Đình Chi Lễ là nơi thờ phụng Cao Sơn, Quý Minh đại vương, Trung Vũ Dục Chính đại vương, Minh Giang Đô Thống, Lê triều Bình Ngô khai quốc, Phúc Lâm chi thần Bình Đặng đại vương, 6 vị được tôn là thành hoàng làng, phối thờ tôn nghiêm trong đình.
Chi Lễ là một làng lớn thuộc xã Mỹ Thái, huyện Lạng Giang, tỉnh
Bắc Giang, nằm về phía Tây của xã. Thời Trần, Chi Lễ là một làng của Lạng
Giang, thuộc Lộ Bắc Giang, đến năm Vĩnh Lạc thứ 5 (năm 1407) thời kì nhà Minh
đô hộ đã đổi tên thành phủ Lạng Giang và chia thành hai châu: Châu Lạng Giang
và Châu Thượng Hồng. Chi Lễ thuộc châu Lạng Giang. Khoảng cuối thế kỷ XVII đầu
thế kỷ XVIII, thời Lê Trung Hưng, Chi Lễ đã là một làng tụ cư đông đúc, có truyền
thống lịch sử phát triển từ lâu đời.
Ngày 10-10-1895, Toàn quyền Đông Dương thành lập tỉnh Bắc
Giang, làng Chi Lễ thuộc tổng Mỹ Thái, huyện Lạng Giang. Năm 1997 sau khi tách
tỉnh Hà Bắc thành tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang, thôn Chi Lễ thuộc địa giới hành
chính của xã Mỹ Thái, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang.
Trải qua hàng trăm năm, nhân dân trong làng luôn sống hòa
thuận, đoàn kết nhờ những lệ tục do chính người địa phương đặt ra.
Từ xa xưa ngôi làng cổ này đã có những phong tục tập quán rất
phong phú và phức tạp. Một năm thôn có rất nhiều tiết lễ: ngày mùng 4 tháng
Giêng (âm lịch) là ngày hội chùa, ngày mùng 10 tháng Giêng là ngày hội đình -
ngày đại lễ làng mở hội, ngày 22 tháng 2 làng tổ chức tế lễ tại Văn Chỉ, ngày
13 tháng 8 lễ tế tại Nghè.
Theo lệ của làng thì con trai đến tuổi lên 10 phải làm lễ
vào làng, nghĩa là có nghĩa vụ phải gánh vác việc công. Những gia đình có trai
đinh vào làng phải sắm sửa một con lợn thịt gánh ra đình đặt vào cân do lệ tục
làng xưa quy định.
Nếu số lượng thịt không đủ làng có tục bắt vạ bằng bát úp
(nghĩa là nếu thiếu thì đặt những chiếc bát yêu - bát cổ to hơn cái chén - lên
chỗ thịt lợn khi nào cho bằng cân thì thôi, thiếu một bát úp sẽ bắt vạ 3 quan
tiền và phải chuẩn bị mía đã được gọt sạch cắt khúc khoảng 40 phân phục vụ đội
thi đấu cướp cầu móc, nên hầu như các gia đình đều chuẩn bị số lượng thịt dư thừa
để tránh bị làng bắt vạ). Lệ vào làng nay vẫn duy trì nhưng được đơn giản hóa
đi.
Một công trình kiến trúc có quy mô bề thế và khá độc đáo của
làng là đình Chi Lễ. Đình nằm trên một khu đồi đất thấp trong khuôn viên chùa
làng, là nơi thờ Cao Sơn, Quý Minh đại vương, Trung Vũ Dục Chính đại vương,
Minh Giang Đô Thống, Lê triều Bình Ngô khai quốc, Phúc Lâm chi thần Bình Đặng đại
vương, 6 vị được tôn là thành hoàng làng, phối thờ tôn nghiêm trong đình.
Hiện trong đình còn lưu giữ được nhiều đồ thờ tự có giá trị
như: hệ thống chân tảng đá xanh, cột trụ đá xanh, sắc phong, long ngai, tắc tải,
mâm bồng, cây nến, lọ hoa, quả cầu gỗ, hai thanh gỗ cân thịt... thời Nguyễn (thế
kỷ XIX). Lễ hội đình được tổ chức vào ngày 10 tháng Giêng âm lịch hằng năm.
Nằm cao hơn đình khoảng 5-10m là chùa Thanh Long. Chùa toạ lạc
trên quả đồi rộng. Đây được coi là một di tích còn lưu giữ gần như nguyên vẹn
nét kiến trúc xưa kia. Ngôi chùa được tu sửa vào năm 1857( năm Đinh Mùi), niên
hiệu Tự Đức thứ 10 triều Nguyễn. Trong chùa còn lưu giữ được hai bức hoành phi:
"Thanh Long Thiền tự", "Chân chúa tể" và tượng phật cùng
các cổ vật có giá trị như: cột đá xanh ở cửa hiên khắc chữ Hán vào năm Tự Đức
thứ 10-1857, bia đá thời Nguyễn tạo năm 1857...
Thoát khỏi tầm mắt là khu đồng Văn Chỉ, trên đó là Văn Chỉ
Chi Lễ, được xây dựng vào thời Nguyễn (thế kỷ XIX), có kiến trúc hình chữ nhị
(=), toà tiền tế 5 gian, toà hậu cung 3 gian. Văn chỉ thờ Khổng Tử, Tứ Phối và
72 vị tiên hiền của Nho học. Lễ tế ở Văn chỉ được tổ chức vào ngày 22 tháng 2
âm lịch hằng năm, đồ tế lễ gồm: hương đăng, phẩm oản, thủ lợn...
Chùa Thanh Long - nơi còn lưu giữ hầu như nguyên vẹn kiến
trúc xưa.
Nằm ở trung tâm làng là Nghè Chi Lễ, với bình đồ kiến trúc
hình chữ nhất dọc, bốn hướng giáp khu dân cư và đường liên thôn, gạch cổ xây
nghè là loại gạch Thạch Thất bản rộng thành nhỏ được đóng bằng tay và nung bằng
cỏ, trải qua hàng trăm năm tồn tại vẫn không bị xói mòn và màu vẫn còn đỏ, bền...Một
khung cảnh yên bình của làng quê Việt xưa kia vẫn còn đậm nét ở Chi Lễ, những
ngôi nhà cổ đã hàng trăm năm tuổi, trải qua nhiều đời cùng sinh sống, như những
chứng tích của một nông thôn xưa kia vẫn còn đó. Du khách đến thăm sẽ được tìm
hiểu một làng quê Việt cổ xưa kia đã sinh sống thế nào, nét thanh bình, yên ả
khác hẳn với phố thị.
Bề dày lịch sử - văn hóa cùng những mỹ tục và thiết chế cổ
còn lưu giữ được là niềm tự hào của nhiều thế hệ người dân nơi đây. Đến đây, du
khách như được hoà mình vào không khí của làng quê Việt, được ngắm nhìn những
khối kiến trúc cổ xưa, ăn những món ăn dân dã cùng thú vui quê hương.
Nguồn: Cổng thông tin điện tử huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang