Đình làng Cư An, xã Tam Đồng thờ di tích thờ tướng Phạm Huyền Thông - Thái Úy thống lĩnh tiền quân thủy bộ thời Đinh sau được phong Thái Úy Thượng Quốc Đại Vương.
Thái úy Phạm Huyền Thông là người trang Hồ Liên (Thanh Oai),
tham gia đánh dẹp các sứ quân Ngô Xương Xí, Nguyễn Siêu, Phạm Bạch Hổ. Ông cũng
được thờ ở quê hương Đình Phương Mỹ xã Mỹ Hưng, Thanh Oai.
Làng Cư An xã Tam Đồng, huyện Mê Linh lúc mới lập gọi là
Trang Cự Triền rồi Cư Dền. Có lẽ gọi theo tên Thành Dền do bà Trưng Nhị cho dân
dời làng ra khu mới để xây thành chăng? Địa danh Cư An có sự thay đổi:
Trước năm 1915 thuộc tổng Hạ Lôi, phủ Yên Lãng, tỉnh Phúc
Yên. Năm 1950 thuộc tỉnh Vĩnh Phúc. Năm 1968 thuộc tỉnh Vĩnh Phú. Năm 1979 thuộc
Hà Nội. Năm 1991 thuộc tỉnh Vĩnh Phúc. Và từ tháng 8 năm 2008 lại trở về Hà Nội.
Bản thần tích do tiến sĩ Nguyễn Cố phụng sao năm Canh Dần
1470 kể: Năm 43, vua Hán Quang Vũ phái Mã Viện và Lưu Long đưa quân đến bờ cõi
nước ta. Trưng Vương truyền lệnh khẩn cấp đi các nơi để các tướng lĩnh sẵn sàng
đánh giặc. Trận đầu từ ngoài biên ải, quân ta và quân Hán quần nhau quyết liệt.
Giặc Hán chết như ngả rạ. Mã Viện phải xin thêm quân và tiến đến Lãng Bạc thì gặp
đội tiền quân của nhị vua Hai Bà Trưng. Tướng Hán là Bình Hầu bị trúng tên do đội
quân của Nhị vương Trưng Nhị chỉ huy. Ở đây quân sĩ hai bên đều thương vong vô
số kể.
Sau trận này Vua Trưng Vương cho lui binh về giữ tại thành Hạ
Lôi (Mê Linh). Nhị thánh Trưng Nhị đưa quân về trấn giữ thành Cự Triền. Quân Mã
Viện rất đông kéo đến vây thành Mê Linh, quân ta và quân giặc đánh nhau rất dữ
dội, quân giặc chết nhiều, quân số bị hao hụt Mã Viện phải cử tỳ tướng về tâu
vua Hán và xin thêm viện binh. Vua Hán lo sợ cho tiếp thêm nhiều quân đưa sang
nước ta. Nhận được thêm viện binh bổ sung, y củng cố lực lượng và dùng lực lượng
vừa đông vừa mạnh để vây thành, tình thế trở nên ngặt nghèo và nguy cấp.
Nhị vương Trưng Nhị được tin cấp báo, liền cho đem lương thực
và binh sĩ đến tiếp viện giải vây. Quân ta từ thành Cự Triền được chia ra nhiều
mặt tiến quân thẳng hướng về thành Mê Linh với khí thế bừng bừng quyết tâm chiến
đấu để giết giặc cứu thành. Mã Viện đem quân đón đánh viện binh của ta nhưng đã
bị quân ta từ bốn mặt vây đánh. Giặc Hán bị thiệt hại nhiều nên chúng giãn binh
lui ra xa thành.
Trong trận quyết liệt này, Thánh vương Trưng Nhị dũng cảm và
mưu trí đã giết được tên tỳ tướng và nhiều binh sĩ của giặc Hán. Quân ta thắng
lớn, thành Mê Linh được giải vây. Sau khi bị thua, Mã Viện lại sai người đưa sớ
về tâu vua và lại được gửi thêm quân, chúng lại đưa quân đến vây hãm thành Mê
Linh, lần này lực lượng đông gấp bội.
Đối mặt với lực lượng kẻ thù mạnh hơn nhiều lần, Đại thánh Trưng
Vương liền rút quân về thành Cự Triền. Mã Viện cho quân đuổi theo quân ta,
nhưng đã gặp đạo quân của Lũ Lũy đón đánh quyết liệt giết nhiều quân giặc nên
cũng không đuổi theo được.
Từ khi Vua Trưng Vương lui quân về hội binh với nhị vua
Trưng Nhị ở thành Cự Triền, lực lượng ta được tăng cường, các đồn ải được củng
cố lại vững chắc. Mã Viện nhiều lần đem quân đến tấn công bao vây thành nhưng đều
bị quân ta đánh lui. Tuy nhiều lần thua nhưng Mã Viện vẫn âm mưu đánh chiếm
thành để tiêu diệt nghĩa quân nhị vua Hai Bà Trưng, y cho xây đắp thành ngay
bên cạnh thành Cự Triền cách khoảng 3 dặm, gọi là thành Vượn.
Thành được xây trên cánh đồng chiêm trũng giữa khoảng cách
hai làng Cự An và Nam Cường thuộc xã Tam Đồng.
Quân Mã Viện từ thành Vượn (phía Nam) và thành Mê Linh (phía
Đông) mở nhiều cuộc tiến công vào thành Cự Triền, nhiều trận đánh giặc bị thua
to, chết nhiều, phải lui quân.
Chúng liền cho tập trung quân đánh vào tiền đồn, Văn Lôi do
Lũ Lũy tướng quân chỉ huy. Hai bên đánh nhau ác chiến mấy ngày đêm, quân giặc
chết nhiều, quân ta cũng thiệt hại. Lũ Lũy tướng quân tử trận. Đồn tiền tiêu
thành Cự Triền ở vào tình thế nguy cấp.
Nhị vua Hai Bà đánh một trận lớn sau rút quân khỏi thành Cự
Triền lui về đất Cấm Khê (huyện Yên Lạc – Vĩnh Phúc ngày nay). Rồi Hai Bà hóa ở
Hát Giang ngày 8/3 sau Công nguyên.
Thành hoàng bản thổ của Cư An là Thánh Phạm Huyền Thông.
Sự tích kể: Nghe tin Phạm Huyền Thông là người có tài, có
thuật dùng binh, Vạn Thắng vương Đinh Bộ Lĩnh cùng quân sĩ đã tới trang Hồ Liên
mời ông ra giúp nước. Thấy Vạn Thắng vương họ Đinh là người có trí dời non lấp
bể, thống nhất sơn hà, Huyền Thông dốc sức phò giúp.
Biết tin Vạn Thắng vương Đinh Bộ Lĩnh đến Hồ Liên, Phạm
Phòng Ất ở Đằng Châu đến bao vây, Huyền Thông liền cùng với nhân dân binh sĩ
đánh tập kích, phá vòng vây cho tướng Đinh thoát ra ngoài. Từ khi có được Huyền
Thông, uy danh tướng Đinh chấn động khắp nơi và truyền hịch kêu gọi các tướng
lĩnh, đồng tâm vì nước, dựng nghĩa trừ tà, có 4 vạn người tụ nghĩa dưới cờ lau.
Nguyễn Bặc làm Đại nguyên soái, Đinh Điền và Trịnh Tú làm Đại tướng quân, Huyền
Thông giữ chức Thống lĩnh Tiền quân, cai quản mọi cánh quân thủy bộ.
Tướng Đinh mở tiệc khao quân rồi chia làm 3 đạo: Đạo thứ nhất
do chính tướng Đinh chỉ huy đánh nhánh quân Ngô Nhật Khánh, Lý Công, Kiều Thuận;
Đạo thứ hai do Nguyễn Bặc, Đinh Điền, Trịnh Tú đánh bốn cánh quân của Kiều Công
Hãn, Nguyễn Thái Bình, Đỗ Cảnh Thạc, Nguyễn Thủ Tiệp; Đạo thứ ba do Thái úy Huyền
Thông chỉ huy đánh cánh quân của Ngô Nam Đế, Nguyễn Siêu và Phạm Phong Ất. Tất
cả đều bách chiến bách thắng.
Tướng Đinh lên ngôi vua hiệu Đinh Tiên Hoàng năm Thái Bình,
Canh Ngọ (970) đóng đô ở Hoa Lư phong tước hiệu cho các khai quốc công thần gia
phong cho Huyền Thông chức Thái úy thượng quốc. Ông được hưởng lộc tại huyện An
Lãng (Yên Lãng) vùng đất huyện Mê Linh.
Ngày 12 tháng 11 năm Âm lịch, Huyền Thông trở về trang
Phương Lịch (Phượng Mỹ) thăm cố hương và hóa tại đây. Đình Phương Mỹ (xã Mỹ
Hưng, huyện Thanh Oai) và đình Cư An (xã Tam Đồng, huyện Mê Linh) đều thờ làm
Thành hoàng.
Dân làng gọi Nhị là Nhợi, Thông là Thuông. Đình Cư An hiện
còn 7 đạo sắc phong. Vua bà có 4 đạo sắc, đạo sớm, Đồng Khánh năm thứ 2 (1782).
Đạo muộn, Khải Định năm thứ 9 (1924) Thánh Phạm có 3 đạo sắc, đạo sớm Thành
Thái năm thứ nhất (1889), đạo muộn Khải Định năm thứ chín (1924)… Bộ VHTT xếp hạng
Di tích cấp Nhà nước ngày 27/1/1986 và ngày 12/3/1993.
Trải qua các triều đại, đình vẫn phụng thờ hai vị thánh.
Hàng năm có các lễ tiệc: Ngày 8/1 trò diễn tứ dân, ngày 6/2 tiệc xuân, ngày 8/3
giỗ Bà Trưng, ngày 12/11 giỗ Thánh Phạm.
Làng Cư An có 2 giáp: Giáp Trung, Giáp Đoài thường thay
phiên nhau nhận ruộng công để lo cho tiệc cúng ở đình miếu. Trước đây ngày hội
có mời làng Hạ Lôi. Ngày hội có tiệc bánh dày. Gạo nếp vàng được chọn lọc để thổi
xôi giã bánh. 10 cái chày cho các trai tráng giã vào mo cau có phết lòng đỏ trứng
gà cho khỏi dính. Bánh dầy phải trắng, thơm, dẻo.
Đêm 30 tháng Chạp có tiệc. Sân đình được dọn dẹp, dân làng
mang ra hai cái chõng để thịt lợn. Ông lợn được chọn giống tốt thường là lợn đực,
mình trường, mông vuông, da láng bóng
nuôi cẩn thận trong năm, ông ốm được ăn mía, ăn cháo gạo như con trẻ. Cỗ
lợn được chia làm theo ngôi thứ, ai mua nhiều theo chức sắc thì được chia nhiều.
Còn thủ lợn ngậm cái đuôi láng mỡ chài kèm hương hoa oản quả, đặt lên mâm đưa
vào đình cúng Thành hoàng.
Phó vương Trưng Nhị được triều Lê phong “Bình Khôi thông tuệ
Trinh thục công chúa Đại vương”. Nữ vương được thờ phụng là Thành hoàng ở Cư An
xã Tam Đồng. Và được thờ ở nhiều nơi như xã Lâu Thượng (Việt Trì) xã Kinh Kệ
(huyện Phong Châu) xã Cao Mại (huyện Lâm Thao) thuộc tỉnh Phú Thọ, xã Nguyệt Đức
(huyện Vĩnh Lạc) tỉnh Vĩnh Phúc… và đặc biệt là Nhị Thánh vương Trưng Nhị cùng
Trưng Trắc được tôn vinh ở 4 làng kết chạ: Hạ Lôi, Hát Môn, Đồng Nhân (Hà Nội)
và Phụng Công (Hưng Yên). Nhớ câu đối cổ, bản dịch của Nguyễn Huy Canh:
Vua chị, vua em, hào kiệt thế gian khó sánh
Còn nền, còn móng,
Xuân Thu hương lửa dài lâu.