Đền Bà Triệu, nơi thờ tự vị nữ anh hùng dân tộc Việt tên là Triệu Thị Trinh, dấy binh khởi nghĩa đánh đuổi quân xâm lược Đông Ngô (Trung Quốc) vào giữa thế kỷ thứ 3.
Đền nằm trên núi Gai, ngay sát Quốc lộ 1A, đoạn đi qua thôn
Phú Điền, xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa, cách thành phố Thanh Hóa
18 km về phía Bắc và cách Hà Nội 137 km về phía Nam.
Để tưởng nhớ công lao to lớn của Bà Triệu, nhân dân đã xây
lăng, dựng tháp trên đỉnh núi Tùng – nơi người nữ anh hùng dân tộc họ Triệu đã
ngã xuống tại vùng đất lịch sử này.
Đền được xây dựng vào thế kỷ 6, do vua Lý Nam Đế lập để tưởng
nhớ vị nữ anh hùng có lòng yêu nước cao cả, ý chí quyết liệt chống ngoại xâm.
Sau nhiều lần bị tàn phá theo lịch sử biến cố ngoại xâm của dân tộc, tới thời
vua Minh Mạng thì đền được di chuyển về vị trí hiện tại, cuối thế kỷ 18, đền bắt
đầu có diện mạo như ngày nay.
Đền được xây dựng theo kiến trúc truyền thống vùng Đông Bắc Bộ, nằm trên
diện tích khoảng 4 ha. Các công trình của đền từ ngoài vào trong là
nghi môn ngoại, hồ nước, bình phong, nghi môn trung, nghi môn nội, tả
hữu mạc, tiền đường, trung đường và hậu cung.
Nghi môn ngoại của đền Bà Triệu được xây kiểu tứ trụ bằng các phiến đá
nguyên khối, trên đỉnh cột trụ cao là hình chim phượng lá lật, trụ thấp
hình nghê chầu, lồng đèn chạm hình tứ linh, tường hai bên là hai bức
chạm nổi tượng voi chầu.
Sau nghi môn là hồ nước hình chữ nhật rộng 30 mét, dài 42 mét, ba mặt hồ
xây lan can thấp, mặt đối diện với khu đền chính được tạo bậc lên
xuống, bậc thềm có rồng chầu.
Sân trước khu đền hướng ra hồ, có một tấm bình phong lớn bằng đá nguyên
khối, tạo tác theo kiểu hình cuốn thư. Sau bình phong là nghi môn trung,
kiến trúc kiểu tứ trụ truyền thống,
Đối diện mới nghi môn trung qua khoảng sân đền là nghi môn nội.
Nghi môn nội có kiểu dáng như tam quan của chùa, gồm hai tầng mái, ba
cửa ra vào, bốn cột cao ở cửa giữa và bốn cột thấp ở hai cửa bên, mái
lợp ngói âm dương.
Hai bên cửa chính của nghi môn nội đặt hai tượng nghê chầu cổ bằng đá rất đẹp.
Sau nghi môn nội là là tòa tiền đường.
Tiền đường của đền Bà Triệu là một công trình ba gian hai chái, mái thu
hồi bít đốc, vì kèo kiểu “quá giang, trụ đinh, kèo suốt” trên bốn hàng
chân cột bằng đá núi Nhồi. Nóc công trình trang trí các mô típ điêu khắc
thời Nguyễn.
Bên trong tiền đường thờ bách gia trăm họ và các Thánh tổ.
Hai bên sân trước tiền đường có nhà tả, hữu mạc, là nơi khách viếng đền nghỉ chân, sửa soạn đồ lễ.
Trước tòa tiền đường có hai tượng voi chầu bằng đá nguyên khối.
Phía sau tòa tiền đường là trung đường, một kiến trúc ba gian, hai chái,
có hai tầng mái cong, bốn vì kèo gỗ cấu trúc “giá chiêng chồng rường kẻ
bẩy”, trang trí đề tài tứ linh, hình hoa lá, vân mây, rồng hóa…
Chính giữa tòa trung đường là nơi thờ Bà Triệu cùng người anh ruột là
tướng quân Triệu Quốc Đạt, bên trái là bàn thờ hội đồng quan võ và ba
tướng họ Lý, bên phải là bàn thờ hội đồng quan văn.
Một chiếc trống đống được bày trang trọng ở tòa trung đường.
Bậc tam cấp của trung đường cặp có rồng chầu bằng đá xanh nguyên khối, kiểu dáng thời Lê.
Sau tòa trung đường là hậu cung, một kiến trúc ba gian, hai tầng mái
cong, với bốn vì kèo kiểu “giá chiêng chồng rường, kẻ bẩy”, bốn hàng
chân cột. Đây là công trình nằm ở vị trí cao nhất của đền thờ Bà Triệu.
Chính giữa hậu cung có tượng Vua Bà ngồi trên ngai. Bên phải thờ phụ thân của bà, bên trái thờ phụ mẫu của bà.
Trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, đền thờ Bà Triệu vẫn được duy trì qua
hàng trăm thế hệ, là nơi tổ chức các sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng mang
đậm tinh thần yêu nước của người Việt.
Đền thờ dựa lưng vào sườn núi, nằm sát lề phía Đông đường Quốc
lộ 1A bên trái đường theo hướng từ Hà Nội vào. Ở phía Bắc cách đền Bà Triệu khoảng
gần 1km là làng xóm trù mật, đông vui trong đó có ngôi đình làng Phú Điền cũng
thờ Bà Triệu với danh nghĩa Thành hoàng làng.
Khu di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật đền Bà Triệu là một
trong những điểm nhấn tham quan, du lịch đậm đặc giá trị hấp dẫn của xứ Thanh.
Nơi đây ngoài ngôi đền thờ Bà Triệu dưới chân núi Gai, được
tôn tạo theo kiến trúc xưa cũ; có đình làng Phú Điền; khu lăng mộ Bà Triệu trên
đỉnh núi Tùng; mộ ba ông tướng họ Lý; miếu Bàn Thề; đền Đệ Tứ... với những dấu
tích, truyền thuyết gắn liền cuộc khởi nghĩa hào hùng chống giặc Ngô xâm lược
phương bắc do vị vua Bà khởi xướng.
Nếu đến nơi đây lần đầu, chẳng thể giấu được cảm xúc ngạc
nhiên. Là bởi, dù nằm ngay bên đường quốc lộ sầm uất, song không gian di tích lại
vô cùng đặc biệt. Tĩnh lặng, trầm mặc và thâm u. Án ngữ dưới chân núi Gai (làng
Phú Điền, xã Triệu Lộc) đền Bà Triệu như nằm khuất lấp giữa bốn bề cây rừng.
Đứng ở nơi này, trong tiếng lá, gió của cây rừng ta nghe như
âm vang, lời hiệu triệu và khí thế hừng hực của trăm, ngàn nghĩa sĩ hơn 1.700
năm về trước dưới sự lãnh đạo của vị nữ vương Triệu Thị Trinh đã đồng tâm một
lòng diệt giặc xâm lược.
Khu lăng mộ Bà Triệu trên đỉnh núi Tùng và mộ 3 ông tướng họ
Lý.
Cách đền Bà Triệu khoảng cách chưa đầy 500m là núi Tùng, nơi
có khu lăng mộ Bà Triệu và ba ông tướng họ Lý.
Ba vị tướng họ Lý theo thần tích và truyền thuyết dân gian kể
lại là ba anh em trong một gia đình thi thư tại trang Bồ Điền xưa. Ngay từ nhỏ,
cả ba người họ đều chăm chỉ đọc sách, yêu thích luyện tập cung kiếm, rèn luyện
bản thân.
Khi Bà Triệu dấy binh khởi nghĩa ra chiếu hịch, chiêu mộ
binh sĩ, cùng chung ý chí căm thù giặc Ngô, cả ba anh em họ Lý đã một lòng đi
theo vị nữ chủ tướng, tạo nên khí thế chẻ tre khiến kẻ thù bao phen lao đao,
kinh hãi.
Tuy nhiên, vì phẫn uất trước những thủ đoạn đê hèn của kẻ
thù, Bà Triệu đã tự vẫn trên đỉnh núi Tùng. Sau khi tìm thấy thi thể vị nữ chủ
tướng trên đỉnh núi, ba anh em họ Lý đã đắp mộ chu toàn cho Bà ngay trên đỉnh
núi. Và dân gian cho rằng, ba chữ Hán cổ “Phúc thần mộ” được khắc sơ sài trên
phiến đá bên khu mộ Bà Triệu cũng là chứng tích do ba ông tướng để lại.
Sau khi Bà Triệu quyên sinh không lâu, ngày 6/3, dưới chân
núi Tùng quân sĩ và nhân dân trong vùng tìm thấy thi thể của ba anh em họ Lý. Cảm
động trước tấm lòng trung quân của ba vị tướng tài, hậu thế đã đắp mộ cho ba
ông và dân gian vẫn thường gọi là mộ ba ông tướng họ Lý.
Trong câu chuyện kể cho cháu con nghe, các vị cao niên trong
làng vẫn dặn dò: Trên đỉnh núi Tùng là lăng mộ Bà Triệu được ba ông tướng họ Lý
canh gác yên nghỉ thiên thu. Còn mộ ba ông đã có nhân dân muôn đời gìn giữ!
Ngày nay, án ngữ dưới chân núi Tùng là mộ ba ông tướng được
trùng tu, trông coi cẩn thận. Lần theo những bậc thềm đá rêu phong phủ lối, ta
như thêm một lần nữa nghe âm vang xa vọng từ cuộc chiến năm nào.
Để thêm tự hào về khí chất của đấng tiền nhân. Trên đỉnh núi
Tùng, lăng mộ Bà Triệu được trùng tu, tôn tạo trang nghiêm. Từ nơi yên nghỉ của
người xưa nhìn xuống phía dưới, tất cả mênh mông, rộng lớn được thu vào tầm mắt.
Những rừng trẩu, sở xanh mướt mắt xen lẫn với vườn vải,
nhãn, quất hồng bì trái chín căng mọng sum xuê, đâu đó có những đồi chè xanh lá
quanh năm, ngon nức tiếng một vùng...
Đình làng Phú Điền, nơi dân làng suy tôn Bà Triệu là Thành hoàng làng.
Nằm
trong Khu di tích đền Bà Triệu còn có đình làng Phú Điền, công trình
kiến trúc gỗ cổ đặc trưng độc đáo, nhiều giá trị do đôi bàn tay người
xưa để lại. Tại nơi này, Bà Triệu được nhân dân địa phương suy tôn là
Thành hoàng làng, muôn đời thờ phụng.
Đình
làng Phú Điền uy nghi, rộng lớn với rất nhiều cột gỗ chống đình vững
chãi trăm năm. Điểm nhấn cùng những hoa văn chạm trổ tùng, cúc, trúc,
mai tinh tế. Nhìn vào những đường nét sống động, nhiều người tự hỏi phải
chăng người xưa đã dồn hết những tâm huyết, tài năng của mình vào đó.
Để giờ đây, hậu thế được chiêm ngưỡng những tuyệt tác nghệ thuật đúng
nghĩa. Được biết, đình làng Phú Điền cũng mang đặc trưng của kiến trúc
thời Nguyễn. Đình là tài sản truyền đời, không gian sinh hoạt truyền
thống của người dân địa phương. Và Đình làng Phú Điền ngày nay còn lưu
giữ nhiều sắc phong quý qua các triều đại vua.
Ngoài
các địa điểm kể trên, Khu di tích đền Bà Triệu hiện còn dấu tích miếu
Bàn Thề, nơi Bà Triệu và các nghĩa sĩ cùng chung chí hướng, nguyện lập
lời thề giết giặc; hay đền Đệ tứ với vị thần hiển thánh nhiều lần giúp
nghĩa quân Bà Triệu chiến thắng kẻ thù...
Toàn
cảnh khu di tích, mỗi di tích đều mang trong mình những dấu tích, câu
chuyện kể về một sự kiện oai hùng trong lịch sử. Câu chuyện ấy, giữa bốn
bề núi rừng có hình ảnh vị vua Bà cưỡi voi, diệt giặc, để lại sự ngưỡng
vọng cho đời.
Khu di tích Bà Triệu đã được công nhận là Di tích lịch sử
văn hóa cấp quốc gia (Đền thờ và Lăng tháp được công nhận ngày 29/4/1979 còn
đình làng Phú Điền được công nhận ngày 13/2/1996).
Năm 2014 Khu di tích lịch sử văn hóa kiến trúc nghệ thuật đền
Bà Triệu được công nhận di tích quốc gia đặc biệt. Đây được coi là sự kiện đặc
biệt khẳng định giá trị văn hóa lịch sử đậm đặc, trường tồn của di tích.