Lăng Bà Hạnh Nương – Ngọc Loan Công chúa đặt tại xã Sơn Cương, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ cây cối xanh tươi, thoáng mát. Đây là điểm an tịnh thi hài của vị nữ tướng nổi danh đã hơn hai nghìn năm đến gần đây mới được xây Lăng.
Hạnh Nương (tên thật của bà là Nguyễn Thị Hạnh) là nữ danh
tướng của Nhị vua Hai Bà Trưng, danh phong là Ngọc Loan công chúa. Ngôi đền tọa
lạc trên một đồi cao, thông, trúc xanh tốt quanh năm, phía xung quanh bao bọc
là hồ nước có sen, súng tỏa hương thơm ngát. Địa thế ngôi đền sơn thủy hữu
tình.
Theo lời kể của các bậc cao niên và ghi chép của sử sách, Hạnh
Nương công chúa xưa kia sinh ra trong một gia đình họ Nguyễn lương thiện ở vùng
Thao Giang, bà vốn là người có tài sắc hơn người, tinh thông võ nghệ là một vị
tướng tài giỏi dưới trướng của Hai Bà Trưng.
Trai tài trong làng nhiều người ướm hỏi nhưng bà đều từ chối
không muốn vương bụi trần để giữ mình trong sạch. Khi Hai Bà Trưng phất cờ khởi
nghĩa, ra lời hiệu triệu ở đất Phong Châu (Phú Thọ ngày nay), Hạnh Nương đã dựng
cờ, quy tụ những người tài giỏi, yêu nước quanh vùng, ngày đêm luyện tập võ nghệ
để tụ nghĩa cùng Hai Bà Trưng đánh đuổi quân Tô Định.
Khi Hai Bà Trưng khởi nghĩa, Hạnh Nương đã tuyển chọn 92
nghĩa binh từ trang Bổng Châu để tham gia chiến trận. Biết Hạnh Nương là người
thông minh, tài giỏi, võ nghệ tinh thông nên Nhị vua Hai Bà Trưng sắc phong cho
bà là Ngọc Loan công chúa và phong chức là Trưởng lĩnh Tiền quân.
Sau khi đánh tan giặc Tô Định, nữ tướng Nguyễn Thị Hạnh trở
về thăm quê hương, chính tại nơi đây bà đã mở yến tiệc khao quân, ban thưởng
cho dân làng. Hội mừng công được mở trên một mỏm đất hình con hổ trắng đang nằm
uống nước (vị trí tọa lạc ngôi đền ngày nay). Nơi đây về sau dân làng lập đền
thờ gọi là hành cung Du Yến (ngày nay là đền Du Yến, xã Chí Tiên).
Tương truyền, khi bà Hạnh Nương cùng Hai Bà Trưng tự vẫn ở
sông Hát Giang, con trai vua Thủy Tề thấy bà vô cùng xinh đẹp mới ướm hỏi xin
cưới, nhưng bà chỉ có nguyện vọng được trở về quê hương.
Cảm tài sắc của bà, vua Thủy Tề đã cho thi hài của bà nổi
lên để quân lính tìm được. Mọi người đem thi hài về đặt tại bến sông quê, sắp một
mâm oản gồm năm chiếc, rồi tìm nơi đất thiêng để chôn cất. Bến sông ấy nay gọi
là bến Oản thuộc xã Sơn Cương (huyện Thanh Ba).
Mộ của bà được giấu kín và giao cho một dòng họ bảo vệ gần
hai nghìn năm, cho đến gần đây mới xây dựng thành lăng tẩm. Mặc dù không phải
là con vua nhưng nhờ có tài sắc hơn người nên bà được gọi là công chúa.
Đời Lê, bà được vua Lê Cảnh Hưng phong làm Quốc Mẫu Đại
Vương, ghi vào lễ tiết quốc khánh thờ chung của cả nước. Bốn chữ này được sơn
son thếp vàng trên bức hoành phi chính giữa gian thờ.
Theo cuốn “Ngọc Loan công chúa ngọc phả cổ lục” do Hàn lâm
viện Đông các đại học sĩ Nguyễn Bính biên soạn vào tháng 10 năm Hồng Phúc thứ
nhất (1572), thì bà được phong làm “Trưởng lĩnh tiền quân”, nhân vật thứ ba sau
Hai Bà Trưng. Vì vậy nơi đây ghi Lăng Quốc Mẫu.