Làng Vạn Phúc là làng Việt cổ nằm bên sông Nhuệ, thuộc phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, có nghề dệt lụa nổi tiếng lâu đời bậc nhất Việt Nam với bề dày trên 1.000 năm.
Lược sử làng Vạn Phúc
Làng Vạn Phúc vốn có tên là làng Vạn Bảo từ thời Lý, Trần
thuộc tổng Thiên Mỗ, huyện Từ Liêm, châu Quốc Oai, lộ Đại La thành. Triều đại
nhà Lê, năm Quang Thuận thứ 7 (1466), vua Lê Thánh Tông phân nước Đại Việt làm
12 đạo thừa tuyên.
Đất làng Vạn Bảo, tổng Thiên Mỗ vẫn thuộc huyện Từ Liêm, phủ
Quốc Oai, Sơn Tây thừa tuyên. Tiếp đó, Vạn Bảo là một thôn của tổng Thiên Mỗ,
huyện Từ Liêm, phủ Quốc Oai, trấn Sơn Tây.
Năm Minh Mạng thứ 12 (1831), huyện Từ Liêm phủ Quốc Oai chuyển
về phủ Hoài Đức. Từ sau năm 1884, Vạn Bảo và các xã ở tổng Đại Mỗ không thuộc
huyện Từ Liêm mà chuyển về huyện Hoài Đức. Đời vua Thành Thái, làng Vạn Bảo đổi
tên thành làng Vạn Phúc. Năm 1896, Tỉnh lỵ tỉnh Hà Nội chuyển về xây dựng bên
dòng sông Nhuệ, trên phần đất của làng Cầu Đơ, Vạn Phúc ở vị trí giáp ranh với
lỵ sở tỉnh.
Sau Cách mạng Tháng Tám - 1945, đến tháng 4-1946, Vạn Phúc
cùng một số làng xã khác như Mộ Lao (Hoài Đức), Văn Quán, Hà Trì, Cầu Đơ...
(Thanh Oai) chuyển về thị xã Hà Đông.
Tháng 3-1947, thị xã Hà Đông bị quân Pháp chiếm đóng. Thị xã
chuyển về khu XI (Hà Nội). Phía bắc đường 6, trong đó có Vạn Phúc, Mộ Lao,
Phùng Khoang chuyển trở lại huyện Hoài Đức, cùng với quận IV (Hà Nội) và huyện
Đan Phượng lập thành Liên quận huyện IV - Hoài Đức, Đan Phượng.
Đầu năm 1948, Liên quận huyện giải tán, hai huyện Hoài Đức,
Đan Phượng hợp nhất lập thành huyện Liên Bắc; xã Vạn Phúc thuộc sự chỉ đạo của
huyện Liên Bắc. Năm 1948, Vạn Phúc cùng một số thôn Đại Mỗ, Tây Mỗ, Ngọc Trục,
Trung Văn, Giao Quang, An Thái, Phú Thứ hợp nhất thành xã Hữu Hưng.
Tháng 5-1949, địa giới kháng chiến hành chính thị xã Hà Đông
tái lập. Các xã ngoại thị được lập lại trên phạm vi rộng hơn, với 4 xã: Cương
Kiên, Tân Triều, Kiến Hưng và Văn Khê. Vạn Phúc cùng với 4 thôn: Mộ Lao, Phùng
Khoang, Ngọc Trục, Trung Văn hợp nhất thành xã Cương Kiên.
Tháng 2-1955, điều chỉnh lại địa giới hành chính thị xã Hà
Đông trong đó có địa bàn xã Cương Kiên; hai thôn Vạn Phúc và Ngọc Trục hợp
thành xã Vạn Ngọc. Năm 1959, xã Vạn Ngọc được tách ra để lập Ban hành chính khu
Vạn Phúc và Ban hành chính khu Ngọc Trục. Từ tháng 10-2003, Vạn Phúc trở thành
một phường của thị xã Hà Đông, sau đó là phường của thành phố Hà Đông
(2007-2009), quận Hà Đông (từ 2009 đến nay).
Đến tháng 4-2019, tổng số dân của phường Vạn Phúc là 18.610
người, mật độ trung bình là 12.834 người/km2 - xếp thứ 8/17 phường trong quận.
Làng nghề lụa Hà Đông
Làng Vạn Phúc gắn liền với nghề dệt lụa. Cư dân gốc xã Vạn
Phúc từ xưa có nguồn sống chủ yếu là nghề dệt và làm ruộng. Hai nghề này đều có
nền tảng từ khi là trang Vạn Bảo, cùng tồn tại phát triển theo bề dày xây dựng
làng xã mà cổng làng phía Đông Vạn Phúc luôn nổi bật dòng chữ “Vạn Phúc lai cầu”.
Đó là, mong nguyện của người dân Vạn Phúc qua các thời kỳ lịch sử.
Quá trình phát triển về nghề nghiệp và cuộc sống, nghề dệt ở
Vạn Phúc nổi tiếng với câu ca về “Lụa Vạn” ở vùng đồng bằng châu thổ Bắc Bộ và
cả nước. Nghề dệt ở Vạn Phúc được ghi trong thần phả, văn bia thành hoàng làng:
Bà A Lã hiệu Đê Nương quê ở châu Tụ Long, đạo Tuyên Quang có công truyền dạy cư
dân trang Vạn Bảo mở mang nghề dệt, nghề ruộng, dựng xây làng xã.
Ở Vạn Phúc, nghề dệt là nhân tố, là đặc trưng trong mọi hoạt
động kinh tế xã hội. Lực lượng lao động làm nghề dệt chiếm tỷ lệ rất cao. Người
dân Vạn Phúc vừa là chủ - vừa là thợ. Quan hệ giữa chủ và thợ không có sự cách
biệt, cùng nhau chia sẻ công việc, nhất là khi nghề dệt bước vào “mùa vụ”.
Trong tổ chức sản xuất, để có được một tấm lụa, người thợ dệt
phải trải qua một quy trình kỹ thuật phức tạp, với những công đoạn như: quay
tơ, hồ sợi, dệt, chuội và nhuộm... Trong khâu quay tơ, trọng tâm là khâu chọn
tơ để lọc ra những sợi mảnh, sợi mắc, mốt son, mốt cục.
Câu ca “the La, lụa Vạn - chổi Phùng” cho thấy, lụa và gấm ở
Vạn Phúc không chỉ có tiếng ở kinh thành Thăng Long, kinh đô Huế thời trước mà
còn mở rộng, phát triển mạnh hơn trong thế kỷ XX, nhất là từ khi Tổng đốc Hà
Đông Hoàng Trọng Phu thực hiện chính sách “chấn hưng công nghệ” và nguồn tơ hóa
học từ bên ngoài tràn vào.
Sản phẩm dệt của Vạn Phúc được các thương lái, công ty người
Việt, người Hoa, người Ấn, người Pháp mua đem bán ra nhiều vùng và ở nhiều nước
trên thế giới. Lụa, gấm Vạn Phúc tham gia hội chợ triển lãm kinh tế kỹ thuật về
hàng thủ công nghiệp ở một số nước, nhất là Paris nước Pháp.
Ngay Tổng đốc Hoàng Trọng Phu cũng phải tâm đắc, thừa nhận:
“Rất nhiều làng ở Hà Đông chuyên môn về nghề dệt the, lụa nhưng làng Vạn Phúc
là nơi mà nghề thủ công này phát triển rực rỡ nhất”.
Nghề dệt ở Vạn Phúc với sự trao đổi hàng hóa đa chiều, bao gồm:
tơ, sợi, gạo hồ, thuốc nhuộm, lương thực, thực phẩm, chất đốt, dầu đèn... phục
vụ nghề dệt và cuộc sống dân sinh đã tạo cho địa bàn Vạn Phúc vào mùa dệt đông
vui về mọi mặt.
Khách ra vào mua, bán các loại hàng hóa, thợ dệt thuê từ các
nơi khác đến làm việc cho các gia đình có từ 2, 3 khung dệt trở lên làm cho mật
độ dân cư ở các xóm có sự gia tăng về mặt cơ học. Thời điểm những năm 1930 thợ
đến dệt thuê, người về học việc có lúc lên tới vài trăm người. Đó là đặc điểm nổi
bật, riêng có về làng nghề và cư dân ở Vạn Phúc.
Do nghề dệt có thế mạnh nên một đặc trưng khác trong cuộc sống
lao động của cư dân Vạn Phúc là nghề nông ít được chú trọng. Toàn xã có 285 mẫu
ruộng thuộc các xứ đồng có tên gọi như: Miễu, Dộc Cả, Cửa Chùa, Bồ Nâu, Trầm, Cẩm
Khê, Bún, Dộc Chuôm, đồng Nịnh, đồng Hột, Dộc Thát, Mãn, Đường, Xen, Bói,
Mái...
Đồng ruộng của Vạn Phúc thường thì mỗi năm chỉ cấy một vụ
mùa. Do nghề dệt là mũi nhọn kinh tế, rất nhiều người không biết nghề nông, những
hộ có ruộng chủ yếu là thuê nông dân nơi khác đến cày cấy, làm cỏ, thu hoạch,
thóc lúa đủ đáp ứng nhu cầu lương thực của gia đình.
Phong tục, tập quán, tín ngưỡng
Trong làng có Đình, Đền Phường Cửi. Chùa và Miếu cổ. Miếu toạ
lạc bên dòng sông Nhuệ phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, Hà Nội. Đình và miếu phường
Vạn Phúc đều thờ Thành hoàng làng là bà A Lã hiệu Đê Nương có công dạy nghề, dạy
đức tạo lập nơi quần cư ấm áp cho cư dân Vạn Bảo.
Theo di tích để lại Cổ Miếu có trên 1.152 năm, thờ Bà Thành
Hoàng làng, người có công xây dựng làng Vạn Bảo xưa (nay là phường Vạn Phúc), tổ
nghề trồng dâu nuôi tằm và dệt lụa. Ngày nay với sản phẩm nổi tiếng khắp nơi là
lụa Hà Đông.
Bà tên Hùng Thị A Lã
Đê Nương , nguyên quán Châu Tụ Long, Đạo Tuyên Quang, Châu Tụ Long nay thuộc Quảng
Tây, Trung Quốc.
Bà là Thứ Phi của Cao Biền, lúc bấy giờ là An Nam Đô Hộ Sứ ,
có công dẹp quân Nam chiếu, xây thành Đại La. Trong chiếu dời đô của Lý Công Uẩn,
có gọi Cao Biền là Cao vương.
Sau này các cụ ở làng Vạn Phúc sưu tầm được ở Đền Tổ Hùng
Vương (Phú Thọ) thì theo Nguyễn Bính (Đông Các Đại Học Sỹ Lễ Bộ Thượng Thư Triều
Vua Lê Hiển Tông đi thần phả (tích) cho biết : Đức Thánh Bà đi du ngoạn khắp
nơi, tất cả những nơi đi qua chỉ dừng chân ngắm cảnh mà không lưu lại lâu ngày.
Nhưng khi Bà đến ấp Vạn Bảo thấy dân cư hiền hoà, cảnh đẹp, không xa thành Đại
La nên xin với chồng là Cao Biền định cư ở đây.
Nhờ Bà có thế đệ nhị quân phi nên trộm cướp bản địa không
dám đến quấy phá. Đất lành chim đậu, Bà dạy gái học nghề nông tang, trồng dâu
nuôi tằm, dệt vải, trai làm ruộng, học hành.Khi dân chúng đã thạo nghề , Bà đi
chu du một thời gian về lại xóm làng. Dân làng mở tiệc định giết trâu bò ăn mừng
bà phán: "Không cho phép giết trâu bò".
Lúc chồng về lại Trung Hoa, Bà xin ở lại. Vua Đường Ý Tông
vì nghe gièm pha mà ghép Cao Biền vào tội chết, Bà bên này nghe tin cũng quyên
sinh, Bà hóa khi còn trẻ. Dân làng nhớ công đức của Bà nên lập miếu thờ, từ đó
đến nay đã được 1152 năm. Miếu được tôn tạo nhiều lần và lần mới nhất là năm
2013.
- Miếu cổ tọa lạc trên một khuôn viên rộng bên dòng sông Nhuệ
ở phía sau làng. Ngôi Miếu ở thế “hữu thanh long - tả bạch hổ”. Phía trước “có
minh đường”, xưa kia chính là một ngòi nước lớn, thuyền, đò thường vào trú ngụ.
Trong khuôn viên miếu có: bệ thờ, sân lễ, tường hoa, nhà
quan cư (nhà để sắp lễ), xung quanh là cây cảnh sân được lát gạch trạm trổ các
bia hoa văn và các ao nước, có hòn non bộ nước chảy róc rách quanh năm.
- Đình Vạn Phúc: tọa lạc trên một địa thế cao ở giữa làng và
nhìn về hướng tây, thờ bà Ả Lã Đê Nương - tổ nghề dệt. Nơi ngôi đình toạ lạc,
xưa kia là nền móng của cung điện khi bà A Lã còn sống. Sau khi Bà qua đời (năm
869), cung điện là nơi thờ cúng rồi mới trở thành đình làng. Năm Đinh Sửu 1877
đời vua Tự Đức, dân làng đã phá đi để làm mới. Nhân dân Vạn Phúc góp của, góp
công xây dựng lại ngôi đình theo hình chữ “Quốc”. Lễ hội đình Vạn Phúc diễn ra
trong các ngày 11, 12 và 13 tháng Giêng âm lịch.
- Đền Phường Cửi: Một trong những người giúp việc cho Thành
Hoàng truyền dạy nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa cho nhân dân Vạn Bảo
là một người ở La Thành (không rõ danh tính) được Thành Hoàng mời về dậy nghề
cho nhân dân tại khuôn viên đền Phường Cửi ngày nay.
Sau khi Thành Hoàng về trời ngày 25 tháng chạp năm trước thi
ngày mồng 9 tháng giêng năm sau bà cũng xin về vài ngày. Sau 2-3 năm sau không
thấy Bà trở lại nhân dân cho rằng Bà đó đi theo Thành Hoàng. Để nhớ công ơn của
Bà nhân dân đó lập đền thờ bà ngay tại đền phường cửi nên đền thờ có tên là đền
Phường Cửi (đền thờ tổ nghề).
Từ xưa đến nay dân trong làng hàng năm cứ đến ngày10 tháng 8
kỷ niệm ngày sinh của Thành Hoàng làng và ngày 25 tháng chạp tưởng nhớ ngày mất
của Bà và từ ngày mùng 10 đến 13 tháng giêng là ngày lễ hội.
Ngày xưa triều đình khi hữu sự Vua sai quan về đây để cầu
xin Bà phò hộ để thắng giặc. Sau khi thắng quân xâm lược, Vua cùng quan quân về
đây cảm tạ.
Thời Lê Trung Hưng trước khi đánh nhau với nhà Mạc, Vua Lê
Chúa Trịnh đóng quân ở Sơn Tây, quan Thái Uý nằm mộng thấy một phụ nữ sang trọng
xưng "Thành Hoàng đất Vạn Bảo". Sau khi thắng nhà Mạc, Vua Lê Chúa Trịnh
về thăm Miếu cổ để lễ tạ và cho dân làng 100 quan tiền để tôn tạo Miếu thờ.
(Chính điều này do quan Thái Uý viết ra, Đại học sĩ Nguyễn Bính đưa vào thành
tích (thành phả) sự tích vị thần.)
Bài thơ dân gian được lưu truyền lại:
Chiếu Nga Sơn, gạch Bát Tràng
Vải tơ Nam Định, lụa hàng Hà Đông
Ai qua Thị xã Hà Đông
Ghé thăm Vạn Phúc mà không muốn về
Vạn Phúc có cây bồ đề
Có ao tắm mát có nghề cửi canh.
Hội làng Vạn Phúc là lễ hội lớn nhất ở Vạn Phúc, dành cho tất
cả người dân Vạn Phúc và du khách thập phương. Hoạt động chính của lễ hội mang
tính chất của nghề dệt. Hội làng diễn ra từ ngày 9 đến ngày 13 tháng giêng.
Ngày 11 tháng giêng làng rước kiệu Long Đình cùng những đồ dùng của đức Thánh
Hoàng làng, gồm: thúng son, kéo, thước, thoi - vạch ngà từ Đình xuống Miếu để
đón Thánh Bà lên Đình vui Hội với dân làng.
Đến ngày 16 (nay là ngày mồng 3) tháng giêng hết Hội, dân
làng lại rước Thánh Bà về Miếu. Từ ngày 11 đến 13 tháng Giêng cả làng đều ra
Đình lễ, từng gia đình và cả xóm (nay là tổ dân phố) cùng chung nhau biện từ 10
đến 20 mâm lễ (oản, xôi, hoa quả, các loại bánh...).
Lễ hội Đền phường Cửi là lễ hội lớn nhất của những người làm
nghề dệt lụa ở Vạn Phúc và các làng lân cận, để bày tỏ lòng biết ơn Thánh sư đã
truyền dạy nghề dệt cho dân làng. Hằng năm vào dịp kỳ phúc tháng Giêng và tháng
8 âm lịch là dịp diễn ra nghi thức gia nhập phường Cửi của các hộ dân trong
làng.
Những người muốn gia nhập phường Cửi phải làm lễ gồm: một
mâm xôi, một con gà, một đồng tiền Đông Dương (tiền công đức cho quỹ phường Cửi),
sau khi thực hiện nghi thức này thì mới được bắt đầu làm nghề dệt. Lễ hội cũng
là dịp để người thợ Vạn Phúc trình diễn những sản phẩm, những bộ quần áo được dệt
may khéo léo.
Xây dựng quê hương trên vùng đất trang Vạn Bảo, các thế hệ
cư dân Vạn Phúc đã xây cất những ngôi chùa, đình, miếu, đền Phường Cửi, Văn Chỉ...
đó là những công trình kiến trúc cổ của quê hương:
- Chùa Vạn Phúc: nhìn về hướng Nam, các hạng mục
công trình như gác chuông, nhà ngoài, chùa chính kết cấu theo kiểu chữ đinh.
Chùa Vạn Phúc xây dựng lại từ triều Nguyễn, là nơi phục vụ tín ngưỡng của nhân
dân địa phương, là di tích lịch sử văn hóa, giáo dục truyền thống yêu nước, lao
động của các thế hệ dân cư.
Nguồn: Sở Du lịch Hà Nội