Nằm cách trung tâm Hà Nội khoảng 20km có một ngôi làng cổ đã trải qua hàng nghìn năm vẫn giữ được nhiều nét văn hóa mang đậm bản sắc của người Thăng Long xưa. Đó là làng Đăm, xã Tây Tựu, huyện Từ Liêm, Hà Nội.
Đăm là tên nôm của làng còn tên thường gọi là Tây Tựu. Từ
trung tâm Hà Nội theo hướng quận Cầu Giấy, theo đường 32 đến ngã tư Nhổn, chỉ
đi vài cây số là tới làng Đăm.
Về làng Đăm, cái không gian tĩnh mịch, yên bình với “tổ hợp
văn hóa làng xã” bao gồm cây đa, giếng nước, sân đình và nhiều dãy nhà ngói cổ
chạy dài làm đình chợ được bảo tồn hàng trăm năm nay dưới những tán cây bàng
xanh che bóng mát như kéo nhịp thời gian lùi trở lại quá khứ cổ xưa của làng.
Làng Đăm còn bảo tồn được nhiều di tích văn hóa lịch sử truyền
thống như đình Đăm, Đại Đình, Chính Ngự, Nhà Vũ Ca, Nghi Môn, Thủy Đình, Nhà
Thuyền, Miếu thôn Thượng… trong đó, nét văn hóa riêng nhất của làng là ngôi
đình Đăm.
Đình Đăm (còn gọi là đình Trung) do bà Nguyễn Thị Tính - một
phụ nữ làng Đăm là vợ vua Lê Thế Tông (1573 - 1599) kén thợ giỏi ở kinh thành
Thăng Long về xây dựng. Đình Đăm có nghi môn, tả vu, hữu vu, đại đình, hậu
cung, và đặc biệt nhà chính ngự ở đình cao 6,8m, chiều rộng mỗi bề 6,9m nằm ở vị
trí trung tâm, ngay trước gian giữa của đại đình.
Bốn mặt của nhà chính ngự đều có bậc tam cấp và 4 đôi sư tử
chầu ở hai bên lối lên. Nhà chính ngự là trụ sở điều hành các hoạt động văn hoá
của làng.
Đình làng Đăm thờ Đào Trường, còn gọi là Phúc thần Bạch Hạc
tam giang, người có công trong việc đánh đuổi giặc ngoại xâm thời Hùng Duệ
Vương. Khi giặc xâm chiếm nước Văn Lang, vua Hùng cho triệu Thổ lệnh Đào Trường
để bàn kế đánh giặc. Thổ lệnh tâu rằng: “ta nên đón đường thủy mà đánh”. Vua đồng
ý và giao cho Đào Trường thống lĩnh thủy quân.
Chỉ đánh một trận mà đại quân đã dẹp tan quân giặc. Thắng trận
trở về, ông được triều đình giao trấn giữ kinh thành Bạch Hạc. Sau đó, ông tiếp
tục chỉ huy đại quân Văn Lang đánh tan cuộc xâm lược lần thứ hai của giặc
phương Bắc và dẹp yên cuộc nổi loạn ở Hồng Châu. Trên đường từ Hồng Châu trở về,
ông đã giao quyền chỉ huy quân đội cho em là Thạch Khanh rồi theo dòng sông nhỏ
đến trang Tôn Thất và hóa tại đây.
Nhớ công ơn Đào Trường, dân làng ở nhiều nơi đã lập đền thờ
Đức Ông. Ở miền Bắc, 172 làng đã lập đền thờ tướngĐào Trường, trong đó có làng
Đăm. Cứ năm năm một lần, từ ngày 9 đến 11 tháng 3 âm lịch, người làng Đăm lại tổ
chức hội làng, trong đó nét độc đáo là lễ hội đua thuyền mà người dân thường gọi
là bơi Đăm.
Người làng Đăm thường tự hào: “bơi Đăm, rước Giá, hội chùa
Thầy”. Bơi Đăm là hội thi bơi chải, tưởng nhớ người anh hùng có công với dân với
nước, tái hiện lại chiến thuật luyện tập và tiến công bằng thủy quân của tướng
Đào Trường và đội quân của ông.
Một điểm nhấn trong nét xưa của làng chính là lễ hội làng
Đăm. Người làng chuẩn bị cho ngày hội từ đầu năm. Trong lễ hội, nghi thức quan
trọng nhất là rước Thánh từ miếu xuống đình…
Sau tế lễ là hội thi đua thuyền. Hiệu lệnh chuẩn bị đua thuyền
là tiếng chiêng, trống và tiếng pháo nổ giòn giã lúc kiệu thánh đã an vị ở đình
Thủy Tạ. Ba thôn Thượng, Trung, Hạ của làng mỗi thôn có hai thuyền đua. Xưa có
thêm một thuyền thứ 7 gọi là thuyền quan. Thuyền quan không đua mà chỉ làm nhiệm
vụ bơi theo quan sát cuộc đua thuyền trên sông Pheo.
Cùng với đua thuyền, trên mặt đất diễn ra những trò thả
chim, chọi gà, cờ người… Nuôi và chơi chọi gà cũng là điểm mạnh của làng Đăm, bởi
đây chính là một trong những vùng có truyền thống nuôi gà chọi nổi tiếng. Bên cạnh
đó là thi vật. Đất làng Đăm cũng là nơi có truyền thống vật với các đô vật lừng
danh như Hưng Thìn, Bếp Quý, Ba Oe…
Cuộc thi hát Chầu Văn ở Làng Đăm
Là một làng cổ, làng Đăm không chỉ có những di sản văn hoá vật
thể, phi vật thể đặc sắc mà nơi đây còn là vùng đất có truyền thống hiếu học.
Tính từ thời Hồng Đức đến thời Nguyễn, làng Đăm có 4 vị Tiến sĩ, 5 vị Hương Cống,
5 vị Cử nhân, hơn 30 Tú tài…
Trời ngả bóng chiều, sân đình Đăm là nơi các bậc trung niên
chơi thể thao, cụ già dưỡng sinh, bọn trẻ làng tan giờ học tụ tập đá bóng...
Dưới mái đình cong vút chạm trổ rồng phượng, không gian tĩnh
lặng, lách cách tiếng kéo của ông già râu tóc bạc phơ đang cắt tóc cho khách.
Ông bảo, khách hàng của ông là những người quen trong làng. Lúc rảnh rỗi, ông
kéo nhị giải khuây, thư thả. Nơi góc cổng làng, vài cụ bà miệng bỏm bẻm nhai trầu,
chuyện trò không dứt...
Qua cổng làng Đăm phóng tầm mắt nhìn xa là bạt ngàn những ruộng
rau, ruộng hoa khá quy mô và nổi tiếng của thủ đô… Một người bạn nước ngoài
cùng đi với tôi đến làng Đăm ngạc nhiên: “Đất và người làng Đăm còn giữ được
nhiều nét xưa đáng quý quá. Làng thanh bình quá!”.
Đăng Khoa