Lăng Kinh Dương Vương ở thôn Á Lữ, xã Đại Đồng Thành, huyện Thuận Thành. Lăng Kinh Dương Vương là một di tích lịch sử đặc biệt về Kinh Dương Vương, nhân vật được coi là ông nội Hùng Vương thứ nhất, thủy tổ của người Bách Việt thời cổ.
“Dù ai đi ngược về xuôi Nhớ ngày giỗ tổ mồng mười tháng
ba”...
Câu nói truyền miệng ấy từ ngàn xưa, luôn nhắc nhở người đời sống thủy
chung sau trước, phải biết cây có gốc, nước có nguồn, đạo lý ấy trở
thành lẽ sống sâu đậm trong mỗi người, vì thế ròng rã suốt ba tháng
xuân, từ khắp nẻo đường Tổ quốc, người người lần lượt hành hương về đất
tổ Vĩnh Phú (nay là tỉnh Phú Thọ), thăm viếng các vua Hùng có công dựng
nước. Đáng tiếc, có lẽ chưa rõ địa danh lăng Kinh Dương Vương nên rất ít
người về thăm viếng, thắp nén hương trầm tưởng nhớ vị thủy tổ người
Việt.
Từ thành phố Bắc Ninh ( trước là thị xã Bắc Ninh) xuôi đường 38 đến Cầu
Hồ (trước là phà Hồ) khoảng 12km, đến ngã tư Song Hồ khoảng 500m, rẽ
phải dọc theo đê sông Đuống chừng 5km đến thôn Á Lữ, xã Đại Đồng Thành,
huyện Thuận Thành nơi có lăng mộ Kinh Dương Vương và đền thờ Kinh Dương
Vương, Lạc Long Quân – Âu Cơ được xây dựng từ lâu đời và được tu bổ lập
bia năm Minh Mệnh thứ 21(1840).
Khu đền thờ và lăng mộ Kinh Dương Vương.
Khu lăng Kinh Dương Vương nằm ở
ngoài đê, cách dòng Đuống ngày nay khoảng 500m. Lăng xưa, rợp bóng đại
thụ, tạo cảnh quan tĩnh mịch, uy nghiêm. Thời thuộc Pháp khu lăng bị tàn
phá trơ trụi, mãi đến năm 1971, nhân dân thôn Á Lữ mới có điều kiện quy
hoạch và tôn tạo khang trang, thoáng mát mà vẫn đậm đặc dấu ấn của kiến
trúc cổ.
Lăng có 8 mái “hai tầng mái”, trước cửa lăng mộ có 3
bệ thờ, trên đường vào về phía tay phải khu lăng mộ có ngôi nhà để du
khách sắp lễ… toàn bộ diện tích khu lăng mộ khoảng 4200 m2. Nghi trượng
khu lăng mộ gồm: Tấm bia đá xanh cao 1,05m, rộng 0,45m, mang dòng chữ “Kinh Dương Vương lăng” bia khắc năm Minh Mệnh thứ 21 (1840) tháng 11, ngày 16 dựng xong lăng; trước lăng có đại tự “Nam bang thủy tổ” và câu đối “Việt nam sơ đầu xuất – Hồng bàng vạn đại xương” và “Lập thạnh kỷ công nam thánh tổ, Phong thần tổ tích bắc thần tôn”, cùng một số bát hương sành, sứ cỡ lớn hoa văn cổ kính…
Kinh
Dương Vương được nhândân Á Lữ tôn thờ ở đình làng (đình bị Pháp phá năm
1949), đền trong thờ Lạc Long Quân, đền ngoài thờ Âu Cơ (hai đền đều bị
Pháp phá năm 1949). Năm 1959 nhân dân Á Lữ rước ba vị về thờ ở khu văn
chỉ (nơi thờ hiện nay). Đền hiện nay gồm ba gian xây cất kiểu chữ công,
nhà ngoài (tiền tế) gồm 5 gian, đủ để lập các ban thờ và tiếp đón du
khách thăm viếng, có tường gạch bao quanh để bảo vệ, diện tích khu đền
khoảng 2347 m2.
Ba gian trong – gian giữa có long ngai sơn son
thếp vàng đặt trên bệ thờ Kinh Dương Vương, gian bên trái có ngai đặt
trên bệ thờ Âu Cơ, gian bên phải có ngai đặt bệ thờ Lạc Long Quân, cùng
với hệ thống nghi trượng bằng đồng, gỗ, sứ khá phong phú như: mâm đồng,
đỉnh, lư hương, ống hoa, thau rước nước, chiêng… Các bức đại tự
đặt ở vị trí trang trọng: “Nam tổ miếu”, “Nam bang thủy tổ” và câu đối “Việt Nam hoàng đồ vạn lý giang sơn đề tạo thủy – Hồng Bàng đế trụ thiên thu hà lạc tú linh thanh”, “Phụ đạo thiên niên quốc – Âu Cơ bách noãn bào”…
cùng 15 đạo sắc của các vua triều Nguyễn ban cấp hiện còn lưu giữ, đạo
sắc có niên hiệu sớm nhất: “… Gia Long cửu niên (1810) tháng 8 ngày 11
Sắc chỉ. Siêu Loại huyện, Á Lữ xã, viên sắc xã trưởng toàn xã đẳng hệ
luôn xã tòng tiền phụng sự Kinh Dương Vương nhất vị hữu linh triều gia
tôn mỹ tự chuẩn hứa y cựu phụng sự chỉ thần kính ý cố sắc”… Đạo sắc có
niên hiệu muộn nhất… Khải Định cửu niên (1924) tháng 7 ngày 25 sắc chỉ,
Bắc Ninh tỉnh, Thuận An phủ, Siêu loại huyện, Á Lữ xã, toàn tiền phụng
sự Kinh Dương Vương hộ quốc tý dân hiển hữu công đức tiết mông ban cấp,
sắc chỉ chuẩn hứa phụng sự tứ kinh chính trực…
Ngoài lăng mộ,
đình, đền và những sưu tập hiện vật được bảo trọng tại Á Lữ Đại Đồng
Thành, Thuận Thành, nói về thủy tổ người Việt, rành rành sử sách còn
ghi:
“… Vua Kinh Dương Vương tự là Lộc Tục, thú Động Đình quân nữ,
sinh ra Lạc Long Quân – tự là Sùng Lãm, ngài thú đức Âu Cơ sinh trăm con
trai, sau 50 người theo mẹ lên núi, 50 người theo cha xuống vùng biển
khai phá, gìn giữ mở mang bờ cõi, ngài truyền cho con cả nối ngôi – vua
Hùng Vương thứ nhất …”
“Kể từ khi Kinh Dương Vương, họ Hồng Bàng
nối dòng dõi Thần Nông, lấy con gái vua Động Đình, sáng rõ đạo vợ
chồng, theo đúng nguồn phong hóa, vua thì lấy đức mà cảm hóa dân, rũ áo
khoanh tay, dân thì cày ruộng, đào giếng, ra ngoài thì làm lụng, trở về
thì nghỉ ngơi, chẳng phải là phong tục thái cổ của Viêm đế ư ? Lạc Long
Quân nối đời Hồng Bàng lấy con gái họ Âu Lạc mà có điềm lành sinh trăm
con trai, tổ của người Bách Việt thực bắt đầu từ đấy, hưởng nước trải
nhiều năm, rất là lâu dài, đã giàu thọ lại nhiều con trai từ xưa tới nay
chưa từng có, Hùng Vương nối nghiệp Lạc Long, chăm ban tước huệ để vỗ
yên dân…”
“Kỷ Hồng Bàng thị - Kinh Dương Vương tên húy là Lộc Tục, con cháu họ thần Nông…”
Phù
hợp với những chứng tích tại các di tích Khảo cổ học, khu vực lăng mộ
và đình miếu ghi nhận về Lộc Tục, tức Kinh Dương Vương tại thôn Á Lữ, xã
Đại Đồng Thành, huyện Thuận Thành đã đặt niên mốc 2873 TCN vào trang
đầu lịch sử dựng nước. Tiếp đó là sự có mặt của Lạc Long Quân con trai
và người kết tục sự nghiệp Kinh Dương Vương trên vùng đất này…
Tôn
trọng sự thật lịch sử, ngày 2/2/1993. Bộ Văn hóa – Thông tin ra quyết
định số 74/VH-QĐ công nhận “Di tích lịch sử lăng và đền thờ Kinh Dương
Vương, xã Đại Đồng Thành, huyện Thuận Thành”.
Dù cho chiến tranh
tàn phá, bão lũ hủy hoại, nhân dân Á Lữ luôn bảo trọng, tôn tạo khu di
tích lịch sử lăng và đền thờ Kinh Dương Vương để nhân dân trong làng và
du khách thập phương quanh năm hương khói và tụ hội ( từ 15 đến 18 tháng
giêng âm lịch hàng năm) dâng hương bái lạy tiên tổ biểu thị truyền
thống “Uống nước nhớ nguồn”.
Di tích lịch sử lăng và đền thờ
Kinh Dương Vương khẳng định Bắc Ninh là vùng đất người Việt cổ sớm tụ cư
– cái nôi chốn tổ của đất Việt. Và làm phong phú thêm kho tàng lịch sử
xứ Bắc cổ kính và văn hiến; sáng rõ thêm cội nguồn dân tộc Việt Nam.
Lăng Kinh Dương Vương (hiện nay)
Lăng Kinh Dương Vương (cũ)
Bia đá " KINH DƯƠNG VƯƠNG LĂNG"
3 gian nhà ngói để khách dừng chân, sắp lễ (bên phải)
Bên trong ban thờ khu lăng
Ngai thờ vua Thủy Tổ An Dương Vương
Theo bacninh.gov.vn