong du lịch Hà Nội, một địa chỉ văn hóa - lịch sử thu hút ngày
càng nhiều du khách gần xa.
Chùa Hang được xây dựng trong động Long Tiên dưới chân núi Tử
Trầm Sơn cách chùa chính về bên trái. Bề ngang cửa hang chỉ hơn 7 mét, chiều
cao trên 3 mét nhưng bên trong là một hệ thống hang động liên hoàn cao rộng hiếm
thấy. Trong động bày bàn thờ Phật cùng những pho tượng đá. Có giá trị văn học
là 15 tác phẩm thơ văn khắc trên vách động, vịnh cảnh chùa.
Hang Trầm còn được biết đến vì một sự kiện lịch sử trong thời
kỳ kháng chiến chống Pháp. Ngày 19-12-1946, cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ,
thì một ngày sau, ngày 20-12, tại đây, Đài Tiếng nói Việt Nam đã phát đi Lời
kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ tịch.
Chùa Vô Vi ở Phụng Châu, Chương Mỹ: Vào thế kỷ thứ X, một
trong những thủ lĩnh của 12 sứ quân đến đây mai danh ẩn tích tại núi Trầm rồi dựng
lên ngôi chùa Vô Vi. Thời Tiền Lê, chùa xây dựng ở chân núi có tên gọi là Phúc
Trù tự. Thời Trần chùa được xây dựng ở lưng núi gọi là Trai Tinh tự. Thời Hậu
Lê, niên hiệu Hồng Thuận 6 (1514) chùa dời lên gần đỉnh núi như ngày nay, đổi lại
tên như thời Đinh là Vô Vi tự.
Chùa Vô Vi
Nổi tiếng nhất trong ba ngôi cổ tự chính là chùa Vô Vi cách
chùa chính khoảng 1 km. Chùa được xây dựng năm (968). Bước lên mấy chục bậc đá,
ở một chặng dừng nghỉ, ta bắt gặp tấm bia đá lớn phía bên trái, khắc bài thơ của
Trần Văn Tăng viết bằng chữ Nôm: Trùng phảng Vô Vi Tự
Chùa còn có quả chuông đồng đúc năm 1814 thời Nguyễn. lên
100 bậc thang đá quanh co là lầu Nghênh Phong trên đỉnh núi, nơi du khách có thể
trải tầm mắt ngắm toàn bộ khung cảnh của vùng danh thắng núi Trầm và ngắm cảnh
đồng quê trù phú một vùng ven sông Đáy..
Nhân dân Chương Mỹ sớm giác ngộ cách mạng và một lòng theo Đảng,
ngày 26/11/1938, chi bộ Yên Trường, xã Trường Yên được thành lập, gồm 04 đảng
viên. Đây là tổ chức Đảng Cộng sản đầu tiên được thành lập ở Chương Mỹ, đánh dấu
một mốc son lịch sử, một bước phát triển mới trong phong trào đấu tranh cách mạng
ở huyện.
Từ đây Chi bộ Đảng là hạt nhân đã lãnh đạo nhân dân trong
huyện cùng cả nước thực hiện thắng lợi cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945, lật đổ
chế độ phong kiến, giành chính quyền về tay nhân dân và liên tiếp những năm
tháng sau đã cùng cả dân tộc đấu tranh giành chiến thắng trong 02 cuộc kháng
chiến vĩ đại chống thực dân Pháp và chống Đế quốc Mỹ. Trong 02 cuộc kháng chiến
oanh liệt này, huyện Chương Mỹ đã có 3.346 liệt sỹ, 1.298 thương binh và 901 bệnh
binh.
Với những thành tích và đóng góp to lớn trong 02 cuộc kháng
chiến chống Pháp và chống Mỹ của dân tộc, ngày 01/2/2002 nhân dân và Lực lượng
vũ trang huyện Chương Mỹ đã được Đảng và Nhà nước phong tặng danhh hiệu “Anh
hùng lực lượng vũ trang Nhân dân”. Lễ đón nhận danh hiệu cao quý này, được Đảng
bộ, chính quyền, nhân dân và Lực lượng vũ trang trong huyện tổ chức trọng thể
vào ngày 27/3/2002.
Cùng với đó, đến nay
huyện Chương Mỹ đã có 08 xã, thị trấn đã được Đảng và Nhà nước phong tặng danh
hiệu cao quý “Đơn vị anh hùng lực vũ trang nhân dân” đó là xã Trường Yên, Tiên
Phương, Thủy Xuân Tiên, Đại Yên, Trần Phú, Nam Phương Tiến, Hòa Chính và thị trấn
Xuân Mai. Cùng với 8 xã, thị trấn, huyện còn có liệt sỹ Nguyễn Thị Hạp xã Hoà
Chính, liệt sỹ Tống Quang Huyên xã Tiên Phương được truy tặng danh hiệu Anh
hùng lực lượng vũ trang nhân dân, 276 bà mẹ được phong tặng, truy tặng danh hiệu
vinh dự “Mẹ Việt Nam anh hùng”, 23 đồng chí được công nhận là cán bộ lão thành
cách mạng và 17 cán bộ tiền khởi nghĩa, cùng hàng ngàn Huân, Huy chương các loại. Đó là những phần thưởng cao quý có sức mạnh cổ
vũ động viên tinh thần to lớn để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Chương
Mỹ tiếp tục phát huy trong giai đoạn cách mạng mới.