Năm 40, Nhị vua Hai Bà Trưng dấy cờ khởi nghĩa đánh đuổi bọn đô hộ nhà Hán, Vân Nội là tiền đồn quan trọng trong hệ thống tấn công và phong thủ của Hai Bà, nơi Nhị vị tướng quân Đông Vĩnh và Uông Tá và bà Diệu La công chúa tổ chức trận tuyến.
Làng Vân Nội (hay Viên Nội), Xã Vân Nội, huyện Đông Anh, Hà
Nội đầu thế kỷ XIX là một xã thuộc tổng Tuân Lệ, huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn,
trấn Kinh Bắc (từ năm 1831 là tỉnh Bắc Ninh). Năm 1876, làng thuộc huyện Đông
Anh, tỉnh Bắc Ninh (từ 1903 chuyển sang tỉnh Phúc Yên).
Sau Cách mạng Tháng Tám, làng nằm trong xã Liên Hiệp, huyện
Đông Anh, tỉnh Phúc Yên (từ năm 1950 là tỉnh Vĩnh Phúc). Năm 1961, huyện Đông
Anh được chuyển về Hà Nội. Năm 1965, xã Liên Hiệp đổi tên thành Vân Nội.
Vân Nội là một làng cổ. Tài liệu Hán Nôm còn lưu cho biết, từ
thời Hùng Vương, đây đã là một làng đông đúc. Năm 40, Hai Bà Trưng dấy cờ khởi
nghĩa đánh đuổi bọn đô hộ nhà Hán, Vân Nội là tiền đồn quan trọng trong hệ thống
tấn công và phong thủ của Hai Bà, nơi Nhị vị tướng quân Đông Vĩnh và Uông Tá và
bà Diệu La công chúa tổ chức trận tuyến. Nhiều xứ đồng, địa danh còn lưu cho thấy
điều đó, như Quần Lưu, Quần Chối, Quần Từa, Quần Nội, Đầu Ông, Quần Giang …
Tương truyền, trong một trận chiến đấu, quân của Đông Vĩnh,
Uông Tá, Diệu La bị thất thế. Bà Diệu La khẩn cầu thần Kim Quy đến giúp. Lời khấn
vừa dứt, xuất hiện một quả ngọc cầu và đàn “xà giảo” khoang đen trắng bay trên
đầu giặc và đuổi theo chúng.
Quân sĩ bà Diệu La như được tiếp thêm khí thế, theo bóng quả
cầu và đàn xà giảo xông thẳng vào đội hình giặc. Quân giặc khiếp đảm, tháo chạy
tán loạn. Sau chiến thắng, hai ông Đông Vĩnh, Uông Tá cùng bà Diệu La về đóng
quân tại rừng Am Thông, mở tiệc ăn mừng.
Tiệc đang vui thì cả ba người cùng hóa. Dân làng thương tiếc
lập miếu thờ, hàng năm mở hội vào ngày mồng 8 tháng Giêng. Trong hội có lễ thức
“cướp cầu” diễn lại sự tích thành hoàng làng đánh giặc nhờ sự phù trợ của quả cầu
và đàn “xà giảo”.
Quả “thần cầu” hay “ông Quả” được làm bằng gỗ tốt, khó bị nứt
nẻ, quanh năm được đặt trên ngai thờ, phủ vải đỏ. Đến sát ngày lễ mới đem xuống
làm lễ “mộc dục” bằng nước thơm. Kèm theo “ông Quả” còn có 200 “ông Móc” tượng
trưng cho đàn “xà giảo”, được làm bằng tre non, từ đoạn tre lành lặn, trồng ở
nơi sạch sẽ, thoáng đãng, giao cho các gia đình đủ tiêu chuẩn chuốt vót, sơn
khoang đen trắng.
Làng Vân Nội năm 1928 có 880 nhân khẩu, trai đinh chia làm 2
giáp, một giáp chứa “thần Cầu”, một giáp chứa các “ông Móc”, tại một gia đình
“sạch sẽ”. Chiều mồng 7 tháng Giêng, giáp chứa “thần Cầu” rước cầu vào nhà ông
chứa và làm lễ. Sáng hôm sau, mỗi trai đinh của giáp chứa ông móc cầm một ông
móc đến nhà ông chứa cầu, dùng các “ông móc” để “móc” người chứa cầu, Phe chứa
cầu ra sức chống đỡ, bảo vệ, để ông chứa cầu len lỏi đám đông, đặt quả cầu lên
kiệu.
Sau đó, cả hai phe cùng rước cầu về đình và tại đây diễn ra
cuộc tranh cầu giữa hai phe, cho đến khi quả cầu được đưa vào vị trí một trong
4 phe của hai giáp , để xác định quyền chứa cầu cho kỳ hội năm sau.
Đình Cả Vân Trì, xã Vân Nội, huyện Đông Anh thờ hai vị tướng thời nhị vua Hai Bà Trưng. Hai vị gọi là Trưng Đệ Nhất và Trưng Đệ Nhị.
Làng Vân Nội sớm tiếp thu ánh sáng cách mạng của Đảng. Từ
năm 1941, Vân Nội là một điểm trong An toàn khu của Trung ương ở bờ Bắc sông Hồng.
Nhiều lãnh tụ của Đảng, như Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Hoàng Văn Thụ …từng
ăn ở, làm việc tại làng. Cơ quan in báo “Cờ giải phóng” cũng đặt tại đây. Ngày
12 - 3 - 1945, tại đây, bản Chỉ thị lịch sử “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động
của chúng ta” đã được Thường vụ Trung ương khởi thảo.
Ngày nay, Vân Nội đang được đô thị hóa với việc hình thành
khu đô thị Vân Trì - Vân Nội. Đây còn là vùng rau sạch cung cấp cho nội thành.
TS. Bùi Xuân Đính