Trích Sài là một trong 6 làng cổ thuộc vùng Kẻ Bưởi, một vùng đất gắn với sự hình thành và phát triển của Thăng Long - Hà Nội.Trích Sài cùng với những làng này nằm trên vùng bãi bồi ven sông Thiên Phù và sông Tô Lịch.
Trích Sài là một làng lớn nằm ở phía Tây Hồ Tây, được hình thành từ lâu đời. Từ thời Lê đến đầu thời Nguyễn, làng luôn là một phường, thời Lê thuộc huyện Quảng Đức, Kinh thành Thăng Long
Sử cũ ghi lại thời nhà Lý các phường của vùng Bưởi thuộc vùng ngoại thành Thăng Long nằm trong phủ Ứng Thiên.
Năm Gia Long thứ 4 (1905), các phường An Thái, Hồ Khẩu, Võng Thị, Trích Sài thuộc tổng Trung, huyện Vĩnh Thuận, phủ Hoài Đức.
Năm Minh Mệnh 12 (1831) các phủ, tổng, huyện này thuộc tỉnh Hà Nội. Trải qua nhiều thay đổi, Trích Sài ngày nay thuộc phường Bưởi, quận Tây Hồ, Hà Nội.
Năm 1915 đổi thành xã thuộc huyện Hoàn Long, tỉnh Hà Đông (năm 1942 lại đổi thành Đại lý đặc biệt Hà Nội). Từ năm 1981 là nằm trong phường Bưởi của quận Ba Đình, từ cuối năm 1996 được cắt chuyển về quận Tây Hồ.
Trích Sài cùng với các làng khác của Kẻ Bưởi nằm trên vùng bãi bồi ven sông Thiên Phù và sông Tô Lịch. Sông Thiên Phù được phù sa bồi lấp dần từ thời Lý, sang thời Lê dòng Thiên Phù chỉ còn lại dấu vết là những khoảnh ao.
Làng cổ Trích Sài - Ảnh: Sưu tầm
Trích Sài nguyên nghĩa tiếng Hán là “đốn củi”. Truyền rằng, xa xưa vùng này làu rừng rậm, phần lớn là gỗ lim cùng nhiều loại gỗ quý hiếm, trong đó có “loài cáo chín đuôi” trú ngụ tập trung ở rừng Long Đỗ, nên dân làng có nghề hái củi và săn bắn.
Các bộ sử lớn của nhà nước đều ghi, vào đầu thời Lý, vùng đất quanh hồ Dâm Đàm, tức Hồ Tây vẫn là rừng rậm, nhiều loại gỗ quý hiếm, trong đó có loài cáo chín đuôi trú ngụ nên dân Trích Sài hằng ngày tới kiếm củi bán và săn bắn.
Vua Lý Nhân Tông từng đặt bẫy bắt hổ ở đây, lấy voi của Chiêm Thành làm mồi nhử.
Dân làng Trích Sài còn có nghề đánh cá, cào ốc, bắt trai hến trong Hồ Tây vì nơi này các loài thủy sinh cư trú rất phong phú. Cùng với các làng An Thái, Bái Ân, Hồ Khẩu; Trích Sài nổi tiếng với nghề dệt lĩnh truyền thống.
Tam quan đình làng Phúc Thọ rêu phong cổ kính.
Nổi tiếng với nghề dệt lĩnh
Theo các nguồn tài liệu thì từ thời Lý, làng đã có nghề dệt lĩnh, tạo ra sản phẩm
độc đáo, được dùng để may quan phục trong triều và hoàng tộc.
Đến cuối thời Minh, có 4 anh em họ Lý ở xã Tây Hương, huyện
Long Khê, phủ Trường Châu, tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc), không chịu sự nô dịch của
quân Hung nô đã đưa vợ con vượt biển sang Việt Nam. Họ đem theo nghề dệt lụa
hoa và diềm hoa, gấm hoa dây, truyền cho dân phường Trích Sài và sau đó đi truyền
nghề cho dân các làng quanh vùng Thăng Long.
Vùng Kẻ Bưởi còn lưu trong ký ức hình ảnh vua Lý Công Uẩn -
vị vua anh minh hết lòng yêu nước, thương dân. Truyện xưa kể lại năm 1011 khi
vua vừa định đô ở Thăng Long có dịp đi ngự thuyền đến bến Giang Tân gần chợ Bưởi
ngày nay thì nhìn thấy có căng tấm lĩnh hình còn Rồng.
Vua lên bờ hỏi lại thì được biết làng Dâu, xóm Bãi đã dệt tấm
lĩnh để mừng vua ngự giá. Vua khen dân làng có nghĩa bèn đổi làng Dâu thành
làng Nghĩa Đô và xóm Bãi thành Bái Ân. Vua dặn dân làng cố gắng dệt lĩnh đẹp và
nhiều hơn để làm đẹp cho mọi người.
Đến đời vua Lý Thái Tông không dùng hàng gấm của nhà Tống nữa,
vua quan triều đình, hoàng hâu, công chúa dùng lụa, gấm, lĩnh của Thăng Long.
Năm 1156, nhà Lý còn tặng nhà Tống tám trăm năm mươi tấm lụa màu vàng có hoa Rồng
cuốn…
Lĩnh hoa vùng Bưởi nổi tiếng khắp nơi, không chỉ phục
vụ người dân kinh thành Thăng Long mà còn bán ra nước ngoài. Vì thế người xưa mới
có câu:
"The La, lĩnh Bưởi, chồi Phùng
Lụa vân Vạn Phúc, nhiễu vùng Mỗ bên".
Quán quê mộc mạc thân thương - Ảnh: Sưu tầm
Trích Sài còn bảo lưu nhiều di tích gắn với một phường của
Kinh thành Thăng Long xưa. Vùng đất này có một bề dày văn hóa, lịch sử, dấu
tích lưu lại đến ngày nay là hàng loạt di tích đền, chùa, miếu mạo.
Đền Phúc Lộc Thọ ở cạnh đình làng, thờ ba vị công chúa
gắn với việc trừ loài hồ tinh. Tục truyền Vạn Phúc công chúa và Vạn Lộc công
chúa là hai chị em, con của Vua Lý Nam Đế, đều hiền từ, xinh đẹp, đến tuổi cài
châm vẫn không chịu lấy chồng mà vẫn thích học pháp thuật để trừ tà, du ngoạn
trên sông nước.
Một lần, đến núi Long Đỗ ven Hồ Tây thuộc địa phận làng
Trích Sài, thấy có loài cáo chín đuôi chuyên làm hại dân trong vùng, hai nàng
liền lập đàn trừ cáo nhưng không được, liền quay về làng Yên Lữ đón Vạn Thọ phu
nhân là người pháp thuật cao, đến rừng Long Đỗ lập đàn.
Bà Vạn Thọ phu nhân cùng hai công chúa vừa cúng xong, cây rừng
bị mất nhiều, loài cáo chín đuôi chạy đi hết, song bà Vạn Thọ phu nhân cũng
theo giông bão mà hóa. Vua Lý Nam Đế nghe tin cho lập đền thờ Bà, gọi là Kim Mẫu
hóa thân.
Sau này khi hai chị em công chúa Vạn Phúc và Vạn Lộc hóa, đền
lại phụ thờ cả hai bà đền này còn gọi là đền Ba Bà chúa, lại có tên khác là am
Gia Hội.
Một di tích khác hiện còn là chùa Thiên Niên. Đây là
ngôi chùa của trang Thiên Nhiên - vốn là “thái địa”, tức một nửa số ruộng đất của
làng Trích Sài được vua Lê Thánh Tông trích ra để cấp cho các cung phu hưởng
hoa lợi, dần dần thành một trang, mang tên “Thiên Niên” (ý nói là nơi các cung
phi được hưởng lộc lâu dài).
Theo truyền thuyết, thời vua Lê Thánh Tông (1470-1497) nhà
vua cho một cung nữ gốc Chàm là Phan Thị Ngọc Đô cùng 24 thị tì ra ở thôn Trích
Sài lập trang Thiên Niên. Bà Ngọc Đô đem kỹ thuật dệt lĩnh cổ truyền của người
Chàm truyền lại cho dân làng, dạy dân trồng dâu, nuôi tằm.
Các cung phi đã lập ra ngôi chùa này. đến đầu thời Minh Mạng
(1820 - 1841), trang Thiên Niên lại được nhập vào phường Trích Sài, nhưng tên
chùa này vẫn không thay đổi.
Làng cổ Trích Sài không chỉ là mảnh đất có bề dày văn
hóa lịch sử, nhân dân nơi này còn có truyền thống yêu nước, kiên cường đấu
tranh qua hai cuộc kháng chiến. Về Trích Sài hôm nay cuộc sống của người dân đã
thay đổi.
Cây đa cổ gắn với tuổi thơ của biết bao thế hệ - Ảnh:
Sưu tầm
Con cháu của những người thợ dệt lĩnh ngày xưa nay đã làm
nhiều nghề khác nhau. Nghề dệt lĩnh hầu như không còn nhưng tiếng tăm về lĩnh
Trích Sài nói riêng, lĩnh Bưởi nói chung vẫn còn in đậm trong tâm trí của những
người Hà Nội và những người yêu Hà Nội.
TS. Bùi Xuân Đính
Nguồn: Hà Nội Mới;My Tour
Ths Nguyễn Thy Ngà tổng hợp