Tương truyền các Vua Hùng, quần thần và tướng lĩnh của triều đình ngao du qua vùng đất này săn bắn và nghỉ lại. Để ghi lại các dấu ấn đó Vua Hùng đã truyền cho các Bộ Tướng xây dựng đình, chùa đền, miếu ở khắp các làng trong huyện.
Tam Nông là huyện miền núi, có địa hình bán sơn địa. Từ thế
kỷ X đến thế kỷ XVII Tam Nông có tên gọi là huyện Cổ Nông thuộc châu Đà Giang,
lộ Tam Giang. Huyện được chia thành 5 tổng; Tổng Hiền (Hiền Quan), Tổng Tứ (Tứ
Mỹ), Tổng Văn (Văn Lang), Tổng Dị (Dị Nậu) và Tổng Nung (Thượng Nông). Ngày nay
huyện gồm 19 xã và 1 thị trấn. Trung tâm huyện cách Đền Hùng khoảng 15km.
Do điều kiện địa lý và thiên nhiên ưu đãi, Tam Nông là huyện
ngoại biên của Đền Hùng và có nhiều phong cảnh “sơn thủy hữu tình”.
Tương truyền các Vua Hùng, quần thần và tướng lĩnh của triều
đình ngao du qua đây săn bắn và nghỉ lại. Để ghi lại các dấu ấn đó Vua Hùng đã
truyền cho các Bộ Tướng xây dựng đình, chùa đền, miếu ở khắp các làng trong huyện.
Như Đình Cổ Tích (nay gọi là Cổ Tiết) thờ Tản Viên Sơn Thánh, Công chúa Ngọc
Hoa (vợ Tản Viên) cùng các sĩ vương và ngũ đẳng thần.
Đình làng Phú, làng Phụ, làng Tự và làng Nam Cường đều thờ
Xuân Nương (nữ tướng kiệt xuất của Hai Bà Trưng). Đình làng Xuân Quang thờ Cao
Sơn và Quý Minh là 2 tướng giỏi của Tản Viên...
Về chùa có chùa Linh Thông Tự và Danh Lam Tự (Văn Lang) chùa
Hàng Gò (Hương Nộn) chùa Tân Hưng (Hưng Hóa)... Ngoài ra còn nhiều đền miếu như
đền Núi Mai (còn gọi là Núi Mủi) và đền Mom Cheo (Thanh Uyên), đền Liên Trì
(Văn Lương)... Ở Văn Lương còn có đền thờ Lý Bí (Lý Bôn) là vị tướng dũng cảm cầm
quân đánh giặc Lương năm 542 đến 546.
Ông chọn gò Cổ Bồng (còn gọi là động Khất Lão) xã Văn Lương
làm căn cứ kháng chiến. Sau chiến thắng trận đầu ở Điển Triệt (xã Yên Lập, huyện
Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc ngày nay) ông trở về căn cứ. Về đây ông tự xưng là Lý Nam
Đế và đặt tên nước là Vạn Xuân.
Ngoài đền thờ Lý Nam
Đế ở Tam Nông còn có cột cờ Hưng Hóa. Cột cờ giống hệt cột cờ Hà Nội, Sơn Tây,
Nam Định và Huế cả về kích thước, mẫu mã và hoa văn. Hiện cột cờ đang được tu tạo
và chuẩn bị khánh thành. Ở xã Cổ Tiết còn có khu nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí
Minh.
Trong kháng chiến chống
Pháp, trên đường từ Hà Nội lên căn cứ Tân Trào (Tuyên Quang) Bác nghỉ lại làng
Cổ Tiết từ 4 đến 18/3/1947. Vào ngày sinh nhật Bác 19/5 và ngày Quốc khánh 2/9
hàng năm nhân dân trong huyện và các đoàn khách thăm quan về đây thắp hương, tưởng
niệm và báo công với Bác.
Đó là những công trình văn hóa mang tính vật thể có ý nghĩa
rất lớn về lịch sử và chính trị. Qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ có một
số đình đền đã bị mai một do bom đạn. Thực hiện nghị quyết của Ban chấp hành
Trung ương Đảng lần thứ V khóa VIII về phát huy và bảo tồn đậm đà bản sắc văn
hóa dân tộc, các làng xã trong huyện đã từng bước tu tạo lại các công trình
trên. Đến nay nhiều di tích đã được tỉnh và Nhà nước công nhận là di tích lịch
sử văn hóa cấp tỉnh và cấp Quốc gia.
Gắn với các di tích lịch sử văn hóa mang tính vật thể trên
đây là các lễ hội văn hóa dân gian. Các lễ hội đều diễn ra vào tháng giêng, hai
âm lịch hàng năm. Như lễ hội cướp Kén làng Núc (Dị Nậu). Lễ hội thi rước Kiệu
làng Văn Lang. Kiệu đẹp nhất được chọn rước sang Đền Hùng vào ngày 7, đến ngày
13/1 rước về làng. Ngày rằm tháng giêng các phe giáp trong làng tổ chức ăn
khao, múa hát và kể chuyện cười tại đình.
Ngày nay tuy đình không còn nhưng xã Văn Lương vẫn tổ chức
rước kiệu ra đền thờ Tản Viên Sơn Thánh ở xóm Phú Đỉnh và tổ chức thi kể chuyện
cười vào ngày 10 tháng giêng.
Lễ hội Sát ngưu làng Gia Áo, lễ hội đâm trâu làng Hương Nha,
Xuân Quang, lễ hội cướp bánh dày ở Đền Mủi làng Thanh Uyên, lễ hội Mo Nan làng
Nam Cường đều diễn ra từ mùng 6 đến 7 Tết Nguyên đán. Lễ hội cướp phết làng Hiền
Quan từ 12-13 tháng Giêng và còn nhiều lễ hội khác ở các làng trong huyện.
Cùng với các lễ hội ở Tam Nông còn có những di tích văn hóa
dân gian phi vật thể rất đáng được phát huy và bảo tồn. Đó là di sản văn hóa
“Làng cười Văn Lang” và Hát Ghẹo làng Nam Cường. Ngoài ra ở Tam Nông còn có nhiều
di chỉ khảo cổ liên quan đến văn hóa cội nguồn: Di chỉ Động Khuất Lão (Văn
Lương), di chỉ ghi chiến tích cuộc chiến đấu của Xuân Nương ở đình Nam Cường
(Thanh Uyên), di chỉ gò Con Lợn, đồi Nghiên Bút và một số di chỉ khác ở Thượng
Nông, Hồng Đà và Dị Nậu... rất đáng được tôn tạo, giữ gìn để phục vụ khách thăm
quan du lịch.
Với đặc thù có nhiều di tích lịch sử văn hóa vật thể và phi
vật thể cùng các lễ hội văn hóa dân gian cho thấy huyện Tam Nông có tiềm năng
du lịch lớn, cần đầu tư, khai thác để thu hút được du khách mọi miền đến thăm
quan du lịch. Từ đó tạo nguồn thu ngân sách góp phần tích cực phát triển kinh tế
- xã hội để trở thành huyện công nghiệp và dịch vụ du lịch.