Trong cuộc khởi nghĩa Nhị vua Hai Bà Trưng chống quân Hán (năm 40 sau công nguyên), Nàng Giã tập hợp lực lượng những người yêu nước trong vùng đứng lên chống giặc, giành lại độc lập dân tộc. Nữ tướng đã chiến đấu và hy sinh oanh liệt trên mảnh đất quê hương
Với chủ đề "Đất
lưu truyền văn võ - Xuân hội tụ anh hùng", Ban tổ chức lễ hội Cầu Vồng
chọn cụm di tích Lý Cốt (xã Phúc Sơn- Bắc Giang) là một trong 5 điểm lấy và
rước ngọn lửa thiêng về quy tụ tại khu trung tâm của lễ hội năm 2015. Đây là
cụm di tích gắn với huyền thoại Danh tướng Nàng Giã đại thần.
Tọa lạc trên đồi cao, hướng ra xứ đồng Vắng,
cụm di tích đình, chùa, nghè Lý Cốt là nơi sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của
nhân dân 4 thôn: Luông, Trám, Lý Cốt, Đài Sơn.
Đình là nơi thờ thần Cao Sơn, Quý Minh đại
vương và Đức thánh Tam Giang;
Nghè thờ Nàng Giã đại thần (nữ tướng thời Hai
Bà Trưng), các triều đại Lê - Nguyễn sắc phong cho bà là "đại thần"
nên có tên ghép là Nàng Giã đại thần. Theo một số tài liệu, đình Lý Cốt được
khởi dựng thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVII-XVIII), trước đây đình rất bề thế,
gồm 5 gian tiền tế, ba gian hậu cung, hai tòa dải vũ, đao cong, mái lượn, toàn
bộ kiến trúc bằng gỗ lim nhưng do thời gian nên bị đổ nát, qua nhiều lần trùng
tu nhân dân đã phục dựng lại vững chắc.
Đình có ba gian, hai chái và một hậu cung,
kết cấu kiến trúc kiểu chữ đinh (J), cửa thượng song hạ bản, tại đây còn lưu
giữ bài vị, ngai thờ, hậu bành và một số di vật cổ thời Lê - Nguyễn. Đặc biệt,
nhân dân trong vùng còn lưu truyền huyền thoại rằng: Nàng Giã tên thật là Dương
Thị Giã, người làng Chuông (Nhã Nam).
Vào thời Hai Bà Trưng chống quân Hán (năm 40
sau công nguyên), Nàng Giã tập hợp lực lượng những người yêu nước trong vùng
đứng lên chống giặc, gìn giữ mảnh đất quê hương.
Rồi từ đây đoàn quân của bà tiến về Mê Linh
nhập vào hàng ngũ của nghĩa quân Hai Bà Trưng, bà được phong làm nữ tướng và
lập nhiều chiến công hiển hách. Có thời gian Nàng Giã cho quân về vùng núi Đót
(xã Yên Lý) chờ thời cơ thuận lợi tiến công, nghĩa quân phải nếm mật nằm gai,
ăn cơm nắm, cơm lam, nhân dân không ra đồng để chờ lệnh đánh giặc.
Trong một trận quyết chiến ác liệt, vì lực
lượng yếu nên bị thất thủ, dù thương tích đầy người nhưng bà vẫn một mình một
ngựa phá vòng vây của giặc để về nhà, đến núi Đót bên cạnh giếng Hà (làng Lý
Cốt, xã Phúc Sơn ngày nay) thì trẫm mình tuẫn tiết, khu vực này hiện vẫn còn
phần mộ của bà.
Để tưởng nhớ công lao Nàng Giã, nhân dân
trong vùng đã lập nghè thờ và lấy ngày mùng 8 tháng 4 âm lịch (ngày giỗ của bà)
làm lệ làng. Vào ngày này, người dân 4 thôn trên có tục "cấm lửa" và
"cấm đồng", theo đó không ai ra đồng, không ai đốt lửa mà chỉ ăn cỗ
nguội, cơm nắm, bánh dày tế thần nấu từ hôm trước. Dân gian có câu:
Trám,
Luông, Lý Cốt, Phẩm, GiàngTháng Tư, mồng tám giỗ Nàng Giã tiên
Được biết, đình làng Chuông (Nhã Nam, Tân
Yên) cũng thờ Nàng Giã đại thần. Vì vậy, từ xa xưa Lý Cốt - Nhã Nam đã kết ước
nhận nhau làm anh em, giúp đỡ nhau lúc hoạn nạn, gian khó, đời nối đời, con
cháu đều tuân theo lệ cổ. Dân trong vùng thường nói "Đình Lý Cốt, cột Nhã
Nam" để khẳng định sự gắn bó, đoàn kết giữa hai làng.
Cổng tam quan đình Làng Chuông
Hội lệ đình Lý Cốt
vào 14 tháng Giêng và mùng 8 tháng Tư âm lịch, ngày này sẽ tổ chức rước, tế lễ
trang nghiêm, đặc biệt đồ cúng, rước phải có thịt gà đen, xôi đen, tàn lọng
cũng màu đen.
Cùng đó là các trò chơi dân gian như đấu vật,
kéo co, chọi gà, cờ tướng, bịt mắt đập niêu, hát quan họ... thu hút đông đảo
nhân dân trong vùng đến dự. Với những giá trị và ý nghĩa đó, năm 2004, cụm di
tích đình, chùa, nghè Lý Cốt và phần mộ Nàng Giã được xếp hạng di tích lịch sử,
văn hóa cấp tỉnh. Năm 2005, đình được Nhà nước hỗ trợ kinh phí đầu tư tôn tạo,
tu sửa thêm phần khang trang, tố hảo.
Ngoài đình Lý Cốt, Lễ hội Cầu Vồng sẽ lấy lửa
tại các điểm: Đình Hả (xã Tân Trung) - nơi diễn ra lễ tế cờ của nghĩa quân Đề
Thám trong cuộc khởi nghĩa Yên Thế; đền Cả Trọng (con trai cụ Đề Thám) tại thị
trấn Nhã Nam đình Vồng (xã Song Vân) - nơi thờ 18 vị quận công họ Dương; lăng
Phục Chân Đường (xã Việt Lập) - nơi thờ tiến sĩ Giáp Đăng Luân (thế kỷ XV).
Nguồn: Báo Bắc Giang - Nguyễn
Hưởng