Trận quyết chiến thứ nhất: Phá vỡ một mảng chính quyền đô hộ
nhà Đường
Như trên đã nói. vào năm 767, Cao Chính Bình được triều đình
Đường Đại Tông (762 - 779) bổ làm quan đứng đầu An Nam Đô Hộ Phủ. Trong thời
thuộc Đường nói riêng và toàn bộ thời Bắc thuộc nói chung, Cao Chính Bình là một
trong những viên quan đô hộ tham lam và tàn bạo vào hàng bậc nhất.
Chính sử của Trưng Quốc cũng đã buộc phải hạ bút mà ghi rằng
"Cao Chính Bình lạm thu phú liêm, man dân thậm oán" (Cao Chính Bình lạm
thu thuế má cùng các khoản đóng góp khác, dân man rất oán giận). Nhân lòng căm
phẫn của nhân dân đương thời, Phùng Hưng đã khởi xướng một cuộc đấu tranh.
Khởi đầu, cuộc đấu tranh này tuy không bột phát dữ dội nhưng
cũng không kém phần gay go và quyết liệt,
diễn ra trước hết ở đất Đường Lâm. Hiện tại, chúng ta chưa rõ hai đức ông đã
chính thức dựng cờ tụ nghĩa vào năm nào, thư tịch cổ chỉ cho biết đại để rằng
nhân dân vùng Đường Lâm đã nhất tề hưởng ứng lời kêu gọi của Phùng Hưng và
Phùng Hãi, vùng lên giành chính quyền vào khoảng niên hiệu Đại Lịch (tức là trong
khoảng những năm từ cuối 766 đến hết năm 779).
Tuy nhiên, căn cứ vào nguyên cớ trực tiếp là chống lại sự
tàn bạo của Cao Chính Bình, chúng ta có thể tạm ước đoán rằng hai anh em Phùng
Hưng và Phùng Hãi đã hiệu triệu nhân dân nổi dậy vào khoảng những năm cuối của
niên hiệu Đại Lịch tức là vào khoảng những năm bảy mươi của thế kỉ VIII).
Sử cũ viết : “Khoảng niên hiệu Đại Lịch, dưới thời trị vì của
Đường Đại Tông, nhân Giao Châu loạn lạc, (Phùng Hưng) cùng với em là (Phùng)
Hãi hàng phục được các ấp lân cận."
Bấy giờ, Phùng Hưng xưng là Đô Quân còn Phùng Hãi thì xưng
là Đô Bảo và đất Đường Lâm trở thành một sào huyệt rất kiên cố của nghĩa
quân.Toàn bộ chính quyền đô hộ của nhà Đường ở vùng Đường Lâm và các khu vực
lân cận (gồm phần lớn đất Hà Tây cùng với một phần đất đai của các tỉnh Vĩnh
Phúc và Phú Thọ ngày nay) đều bị tan rã và thay vào đó là một chính quyền tự chủ
do Phùng Hưng đứng đầu đã nhanh chóng được dựng lên.
Hiện chúng ta chưa rõ cơ quan quyền lực do Phùng Hưng đứng đầu
đã được tổ chức với nhũng thiết chế cụ thể
như thế nào, tuy nhiên, điều có thể khẳng định là lực lượng vũ trang của
chính quyền này khá mạnh, đủ để khiến cho bọn quan quân đô hộ buộc phải kiêng
dè, không dám liều lĩnh mở các cuộc hành quân đàn áp vào Đường Lâm.
Thắng lợi của anh em Phùng Hưng và Phùng Hãi đã khiến cho
nhân dân các địa phương.nức lòng phấn khởi còn chính quyền đô hộ của giặc ở nhiều
nơi khác thì dần dần bị rệu rã theo và dẫu muốn hay không thì điều này cũng buộc
Cao Chính Bình phải ngày đêm lo lắng không nguôi.
Dẫu hết sức tức tối nhưng Cao Chính Bình cũng đành phải cam
chịu trước sự đường đường tồn tại của guồng máy chính quyền Phùng Hưng.
Lý Tế Xuyên nói Phùng Hưng cầm đầu guồng máy chính quyền tự
chủ trong khoảng hơn bảy năm. Thần tích đền Thịnh Quang và kho tàng truyền thuyết
dân gian ở vùng Hà Tây cũng nói tương tự như vậy, nhưng, sau khi tiến hành đối
chiếu và so sánh nhiều nguồn tư liệu khác nhau (của cả Việt Nam và Trung Quốc),
chúng tôi lại thấy có phần khác hơn.
Giá thử rằng Phùng Hưng giành được chính quyền ở vùng Đường
Lâm và các khu vực lân cận vào năm cuối cùng của niên hiệu Đại Lịch (tức là năm
779) thì tính từ đó cho đến năm Phùng Hưng qua đời (một số tài liệu ghi lại là năm
791) cũng đã dài đến 12 năm. Xuất phát từ thực tế rất rõ ràng và không thể nào
phủ nhận này, chúng ta hoàn toàn có thể kết luận rằng chính quyền tự chủ do
Phùng Hưng lập ra đã tồn tại trước sau khoảng hơn mười năm.
Đó là một khoảng thời gian có độ dài rất đáng kể, và quan trọng
hơn, với khoảng thời gian tồn tại rất đáng kể như vậy, nhận thức của hậu thế về
quy mô cũng như tầm vóc sự nghiệp của Phùng Hưng cũng sẽ khác hơn trước.
Trận quyết chiến thứ 2: Đập tan ách đô hộ - giành quyền độc
lập tự chủ
Đúng vào lúc viên quan đứng đầu chính quyền đô hộ của giặc
là Cao Chính Bình đang rất bối rối và tức tối vì phải hoàn toàn cam chịu bất lực
trước những hoạt động táo bạo của nghĩa quân Phùng Hưng và Phùng Hãi thì đông đảo
quân sĩ của Cao Chính Bình đóng trong thành Tống Bình cũng vì bất bình mà bỗng
nhất tề nổi lên làm binh biến.
Một cơ hội vô cùng thuận lợi đối với hai anh em Phùng Hưng
và Phùng Hãi đã xuất hiện. Bấy giờ, thể theo lời khuyên của mưu sĩ Đỗ Anh Hàn,
hai anh em Phùng Hưng và Phùng Hãi liễn lập tức tập hợp lực lượng, ồ ạt tấn
công vào sào huyệt kiên cố nhất của quân đô hộ lúc bấy giờ là thành Tống Bình.
Mưu sĩ Đỗ Anh Hàn nguyên là một trong những vị Tù Trưởng rất
có danh tiếng của vùng đất Đường Lâm, đồng thời cũng chính là người đồng hương
của hai anh em Phùng Hưng và Phùng Hãi.
Khi Phùng Hưng và Phùng Hãi dựng cờ xướng nghĩa, Đỗ Anh Hàn
là người dã hăng hái đến tham gia hướng ứng đầu tiên. Ông đã nhanh chóng trở
thành một vị dũng tướng trực tiếp cầm quân, về sau, ông là một mưu sĩ rất giàu
tài năng và là một chỗ dựa thật sự tin cậy của nghĩa quân. Cống hiến của Đỗ Anh
Hàn đối với nghĩa quân Phùng Hưng là rất đa dạng và rất lớn lao.
Trước sức mạnh của cuộc tấn công táo bạo này, "(Cao)
Chính Bình vừa lo sợ lại vừa phẫn uất mà chết". Các bộ chính sử xưa đều
chép là sự kiện này diễn ra vào tháng 4 năm Tân Mùi.
Nhưng rất nhiều công trình khảo cứu sử học Việt Nam đã được
công bố từ trước đến nay (trong đó có cả một số công trình của chúng tôi) do những
hạn chế về khối lượng tư liệu nên đã viết rằng, năm Tân Mùi (791) là năm chính
quyền Phùng An bị diệt vong chứ không phải là năm Phùng Hưng tiến hành trận quyết
đấu thứ hai với quân đô hộ nhà Đường.
Thực ra, đây là năm đồng thời diễn ra cả hai sự kiện khác
nhau này. Sau nhiều lần tiến hành khảo sát và đối sánh ghi chép của các bộ
chính sử xưa, chúng tôi xin được trân trọng đính chính lại là Phùng Hưng đã tấn
công thành Tống Bình vào tháng 4 năm Tân Mùi (791) chứ không phải cuộc khởi
nghĩa Phùng Hưng đến tháng 4 năm 791 là bị tiêu diệt.
Sử cũ chỉ chép rằng Phùng Hưng vào thành Tống Bình
"chưa được bao lâu thì mất", nhưng riêng Lý Tế Xuyên lại chép có phần
khác hơn : "Vương (đây chỉ Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng - NKT) vào phủ Đô Hộ,
nắm quyền trị dân được chừng bảy năm thì mất".
Kho tàng truyền thuyết
dân gian khá phong phú ở vùng Hà Tây cũng có những lời kể không khác biệt bao
nhiêu so với ghi chép của Lý Tế Xuyên. Theo chúng tôi thì trong trường hợp cụ
thể này, có lẽ là Lý Tế Xuyên và truyền thuyết dân gian đã có sự nhầm lẫn.
"Hơn bảy năm (đúng ra là phải hơn 10 năm) là toàn bộ thời gian cầm quyền của
Phùng Hưng kể từ khi chiếm được Đường Lâm và các khu vực lân cận cho đến tháng
4 năm 802 chứ không phải là khoảng thời gian từ khi Phùng Hưng chiếm được thành
Tống Bình (tháng 4 năm 791) trở đi.
Trong phần lớn các truyền thuyết, đoạn kể về quá trình tổ chức
bao vây thành Tống Bình khá độc đáo. Theo đó thì : khi tiến quân đến thành Tống
Bình, Phùng Hưng và Phùng Hãi cũng như mưu sĩ Đỗ Anh Hàn xét thấy lực lượng của
giặc tuy đã rất suy yếu nhưng quân sĩ của mình cũng chưa đủ sức để có thể đè bẹp
kẻ thù, vì vậy Phùng Hưng, Phùng Hãi và bộ chỉ huy nghĩa quân lập tức toả đi khắp
các địa phương chung quanh thành Tống Bình để huy động thêm sức người, sức của
và sắm sứa thêm vũ khí, còn nhiệm vụ tổ chức bao vây thành Tống Bình được trân
trọng giao cho ba người cháu gái gọi Phùng Hưng bằng bác (đời gọi là Ba bà họ
Phùng). Đội quân làm nhiệm vụ bao vây thành Tống Bình do Ba bà họ Phùng chỉ huy
đã ngày đêm cùng nhau hò hét rất dữ dội, bởi thế, Cao Chính Bình vì lo sợ quá
mà chết !
Từ những tư liệu rất tản mạn như đã kể ở trên, bước đầu,
chúng ta cũng có thể tạm hình dung về hai giai đoạn khác nhau của cuộc khởi
nghĩa do Phùng Hưng phát động và lãnh đạo như sau :
Giai đoạn 1 : Phùng Hưng cùng em ruột là Phùng Hãi đã kêu gọi
nhân dân nổi dậy mà mục tiêu đầu tiên là đập tan chính quyền đô hộ của nhà Đường
ở khu vực Đường Lâm và một số vùng lân cận. Giai đoạn này bắt đầu vào khoảng từ
sau năm 767 và kết thúc vào đầu năm 791.
Giai đoạn 2 : Nhân thấy quan quân đô hộ lục đục và mâu thuẫn
với nhau. thể theo đề nghị của mưu sĩ Đỗ Anh Hàn, Phùng Hưng và Phùng Hãi dốc lực
lượng đánh vào thành Tống Bình. Viên quan giữ chức Đô Hộ của nhà Đường lúc đó
là Cao Chính Bình vì quá lo sợ và phẫn uất mà chết. Phùng Hưng và Phùng Hãi chiếm
thành Tống Bình rồi nhanh chóng thành lập một chính quyền tự chủ do Phùng Hưng
(và sau đó là Phùng An - con ông) đứng đầu. Giai đoạn này bắt đầu vào tháng 4
năm 802 và kết thúc vào tháng 7 năm 802 tức là chỉ vỏn vẹn gần ba tháng. Một
vài công trình trước đây nói Phùng An nối ngôi và trị vì được gần ba năm, xin
đính chính lại là chỉ được gần ba tháng chứ không phải là gần ba năm.
Hai giai đoạn, hai quy mô và hai tính chất hoàn toàn khác
nhau. Ở giai đoạn thứ nhất, một mảng khá quan trọng của chính quyền đô hộ nhà
Đường bị phá vỡ, chính quyền tự chủ do Phùng Hưng đứng đầu đã được xây dựng và
hiên ngang tồn tại biệt lập với chính quyền đô hộ của giặc. Ở giai đoạn hai, với
quá trình kiên quyết bao vây và không ngừng gây sức ép bằng thực lực quân sự của
chính mình, cuối cùng, nghĩa quân Phùng Hưng đã chiếm được thành Tống Bình và nắm
quyền kiểm soát toàn cõi.
Tháng 4 năm 791, ngay sau khi Cao Chính Bình chết, nghĩa
quân Phùng Hưng chiếm được thành Tống Bình, Phùng Hưng đã nhanh chóng thành lập
một chính quyền tự chủ. Tổ chức của guồng máy chính quyền lúc này có lẽ cũng
tương tự như trong buổi đầu, khi nghĩa quân mới chiếm được vùng Đường Lâm và
các khu vực lân cận, nhưng do phải quản lí cả một phạm vi đất đai rất rộng lớn
nên quy mô và trách nhiệm chắc chắn cũng
phải lớn hơn trước.
Sát cánh và sẵn sàng chia sẻ trách nhiệm nặng nề với Phùng
Hưng là những người từng lập được nhau công lao như Phùng Hãi và Đỗ Anh Hàn,
ngoài ra còn có thêm một số gương mặt mới như Phùng An (con trai của Phùng
Hưng) và Bồ Phá Cần ...
Năm 802, Phùng Hưng qua đời do chưa rõ năm sinh nên cũng
chưa rõ là khi mất ông hưởng thọ 41 tuổi. Sau sự ra đi rất đột ngột của Phùng
Hưng, một cuộc khủng hoảng rất đáng tiếc đã diễn ra ngay trong chính quyền tự
chủ còn rất non trẻ mà nguyên do chủ yếu chỉ là vấn đề chọn người xứng đáng lên kế vị.
Bấy giờ, có hai phe cánh đối nghịch với hai chủ trương cũng rất khác nhau đã
hình thành.
Phe thứ nhất gồm khá đông các tướng lĩnh và quan lại (nhưng
chưa rõ ai là người cắm đầu) chủ trương chọn Phùng Hãi vì cho rằng Phùng Hãi là
em ruột của Phùng Hưng, người có nhiều công lao, giàu kinh nghiệm chỉ huy và là
người đã lớn tuổi, đủ chín chắn cũng như uy phong để có thể xử lí và quyết đoán
mọi việc.
Phe thứ hai (đại diện là tùy tướng Bồ Phá Cần của đức ông
Phùng Hưng) cho là phải chọn Phùng An vì Phùng An là con trai của Phùng Hưng,
là người duy nhất có đủ danh nghĩa chính thống để đảm bảo sự xứng hợp với cái gọi
là "đại đạo cha truyền con nối".
Theo ghi chép của Lý Tế Xuyên thì Bồ Phá Cần là người có võ
nghệ cao cường, rất khoẻ mạnh và cũng rất hung hãn còn Phùng Hãi là người rất
nhún nhường, nên cuối cùng, phe Bồ Phá Cần thắng thế. Phùng An - một người cạn
nghĩ và rất ngây thơ trong nhận thức chính trị được đưa lên kế vị.
Ngay sau khi lên ngôi, Phùng An làm hai việc. Một là tôn cha
làm Bố Cái Đại Vương. (Tục bấy giờ gọi cha là Bố, mẹ là Cái. cho nên mới có tôn
hiệu như thế). Hai là tập hợp và huy động lực lượng để đi đánh Phùng Hãi ! Chủ
trương quá sai lầm này đã khiến cho nhân tâm li tán, cho nên, sự nhanh chóng bị
diệt vong của chính quyền Phùng An là điều không thể nào tránh khỏi.
Bấy giờ, Phùng Hãi bỏ vào động Chu Nham, còn những người
giàu tâm huyết với sự nghiệp của Phùng Hưng thì lần lượt nối nhau rời bỏ Phùng
An mà ra đi. Ảnh hưởng và thực tế quản lí của chính quyền Phùng An gần như chỉ
còn bó hẹp trong phạm vi thành Tống Bình nữa mà thôi.
Sau khi vua Phùng Hưng mất, triều đình Đường Đức Tông
(779-805) phong cho Triệu Xương làm Kinh Lược Chiêu Thảo Xử trí sứ và sai đem
quân đi đàn áp Phùng An. Triệu Xương chỉ mới đem đại binh đến uy hiếp từ xa rồi
sai vài viên sứ giả tới hù doạ thế mà Phùng An đã vội đầu hàng.
Quân nhà Đường đã chiếm lại thành Tống Bình, lực lượng của
Phùng An bị tan rã hoàn toàn. Số phận của Phùng An và các tướng lĩnh khác sau
đó như thế nào không được ghi lại.
Phùng Hưng là một trong những đại điện xuất sắc cho khí
phách hiên ngang, quyết không đội trời chung với quân phong kiện Trung Quốc đô
hộ. Ông ra đi đã hơn một ngàn năm nhưng danh thơm của ông thì còn mãi với non
sông đất nước này. Ngay vào đầu thế kỉ IX, các thế hệ nhân dân yêu nước đã kính
cẩn lập đền thờ ông ở Đường Lâm là quê hương ông và ở Tống Bình là nơi ghi dấu
đỉnh cao thành công chói lọi nhất trong sự nghiệp lớn của ông. Năm 939, Ngô Quyền
là bậc vương đầu tiên đã cho tôn tạo đền thờ Phùng Hưng và chính thức phong
thần cho Phùng Hưng.
Tượng thờ đức ngài Phùng Hưng tại đền thờ ở quê hương-làng Cam Lâm xã Đường Lâm thị xã Sơn Tây Hà Nội.
Năm 1285, sau thắng lợi vẻ vang của cuộc chiến tranh vệ quốc
lần thứ hai, chống quân Mông Nguyên xâm lược, Hoàng Đế Trần Nhân Tông
(1278-1293) đã phong Phùng Hưng làm Phu Hựu Đại Vương thượng đẳng thần. Năm
1288, sau ngày đại thắng ở trong trận quyết chiến chiến lược Bạch Đằng
(9-4-1288), đè bẹp hoàn toàn ý chí xâm lăng của quân Nguyên tàn bạo và cực kì
hung hãn, cũng chính Hoàng Đế Trần Nhân Tông đã gia phong cho Phùng Hưng làm
Phu Hựu Chương Tín Đại Vương thượng đẳng thần.
Và, đến năm 1312. Hoàng Đế Trần Nhân Tông lại tiếp tục gia
phong cho Phùng Hưng làm Phu Hựu Chương Tín Sùng Nghĩa Đại Vương thượng đẳng thần.
Vào thời trị vì của Hoàng Đế Lê Thánh Tông (1460-1497), đền thờ Phùng Hưng lại
được tiến hành tôn tạo lần thứ hai. Các triều đại sau đó cũng đều trùng tu đền
thờ và ban sắc phong thần cho Phùng Hưng. Và, trải hơn mười thế kỉ qua, hương
khói trong các đến thờ Phùng Hưng vẫn nghi ngút.
Phùng Hưng là hiện thân của nghệ thuật tập hợp và động viên
sức mạnh của đông đảo nhân dân vào cuộc đấu tranh vừa rất kiên quyết vừa rất thận
trọng. nhằm từng bước phá vỡ, để rồi cuối cùng, khi có cơ hội thuận lợi xuất hiện
là lập tức dốc toàn lực để đánh trận quyết định với kẻ thù, đập tan hoàn toàn
cơ đồ của quân đô hộ, và đồng thời nhanh chóng xây dựng một hệ thống chính quyền
độc lập và tự chủ.
Rất tiếc là ngay khi vừa hiên ngang tiến vào thành Tống Bình
và giành được chính quyền từ quân phương Bắc đô hộ, Phùng Hưng đã sớm qua đời,
để lại cả một sự nghiệp lớn đang dở dang và để lại lòng thương tiếc không nguôi
cho các thế hệ nhân dân yêu nước.
Vì đột ngột ra đi quá sớm như vậy nên Phùng Hưng chưa kịp tỏ
rõ tài năng quản lí nhà nước của mình. Trước lịch sử, mỗi bậc anh hùng cái thế
chỉ có thể có được một số cống hiến nhất định trong một phạm vi thời gian nhất
định nào đó mà thôi. Trên tinh thần chung đó, có lẽ không một ai được quyền đòi
hỏi thêm ở Phùng Hưng cũng như Phùng Hãi.
Sử liệu và truyền thuyết dân gian ở vùng Đường Lâm kể lại rằng:
Phùng Hưng chết rồi rất hiển linh, thường hiện hình trong dân gian, giúp dân
trong lúc hoạn nạn. Dân làng cho là linh ứng, lập miếu để thờ tự tại Đường Lâm.
Đường Lâm (Hà Nội) đã đi vào lịch sử bởi là nơi sinh ra cũng là hai vị vua, hai
vị anh hùng dân tộc - Phùng Hưng (761-802), Ngô Quyền (808-944) trong cuộc đấu
tranh giành độc lập từ thế kỷ VII đến thế kỷ X; đây cũng là mảnh đất sinh ra sứ
thần Giang Văn Minh - một nhà ngoại giao văn tài thao lược xuất sắc cuối thế kỷ
XVI, đầu thế kỷ XVII. Ngày nay, tại xã Đường Lâm vẫn còn ngôi đình thờ
Phùng Hưng được xây dựng từ năm 1390.
Tương truyền sau này, Phùng Hưng còn hiển linh giúp Ngô Quyền
đánh thắng giặc ở sông Bạch Đằng. Thấy vậy, Ngô Quyền cho lập đền thờ quy mô to
lớn hơn trước. Sự ngưỡng mộ đối với người anh hùng dân tộc họ Phùng còn thể hiện
ở việc lập đền thờ phụng của nhân dân như ở đình Quảng Bá (Hà Nội), đình Triều
Khúc (Hà Nội), thờ ở lăng Đại Áng, Phương Trung, Hoạch An, phủ Thanh Oai (Hà
Tây),...
Hiện nay dấu vết lăng mộ của Phùng Hưng còn lại ở đầu phố Giảng Võ (gần bến xe
Kim Mã), vì sau khi mất, ông được mai táng ở cạnh phủ Tống Bình, sau đó mới
đưa thi hài về quê hương. Để tưởng nhớ người anh hùng dân tộc, Nhà nước ta đã đặt
tên phố Phùng Hưng tại phía cửa Đông của thủ đô Hà Nội.
Trên bầu trời của khí phách ngoan cường, Phùng Hưng và Phùng
Hãi là những ngôi sao mãi mãi toả sáng. Tên tuổi và sự nghiệp lớn của hai anh
em ông vĩnh tồn trong kí ức bất diệt của các thế hệ nhân dân và luôn luôn được
các thế hệ sử gia yêu nước kính cẩn ghi vào những trang oai hùng của lịch sử
dân tộc.
Nguồn: Danh tướng Việt Nam - Tập 4