Đền Y Sơn hay còn gọi là Đền IA. Đền Y Sơn thờ Đức thánh Hùng Linh Công, cùng Phù Đổng Thiên Vương đánh dẹp giặc Ân cứu nước, được nhân dân trong vùng ngưỡng vọng, thờ phụng từ lâu đời.
Đền Y Sơn - nơi thờ Đức Thánh Hùng Linh Công. Ảnh:BGP/Trâm
Anh.
Sự tích Danh tướng Hùng Linh Công
Cách thị trấn Thắng - trung tâm huyện Hiệp Hòa 7 km về phía
Tây, Đền Y Sơn được xây dựng dưới chân núi Ia, thuộc xã Hòa Sơn, huyện Hiệp
Hòa, tỉnh Bắc Giang. Đền nằm trong quần thể Di tích lịch sử Văn hóa Y Sơn bao gồm
đền Hạ, đền Thượng, giếng Tiên và chùa. Cả 3 nơi này đều gắn liền với sự tích đức
thánh Hùng Linh Công – Người có công dẹp loạn Lang Thú hổ báo và đánh giặc Ân
cùng với Đức Thánh Gióng vào thời kỳ Hùng Vương thứ 6. Đền được nhà nước cấp Bằng
công nhận di tích lịch sử - văn hóa năm 1994.
Theo truyền thuyết và các tài liệu thư tịch cổ thì vào thời
kỳ Hùng Vương thứ 6 có quan trị sự xứ Kinh Bắc tên là Hùng Nhạc dòng dõi Hùng
Vương. Ông đã ngoài 60 tuổi, bà ngoài 40 tuổi mà vẫn chưa có con trai. Nhân
ngày đầu xuân, ông bà đi thăm Châu Lạng và vãng cảnh trên dòng sông Như Nguyệt
(sông Cầu ngày nay), qua vùng núi Ia thì trời sẩm tối. Ông bà đã vào chùa Ia (Y
Sơn Tây Tự) nghỉ trọ lễ phật cầu phúc. Đêm ấy xảy ra thần mộng: “Thiên thần thị
ngã ứng hoài thai”.
Sau đó, quan bà Cao Tiên phu nhân mang thai sinh ra một người
con trai vào ngày 12 tháng 10 năm Đinh Hợi, đặt tên là Hùng Linh Công. Hùng
Linh Công khôi ngô tuấn tú, năm 17 tuổi văn võ song toàn. Đức vua nghe tin đã
triệu về Kinh đô để thi kén hiền tài. Hùng Linh Công tỏ ra xuất sắc.
Khi có giặc lang thú, hổ, báo phá hoại dân lành, Đức vua sai
Hùng Linh Công cầm quân đi dẹp. Người đã dẹp yên và bắt những con mãnh thú đầu
đàn mang về nuôi thuần hóa để sử dụng.
Khi giặc Ân xâm lược nước ta, Đức vua giao cho Hùng Linh
Công ba vạn quân và phong chức Nhạc phủ thống lĩnh tướng quân cầm quân dẹp giặc
cùng Đức Thánh Gióng. Sau khi đánh tan quân giặc, đất nước thanh bình, Hùng
Linh Công trở lại vùng núi Ia, thấy phong cảnh non xanh nước biếc, sơn thủy hữu
tình, Người đã đóng bản doanh tại đây và hiển thánh vào ngày mùng 8 tháng 8 Âm
lịch.
Hôm ấy đang trời quang mây tạnh, bỗng mây đen kéo đến, mưa
gió, sấm chớp nổi lên và có 3 tiếng sét trên đỉnh núi, dân chúng thấy một người
mình mặc giáp trụ, tay cầm thanh kim đao cưỡi con hổ đen bay lên trời. Sau đó,
Hùng Linh Công biến mất. Tạnh mưa, dân làng lên đỉnh núi thấy cây trầm cổ thụ
trên đỉnh núi héo khô, dân làng thấy làm điềm lạ đã mang cây tạc tượng Hùng
Linh Công, lập đền phụng thờ để bày tỏ lòng thành kính nhớ ơn.
Sau khi Phụ thân và Mẫu thân Hùng Linh Công từ trần, Đức vua
cảm kính trước câu chuyện thần mộng và công lao của Người đối với dân, với nước
nên đã cho dân làng thờ hai ông bà Hùng Nhạc tại Hậu đường chùa Ia (Y Sơn Tây Tự)
và phụng thờ Hùng Linh Công tại đền Ia.
Tưởng nhớ công ơn
Khu đền Thượng nằm trên đỉnh núi Y Sơn. Ảnh: BGP/Trâm Anh.
Trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm lịch sử, Di tích lịch sử
- văn hóa đền Y Sơn hiện còn lưu giữ được nhiều hiện vật thần khí, tế khí quý
hiếm như: 21 đạo sắc phong của các triều đại từ triều Hậu Lê, Tây Sơn đến triều
Nguyễn, Lư hương thế kỷ thứ XV, quạt nan bằng ngà voi, voi đá, ngựa đá, hoành
phi, câu đối cổ. Trên đỉnh núi Ia - nơi Hùng Linh Công hóa thánh, dân làng xây
dựng đền Thượng để phụng thờ tưởng nhớ. Trước cửa đền Thượng có giếng Tiên. Tương
truyền những đêm sáng trăng đẹp trời, các nàng tiên thường xuống đây múa hát,
đánh cờ, chải tóc, soi gương bên giếng nước.
Để bày tỏ lòng biết ơn Đức Thánh Hùng Linh Công và song thân
của Người, hàng năm vào rằm tháng Giêng Âm lịch, nhân dân trong vùng tổ chức lễ
hội, gọi là Tích hội thánh mẫu phu nhân, còn cứ 3 năm 1 lần, hội lại được tổ chức
với quy mô lớn, diễn ra từ ngày 15-17 tháng Giêng Âm lịch.
Lễ hội Y Sơn
“Vui nhất là hội chùa Thầy
Vui thì vui vậy, chẳng tày hội IA”
Hội đền chùa Y Sơn (hay còn gọi là IA) được tổ chức vào dịp
xuân thu nhị tại xã Hoà Sơn huyện Hiệp Hoà. Đây là lễ hội cổ truyền có từ lâu đời.
Nơi đây thờ đức thánh Hùng Linh - người có công giúp vua Hùng dẹp giặc Ân, mang
lại bình yên cho đất nước.
Ngoài những cuộc tế lễ, dẫn rước theo nghi thức cổ truyền, hội
còn tổ chức nhiều trò chơi dân gian như đánh đu, bịt mắt bắt dê (con dê thật ),
nhảy phỗng, đánh cờ người, diễn tuồng, hát chèo và nhiều trò chơi khác.
Đền IA
là tên thường gọi là đền Y Sơn nằm ở phía Đông của núi Y Sơn nên có tên chữ là
Y Sơn Đông Từ , vốn là một công trình kiến trúc cổ, kiểu " nội công ngoại
quốc " khá hoành tráng. Chùa IA ( chùa Sơn Y ) có tên chữ là Y Sơn Tây Tự, vốn là một
thiên tự cổ, nằm trên sườn phía tây của núi IA, là một quần thể kiến trúc gồm
toà tam bảo, thượng điền, hậu đường.
Toà hậu diện thờ thánh Phụ, thánh Mẫu - cha mẹ đẻ của đức
thánh hùng Linh Công. Trước đây, lễ hội là của 3 xã ( gồm: Hoà Sơn, Mai Sơn,
Thù Cốc ); Lục Giáp ( Hương Trù, Hoà Thuận, Tiên Cảnh, Trại Chuyên, thuộc xã
Hoà Sơn) và giáp Thù Cốc; giáp Mai Sơn .
Giáp nào đứng ra đăng cai sẽ phải chịu trách nhiệm toàn bộ mọi
công việc diễn ra trong dịp hội. Tuy nhiên, giáp đăng cai không phải thửa voi,
ngựa, còn 5 giáp, mỗi giáp phải thửa một cỗ voi, hai cỗ ngựa ( một hồng, một bạch
), vị chi là 5 cỗ voi, 10 cỗ ngựa. Voi có bành, ngựa có yên đều phải đặt trên
giá có bánh xe để chuyển được dễ dàng và một tàu che.
Mỗi giáp lại phải tuyển chọn 1 nam làm quản tượng và 3 nữ
làm tướng cưỡi trên những cỗ voi, cỗ ngựa của giáp mình. Tiêu chuẩn chọn tướng
và quản rất nghiêm ngặt, chỉ được trong độ tuổi 16, 17 đẹp người, đẹp nết, đẹp
gia phong, chưa vợ, chưa chồng. Nói theo chữ trong " Phái hội Y sơn "
thì nam thanh, nữ tú phải "sắc vụ tinh hoa, y mạo đoan nghiêm ".
Năm nam mặc quần áo quản tượng, mười lăm nữ mặc quần lụa, áo
dài lụa, đội khăn lụa mầu sắc xanh, đỏ, tím, vàng theo cổ truyền, chân đi hài.
Trước ngày lễ hội, các tướng và các quản đều phải luyện các nghi thức và những
thao tác khi lễ.
Khó nhất là lễ rún. Nữ tướng khi lễ hai tay đặt trước ngực,
tay phải đặt trên tay trái đặt dưới trong tư thế trang nghiêm, mắt nhìn thẳng,
hai chân từ từ run xuống, khi đầu gối đặt xuống, khi đầu gối đặt tới đất thì gập
người xuống rồi lại từ từ ngẩng lên, 4 lần thư thế là 4 lễ.
Còn nam quản tượng tay phải cầm cờ đuổi theo vác vai, tay
trái đặt lên ngực cũng lễ rún như nữ. Khi hai gối đặt tới chiếu, tay phải phất
cờ rồi từ từ gập người xuống rội lại từ từ ngẩng lên, bốn lần như vậy - tức bốn
lễ. Lễ " kéo quân đập đất ". " kéo chữ " cũng được luyện tập
trước cho thất thành thạo.
Nghi lễ trong 3 ngày được sắp đặt khá chặt chẽ:
- Ngày 15: tất cả các giáp rước kiệu, có cờ quạt, chiêng trống
tập trung về đền – nơi thờ thánh Hung Linh Công. Sau khi làm lễ tại đền, tất cả
lại rước sang chùa cùng hai cỗ ngựa thần bằng gỗ ( một hồng, một bạch đặt trên
giá gỗ có bánh xe. Lễ rước ngựa thần mở đầu ngày hội rất đông vui.
Khách trẩy hội đi theo đoàn rước kiệu tiếp nối dài từ đền
sang chùa, vượt qua núi Yên Ngựa. Khi đoàn rước tới chùa, ngựa thần được đặt
vào vị trí có bệ đứng trang nghiêm, rồi rước nồi hương xuống nhà hội và rước
chuối dò vào chùa đề làm lễ. Một cây chuối được chọn theo tiêu chuẩn quy định để
cắm những cây dò. Đó là một thanh tre bánh tẻ, dài hai gióng, vót sao chụm lại ở
một đầu như bông hoa (giống như cây dò ở đền Sóc Sơn nhưng để trằng không nhuộm
đỏ).
Bên bông hoa dò còn nhuộm một ré lúa sai bông mẩy hạt. Mỗi
giáp làm 10 cây dò như vậy. Sáu mươi cây dò ( 6 giáp ) cắm vào thân cây chuối rồi
rước vào chùa gọi là rước dò. Bông hoa dò và ré lúa tượng trưng cho lòng thành
cầu trì khấn phật mưa thuận gió hoà, cho cây trái mùa màng đơm hoa kết quả.
Khi tế lễ xong, những bông hoa dò đó phân phát về các giáp để
biếu các cụ thất – bát – cửu thập niên. Tiếp sau là lễ: “ cuốn cờ đập đất ”. Tất
cả các quan viên và trai đồ các giáp mang theo cờ quạt, chiêng trống, mặc áo,
quấn khăn, gon quần theo nghi thức truyền thống, kéo quân đến một khoảng đấtt rộng
chừng gần một mẫu ( đã được chuẩn bị sẵn ) do một ông quan viên điều khiển theo
hiệu trống.
Đoàn quân đi theo hình vành chảo, cuốn 3 vòng. Vừa đi vừa nổi
chiêng trống rồm rộ. Sau kéo thành hàng dài rồi gấp lại cắt thành chữ tâm đứng
thành ba hàng, dàn đều cờ trống.
Theo nhịp trống và tiếng hò của quan viên điều khiển, đoàn
quân làm những động tác như: đứng nghiêm, ngồi xuống, hạ cờ xuống, vác cờ lên,
quay phải, quay trái…có tới mấy chục động tác ăn nhịp với tiếng trống.
Tiếp theo là lễ “kéo chữ ” tức xếp chữ. ở đây người ta thường
xếp các chữ: nhân, tâm, đức bằng chữ Hán.
- Ngày 16: tướng và quản tượng lên voi, xe vào chùa lễ Phật.
Trên bành 5 cỗ voi có 5 nam quản tượng và 5 nữ tướng. Cách lễ là lễ rún ( như
đã kể trên ). Tiếp theo lại diễn lễ “ cuốn cờ đập đất ” và “ kéo chữ ”.
- Ngày 17: là ngày vui nhất, náo nức nhất, cũng là ngày cuối
của hội. Khoảng ban mai hôm ấy, tất cả tướng và quản đều lên voi, ngựa. Trước
khi vào chùa làm lễ, 5 quản tượng và 5 nữ tướng phải qua 3 vòng khám.
Đây là giờ phút rất trang nghiêm, đòi hỏi các tướng và quản
phải thể hiện đúng “ sắc vụ tinh hoa, y mạo đoan nghiêm”. Đoàn khám tướng, quản
có 6 kiệu, đi 3 vòng qua hàng voi ngựa các giáp. Khi kiệu rước và ngựa thần đi
qua hàng các tướng và quản, mắt phải nhìn thẳng không được chớp. Nét mặt tươi
cười, ngồi thẳng tư thế đường bệ.
Việc khám do giáp đăng cai phụ trách được tiến hành nghiêm
túc và chính xác. Qua 3 vòng khám, tướng và quản nào đạt tiêu chuẩn thì được
thưởng, khiếm khuyết thì phải phạt.
Nghi thức lễ là lễ rún. Đây là buổi lễ long trọng nhất, vui
nhất. Khi nhìn các nữ tướng và nam quản tượng trong bộ trang phục lễ hội truyền
thống, trong tư thế lễ rún mới thấy rất kỳ công, nhưng thao tác nhịp nhàng, uyển
chuyển, vừa cung kính, vừa đẹp mắt.
Khu Di tích lịch sử văn hóa đền Y Sơn còn là nơi diễn ra nhiều
sự kiện cách mạng. Năm 1940, trên đỉnh núi Ia đã xuất hiện cờ đỏ búa liềm của Đảng.
Ngày 22/02/1940, nhân ngày hội Ia, ông Lê Hoàng - Ủy viên Trung ương Đảng xứ Bắc
Kỳ đã diễn thuyết tuyên truyền cách mạng.
Ngày 12/7/1945, ông Lê Quang Đạo - cán bộ cách mạng đã chủ
trì tổ chức nhân dân 3 huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang), huyện Phú Bình, Phổ Yên
(Thái Nguyên) mít tinh biểu dương lực lượng chuẩn bị tổng khởi nghĩa tháng
8/1945. Năm 1966, dân quân xã Hòa Sơn trực chiến trên đỉnh núi Ia, dùng súng bộ
binh bắn rơi 01 máy bay phản lực Mỹ và được Nhà nước tặng thưởng Huân chương
chiến công hạng Ba.
Khu di tích lịch sử văn hóa đền Y Sơn đã được tu sửa nhiều lần.
Trải qua thăng trầm của thời gian, khu di tích ngày càng khang trang, đẹp đẽ
hơn nhưng vẫn mang đậm nét tôn nghiêm, xưa cũ.
Đến thăm Di tích lịch sử - văn hóa đền Y Sơn, quý khách được
thấy lại quá khứ, tưởng niệm và bày tỏ lòng biết ơn Người anh hùng dân tộc có
công với dân với nước.
Được chiêm ngưỡng những hiện vật, đồ thờ quý hiếm, thưởng thức
phong cảnh non xanh nước biếc, sơn thủy hữu tình, tận hưởng hương đồng gió nội,
leo núi, đi dưới tán những cánh rừng thông bạt ngàn, xanh rờn, mát rượi, để
chúng ta càng thêm yêu hơn quê hương, đất nước, cùng nhau đoàn kết giữ gìn, xây
dựng và phát triển.